Trong khi tương lai của Coteccons gần đây trở nên khó đoán với những biến động nhân sự cấp cao thì Ricons bắt đầu có những bước đi mới.
Một cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường sẽ được CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons (OTC: Ricons) tổ chức vào chiều ngày 10/10 sắp tới với tờ trình về việc đổi tên doanh nghiệp thành CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons Group).
Ricons, với 14.3% cổ phần được nắm bởi CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD), là một trong những điểm mâu thuẫn trọng yếu trong “nội chiến” giữa Ban lãnh đạo và cổ đông lớn tại Coteccons vào tháng 6 năm nay. Những căng thẳng lắng xuống sau khi các bên tỏ ra hòa hoãn vào kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên, với lời xin lỗi từ phía Chủ tịch Coteccons Nguyễn Bá Dương và lời cam kết không can thiệp sâu vào quản trị doanh nghiệp của đại diện cổ đông lớn Kustocem Pte Ltd.
Sau kỳ họp, trong khi triển vọng tương lai của Coteccons gần đây trở nên khó đoán hơn với những biến động nhân sự cấp cao, Ricons cho thấy họ bắt đầu chuyển động.
Chuyển trụ sở ra khỏi tòa nhà Coteccons, và giờ tiếp tục đổi tên là những bước đi hành lang của nhà thầu này trong định hướng mở rộng ra khỏi lĩnh vực xâu dựng đơn thuần và tham gia vào các ngành kinh doanh bất động sản, nhà xưởng khu công nghiệp và cho thuê văn phòng.
Ricons tiền thân là CTCP Đầu tư Phú Hưng Gia được thành lập từ năm 2004, với vốn điều lệ ban đầu 17 tỷ đồng và hoạt động chính là đầu tư - kinh doanh bất động sản. Đến năm 2008, doanh nghiệp này mở rộng ngành nghề sang lĩnh vực xây lắp, hoạt động chủ yếu tại khu vực miền Nam và dần trở thành một trong những nhà thầu tư nhân hàng đầu Việt Nam.
Ricons được biết đến là thầu phụ cho Coteccons tại các dự án quy mô lớn, có thể kể đến như siêu dự án 16 tòa tháp Vinhomes Ba Son. Tuy nhiên, mối làm thầu phụ cho Coteccons đã chấm dứt kể từ cuối 2019, theo chia sẻ của TGĐ Ricons Lê Miên Thụy lẫn thông tin công bố từ phía Coteccons.
Trùng thời điểm Ricons bắt đầu không còn tham gia thầu phụ cho Coteccons, tại một buổi tiệc tất niên cuối năm…, Tổng Giám đốc Ricons Lê Miên Thụy đã phát biểu: “Ricons không còn là một thương hiệu độc lập mà đã trở thành một thương hiệu trong chuỗi sinh thái của Ricons Group. Cùng với Ricons sẽ là Riland, Rihomes, Risa, Rilex, Ricommerce, Quihub và Fritech.”
Hệ sinh thái Ricons Groups
Nguồn: Báo cáo thường niên 2019 của Ricons
|
Đây là nền tảng giúp Ricons tối ưu hoá mô hình tổng thầu khi trở thành một trong số ít những doanh nghiệp xây dựng sở hữu chuỗi giá trị từ vật liệu, cơ khí, tư vấn, thiết kế, xây lắp cho tới đầu tư và quản lý bất động sản, báo cáo thường niên 2020 của Ricons nêu rõ.
Ricons sở hữu 98% Riland và 97% QuiHub, còn 4 đơn vị còn lại đều trực thuộc Riland. Đương nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, xây dựng vẫn là mảng chủ chốt của Ricons Group, trong khi mảng kinh doanh và quản lý bất động sản chỉ mới được phát triển nên hoạt động mua bán, cho thuê căn hộ,... chưa đóng góp đáng kể về doanh thu.
“Với lợi thế sẵn có cùng với kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản thì chiến lược phát triển của mảng kinh doanh này trong tương lai sẽ rất hữu ích”, báo cáo thường niên 2019 của Ricons cho biết.
Ricons hiện cũng đang lên kế hoạch đưa cổ phiếu niêm yết trước tháng 02/2021, theo đó nhà thầu này dự kiến có được sự chấp thuận của HOSE vào cuối năm 2020. Nhưng cũng cần nhớ rằng, lời hẹn niêm yết cổ phiếu của Ban điều hành Ricons với cổ đông đã kéo dài từ năm 2018.
Trong giai đoạn lỡ hẹn niêm yết, từ 2017-2019, Ricons đã tăng vốn điều lệ từ 105 tỷ đồng lên mức hơn 317 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiệu hữu và cổ đông chiến lược, cổ tức cổ phiếu và phát hành ESOP. Trong đó, đợt phát hành cho các cổ đông hiện hữu, chiến lược vào năm 2018 - cũng là năm thành lập Riland, đã mang lại nguồn thặng dư trên 710 tỷ đồng cho Ricons.