Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Chuyện gì đang xảy ra với tỷ phú 'liều ăn nhiều' Masayoshi Son: Công ty thua lỗ, các startup đầu tư cũng thua lỗ

11/09/2019 13:09

Khi Softbank đầu tư hơn 2 tỷ USD vào startup chia sẻ không gian văn phòng WeWork vào tháng 1 vừa qua, nó được định giá 47 tỷ USD. Thế mà tuần này, các thông tin cho thấy We Company - công ty mẹ WeWork đang nhắm tới giá trị giảm đi một nửa so với kỳ vọng trước đó ngay trước thềm IPO, tức là chỉ vào khoảng 20 tỷ USD.

Trong khi đó, bản thân Softbank đã ghi nhận khoảng thua lỗ trị giá 200 tỷ yen (tương đương 1,87 tỷ USD) trong quý kết thúc vào tháng 6, hầu hết là do giá cổ phiếu giảm mạnh của Uber - một công ty mà họ đầu tư vừa niêm yết trong năm nay.

Hàng loạt khoản đầu tư đáng thất vọng dần lộ diện khiến người ta tỏ ra nghi ngờ về huyền thoại đầu tư thành công Softbank và vị thuyền trưởng Masayoshi Son. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng tình huống này xảy đến đúng thời điểm các nhà đầu tư đang xem xét kỹ những kỳ lân (startup trị giá trên 1 tỷ USD) bởi đa phần đều chưa có lợi nhuận. Những công ty như vậy từng nhận được sự quan tâm to lớn nhờ tiềm năng tăng trưởng nhưng hiện tại các nhà đầu tư đã trở nên lo ngại về khả năng đó do tình trạng suy giảm kinh tế.

Softbank đã tiêu tổng cộng 10 tỷ USD để mua một lượng lớn cổ phần của We Company.

Số phận của WeWork sẽ không chỉ ảnh hưởng tới Softbank mà còn cả những ngân hàng làm ăn với công ty này. Năm ngoái, họ đã trả 872 triệu USD hoa hồng cho các ngân hàng đầu tư - mức cao nhất trong 1 thập kỷ qua.

Riêng ngân hàng Mizuho đã nhận khoảng 10 tỷ yen hoa hồng từ Softbank.

Dù ở mức giá trị thấp hơn, We Company vẫn là một trong những kỳ lân lớn nhất nước Mỹ. Startup này đang chuẩn bị cho buổi roadshow vào tuần tới, giới thiệu tới các nhà đầu tư trước thềm IPO.

Tuy nhiên, màn chào sàn có thể bị trì hoãn phụ thuộc vào kết quả cuộc thảo luận giữa We Company và Softbank.

Những kỳ lân lên sàn trong năm nay dường như có số phận đối lập. Cổ phiếu của startup kết nối video Zoom Video Communication đã tăng tốt trong khi đó giá cổ phiếu Uber đã giảm gần 30% so với mức IPO, còn đối thủ Lyft cũng xuống mức thấp nhất.

"Các nhà đầu tư đang tỏ ra rất cảnh giác để đảm bảo họ không mất tiền, nhất là sau khi chứng kiến hoàn cảnh của Uber và Lyft", theo Kathleen Smith.

Uber, Lyft và We Company cho thấy tiềm năng có thể có lãi là rất thấp. Thua lỗ của We Company đã đạt 1,61 tỷ USD vào năm 2018 - mức gần tương đương với tổng doanh thu. Công ty mẹ của WeWork đã thua lỗ 680 triệu USD trong nửa đầu năm nay.

Uber thì chứng kiến khoản lỗ 5,2 tỷ USD trong 3 tháng kết thúc vào tháng 6, tháng tồi tệ nhất trong lịch sử công ty. Cùng thời điểm Zoom lại đang cho thấy họ sẽ sớm có lãi.

176-2611-1567943811.jpg

Softbank đã tiêu tổng cộng 10 tỷ USD để mua một lượng lớn cổ phần của We Company. Ảnh: We Work.

Một mối đe dọa chung nữa giữa các kỳ lân là đa phần họ đều cho ra mắt các dịch vụ vào giai đoạn khủng hoảng toàn cầu năm 2008. "Hầu hết mô hình kinh doanh của họ chưa được thử nghiệm hoàn toàn", theo một giáo sư tại Đại học Stanford.

Doanh thu của We Company chủ yếu dựa vào thu nhập cho thuê không gian văn phòng. Tuy nhiên trong xu hướng kinh tế suy giảm, các bên đi thuê có xu hướng chọn những văn phòng nhỏ hơn để tiết kiệm chi phí thay vì chuyển toàn bộ ra ngoài.

Trường hợp của Uber và We Company cũng chỉ ra một "bệnh dịch" được nhắc đến từ lâu đó là tình trạng gọi vốn quá đà từ các kỳ lân, rất nhiều trong số đó đã nhanh chóng "đốt" hết số tiền được đầu tư để mở rộng kinh doanh nhưng lại không thể tìm ra cách để có lợi nhuận.

Một chuyên gia nghiên cứu nhận định việc rót vốn bừa bãi giống như vỗ béo cho các startup vậy. Và Softbank với quỹ đầu tư Vision Fund chính là ví dụ điển hình của trào lưu mới này.

Số lượng những vòng huy động vốn giá trị từ 100 triệu USD trở lên cho các startup Mỹ đã tăng gần gấp 3 trong giai đoạn 2016 - 2018. Nhưng sau khi IPO, các công ty được gây vốn nhiều nhất có xu hướng kinh doanh sa sút hơn những công ty nhận được ít tiền hơn.

Với Masayoshi Son, dường như tất cả nằm trong tính toán của ông. "Nhìn khắp mọi thứ, thu nhập thông tin và tính toán chiến lược. Nếu có khoảng 70% cơ hội thành công thì hãy làm".

Cũng cần nhắc lại rằng một gã khổng lồ như Amazon từng thua lỗ trong nhiều năm sau khi thành lập vào năm 1997. Tuy nhiên, công ty này đã vượt qua cả bong bóng dotcom và khủng hoảng kinh tế toàn cầu để trở thành một trong những công ty giá trị nhất trong lịch sử.

Chính vì vậy, dường như Softbank cũng đang rất chờ đợi Uber và WeWork sẽ trở thành những Amazon tiếp theo.

Theo Trí Thức Trẻ