Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Chuyện Gia Cát Lượng răn dạy con cháu và bài học "tu luyện thân tâm" để xoay chuyển vận mệnh đời người

17/09/2018 12:42

Hai bức thư gửi con trai và cháu trai của bậc anh hùng thời Tam Quốc sẽ cho bạn thấy một Gia Cát Lượng “tề gia” chu toàn thế nào.

Gia Cát Lượng, tên tự là Khổng Minh, là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất của Trung Quốc trong thời Tam Quốc. Gia Cát Lượng được công nhận là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất thời đại ấy. Trí tuệ của ông thể hiện ở rất nhiều mặt như mưu lược dùng binh, tài tiên tri, lý số, kỳ môn độn giáp… Tuy nhiên, ít người biết rằng ông cũng là một người rất có trách nhiệm với gia đình, rất quan tâm đến chuyện dạy dỗ con cái.

Những bài học mà ông gửi gắm cho con cháu thông qua 2 bức thư ngắn đã trở thành bài học lập thân lập nghiệp sâu sắc và còn nguyên giá trị tới ngày nay:

"Giới tử thư" Gia Cát Lượng gửi con trai Gia Cát Kiều:

Phẩm hạnh của một người có tài đức vẹn toàn phụ thuộc vào nội tâm của họ, bao gồm sự an tĩnh, tập trung để tu dưỡng cân bằng thân và tâm. Để tu luyện thân tâm, người ta phải chú ý đến hành động và suy nghĩ của mình. Nếu không xem nhẹ được danh lợi thế tục thì không thể xác định được chí hướng của bản thân. Nếu tâm không tĩnh thì không thể có chí hướng cao xa.

Kẻ học làm người phải chuyên tâm, phát triển tài năng thì cần rèn luyện khắc khổ. Không xác định được chí hướng của bản thân thì không thể thành công, cho dù có tốn nhiều công sức đến đâu. Mưu cầu hưởng lạc, biếng nhác, không tập trung thì không thể đánh thức tinh thần; nhỏ mọn và dễ nổi nóng thì không thể bồi dưỡng tính tình.

Khi tuổi trẻ qua đi, ý chí cũng tiêu mòn theo năm tháng, cuối cùng thì cũng như cái cây khô úa, vô dụng mà thôi. Đến lúc đó con chỉ có thể ngồi trong góc nhà mà than thở, tiếc thương, nhưng nào có ích gì đâu?

Bức thức gửi cháu trai:

Làm người phải có chí hướng lớn lao, vĩ đại, biết ngưỡng mộ những bậc thánh hiền, từ bỏ ham muốn và tất cả những gì cản trở con đường tiến bộ của anh ta. Chỉ có con đường đó mới giúp anh ta đạt được hoài bão và thay đổi từ nội tâm.

Con người phải có khả năng thích nghi với bất kì hoàn cảnh nào, không quan tâm đến bề ngoài, nghe người khác nói và loại bỏ sự ngờ vực, hẹp hòi. Khi ấy thì chẳng ai có thể làm ảnh hưởng đến anh ta. Nếu một người không kiên định, mạnh mẽ, con người không khảng khái thì sẽ không thể thành công. Ý chí không vững khiến anh ta dễ bị cuốn theo danh thói tục, bị dục vọng lung lay. Người như thế vĩnh viễn là hạng phàm phu tục tử!

Bài học:

Khổng Minh nhắc nhở con trai phải lấy tĩnh tu thân, lấy tiết kiệm, cuộc sống thanh đạm để dưỡng đức. Những kẻ ham lợi danh, hưởng thụ thì sẽ không thể có trí tuệ sáng suốt. Kẻ chí phải chuyên tâm, rèn luyện, giữ vững "an tĩnh" trong tâm thì mới có thể vươn cao, đạt được mục tiêu to lớn của đời mình.

Gia Cát Lượng cho rằng, học tập và rèn luyện không ngừng là cách cơ bản nhất để hoàn thiện bản thân. Kiến thức và ý chí kiên định là yếu tố để con người có thể thích ứng được với mọi hoàn cảnh, vững vàng trước mọi ngờ vực hẹp hòi. Con người nếu không tu thân, rèn chí thì năm tháng cũng sẽ khiến trí tuệ tiêu mòn, lý tưởng sống rơi rụng, không thể làm điều có ích cho xã hội.

Gia Cát Lượng đặt nhiều hy vọng đối với con cái. Sau này, con của ông ta đều coi nhẹ danh lợi, một lòng tận trung báo quốc, vì quốc gia xã tắc mà cống hiến cuộc đời, đây chính là giá trị và ý nghĩa của việc giữ “tâm tĩnh lặng” và “chí hướng cao xa”.

Nội dung hai bức thư chỉ vỏn vẹn mấy câu nhưng là lời răn dạy cải biến được vận mệnh của nhiều người. Thành thân, lập nghiệp ở thời nào cũng có những tiêu chuẩn chung nhất đều nằm ở hai chữ "đức" và "tài". Bài học dạy con của Gia Cát Lương thật cứng nhắc, khô khan nhưng nếu hiểu sâu, hiểu kỹ sẽ thấm được tấm lòng cao cả và tình yêu thương con sâu sắc, mong mỏi con nên người mà ông gửi gắm qua từng câu chữ.

Thu Hoài

Theo Trí thức trẻ/Minghui