Trình độ học vấn và thu nhập của bố mẹ đã tác động rất lớn đến việc chọn ngành của con cái. Con nhà nghèo thường tập trung học Toán, Lý để làm kỹ sư, bác sĩ... trong khi con nhà giàu tập trung phát triển khả năng ngoại ngữ, đam mê nghệ thuật.
Bạn có để ý thấy một điều là những ngôi trường đắt đỏ nhất với học phí lên đến con số trăm nghìn USD thường không có ngành Luật. Đó cũng là điều dễ hiểu vì theo nhiều nghiên cứu, ngành này không phải là ngành ưa thích của các gia đình khá giả. Các bố mẹ có mức thu nhập khác nhau sẽ cho con cái mình theo học những ngành khác nhau.
Con nhà giàu thường có điều kiện tiếp cận với những môn học nghệ thuật, âm nhạc, văn học hay ngoại ngữ từ rất sớm, đó cũng là bước đệm trong con đường chọn ngành học Đại học. Ngược lại, con nhà nghèo thường tập trung học văn hoá từ bé, khi chọn trường họ cũng chỉ theo những ngành mà cha mẹ họ biết hoặc họ nghĩ là họ giỏi. Trở thành diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ... vẫn bị cho là viển vông, không phải nghề nghiệp ổn định.
Những môn học mà chúng ta cho là hữu ích như Toán, Lý, Hoá... là lựa chọn hàng đầu của những gia đình không khá giả. Họ cho rằng phải học những ngành này để sau theo đuổi những nghề liên quan đến công nghệ, kinh tế... mới làm nên chuyện. Những môn học như ngoại ngữ, âm nhạc, hội họa thường bị coi nhẹ. Khả năng Tiếng Anh của trẻ em thành phố bao giờ cũng khá hơn trẻ em nông thôn vì ngoài việc có điều kiện học và tiếp xúc từ bé thì cha mẹ họ ý thức được tầm quan trọng của việc này. Đến năm 2018 rồi nhưng không hề thiếu tình cảnh hàng loạt sinh viên điểm trung bình chuyên ngành rất cao nhưng vẫn không thể tốt nghiệp vì không có chứng chỉ Tiếng Anh.
Giáo sư kinh tế Greg Clark tại Đại học California đã có một cuộc khảo sát hết sức thú vị dành cho những sinh viên đang theo học Đại học Cambridge suốt 15 năm từ 2000 đến 2015. Theo đó, những sinh viên có tên đệm hiếm có, quý tộc, sinh ra có nguồn gốc, dòng dõi giàu sang, phú quý thường có xu hướng học những môn nghệ thuật, tiếng Anh và lịch sử hơn thay vì học khoa học máy tính và kinh tế.
Đại học Georgetown (ngôi trường đứng hàng đầu về các ngành tài chính, y khoa ở Mỹ) đã nghiên cứu và chỉ ra, nếu theo học các chuyên ngành về nhân văn, nghệ thuật sẽ giúp bạn kiếm được thu nhập trung bình khoảng 50.000 USD mỗi năm (khoảng 1,2 tỷ đồng), trong khi mức độ thu nhập mà ngành khoa học máy tính mang về sẽ tốt hơn, khoảng 75.000 USD mỗi năm (khoảng 1,8 tỷ đồng).
Không phải bàn cãi, con nhà giàu và con nhà nghèo thường có lối suy nghĩ khác biệt nhau
Các chuyên gia nói rằng một người sinh ra là con nhà giàu thường (không phải tất cả) sẽ có xu hướng học những ngành có thu nhập thấp hơn, vì với họ, đam mê quan trọng hơn việc kiếm tiền. Trong khi đó con nhà nghèo sẽ học những ngành mà họ nghĩ lương sẽ cao, nhanh chóng đổi đời. Đơn giản là suy nghĩ của bất kỳ ai con nhà khá giả là tiền của bố mẹ cuối cùng cũng sẽ về túi họ mà thôi. Tất nhiên không thiếu những trường hợp con nhà giàu tự lực, mặc dù bố mẹ là tỷ phú nhưng vẫn chấp nhận làm những công việc nhỏ để tự nuôi sống bản thân.
Thu nhập của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến việc họ chọn ngành cho con cái họ cũng như việc định hình xu hướng chọn ngành của một người từ khi là một đứa trẻ đến khi lớn lên. Dữ liệu từ trung tâm National Longitudinal Study nhận thấy rằng các bác sĩ, bác sĩ phẫu thuật có xu hướng đến từ các gia đình có thu nhập thấp hơn các nhạc sĩ và nghệ sĩ.
Một bác sĩ sẽ giúp cải thiện thu nhập của bố mẹ lên đến 40% trong khi con số này ở nghệ sĩ dừng lại ở 35%
National Longitudinal Study
Thời nào cũng vậy, để có thể theo đuổi đam mê, làm chủ cuộc đời, chúng ta phải học cách đánh đổi và đấu tranh
Tuy nhiên, chúng ta không nên quá cứng nhắc trong vấn đề này. Dalton Conley, giáo sư xã hội học tại Đại học New York nói rằng chỉ số thu nhập của bố mẹ ảnh hưởng đến việc chọn ngành của con cái không phải lúc nào cũng đúng hoàn toàn với mọi gia đình. Ngoài thu nhập, đó còn là trình độ học vấn, khả năng ảnh hưởng và uy tín của bố mẹ. Khi so sánh 2 người bất kỳ với nhau, người ta thường nhìn vào trình độ của bố mẹ để nhận xét về cách giáo dục mà họ mang lại cho con mình.
Thu nhập và uy tín nghề nghiệp thay đổi qua nhiều thế hệ nhưng mức độ giàu có và học vấn vẫn tương đối ổn định theo thời gian. Điều mà con người theo đuổi chưa bao giờ là thu nhập, sự giàu có hay uy tín của bản thân mà để thoả mãn ham muốn, khát vọng của bản thân nhiều hơn.
Thời đại ngày nay không hề thiếu những đứa con của các bác sĩ lại trở thành nghệ sĩ, thành ca sĩ, diễn viên. Mỗi thời, để giành được thứ mình muốn, chúng ta đều phải đấu tranh. Đấu tranh để giành lấy sự tự do, tự chủ trong nghề nghiệp của bản thân. Không theo ngành của bố mẹ, họ vẫn giàu có, vẫn có trình độ học vấn cao.
Tóm lại, việc chọn ngành học, chọn nghề nghiệp tương lai của bản thân vẫn ảnh hưởng khá nhiều từ thu nhập cũng như trình độ học vấn của mỗi cha mẹ. Dù cho họ chẳng ép buộc con cái mình phải chọn ngành gì nhưng cách giáo dục từ bé của họ tác động rất lớn đến suy nghĩ, tính cách mỗi người.
(Tham khảo: Atlantic)