Tình hình kinh tế Triều Tiên có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam trước khi mở cửa, theo báo Hàn.
Tạo dựng "xu thế toàn cầu"
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã hướng tới thời kỳ cải cách chiến lược và mở cửa từ lâu. Công tác chuẩn bị đã bắt đầu vào năm 2012 ngay từ năm đầu tiên ông lên nắm quyền.
Vào giữa tháng 1/2012, chưa đầy một tháng sau khi ông Kim Jong-il qua đời, ông Yang Hyong-sup, Phó chủ Quốc hội Triều Tiên trả lời AP cho biết: "Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang tập trung vào việc tạo ra một nền kinh tế dựa trên nền tảng tri thức và xem xét chính sách cải cách kinh tế ở các nước khác, bao gồm cả Trung Quốc".
Điều này được coi là dấu hiệu đánh dấu sự thay đổi về chính sách dưới nhiệm kỳ của ông Kim Jong-un. Đặc biệt, khái niệm "xu hướng toàn cầu" liên tục được nhắc đến trong các buổi họp công khai từ khi ông Kim Jong-un lên nắm chính quyền.
Cựu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee Jong-seok từng nhận định rằng: "Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thay đổi hiến pháp để cải cách pháp luật - thể chế nhằm tạo điều kiện cho việc mở cửa và thu hút đầu tư.
Ông Kim Jong-un đã áp dụng xu hướng phát triển toàn cầu trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, giáo dục và thể thao. Nói cách khác, Bình Nhưỡng đang hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế".
Trong bài phát biểu vào tháng 4/2012, ông Kim tuyên bố: "Có thể áp dụng các xu hướng phát triển toàn cầu và công nghệ tiên tiến từ các quốc gia khác trong lĩnh vực quản lý đất đai và bảo vệ môi trường". Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh vào việc trao đổi khoa học và công nghệ với các tổ chức quốc tế.
Ba tháng sau, khi đến thăm khu vực dự án cải tạo sân bay Bình Nhưỡng Sunan, ông nói: "Tỷ lệ sử dụng của sân bay cao và xu hướng mang tính toàn cầu chính là biến sân bay có chức năng như một thành phố vệ tinh".
Đồng thời, vào thời điểm này, đến thị sát một nhà máy sản xuất tất, ông khẳng định: "Chúng ta [Triều Tiên] phải nâng cao chất lượng sản phẩm để phù hợp với thị hiếu và tâm lý, thẩm mỹ của người tiêu dùng; phải thiết kế hài hòa màu sắc, hoa văn, nhãn hiệu, kiểu dáng tất để phù hợp với xu hướng toàn cầu".
Khái niệm 'xu hướng toàn cầu' vốn chỉ được đề cập chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế nay đã mở rộng đến các lĩnh vực thể thao và văn hóa.
Sau Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018, ông Kim Jong-un đã gặp Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), Thomas Bach tại Bình Nhưỡng:
"Chúng tôi mong được hợp tác thuận lợi và liên kết chặt chẽ với IOC trong việc phát triển và thúc đẩy các sự kiện thể thao theo xu hướng toàn cầu như thế vận hội mùa đông. Trong lĩnh vực thể thao, chúng tôi sẽ mở rộng trao đổi với nước ngoài".
Tờ Joong Ang Ilbo (Hàn Quốc) cho biết, Triều Tiên đang tham khảo mô hình từ Trung Quốc và Việt Nam - những quốc gia đã thành công trong việc mở cửa thị trường phát triển kinh tế.
Tờ này tiết lộ, tại hội nghị thượng đỉnh Trung-Triều vào tháng 3 vừa qua, ông Kim bày tỏ sự nuối tiếc với Chủ tịch Tập Cận Bình: "Lẽ ra tôi nên sớm đi theo con đường cải cách và mở cửa của Đặng Tiểu Bình".
Năm 1978, Trung Quốc bắt đầu thực hiện cải cách doanh nghiệp nhà nước, sang năm 1979 Bắc Kinh mở rộng đối ngoại bằng việc xây dựng Luật Doanh nghiệp liên doanh Trung-nước ngoài. Thông qua đó, các trung tâm xuất khẩu được xây dựng tại các khu vực ven biển đông nam như Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu, Hạ Môn và phát triển thành các đặc khu kinh tế.
Thực tế, sau khi lên nắm quyền, ông Kim Jong-un đã xây dựng hơn 20 đặc khu kinh tế và các khu vực kinh tế phát triển cũng như thay đổi chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài.
"Do từng du học ở Thụy Sĩ, cũng đã đến châu Âu, Nhật Bản nên ông Kim có thể so sánh Triều Tiên và thế giới bên ngoài. Và dường như họ đã quan tâm đến cải cách mở cửa. Nó giống như Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân tích cực thúc đẩy cải cách mở cửa khi hai người này đều có kinh nghiệm do từng học tập và sống ở Pháp thời gian dài", Giám đốc Phòng nghiên cứu Chiến lược Thống nhất Chung Sung-jang của Học viện Sejong nói.
Mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam được ông Kim Jong-un nhắc tới nhiều lần trong hội nghị Bàn Môn Điếm.
Mô hình kinh tế Việt Nam
Theo tờ Mainichi Shimbun (Nhật Bản), sau khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chỉ thị áp dụng những mô hình cải cách kinh tế hiệu quả từ Nhật Bản, Nga và Trung Quốc. Trong những năm gần đây, mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam cũng thường được lãnh đạo Triều Tiên nhắc tới.
Theo báo Nhật, giống như Triều Tiên, Việt Nam từng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế một thời gian dài từ Mỹ. Quan hệ song phương Việt-Mỹ chỉ được cải thiện bắt đầu vào cuối những năm 1980.
Năm 1994, các lệnh cấm vận đã được dỡ bỏ. Các tổ chức tài chính quốc tế đã bắt đầu hỗ trợ tài chính cho Việt Nam. Vào tháng 7/1995, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, bình thường hóa quan hệ song phương.
Vào thời điểm này, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Việt Nam bắt đầu với tư cách là một quốc gia tự chủ trên vũ đài quốc tế.
Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam được hiện thực hóa. Vào tháng 7/2000, các hiệp định thương mại song phương đã được ký kết. Vào tháng 11 cùng năm, Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton đã đến thăm Việt Nam.
Sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. GDP của Việt Nam đã tăng gấp mười lần lên 200 tỷ USD so với 30 năm trước.
Triều Tiên có nhiều điểm tương đồng với tình hình kinh tế ở Việt Nam trước khi mở cửa. Vào thời điểm bắt đầu đổi mới, GDP bình quân đầu người tại Việt Nam dưới 1.000 USD. Hiện tại, GDP bình quân đầu người ở Triều Tiên ước tính khoảng 1.300 USD.
Các chuyên gia dự tính rằng tổng sản phẩm quốc nội của Triều Tiên chỉ hơn 30 tỷ USD. Không có sự khác biệt lớn lớn với Việt Nam khi mới thúc đẩy cải cách.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kể từ 6 - 8% mỗi năm. Một số chuyên gia dự đoán rằng nếu bình thường hóa quan hệ với Mỹ và thúc đẩy mở cửa, Triều Tiên sẽ có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn cả Việt Nam.
"Lực lượng lao động của Triều Tiên có tỷ lệ biết chữ thấp nhưng có kỹ năng chuyên môn và lành nghề. Lĩnh vực công nghiệp nhẹ đã đạt đến một tiêu chuẩn đáng kể, cùng hàng chục nghìn nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Chưa kể, Triều Tiên có trữ lượng lớn tài nguyên khoáng sản vô cùng quý hiếm. Nước này cũng là một trung tâm địa chính trị ở khu vực Đông Bắc Á. Kinh tế Triều Tiên sẽ tăng trưởng vượt bậc nếu nhận được các nguồn vốn và công nghệ từ Mỹ, châu Âu hay Hàn Quốc", ông Lee Jong-seok nói.
Ông này khẳng định, "Tăng trưởng kinh tế 10 - 15%/năm không phải là điều bất khả thi với Triều Tiên".
Xây dựng thành phố giải trí quốc tế
Công trình xây dựng ở Wonsan. Ảnh: Yonhap
Trọng tâm trong chính sách mở cửa đối ngoại của Triều Tiên chính là các khu vực kinh tế và đặc khu kinh tế. Ngay sau khi lên cầm quyền, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã sửa đổi lại 14 pháp lệnh liên quan tới đầu tư nước ngoài nhằm thu hút nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào các khu kinh tế và đặc khu kinh tế.
Đặc biệt, 7 pháp lệnh trong đó bao gồm luật thuế cho người nước ngoài- doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và luật ngân hàng đầu tư nước ngoài đã được điều chỉnh ngay sau khi ông Kim Jong-il qua đời.
Tháng 5/2013, luật khu vực kinh tế được ban hành và chính thức được áp dụng. Tất nhiên trong đó có vai trò không nhỏ của những người giàu có tại Triều Tiên. Tuy nhiên, với quy mô phát triển rất lớn, nếu không thu hút được vốn đầu tư nước ngoài thì đây sẽ là dự án bất khả thi nếu chỉ có tầng lớp giàu có tham gia.
Từ khi luật khu vực kinh tế được ban hành đến nay đã có 22 khu vực kinh tế địa phương được thành lập tuy nhiên có nhiều khu vực rơi vào tình trạng đình trệ.
Khu vực kinh tế quan trọng gồm: khu vực kinh tế thương mại Nason (đặc khu kinh tế Nason); khu du lịch quốc tế Wonsan- núi Gumgang(đặc khu núi Gumgang); khu gia công xuất nhập khẩu Wau-do và khu vực kinh tế Chongjin; khu vực kinh tế Kangnam (khu vực vành đai thủ đô Bình Nhưỡng)..
Các khu vực kinh tế là một hệ thống phát triển tập trung, tại đây sẽ phát triển các nghành công nghiệp quan trọng phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un coi đây vừa là chính sách trọng tâm phát triển kinh tế vừa là chính sách mở cửa mới của nước này.
Tốc độ xúc tiến chính sách này thời kì đầu nhanh đáng kinh ngạc. Chỉ tính riêng trong năm 2013, trên phạm vi toàn quốc đã có 13 khu vực kinh tế được xây dựng trong đó gồm: khu vưc kinh tế sông Yalu; khu vực kinh tế Manpo; khu vực công nghiệp Uywon; khu du lịch Sinpyeong...
Năm 2014 có thêm các khu vực kinh tế được xây dựng tại 6 thành phố như: Bình Nhưỡng, tỉnh Nam Hwanghae, tỉnh Nampo, tỉnh Nam- Bắc Pyongan... Năm 2015, mở rộng tới đặc khu du lịch quốc tế Moopung (quận Samji, tỉnh Ryanggang) và khu vực kinh tế Kyongwon (quận Kyongwon, tỉnh Bắc Hamkyong).
Từ sau khi bị trừng phạt kinh tế cho đến nay, Triều Tiên tập trung vào phát triển khu du lịch Wonsan-Galma. Wonsan được biết đến là quê hương của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Kim đã từng trực tiếp đề cập đến việc xây dựng khu du lịch Wonsan- Galma trong thư chúc mừng năm mới.
Các chuyên gia dự đoán nếu chính sách mở cửa của Triều Tiên được thực thi, nơi đây sẽ trở thành khu vực du lịch quan trọng của Triều Tiên. Phía Bình Nhưỡng khẳng định khu du lịch Wonsan- Galma đang phát triển với tốc độ cao mặc dù đang trong hoàn cảnh khó khăn.
Dựa theo một số bức ảnh về hiện trạng xây dựng tại khu vực này được công bố gần đây, có thể thấy rõ rất nhiều tòa nhà có khung xây dựng lên đến 9- 10 tầng. Ngoài ra, cũng có thể thấy được có rất nhiều tòa nhà được xây dựng san sát nhau dọc theo bờ biển.
Triều Tiên dự định sẽ hoàn công khu du lịch Wonsan- Galma đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày thành lập chính quyền (9/9). Bán đảo Galma thuộc khu du lịch quốc tế Wonsan- núi Gumgang giữ vai trò vành đai du lịch kết nối Wonsan với núi Gumgang, đồng thời có vị trí gần sân trượt tuyết Masikryong.
Bình Nhưỡng có kế hoạch sẽ xây dựng Wonsan thành đô thị du lịch quốc tế thông qua mở rộng sân bay Galma vốn là sân bay quân sự, xây dựng sân bay quốc tế Wonsan... Để hoàn thành kế hoạch này, Triều Tiên đang mong đợi nguồn vốn nước ngoài cũng như đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài sau các lệnh trừng phạt về kinh tế.
Với mục tiêu xây dựng nơi đây trở thành khu nghỉ dưỡng tổng hợp quốc tế quy mô lớn chứ không đơn thuần chỉ là một địa điểm du lịch, Triều Tiên đang đầu tư vào đây một số vốn khổng lồ.
Triều Tiên còn mong muốn xây dựng Wonsan thành khu tài chính thương mại, khu công viên- thể dục thể thao - giải trí, khu cơ sở vật chất phục vụ nghỉ dưỡng, tham quan...
Đồng thời phát triển phần bờ biển bán đảo Galma, Myeongsasipri, bãi tắm Songdowon thành khu nghỉ dưỡng vào mùa hè cũng như xây dựng khu vực Masikryong nằm ở phía tây Wonsan trở thành khu giải trí tổng hợp vào mùa đông.
Trước đó, tháng 12/2010, Triều Tiên và Trung Quốc kí hiệp định liên quan đến việc phát triển- quản lý khu vực kinh tế thương mại tự do Nason và khu vực kinh tế Hwanggumpyong- đảo Wihwa.
Hai bên có kế hoạch sẽ xây dựng các dự án hợp tác với nguồn vốn từ phía Trung Quốc như xây dựng trung tâm thương mại quốc tế quy mô lớn gồm 16 tòa nhà trong đó có nhà hàng, khách sạn, cửa tiệm... tại Nason.
Tuy nhiên do lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt đối với Triều Tiên nên trong gần 2 năm qua, tốc độ phát triển của kế hoạch này vẫn đang chững lại. Theo số liệu thống kê phía Triều Tiên, gần đây có nhiều chung cư, tòa nhà hiện đại đang bước vào giai đoạn hoàn thành, nhiều dự án xây dựng được tái triển khai.
Tháp Trump và McDonald ở Bình Nhưỡng
Công trình xây dựng ở Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA
Khu công nghiệp Kaesong dự kiến sẽ là ưu tiên hàng đầu được tái khởi động nếu các biện pháp trừng phạt kinh tế được gỡ bỏ.
Khu công nghiệp Kaesong dự kiến có tổng diện tích 66,1km2. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1, các hoạt động khác đã bị đình trệ. Trong quá trình mở rộng hợp tác kinh tế với Hàn Quốc trong tương lai, khu công nghiệp này có khả năng mở rộng theo kế hoạch.
Chính phủ Hàn Quốc hy vọng dự án Bản đồ kinh tế mới Triều Tiên, mà Tổng thống Moon Jae-in đã đề cập tại hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Bàn Môn Điếm, sẽ là một trục quan trọng trong quá trình mở cửa của Triều Tiên.
Bản đồ kinh tế mới của bán đảo Triều Tiên có ý tưởng thúc đẩy phát triển kinh tế bằng việc xây dựng tuyến Đông (Busan-Mt. Geumgang-Wonsan-Heli) và vành đai bờ biển phía Tây (Mokpo-Seoul-Kaesong-Pyongyang-Sinuijuju) và hai tuyến kết nối khu phi quân sự (DMZ).
Cải cách và mở cửa của Bắc Triều Tiên không thể đi ngược lại quá trình phi hạt nhân hóa. Vấn đề quan trọng nữa chính là chi phí cho quá trình mở cửa. Cho đến nay, Hàn Quốc và Trung Quốc đang hỗ trợ đầu tư 1 cách hạn chế.
Đặc biệt, Triều Tiên dường như đang mở rộng hợp tác kinh tế đa phương thay vì song phương với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Đáng chú ý, có khả năng cao là các nguồn vốn và công ty Hoa Kỳ sẽ được tham gia bằng nhiều cách khác nhau sau quan hệ ngoại giao Triều-Mỹ được cải thiện.
"Ông Kim từng đưa ra nhiều yêu cầu liên quan đến sự đầu tư trong tương lai của các tập đoàn Mỹ, khi quan hệ với Mỹ được cải thiện", cựu quan chức tình báo Hàn Quốc tiết lộ.
Cố vấn đặc biệt về an ninh và ngoại giao của Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Chung-in dự đoán: "Tháp Trump sẽ nằm trên bờ sông Daedong, hoặc một cửa hàng McDonald sẽ được mở ở Bình Nhưỡng".
Báo Hàn Quốc kết luận, việc kí kết thỏa thuận phi hạt nhân hóa, kết thúc chiến tranh, hiệp ước hòa bình chính là đích đến của quan hệ Mỹ-Triều. Quan hệ ngoại giao dẫn đến trao đổi kinh tế và hợp tác giữa hai nước. Ngoại giao là động thái chính trị nhưng hợp tác kinh tế là một chiến lược thực sự có thể đảm bảo hòa bình.
Theo Hoài Thương
Thời Đại