Việt Nam cần một bản lĩnh để đối diện với việc hàng loạt tập đoàn lớn rời Trung Quốc sau lời kêu gọi của Mỹ, Nhật vì xung đột thương mại gia tăng và chủ nghĩa dân tộc lên ngôi.
Dư luận và chính giới Việt Nam đang đón nhận thông tin doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi Trung Quốc sang Việt Nam như một tin vui và khá hồ hởi. Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, Việt Nam còn phải làm rất nhiều việc mới nghĩ đến có thể thay thế, trở thành công xưởng thế giới mới.
Phóng viên Dân Trí phỏng vấn ông Nguyễn Trần Bạt, chuyên gia tư vấn, nhà sáng lập InvestConsult Group về góc nhìn của ông này đối với xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới và cơ hội nào cho Việt Nam sắp tới.
Thưa ông, vì nhiều lý do Mỹ, Nhật kêu gọi doanh nghiệp bản địa chuyển khỏi Trung Quốc, ông đánh giá gì về việc này? và theo ông doanh nghiệp sẽ nghe theo Chính phủ hay vẫn chọn theo cách riêng của mình, ở lại Trung Quốc - một thị trường tiêu dùng đông và lao động rẻ?
- Trung Quốc là một nước có ưu thế về mặt kinh tế hàng đầu thế giới. Hiện nay họ là kẻ cạnh tranh chính với Mỹ, vì thế mới có chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra trước dịch bệnh Covid-19. Yếu tố Covid-19 xuất hiện tham gia vào quá trình cấu trúc lại kinh tế chính trị trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Covid-19 cũng gây rắc rối nhiều cho Mỹ, đến mức Mỹ ngờ vực Trung Quốc tạo ra Covid-19.
Tôi nghĩ rằng, các nhà sản xuất quay về Mỹ là khó và ra khỏi Trung Quốc cũng không dễ. Các công ty đang cân nhắc một cách do dự để nghe theo hay không nghe theo, để rút hay không rút ra khỏi thị trường Trung Quốc. Chúng ta buộc phải theo dõi các diễn biến có liên quan.
Vậy Việt Nam nên phản ứng thế nào trước hiện tượng này?
- Tôi nghĩ chúng ta cần bản lĩnh, bình tĩnh để chuẩn bị cơ sở hạ tầng, lực lượng lao động và lực lượng quản lý xã hội. Đây là một cơ hội để Việt Nam đưa ra những cải cách nhằm nâng cao tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài.
Khi các nhà đầu tư đưa nhà máy ra khỏi Trung Quốc để san sẻ bớt rủi ro, họ sẽ không đặt tất cả trứng vào một giỏ thì thế nào Việt Nam và các nước khác cũng có phần. Còn việc đi theo phe này, phe kia để hấp dẫn các nhà đầu tư hơn thì tôi nghĩ là không nên.
Thái độ độc lập với chính trị, độc lập với các âm mưu cấu tạo xung đột kinh tế thế giới càng rõ ràng bao nhiêu, Việt Nam càng có uy tín bấy nhiêu.
Việt Nam cần thể hiện mình không phải như một kẻ cơ hội mà như một quốc gia ý thức về việc chuẩn bị thu hút đầu tư bằng việc xây dựng lực lượng xã hội và tạo ra các chính sách tốt nhất.
Làm thế nào để chính sách của mình được khôn ngoan, nhân dân của mình tích cực và có năng lực, đấy là công việc của Chính phủ.
Xu thế kêu gọi doanh nghiệp về "cố quốc" được cho là bắt nguồn từ việc các nền kinh tế đang sử dụng nhiều hơn trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất. Bên cạnh đó, việc kêu gọi doanh nghiệp về nước Mỹ nhằm tạo công việc cho người Mỹ, tạo lợi thế chính trị của ông Trump, ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Tôi không muốn chống lại tham vọng của người Mỹ khi lôi kéo sản xuất về nước họ, nhưng cũng không muốn khuyến khích người Mỹ ra khỏi Trung Quốc.
Với tư cách là một người Việt Nam, tốt nhất là chúng ta chuẩn bị mình, chuẩn bị các chính sách mềm dẻo, phù hợp với lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta phải chuẩn bị lực lượng xã hội và phải khôn khéo chứ không nên tuyên truyền thái quá như giai đoạn vừa rồi về Cách mạng 4.0.
Có một điều tôi tự hỏi, có thật là mọi nhà đầu tư đều muốn thay thế con người bằng robot không? Cho đến giờ, con người vẫn là yếu tố hấp dẫn nhất và trước hết đối với các nhà đầu tư. Đấy là quan điểm của tôi.
Vừa qua có thông tin Apple tuyển dụng nhân viên người Việt, điều này dấy lên đồn đoán Apple rút khỏi Trung Quốc để sang Việt Nam. Ông suy nghĩ sao về vấn đề này?
- Bây giờ chúng ta phải đặt ra câu hỏi là các nhà sản xuất nước ngoài họ đến Việt Nam sản xuất hàng hóa để bán cho ai? Tại sao các nhà máy của họ lại đặt ở Trung Quốc? Bởi vì họ bán hàng hóa sản xuất được cho người Trung Quốc.
Tại sao lại đến Việt Nam vì Việt Nam gần Trung Quốc, không bị Chính phủ Trung Quốc gây khó cho việc sản xuất mà vẫn vận chuyển được đến thị trường Trung Quốc một cách dễ dàng. Đấy là chưa kể đến chuyện giữa Việt Nam và Trung Quốc có hơn 1.000km biên giới, vô cùng thuận lợi cho hoạt động thương mại.
Đương nhiên Apple sẽ không cắt các quan hệ với Trung Quốc, họ vẫn giữ quan hệ tiếp tục với Trung Quốc.
Tôi hơi phân vân vì các câu hỏi đặt ra đầy rẫy các yếu tố muốn tước bỏ vai trò của Trung Quốc trong câu chuyện này. Tôi nhắc lại, chiến tranh Mỹ - Trung có xảy ra cỡ nào, bộ tứ kim cương (QUAD) có hùng vĩ cỡ nào thì chỗ bán hàng chủ yếu của toàn bộ nền công nghiệp bộ tứ vẫn là thị trường Trung Quốc.
Từ năm chúng ta có Luật đầu tư đến nay, các dự án lớn có, bé có, tuy nhiên công nghệ lõi, sở hữu trí tuệ do người Việt rất ít; giá trị gia tăng bản địa trong kim ngạch xuất khẩu không nhiều. Nếu cứ thu hút FDI theo kiểu tận dụng lao động rẻ, rồi khi FDI rút đi, chúng ta chẳng còn gì cả?
- Vấn đề đặt ra không phải là chúng ta chủ động tạo ra sự hấp dẫn, bởi vì chúng ta không thiết kế được sự hấp dẫn. Chúng ta chỉ tạo ra môi trường xã hội tương đối tự do, môi trường học vấn của xã hội tương đối cao để các nhà đầu tư nước ngoài có thể cấu tạo ra, thiết kế ra cái họ cần cho các sản phẩm của họ.
Trung Quốc có lợi thế về quy mô kinh tế, dân số đông là thị trường rộng. Thu hút FDI, họ bắt buộc nước ngoài chuyển giao hoặc bắt tay doanh nghiệp bản địa mới cho vào thị trường này. Ông đánh giá gì về kế sách này và Việt Nam có thể học được hay không khi chúng ta có thị trường 100 triệu dân, không phải là ít?
- Việt Nam không bắt chước được Trung Quốc và chính sách của Trung Quốc cũng còn tùy theo giai đoạn. Chuyển giao công nghệ là một loại đầu tư, anh bán công nghệ thì anh chuyển giao, nhưng chuyển giao như thế nào để anh vẫn giữ được các ưu thế của anh. Đấy là nghệ thuật của người sở hữu.
Nhưng đây là vấn đề khác, doanh nghiệp ngoại không có nghĩa vụ phải chuyển giao công nghệ nên chúng ta không bắt chước được với Trung Quốc và không có lợi thế để bắt họ. Chính vì thế, người ta có thể đưa cho mình công nghệ cũ, lạc hậu, dìm toàn bộ nền kinh tế của chúng ta trong trạng thái lạc hậu.
Theo ông, sắp tới định hướng mà thu hút FDI của Việt Nam phải làm gì để chúng ta nhận được công nghệ tốt của nước ngoài?
- Tôi nghĩ cũng nên để cho các nhà đầu tư họ tự do nhập công nghệ vào. Không nên đưa ra điều kiện là phải chuyển giao công nghệ, nếu có thì theo tinh thần hợp tác bởi mua bán công nghệ là một loại kinh doanh, phải sòng phẳng, bảo mật.
Cần có đầy đủ các dữ liệu, các cơ sở pháp lý để tiến hành quá trình mua bán công nghệ vừa công khai, vừa đúng đắn, vừa chặt chẽ, vừa bí mật.
Việt Nam có nhân công rẻ, nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng thủ tục hành chính rườm rà, cách quản kiểm lạc hậu, rủi ro chính sách lớn, lợi thế so sánh kém hơn nhiều nước khác, ông có cho rằng chúng ta đang quá đề cao việc hội nhập giúp nền kinh tế cất cánh?
- Chúng ta nói nhiều quá mà chúng ta không làm được, như tôi đã nói, trước tiên muốn chơi với ai được tốt, được sòng phẳng thì phải tự nâng chất của mình lên, tự cải thiện mình.
Ta thấy vốn đầu tư của EU vào Việt Nam rất ít, dù chẳng có gì cản trở họ. Vậy mà người ta mới nói doanh nghiệp rút đi khỏi Trung Quốc thì đã nhận ngay vào. Liệu rằng có phải mỗi chúng ta bước đi trong khi các quốc gia khác ngồi yên?
Trân trọng cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện này!
Nguyễn Tuyền (Thực hiện)/Theo Dân Trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/viet-nam-can-ban-linh-truoc-su-kien-hang-loat-ong-lon-roi-trung-quoc-20200516103149063.htm