Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Chuyện làng Mẹo và tỷ phú 'kín tiếng' của Bitexco

17/04/2018 10:00

Nhắc đến làng Mẹo, nhiều người thường cho rằng đây là làng đẻ ra những tỷ phú. Trong đó phải kể đến những cái tên như Nguyễn Văn Châm, Vũ Văn Vườn, Đinh Đức Hoán… đã từng nổi danh 1 thời tại một làng quê nhỏ và hơn hết phải kể đến chủ nhân hiện thời của Tập đoàn Bitexco - ông Vũ Quang Hội.

2km vuông sở hữu hơn 100 tỷ phú

Làng Mẹo tức làng Phương La (xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) được mệnh danh làng giàu nhất quê lúa, từ xa xưa vốn là một ngôi làng nổi tiếng với nghề dệt truyền thống ở tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, diện mạo của ngôi làng đã thay đổi chóng mặt trong những năm gần đây.

Làng nằm giữa cánh đồng lúa nhưng sở hữu hàng chục doanh nghiệp, những biệt thự hoành tráng theo phong cách châu Âu, hơn chục nhà thờ họ hoành tráng, ấn tượng nhất là lăng mộ lớn nhất Việt Nam cao như tòa nhà sừng sững ngay đầu làng.

Vào làng Mẹo cứ ngỡ lạc vào một khu công nghiệp hiện đại, giàu có. Chiều đến, khung cảnh làng Mẹo tấp nập, xe tải, container nối đuôi nhau ra vào làng, công nhân tan ca đông như trẩy hội, người dân hối hả chở những lô hàng dệt về nhà, tới nhà máy giao dịch.

Theo số liệu mà chúng tôi có được, làng Phương La có gần 5.000 nhân khẩu mà lại chỉ có hơn 100ha đất nông nghiệp, nhà nọ sát vách nhà kia, vườn tược không có mấy nhưng có đến hơn 100 tỷ phú sở hữu những doanh nghiệp trị giá ít thì vài tỷ, nhiều thì cả ngàn tỷ đồng. Mỗi năm, làng lại có vài người ghi tên mình vào danh sách tỷ phú mới.

Được biết, các đại gia, tỷ phú đi lên từ nghề dệt truyền thống, trước kia các cụ chủ yếu dệt các sản phẩm thô sơ, giờ chủ yếu sản xuất các loại hàng xuất khẩu sang châu Âu. Nhờ nghề dệt mà họ trở nên giàu có lại nhạy bén trong kinh doanh, họ đổ tiền kinh doanh tiếp như bia rượu, xây dựng, thủy điện, vận tải… nên họ giàu lại càng giàu thêm.

Trong đó phải kể đến, ông Vũ Quang Huy vốn là người đi lên từ nghề dệt, rồi chuyển sang kinh doanh nước khoáng. Ông đã biến thương hiệu nước khoáng Vital của Thái Bình thành một thương hiệu nổi tiếng. Cách đây chục năm, công ty của ông Huy đã nộp thuế cho Thái Bình đến 40 tỷ một năm.

Tòa tháp Bitexco lấy ý tưởng thiết kế từ hình dáng búp sen, một biểu tượng của sự thanh khiết, và tính lạc quan, một hình ảnh chuẩn xác để thể hiện mục tiêu hướng về tương lai của tòa tháp - Ảnh internet

Từ dệt và nước uống đóng chai bén duyên với BĐS

Những thành công của ông được nối tiếp mạnh mẽ hơn bởi người con trai của ông, đó là đại gia Vũ Quang Hội, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco, chủ đầu tư dự án Tòa nhà Bitexco Financial, tòa nhà cao nhất thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Ông Vũ Quang Hội, sinh năm 1963, tốt nghiệp bằng kỹ sư chế tạo máy của Trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội, nhưng ông Hội lại “bén duyên” với lĩnh vực xây dựng, bất động sản.

Tập đoàn Bitexco là một tập đoàn đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, thủy điện, xây dựng, khai khoáng...Thời điểm mà Bitexco quyết định nhảy vào lĩnh vực bất động sản cách đây 10 năm, rất ít người biết đến công ty có xuất phát là dệt và nước uống đóng chai này.

Với lĩnh vực bất động sản, Bitexco là chủ đầu tư các dự án Tòa nhà văn phòng Bitexco, Bitexco Financial, các khu dân cư The Manor I và II ở Thành phố Hồ Chí Minh; khu dân cư The Manor, Tòa nhà The Garden, khách sạn J.W. Marriott, khu đô thị The Manora Park City ở Hà Nội...

Là người đứng đầu một Tập đoàn đình đám như vây, song khá ít người biết mặt ông Vũ Quang Hội. Bởi ông Hội ít xuất hiện trên thương trường, cũng không mấy khi xuất hiện trong các sự kiện của Tập đoàn, mà chủ yếu giao cho người em ruột là Vũ Quang Bảo và các cộng sự.

Đến nay Bitexco vẫn là công ty tư nhân thuộc sở hữu gia đình ông Hội, là một tập đoàn đa ngành với các dự án kinh doanh trải rộng trong nhiều lĩnh vực, từ phát triển bất động sản, cơ sở hạ tầng, đến năng lượng thủy điện, sản xuất hàng tiêu dùng, thương mại, khai thác và thăm dò khoáng sản.

Ông Hội còn có người em trai là ông Vũ Quang Bảo, chủ tịch Công ty cổ phần Vital.

Trên sàn Chứng khoán, Bitexco nắm 11,5% cổ phần của CTCP Đầu tư phát triển điện Miền Trung (SEB) và 25,5% cổ phần của CTCP Xây lắp và Đầu tư Sông Đà - Sodaco (SDS). Tìm hiểu được biết, SDS đã tự nguyện hủy niêm yết trên HNX từ 14/9/2012 để chuyển sang giao dịch trên UPCoM.

Phối cảnh dự án The Manor Central Park

Vào tầm ngắm thanh tra?

Tưởng rằng thành công trong thầm lặng thì sẽ không ai nhắc đến, theo thông tin mới đây nhất, Bitexco sẽ bị thanh tra vào cuối năm 2018. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quá trình thực hiện một số dự án theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó dự án xây dựng đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An của Bitexco là một trong những dự án đã được tiến hành thanh tra vào năm 2018.

Theo đó, dự án xây dựng tuyến đường giao thông quanh Khu tưởng niệm Chu Văn An do Bitexco thực hiện là một trong số các dự án mà UBND TP. Hà Nội thẩm định, đánh giá và lựa chọn thực hiện dự án năng lực về tài chính của Nhà đầu tư còn hạn chế, không đảm bảo năng lực.

Ở Dự án này công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng mức vốn đầu tư không chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và định mức không đúng khiến tăng số tiền trên 12,173 tỷ đồng. Công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công cũng chưa chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và áp dụng định mức chưa đúng, làm sai tăng số tiền gần 16 tỷ đồng.

Theo thông tin tại website của Bitexco, dự án này được đối ứng tổng diện tích khu đất: 200 ha, diện tích xây dựng được giao là 65,8 ha, The Manor Central Park được thiết kế với hơn 1.000 căn thấp tầng và hơn 7.000 căn hộ.

6 dự án từng thuộc về Hoàng Anh Gia Lai. Trong đó, các dự án 14, 15, 16, 18 đã hoàn thành - Ảnh: Antt.

Những cái “bắt tay” không ngờ

Bitexco đang ngày càng chứng tỏ vị thế của mình khi "thâu tóm" nhiều dự án thủy điện và hàng loạt khách sạn.

Thủy điện từng là ngành ưu tiên thứ 2 của Hoàng Anh Gia Lai sau ngành trồng cây công nghiệp, bởi Hoàng Anh Gia Lai kỳ vọng các dự án thủy điện sẽ đem về doanh thu 2.744 tỷ đồng/năm và cho rằng tiềm năng tăng giá điện ở Việt Nam còn rất lớn khi cung không đáp ứng đủ cầu và giá điện EVN mua của các nhà máy phát điện độc lập rất thấp so với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, tháng 6/2013, Hoàng Anh Gia Lai đã bán toàn bộ 4 dự án thủy điện đang hoạt động và bán cả 2 dự án đang xây dựng. Sau đó không lâu, trên website của Tập đoàn Bitexco, 6 dự án thủy điện của Hoàng Anh Gia Lai đã xuất hiện trong danh sách các dự án mà Bitexco đang đầu tư và có thể Bitexco chính là đối tác của Hoàng Anh Gia Lai trước kia.

Trước đó, ông Vũ Quang Hội đã từng là nhân vật trang bìa của Forbes Việt Nam – Forbes đã ưu ái gọi ông là “người xây biểu tượng”.

Thời điểm đó, trả lời phỏng vấn của Forbes Việt Nam, ông Hội cho biết: “Lúc nghịch thì phải tính thuận, và lúc thuận thì phải tính nghịch. Lúc tình hình thuận lợi nhất như thời đểm năm 2003-2007, nếu suy nghĩ rất lạc quan thì bay lên giời lúc nào không biết. Lúc đó thì phải bình tĩnh quản trị cho tốt, đó là tính nghịch. Còn lúc khó khăn thử thách thì cơ hội cũng nhiều. Cơ hội chỉ dành cho những người biết quyết tâm làm”.

Ông Hội từng chia sẻ triết lý kinh doanh là, trách nhiệm của doanh nghiệp vượt ngoài mục tiêu kinh tế. Hay nói cách khác, trước khi đặt mục tiêu kinh tế, doanh nghiệp phải tính đến các mục tiêu: tăng kinh tế xã hội, kinh tế văn hóa, kinh tế tri thức, kinh tế quốc tế, kinh tế chính trị mới đến kinh tế – kinh tế.

Tuy nhiên với triết lý kinh doanh trên của tỷ phú Hội với Bitexco liệu còn có đúng nghĩa? Bởi lẽ, theo kết luận của thanh tra chính phủ, hiện tại Bitexco đang vướng vào hàng loạt các sai phạm. Vậy trách nhiệm của doanh nghiệp đến đâu khi để xảy ra sự việc trên…

Theo Thương hiệu & Pháp luật

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện làng Mẹo và tỷ phú 'kín tiếng' của Bitexco" tại chuyên mục Doanh nhân.