Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Chuyện mua BĐS "thật như đùa": Đất bỗng dưng "biến mất", lặn lội nhờ môi giới đi tìm nhà

23/07/2021 12:25

Cơn sốt bất động sản cách đây hơn 10 năm đã để lại những câu chuyện bi hài cho nhà đầu tư, kèm theo đó là những bài học kinh nghiệm để đời nhiều nhà đầu tư không bao giờ quên.

photo1626781532417-1626781533979712697250-1627017743.jpg

Mua đất cả thập kỷ quay lại tìm đất mới tá hoả mảnh đất mình mua trước đây đã không còn nguyên vẹn là câu chuyện có thật của anh Lê Văn Bình (Thanh Trì, Hà Nội). Theo lời anh Bình kể cách đây hơn 10 năm khi cơn sốt bất động sản ven đô bùng phát anh và bạn bè rủ nhau lên Ba Vì mua đất với ý định nếu được giá lướt sóng được thì sang tay không thì để dùng.

Năm 2010, cơn sốt bất động sản ven đô bắt đầu đi xuống, 10 sào đất vườn (trong đó 5 sào có sổ 5 sào là đất khai hoang) tại Ba Trại với giá mua ban đầu 500 triệu anh Bình phải để sử dụng. "Thời gian đầu gia đình tôi còn thi thoảng về thăm đất, trồng rau. Khu đất chưa có hàng rào nên tôi có ý định xây tường quây lại nhưng sau đó công việc kinh doanh rơi vào tình cảnh khó khăn nên việc quây rào vẫn chưa thực hiện được. Năm 2013-2014, tôi rao bán mảnh vườn nhưng mãi không có ai mua nên đành phải bán xe ô tô trả nợ kinh doanh", anh Bình kể lại.

Khi không còn xe ô tô nữa khoảng cách gần 80km từ nhà anh tới Ba Vì ngày càng trở nên xa hơn nên bẵng đi mấy năm anh Bình không lên thăm đất. Đầu năm 2020 khi đất Ba Vì bắt đầu sốt nóng trở lại, nhớ lại 10 sào đất năm xưa anh lên để nhờ môi giới bán lại nhưng khu đất xưa của anh đang bị chia năm xẻ bảy, người dân rào tạm canh tác. Khi anh mang giấy tờ đến đòi đất thì xảy ra tranh chấp hai bên, đặc biệt là phần đất không có sổ.

Bất đắc dĩ anh Bình phải nhờ địa chính xã can thiệp mới lấy lại được phần đất có sổ, phần đất không sổ anh chỉ lấy lại được 2 sào, 3 sào còn lại do tranh chấp gay gắt nên vẫn chưa giải quyết xong. Rút kinh nghiệm, phần đất đã đòi được về anh thuê thợ chôn cột chằng dây thép gai. Anh Bình cho biết, hiện nay 7 sào đất có giá khoảng 1,5 tỷ đồng, cũng coi như không bõ công chờ suốt 10 năm trời.

null
Đất hàng trăm căn liền kề Mê Linh được người dân tận dụng canh tác. (Ảnh Lan Nhi)

Không chỉ riêng anh Bình, chị Lan một nhà đầu tư BĐS Mê Linh cũng cho biết. Các đây 10 năm chị và cô em họ cùng mua một lô đất biệt thự hơn 200m2 tại KĐT Minh Giang, Mê Linh. Mua ngay đỉnh sóng, mới kịp cầm bản hợp đồng góp vốn thì thị trường bỗng giảm tốc không phanh. Chưa kịp đi thực địa dự án xem chính xác lô đất mình vừa mua ở đâu thì được môi giới báo tin giá trên thị trường đã giảm mạnh, nếu bán luôn hiện tại chị lỗ khoảng 300 triệu.

"Lô đất tôi mua trên quy hoạch vốn là lô góc 2 mặt tiền rất đẹp. Tôi và em họ quyết định không bán cắt lỗ mà để đợi thị trường hồi phục. Tôi không ngờ thời gian đợi phải đến 10 năm sau. Cuối năm 2020, đất Mê Linh bắt đầu có sóng, lúc đó tôi mới lấy giấy tờ lên dự án tìm vị trí lô đất. Nhưng tìm ngang tìm dọc không ra tôi đành phải gọi nhờ môi giới chỉ giúp khoảng đất đã mua đang được người dân chăn thả trâu bò", chị Lan ngậm ngùi cho biết.

"Hiện tại lô đất của tôi có giá thị trường khoảng 32 triệu đồng/m2, lãi gấp đôi so với cách đây 10 năm", chị Lan nói. Tuy nhiên, chị Lan cho biết chị vẫn quyết định chưa bán vội bởi chị đã chờ được cả 10 năm thì không có gì khó khăn chờ thêm 1 năm nữa bởi đất Mê Linh đang rất tiềm năng trong mắt nhà đầu tư.

Trường hợp của chị Lan và anh Bình vẫn còn rất may mắn so với nhiều nhà đầu tư khác. Chị Điệp một nhà đầu tư có tiếng cách đây 10 năm cũng không quên bài học đau thương góp vốn mua căn hộ chung cư Usilk City cách đây hơn 10 năm. Hơn 1,2 tỷ đồng tiền góp vốn mua căn hộ hơn 100m2 tại khu đô thị Usilk City giờ chỉ là đống giấy tờ cũ kỹ, suốt 10 năm trời tòa nhà chị mua mới xây phần móng.

"Thực sự, mỗi lần mở két sắt nhìn thấy đống giấy tờ mang tên "thành phố trong mơ" Usilk City tôi lại cảm thấy nhói lòng. Đã mấy lần tôi nhờ người đi đòi tiền không được, có lúc chị quyết định cắt lỗ sâu nhờ sàn chuyển nhượng lại hợp đồng góp vốn 1,2 tỷ với giá chỉ 500 triệu nhưng cũng không ai dám mua bởi dự án này đã có quá nhiều điều tiếng, không ai muốn rước phiền hà vào người", chị Điệp tâm sự.

Tuy nhiên, Usilk City của chị Điệp vẫn còn hy vọng bởi dự án này dù sao cũng đã có đôi lần sống trở lại với sự vào cuộc của một số doanh nghiệp BĐS thứ cấp vẫn nhìn thấy triển vọng từ vị trí vàng của dự án này, họ vẫn đang tìm cách vào để vực dậy dự án như Hải Phát từng làm đối với hai tòa chung cư trước đó. Đối với những khách hàng mua chung cư Tricon Tower (Hoài Đức) cách đây 10 năm thì coi như tiền đã trở thành mớ giấy lộn bỏ đi bởi hiện nay khách hàng còn không thể liên lạc với chủ đầu tư.

Suốt gần 10 năm qua, hàng trăm người mua nhà tại dự án này vẫn đau đáu câu hỏi số tiền hơn 400 tỉ đồng của khách đã đi đâu? Ròng rã của thập kỷ họ vẫn đi đòi tiền của chính mình và truy tìm "dấu tính" của ông Edward Chi là chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Minh Việt (Công ty Minh Việt), chủ đầu tư dự án Tricon Tower trong vô vọng.

photo-1-16267818584161263243176-1627017743.jpg
Một góc dự án Tricon Tower sau nhiều năm bỏ hoang, cỏ dại phủ kín. (Ảnh Internet)

Có thể nói, cơn sốt bất động sản cách đây hơn 10 năm đã để lại những câu chuyện bi hài cho nhà đầu tư. "Mua gấp không tăng giá","nhắm mắt mua liều" và những bài học cay đắng nhiều nhà đầu tư đã từng trải qua trong cơn sốt đất những năm 2010 có lẽ sẽ còn lặp lại trong cơn sốt đất "điên cuồng" vừa qua. 

Theo Lan Nhi/Nhịp sống kinh tế