"Có một bạn tìm đến mình lúc đang học 12. Lúc đó bạn đang rất áp lực với những mong chờ của những người thân xung quanh. Bạn ấy thức ngày thức đêm để học... cho đến khi bạn kiệt sức, bế tắc với tất cả mọi thứ...", 9x kể lại những câu chuyện mà bạn "lắng nghe" trong những lần coaching.
Tìm được nghề nhờ... khủng hoảng nghề nghiệp
Tống Quốc Kỳ sinh năm 1994, tốt nghiệp Ngoại Thương TPHCM. Thời sinh viên, Kỳ là một hình mẫu sinh viên năng động điển hình của Ngoại Thương và của Sài Gòn: hoạt động câu lạc bộ sôi nổi, đi làm nhiều, và... lạc lối sớm.
Năm 2 đại học mình đang trong giai đoạn career crisis, chính mình là người khủng hoảng. Trước đó mình đã làm Marketing ở 2 tập đoàn lớn. Dù làm ở công ty quốc tế, sếp "xịn" nhưng mình cứ thấy có gì đó "sai sai," cứ 6 tháng mình lại chuyển việc," Kỳ cười.
Cơ duyên với nghề coaching của Kỳ cũng bắt nguồn từ giai đoạn đó.
"Sau khi nghỉ ở 2 tập đoàn kia thì mình không biết làm gì tiếp theo. Bởi vì mình đã làm rất nhiều thứ khác nhau rồi mà không cảm thấy vui với những thứ đó, không thực sự thoả mãn. Lúc đó nếu ai hỏi rằng muốn gì thì mình không biết", Kỳ kể lại.
Băn khoăn về tương lai, Kỳ tìm đến coaching (thường được dịch là khai vấn), lúc đó vẫn còn rất mới ở Việt Nam. Chương trình coaching Kỳ tham gia lúc đó là career coaching – giúp tìm thấy hướng đi trong nghề nghiệp. Sau khi là một khách hàng của coaching, thì Kỳ thấy "coaching giúp mình rất tốt, tại sao mình lại không dùng coaching với những người khác?"
Suy nghĩ đó đã khiến Kỳ từ một khách hàng của coaching thành một người coach – tức người hỗ trợ khách hàng. Đến nay, ngoài làm chuyên gia đào tạo tại một trung tâm kỹ năng sống tại Sài Gòn, với chứng chỉ khai vấn quốc tế, coaching trở thành nghề tay trái của Kỳ và mức phí coaching của 9x hiện là 500k/giờ.
Kỳ cho biết những vấn đề khách hàng cần hỗ trợ thường liên quan đến sự nghiệp, phát triển bản thân và giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ (tình yêu, gia đình...).
"Đôi khi mình cũng hỗ trợ các ba mẹ trong những vấn đề với con," Kỳ cho hay.
Nhưng, làm sao coaching có thể giúp được người khác giải quyết được vấn đề của chính họ?
Một học sinh 12 đang áp lực bởi kỳ thi tuyển sinh, một sinh viên năm cuối đang gặp khó khăn với luận án tốt nghiệp, một người đi làm đang stress tại công sở, hay gặp trục trặc trong mối quan hệ... Họ cần coaching!
Tống Quốc Kỳ giải thích:
"Người ta tìm đến mình với trạng thái như bát mì đang rối. Mình sẽ lấy từng sợi mì đó ra, cho họ thấy vấn đề rõ ràng hơn, rồi sau đó, tự họ chọn giải quyết vấn đề như thế nào."
Để có thể "lấy từng sợi mì ra," có 3 việc quan trọng người coach phải làm, là: lắng nghe, phản hồi, và đặt câu hỏi.
Theo Kỳ, lắng nghe là lắng nghe câu chuyện của người đang gặp khó khăn với một thái độ chân thành, không phán xét. Đặt câu hỏi để làm rõ hơn vấn đề - mà vấn đề đó là vấn đề cốt lõi nhất, sau cùng là phản hồi lại để người coachee (người cần hỗ trợ) thấy vấn đề đang như thế nào."
"Thật ra đó là một quá trình sắp xếp lại thông tin cho họ để cho nó dễ nhìn hơn, họ thấy được mối liên hệ giữa mọi thứ như thế nào và từ đó dễ dàng đưa ra quyết định hơn. Tức là mình gỡ rối giùm họ, nhưng cuối cùng việc giải quyết vấn đề đó là của họ," Kỳ nói.
Việc coaching sẽ diễn ra trong một hoặc nhiều buổi trò chuyện 1 - 1 giữa coachee và coach. "Trước buổi hẹn khách hàng sẽ gửi email cho coach về vấn đề và mong muốn của họ. Sau đó người coach sẽ gửi trước cho họ những câu hỏi để khách hàng sắp xếp lại sơ bộ những gì sẽ trao đổi trong buổi trò chuyện," Kỳ cho hay.
Niềm vui khi thấy khách hàng "được" khóc
"Có một bạn tìm đến mình lúc đang học 12, muốn có kết quả học tập và thi cử tốt hơn. Lúc đó bạn đang rất áp lực với những mong chờ của những người thân xung quanh. Bạn ấy thức ngày thức đêm để học, và làm rất nhiều thứ," Kỳ nhớ lại một khách hàng mới đây.
"Bạn ấy luôn cố gắng sao cho người khác nhìn thấy bạn là một con người xuất sắc. Cho đến khi bạn kiệt sức, bế tắc với tất cả mọi thứ vì bạn ấy không đạt được kết quả gì mới. Mọi người hoài nghi bạn ấy, bạn ấy lại hoài nghi lại bản thân."
Bạn ấy đến tìm mình, sau khi soi đi soi lại, mình hỏi bạn ấy một câu: "Em có đang tin và thương em không?" Thì bạn ấy không nói gì cả, chỉ bắt đầu khóc," Kỳ kể.
Kỳ tâm sự:
"Mình vui vì khách hàng của mình được lắng nghe. Vì trong cuộc sống này nhu cầu được lắng nghe của con người thật sự rất nhiều. Việc chủ yếu kết nối với nhau hời hợt trên mạng xã hội hay những câu nói hời hợt, thì những cuộc nói chuyện 1 – 1 và sâu như vậy rất hiếm."
Kỳ cho biết sau đó bạn học sinh ấy đã nhận ra điều bản thân cần, bớt lo lắng hơn và hiện đang chờ đợi kết quả kỳ thi tuyển sinh trong hạnh phúc: "Mọi thứ tốt hơn rất nhiều, bạn ấy biết được điều mình muốn làm là gì, không còn phải nơm nớp lo sợ là mình có đạt được cái này hay cái kia không."
"Khi thấy khách hàng được lắng nghe, được là mình, được giải tỏa được biểu cảm cảm xúc ra, và sau đó họ là một con người tốt hơn, không loay hoay nữa và biết được hướng đi của mình, mình thực sự cảm thấy công việc mình đang làm ý nghĩa," Kỳ nói thêm.
Một niềm vui khác của Kỳ trong nghề coaching, là chính bản thân mình được tốt hơn.
“Trong 1 tháng chia tay bạn gái, không coach cho ai được”
Kỳ nói: "Có một tiêu chí cho người coach là trước hết bản thân mình phải tốt đã thì mới giúp được cho người khác." Vì thế mà những người làm nghề coaching thường rèn luyện bản thân mỗi ngày với những thói quen tốt (như thiền, tập thể dục, ghi nhật kí, ăn chay...)
Nhưng tất nhiên là con người thì ai cũng có lúc gặp những biến cố cuộc sống khiến họ không thể tự xoay xở.
"Để là một người coach tốt thì mình cũng cần một người coach giúp mình những lúc mình đuối năng lượng, không thể tự mình giải quyết các vấn đề của mình," Kỳ nói.
9x chia sẻ về lần gần nhất cần đến coaching:
"Là lúc chia tay với bạn gái, một quyết định rất quan trọng trong cuộc sống của mình. Thời gian đó kéo dài 1 tháng, và trong 1 tháng đó thì mình không đụng đến ai được. Mình từ chối tất cả các buổi coaching vì bản thân mình mình đang không hiểu thì sao mình hiểu được người đối diện mình."
Ngoài ra, việc gặp nhiều người và nhìn thấy nhiều vấn đề của người khác cũng giúp bản thân người coach tốt hơn mỗi ngày.
Kỳ cho biết: "Thật sự coaching là một hành trình rất thú vị. Khách hàng giống như những tấm gương giúp mình nhìn lại cuộc sống của mình. Càng gặp nhiều người thì mình càng tốt hơn."
Sinh viên tìm nghề, người đi làm tìm hạnh phúc
Kỳ kể về giai đoạn 1 năm mới vào nghề, làm coaching miễn phí cho các bạn sinh viên:
"Điều mình thấy là thấy tội các bạn sinh viên quá. Vì phần lớn các bạn không đủ hiểu mình, rất loay hoay với mong muốn và mục tiêu của mình. Lúc thì các bạn nghĩ thế này lúc thì nghĩ thế khác, lấy mục tiêu của người khác làm mục tiêu của mình."
"Mình nghĩ nguyên nhân chủ yếu là các bạn chưa đủ trải nghiệm và không nhiệt huyết đủ để trải nghiệm sâu trong những cái mình có, cho nên không hiểu được mình, dẫn đến bế tắc trong cuộc sống," Kỳ nói thêm.
Ngoài ra, theo Kỳ, trong khi người trẻ thường tìm đến coach với mong muốn: Em muốn tìm ra nghề nghiệp mình mơ ước, thì người đi làm lại đến với câu hỏi: Làm sao để cuộc sống hạnh phúc hơn?
"Người lớn không dành đủ thời gian cho bản thân, bị cuốn theo công việc, theo theo cái này cái kia. Cuộc sống của họ rất nhanh và hối hả. Cho nên trong mối quan hệ giữa họ và người khác cũng nhanh và hối hả theo. Dẫn tới không thấu hiểu lẫn nhau. Và khi không thấu hiểu lẫn nhau thì mâu thuẫn xảy ra rất nhiều," Kỳ chia sẻ.
Theo Liên đoàn Khai vấn Quốc tế (International Coach Federation – ICF), Coaching là một trong những nghề có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới, và hiện vẫn còn rất mới mẻ tại nước ta.
Để trở thành một coach, các bạn có thể tham gia các chương trình đào tạo về coach hiện đang có khá nhiều tại Việt Nam. Mức phí coaching, ngoài phụ thuộc vào vấn đề cần hỗ trợ thì thay đổi theo "level" của người coach, tức là kinh nghiệm coaching và các chứng chỉ quốc tế người coach đạt được.
Theo Thảo Thảo/Trí Thức Trẻ