Hệ quả của nhảy việc liên tục không chỉ ảnh hưởng tới bản thân người lao động, mà còn làm nhà tuyển dụng không thể tìm được ứng viên cho vị trí cấp cao.
Hiện nay, xu hướng tuyển dụng các nhân sự trẻ, chưa có kinh nghiệm đang dần được nhiều công ty, doanh nghiệp hướng tới. Ở những người trẻ, họ có thừa đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng nắm bắt công nghệ và các trào lưu mới. Mặt khác, ở những người trẻ luôn tiềm tàng sự nóng vội, thiếu kiên nhẫn. Chính vì lẽ đó, khi nhắc đến nhóm nhân sự dễ nhảy việc, người ta thường liên tưởng đến vấn đề xảy ra với nhân sự trẻ.
Trao đổi với Trí Thức Trẻ, theo bà Nguyễn Phương Mai - CEO Navigos Search, hiện tượng "nhảy việc" đã trở nên phổ biến từ 10 năm nay. Vì chỉ làm việc ở một vị trí trong thời gian ngắn, nên rất khó tìm được người có "đủ kinh nghiệm" trong bối cảnh hiện tại
"Các bạn giống như chín ép. Thấy cơ hội là nhảy vào mà không biết bản thân đã mất đi cơ hội giúp bản thân phát triển toàn diện hơn. Các bạn không nhìn đến khía cạnh đó, chỉ nhảy việc để tăng lương, tăng chức vụ", bà Phương Mai chia sẻ.
Hệ quả của việc nhảy việc liên tục không chỉ ảnh hưởng tới bản thân người lao động, mà còn làm các nhà tuyển dụng không thể tìm được ứng viên cho các vị trí cấp cao.
"Các bạn có thể có chức danh kêu nhưng rỗng bởi không có độ chín về kinh nghiệm để tương xứng với chức danh. Do vậy khi có cơ hội thực sự khiến mình nở mày nở mặt thì lại không đáp ứng yêu cầu", bà nói.
Điều này đặc biệt đúng với ngành Fintech. Thừa nhận đây là ngành mới, bà Mai cho biết các doanh nghiệp cũng thừa hiểu và yêu cầu của họ là những người có nền tảng cơ bản, có kinh nghiệm hiểu biết về kinh doanh. Với những nền tảng này tốt, ứng viên sẽ nhanh chóng nhập cuộc được.
Ngoài vấn đề thiếu kiên nhẫn, người trẻ cũng không có đủ chuẩn mực trong thái độ làm việc.
Điều đầu tiên được bà cho biết là căn bệnh ngôi sao, ảo tưởng sức mạnh của ứng viên. Theo bà, một bộ phận ứng viên không nắm rõ được năng lực, khả năng của mình và đã đưa ra những yêu cầu không tương xứng. Điều này khiến cho cả doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn khi không tìm được tiếng nói chung.
Thứ hai là việc không tôn trọng tài sản của công ty. "Chuyện sao chép dữ liệu xảy ra liên tục, nhiều nhân viên cố ý lấy thông tin khách hàng để mang sang công ty đối thủ", bà Mai nói, "đây là chuyện không hề lạ ở Việt Nam".
Ngoài ra, một vấn đề khác được bà Mai đề cập đến là doanh nghiệp hiện đang không được bảo vệ khi đầu tư vào nhân viên giỏi.
"Khi cho nhân viên đi học, thường công ty và nhân viên đó sẽ ký cam kết. Nhưng cam kết này chỉ có tác dụng khi chính bản thân người lao động thực sự tôn trọng nó. Còn nếu họ cố ý vi phạm, công ty sẽ không có cơ hội nào để bắt nhân viên làm đúng. Luật pháp không đứng về phía doanh nghiệp nên doanh nghiệp cũng chùn tay trong việc đào tạo", bà Phương Mai cho biết.
Doanhnhan