Lọt vào tứ kết Asian Cup là cú vươn chân dài nhất để bóng đá Việt xuất hiện trên bản đồ châu Á. Nhưng việc xuất hiện trong tiềm thức của NHM châu lục mới là tuyên ngôn mạnh nhất.
Khi 2 tiếng "Việt Nam" vang lên trên đất Nhật
Buổi tụ tập dõi theo trận mở màn vòng knock-out Asian Cup của ĐT Việt Nam với đối thủ Jordan của các sinh viên Việt Nam, sống trong khu ký túc xá của đại học Kyushu trở nên sôi động hơn mọi khi nhờ sự góp mặt của những CĐV đặc biệt: Một gia đình người Iran, 2 cậu sinh viên Nhật Bản, một anh chàng người Mông Cổ và một cô gái Thái Lan.
Ngay từ buổi chiều ngày Việt Nam gặp Jordan, cậu sinh viên người Iran tên Peji đã chủ động tới gặp tôi. Peji dúi vào tay tôi sợi dây kết nối cổng HDMI (thiết bị cắm vào tivi để chuyển màn hình từ laptop lên tivi).
Tôi không ngạc nhiên khi Peji biết tối hôm đó Việt Nam đá với Jordan, nhưng tôi thật sự ngạc nhiên khi cậu sinh viên này còn nắm rõ cả giờ thi đấu. "You guys can do it" (tạm dịch: Các bạn có thể làm được), Peji chào tạm biệt tôi bằng niềm tin Việt Nam sẽ đánh bại Jordan.
Xa hơn kì vọng của rất nhiều NHM, Việt Nam không chỉ vượt qua vòng bảng Asian Cup mà còn tiến vào Tứ kết.
Tôi quen Peji khi được chính cậu sinh viên này gõ cửa phòng nhờ làm… phiên dịch. Cậu muốn viết một thông báo bằng tiếng Việt Nam lên bảng của ký túc xá kêu gọi các CĐV Việt Nam cùng tới cổ vũ trận đấu giữa Việt Nam và Iran tại vòng bảng.
"Tại sao muốn xem bóng đá cùng người Việt", tôi gặng hỏi Peji.
"Khi biết Iran ở cùng bảng với Việt Nam tại Asian Cup, tôi đã tìm hiểu thông tin về Việt Nam và thật sự tôi đã nổi da gà khi chứng kiến bầu không khí các bạn tạo ra tại U23 AFC Championship. Tôi rất thích cầu thủ đá giữa, tên Xuân Trường thì phải", Peji trả lời.
Reza Azimi, một người Iran khác mà tôi quen vào buổi tối xem bóng đá cùng các CĐV Iran nói: "Sẽ thật ngu ngốc nếu Carlos Queiroz coi thường Việt Nam. Cứ nhìn Iraq đã khốn khổ vì Việt Nam thế nào".
Sống ở nước ngoài, lại còn trong một khu vực có 50% là sinh viên nước ngoài, 50% người bản địa, tôi được nghe nhiều câu chuyện về Việt Nam từ các bạn nước ngoài, nhưng chưa bao giờ nghĩ khái niệm "bóng đá Việt Nam" và tên những cầu thủ Việt Nam lại được nhắc tới một cách rất đỗi tự nhiên, như thể chúng tôi cùng nói về Man United hay Barcelona vậy.
Buổi sáng hôm sau trận đấu với Iran, trên đường từ siêu thị về nhà, tôi gặp anh bạn hàng xóm Orgil Enkhbold – một bạn sinh viên đến từ đất nước Mông Cổ. Vừa gặp tôi, Orgil "Gunner" (vì anh vốn là fan ruột của Arsenal) đã nhanh nhảu: "Các bạn sẽ thắng Yemen và đi tiếp vào knock-out".
Tôi tròn mắt ngạc nhiên. "Anh xem Asian Cup sao? Anh biết cả về cơ hội của ĐT Việt Nam sao", tôi hỏi lại.
"Trong những đội bóng ở châu Á, tôi thích xem Việt Nam và tôi đã xem được vài tháng gần đây. Tôi vốn thích những đội bóng có khát vọng và tiềm năng phát triển. Các bạn chơi bóng với tinh thần dân tộc rất cao, tôi cảm nhận được điều đó", Orgil trả lời.
Chúng ta đã thật sự vươn tầm châu Á
Vươn tới một tầm vóc nào đó thực tế là một khái niệm vô cùng mơ hồ. ĐT Anh tại World Cup 2018 đã có mặt trong trận tranh hạng 3 World Cup – trận đấu về mặt lý thuyết có thể coi là một cột mốc đưa Tam Sư lên hàng "elite" của bóng đá thế giới.
Nhưng ai cũng hiểu rằng, thành tích của ĐT Anh tại World Cup thực tế lại không phản ánh tầm vóc của đội bóng này, và trong trái tim của một bộ phận NHM Anh, màn trình diễn tại World Cup còn được hình dung bằng khái niệm "một sự ngộ nhận vĩ đại".
Trái lại, cũng ở sân chơi World Cup, dù ĐT Nhật Bản thua ĐT Bỉ theo một kịch bản tương đối nghiệp dư, nhưng cách Nhật Bản chơi bóng lại được làng túc cầu công nhận là "ở đẳng cấp thế giới".
Porto từng cùng Jose Mourinho vô địch Champions League, nhưng sau cột mốc ấy, hình ảnh Porto trong mắt các đối thủ lớn ở châu Âu vẫn chỉ là một chú ngựa ô.
Trong khi đó Liverpool suốt gần 30 năm qua chưa thể chạm tay vào ngai vàng Premier League, nhưng vẫn sống với hình ảnh đại gia trong trái tim NHM bóng đá Anh.
Thành tích chỉ là một thước đo mang tính tương đối. Cá nhân tôi nghĩ rằng, cách một đội bóng giành được sự tôn trọng từ những CĐV trung lập mới là thước đo chính xác hơn cả.
Từ một nền bóng đá mà tôi tin rằng những người Iran, Mông Cổ, Nhật Bản… chưa từng có chút khái niệm nào cho tới ngày mà những chiến binh mặc áo cờ đỏ sao vàng được dõi theo trong cảm giác tận hưởng bóng đá thật sự. Đó chính là sự vươn tầm vĩ đại nhất mà bóng đá Việt Nam đang có được.
Theo Thạch Long
Trí thức trẻ