Diễn ra từ đầu giờ sáng ngày 20/5, nhưng phải đợi đến 01h35' rạng sáng ngày hôm sau (21/5), Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC), Công ty cũ của Hà Văn Thắm mới kết thúc trong sự mỏi mệt của các cổ đông.
Căng thẳng đến phút chót
Đây có lẽ là một đại hội xác lập kỷ lục về thời gian họp kéo dài. Có cổ đông nhỏ lẻ gắn bó với OGC ngay từ ngày đầu công ty phát hành cổ phiếu ra công chúng đã phải đi xe máy từ Hải Dương lên Hà Nội lúc 2h sáng để rồi 24 giờ sau mới lại tất tả chạy xe về nhà.
Đại hội diễn ra liên tục không nghỉ, bữa trưa có bánh mì. Giữa giờ họp, cổ đông nào cần bổ sung năng lượng cũng có bánh mì, bánh ngọt, hoa quả bày sẵn ngoài hành lang.
Không giống như lần tổ chức cách đây gần một năm, đại hội lần này thiếu sự tranh cãi kịch liệt giữa các nhóm cổ đông, nhưng có thừa sự thận trọng, tỉ mỉ đến từng chi tiết dưới sự điều hành của Chủ tọa Lê Quang Thụ, Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2014-2019.
Tất cả mọi thủ tục từ kiểm tra tư cách cổ đông đến bỏ phiếu thông qua những nội dung quan trọng đều diễn ra một cách chậm rãi nhất có thể. Điều này được hiểu là do HĐQT cũ không muốn có bất kỳ một sai sót nào dẫn đến những rắc rối phát sinh về sau, nhất là trong bối cảnh luôn có sự bất hòa giữa các nhóm cổ đông, DNTN Hà Bảo (DN của cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm) trong suốt 1 năm qua vẫn không ngừng kiện tụng và đòi triệu tập đại hội bất thường,…
Chính vì vậy mà đại hội liên tục bị ngắt quãng mỗi khi có tình huống phát sinh để nhân viên văn phòng Thừa phát lại được mời đến ghi lại sự việc phát sinh.
Ngoài Thừa phát lại, còn có sự tham dự của nhóm các luật sư tư vấn, đại diện của Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội (do liên quan đến số cổ phần đang bị tạm giữ để phụ vụ thi hành án đối với cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm).
Thậm chí, ngay trong lần bỏ phiếu đầu tiên để xác định nội dung chương trình đại hội, ban kiểm phiếu đã báo có “lỗi kỹ thuật” khiến ông Lê Quang Thụ yêu cầu các cổ đông tiến hành bỏ phiếu lại.
DNTN Hà Bảo sở hữu 16 triệu cổ phần (5,33%) OGC, trước ngày diễn ra đại hội, đã có yêu cầu bổ sung nội dung đại hội đề nghị giảm mức thù lao của HĐQT và BKS. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung nội dung trên của Hà Bảo đã không được các cổ đông đồng ý đưa vào chương trình đại hội.
Luật sư Nguyễn Xuân Anh đại diện của Hà Bảo bày tỏ băn khoăn về việc không xác định được hơn 34 triệu cổ phần do Hà Bảo sở hữu đang bị kê biên. Vị đại diện này cho rằng việc kê biên này không làm ảnh hưởng quyền lợi của Hà Bảo. Ông Nguyễn Xuân Anh phản đối việc bị từ chối tham dự với tư cách cổ đông đại diện cho hơn 34 triệu cổ phần OGC do Hà Bảo sở hữu, mà chỉ được tham dự với tư cách cổ đông sở hữu 16 triệu cổ phần (5,33%), đây là số cổ phần hiện đang bị cầm cố tại Sacombank.
Đại diện của Hà Bảo cho biết Hà Bảo có nhận công văn 1346 của Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội đã trả lời rõ về việc Cục Thi hành án dân sự không phải là chủ sở hữu của 34 triệu cổ phần này và mọi việc khác tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Cũng tại đại hội, trước sự lo ngại của cổ đông về việc mất đoàn kết trong nội bộ HĐQT, ông Lê Quang Thụ nói: “Tôi không đồng ý với chữ “mất đoàn kết”, ai cũng có quan điểm của mình, một nhóm HĐQT có sự tương tác với nhau theo nhiều cách, việc không có sự đồng thuận 100% đôi khi còn hay hơn là có sự đồng thuận 100%”.
Ông Thụ cũng không đưa ra thông tin DNTN Hà Bảo hiện sở hữu chính xác bao nhiêu cổ phần.
“Theo danh sách chốt tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán vào ngày 8/4, DNTN Hà Bảo là cổ đông lớn và có đủ các quyền nắm giữ trên 6 tháng (đủ điều kiện có 1 chân trong HĐQ - PV). Việc bán giải chấp cổ phiếu của Hà Bào, tôi xin phép không nói gì vì không không thuộc thẩm quyền”, ông Thụ cho biết.
Ra mắt HĐQT mới
Đại hội đã lần lượt biểu quyết thông qua tất cả hơn 40 nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý nhất là việc bầu ra HĐQT và BKS mới nhiệm kỳ 2019-2014.
Trước đại hội, 4 ứng viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 gồm: Bà Nguyễn Thị Lan Hương, ông Nguyễn Thành Trung, ông Mai Hữu Đạt, và bà Nguyễn Mai Phương.
Trong đó, bà Nguyễn Thị Lan Hương do nhóm cổ đông DNTN Hà Bảo với 16 triệu cổ phần (5,33%) đề cử. Hai ứng viên Nguyễn Thành Trung và Mai Hữu Đạt cùng là người của một nhóm cổ đông gồm 5 cá nhân (được cho là người của Nam Á Bank) sở hữu tổng cộng 10,05% vốn điều lệ của OGC. Trong đó, ông Nguyễn Thành Trung được bầu bổ sung vào HĐQT OGC nhiệm kỳ 2014-2019 từ tháng 8 năm ngoái. Nhóm cổ đông này cũng có 2 suất trong BKS nhiệm kỳ mới.
Ứng viên còn lại là bà Nguyễn Mai Phương (thành viên độc lập) là người thuộc nhóm cổ đông gồm 4 cá nhân sở hữu tổng cộng 5,22% vốn điều lệ của OGC. Nhóm cổ đông này cùng với nhóm cổ đông Hà Bảo mỗi nhóm có 01 thành viên BKS nhiệm kỳ mới.
Để đảm bảo đủ số lượng tối thiểu 5 thành viên HĐQT theo quy định của pháp luật và quy chế công ty, ngay tại Đại hội, HĐQT OGC đã họp kín thông qua Nghị quyết lựa chọn ông Bùi Anh Sang là ứng cử viên thứ năm bầu thành viên độc lập HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024.
Như vậy, các nhân vật gắn bó với OGC từ thời ông Hà Văn Thắm như Hà Trọng Nam, Lê Quang Thụ, Nguyễn Thị Dung đã chính thức không còn là thành viên HĐQT của OGC.
Sau một loạt những lần bỏ phiếu căng thẳng, thận trọng, cả 5 ứng viên HĐQT đã trúng cử thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2014 với số phiếu biểu quyết tán thành đạt 83,74%, gồm: bà Nguyễn Thị Lan Hương, ông Nguyễn Thành Trung, ông Mai Hữu Đạt, bà Nguyễn Mai Phương, và ông Bùi Anh Sang.
Các nhóm cổ đông lớn cũng có 1 suất trong Ban Kiểm soát với 3 thành viên gồm: ông Nguyễn Thanh Tùng, bà Nguyễn Hương Nga, bà Bùi Diệu Út Hường.
Theo báo cáo của ông Lê Quang Thụ tại Đại hội, kể từ sau biến cố tháng 10/2014, OGC luôn trong tình trạng khó khăn chồng chất khó khăn. Bước đầu có thể nói OGC chưa vượt qua các vấn đề nội tại của doanh nghiệp, nhưng OGC tự tin đã đẩy lùi được các khó khăn, thách thức, từng bước lấy lại thị trường, thị phần và niềm tin của đối tác.
Sau 2 năm liên tiếp lợi nhuận sau thuế âm, năm 2018 OGC đạt 48 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đại hội đã thông qua kế hoạch SXKD năm 2019 với tổng doanh thu 1.116 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 16 tỷ đồng.
90% các chỉ tiêu kinh tế hợp nhất của OGC được quyết định bởi CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (OCH). Trong khi đó, kế hoạch SXKD năm 2019 của OCH đang tồn tại yếu tố có thể ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế, đó là việc Khách sạn Sunrise Hội An đã bị kê biên để xử lý khoản nợ của Công ty IOC (công ty con của OCH). Hiện vẫn chưa xác định thời điểm xử lý tài sản nhưng đây là rủi ro cho cả OCH và OGC trong kế hoạch SXKD.
Nguyễn Tuân
Theo Infonet