Có thể thu hồi chứng khoán ông Trịnh Văn Quyết đã 'bán chui', trả lại tiền cho nhà đầu tư

11/01/2022 14:32

Về việc ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn FLC, 'bán chui' 74,8 triệu cổ phiếu, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng có thể thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả nhà đầu tư tiền mua chứng khoán, tiền cọc.

ong-quyet-16418760037632110133529-1641886259.jpg
Ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn FLC - Ảnh: B.N.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, việc chủ tịch Tập đoàn FLC thực hiện giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu nhưng không thực hiện công bố thông tin sai phạm đã rất rõ ràng.

Theo quy định tại nghị định 156 năm 2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính tối đa 1,5 tỉ đồng, đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 1 tháng đến 12 tháng.

Quan trọng hơn, cá nhân vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Trong đó, cá nhân vi phạm phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc. 

Cá nhân vi phạm cũng phải nộp lại số lợi bất hợp pháp hoặc khoản thu trái luật có được do thực hiện hành vi vi phạm, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Còn theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, Đoàn luật sư TP Hà Nội, về nguyên tắc, cổ phiếu của các thành viên hội đồng quản trị của một doanh nghiệp rất nhạy cảm, bởi họ nắm được thông tin của doanh nghiệp nên rất có thể dẫn tới hành vi bán để trục lợi. Vì thế việc bán cổ phiếu của các thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành doanh nghiệp theo quy định luôn đi kèm với các điều kiện như phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán. 

Việc giao dịch cổ phiếu của thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành doanh nghiệp đại chúng bị hạn chế chứ không giống cổ phiếu do các cổ đông thông thường nắm giữ. Quy định này nhằm bảo vệ các cổ đông, nhà đầu tư nhỏ lẻ. Hơn nữa, các công ty cổ phần, công ty đại chúng số lượng chủ sở hữu rất lớn, sử dụng vốn đại chúng để kinh doanh nên công khai, minh bạch là nguyên tắc tối quan trọng, luật sư Nguyễn Tiến Lập phân tích.

Vì thế, luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng vi phạm của chủ tịch Tập đoàn FLC không thể coi là vi phạm thủ tục hành chính đơn thuần được. Vi phạm bán cổ phiếu "chui" của chủ tịch FLC để lại hậu quả vật chất nên lý do sơ suất không công bố thông tin trước khi chào bán cổ phiếu FLC rất khó chấp nhận. 

Thiệt hại đã xảy ra rồi, giờ FLC làm thủ tục thông báo cũng không khắc phục được thiệt hại đã xảy ra. Vi phạm bán "chui" cổ phiếu FLC cần căn cứ quy định của Luật doanh nghiệp, điều lệ của Tập đoàn FLC để xử lý.

Còn về nguyên tắc cổ đông nắm giữ cổ phiếu, FLC có quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp các thành viên trong ban điều hành tập đoàn thiếu trách nhiệm, gây thiệt hại cho các cổ đông nắm giữ cổ phiếu, luật sư Nguyễn Tiến Lập khẳng định.

Trước đó, trong đơn giải trình gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch Tập đoàn FLC - cho hay vụ việc 'bán chui' cổ phiếu FLC được thực hiện trong thời gian ông đang đi công tác. 

Trước khi đi công tác, ông Trịnh Văn Quyết có giao cho bộ phận thư ký gửi thông báo đăng ký giao dịch bán 175 triệu cổ phiếu từ ngày 10-1 đến ngày 17-1 cho bộ phận phụ trách công bố thông tin của Công ty CP Tập đoàn FLC. Nhưng do bộ phận thư ký sơ suất trong quá trình xử lý công việc nên đã quên không gửi thông báo đăng ký giao dịch cổ phiếu FLC do ông Trịnh Văn Quyết sở hữu đúng quy định.

Theo B.Ngọc/Tuổi trẻ