'Có trí tuệ như Bill Gates hãy bỏ học làm giàu'

13/03/2020 14:13

Chúng ta hay chú ý các tỷ phú bỏ học như Bill Gates, Larry Ellison, Mark Zuckerburg... mà quên rằng trước đó họ giỏi ra sao.

Chúng ta hay chú ý các tỷ phú bỏ học như Bill Gates, Larry Ellison, Mark Zuckerburg... mà quên rằng trước đó họ giỏi ra sao.

Chia sẻ xung quanh câu chuyện "bỏ học làm giàu", độc giả Kevin Pham bày tỏ quan điểm:

"Những ai nghĩ bỏ học làm giàu để mong có ngày giống Bill Gates thì khả năng thành công gần như bằng "0". Những người nghỉ học đi làm giàu như Bill Gates, Larry Ellison, Mark Zuckerburg... không phải bỏ học vì học yếu, làm biếng hay chán nản. Họ vốn có trí tuệ cực cao và chuyện ngồi trong giảng đường nghe giáo sư nói đối với họ là quá thấp so với trình độ của họ. Họ cảm thấy bản thân tất cả giáo sư đều không thể dạy gì thêm nên họ bỏ học đi làm. Những chuyện họ làm đều tạo nên thành công rực rỡ mà cả trăm giáo sư cùng nhau nghiên cứu vẫn không làm được. Chỉ khi nào bạn tự tin có trí tuệ như thế thì mới nên bỏ học làm giàu.

Tuy nhiên cũng có những người kém trí tuệ nhưng họ bỏ học làm giàu cũng thành công. Nhưng cái mức độ "giàu" đó không phải đặc sắc và phần trăm thành công cũng rất nhỏ. Nói chung, có trí thức vẫn là con đường có xác xuất vững chắc nhất cho tương lai".

Đồng quan điểm trên, bạn đọc Sadman bổ sung thêm:

"Muốn bỏ học làm giàu phải có chút dấu hiệu giỏi trước đã, kiểu như Bill Gate và Mark Zuckerberg giỏi lập trình, Steve Job giỏi kinh doanh... Chúng ta hay chú ý các tỷ phú bỏ học mà quên rằng trước đó họ giỏi ra sao? Chúng ta thích đọc gương thành công mà ít quan tâm gương thất bại. Số thất bại với đạt mức làng nhàng thì nhiều, còn thành công chỉ rất ít. Ở Việt Nam hiện nay, về cơ bản, thi đại học cũng dễ mà lấy bằng cũng nhàn, sinh viên có khối thời gian nên các bạn có thể kết hợp hai việc cùng lúc".

Trong khi đó, độc giả Thánh Tuệ lại nhấn mạnh tính chất không bền vững của những ngành nghề không sử dụng kiến thức, học vấn: 

"Xã hội càng phát triển thì sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp mới mở ra, và trong đó không chỉ là các ngành công nghệ đòi hỏi trình độ cao, mà còn cả các nghề dịch vụ đơn giản đi kèm. Theo đó, khi công nghệ phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của con người được phổ biến ở những thành phố lớn thì sẽ đi kèm một loạt dịch vụ như là sửa chữa, bảo dưỡng, lắp ráp điện lạnh, điện cơ khí, sửa chữa các thiết bị sinh hoạt, các thiết bị văn phòng...

Việc các cơ hội thị trường dịch vụ đi kèm mở ra sẽ kéo theo một số cá nhân nhanh chân nắm bắt lấy cơ hội nghề nghiệp này để ăn lên làm ra. Nhưng đặc điểm của những công việc dịch vụ này là không lâu dài, không lớn lúc bắt đầu nhưng về sau dễ bị bão hòa, dễ bị các bạn có bằng cấp (trung cấp nghề) chiếm lấy trong tương lai do yêu cầu cao lên của khách hàng.

Ví dụ cụ thể nhất chính là nghề làm móc, cắt tóc, trang điểm. Lúc mới đầu bạn sẽ thấy một số cá nhân ăn lên làm ra do họ gần như độc quyền tại một khu vực dân cư vừa mới phát sinh nhu cầu. Nhưng khi người người đi học, nhà nhà đi học cắt tóc thì những câu truyện cổ tích không còn, mà thay vào đó sẽ là sự tan vỡ của những kẻ ảo tưởng.

Tôi có người em họ là một trong những thợ cắt tóc thế hệ đời đầu, xây được nhà lầu, mua đất ở quê. Nhưng giờ thì tôi tin không mấy người học cắt tóc mà làm giàu được ở quê tôi. Một người hàng xóm nhà tôi cũng học trung cấp cơ khí, ra làm nghề bắn tôn, lắp tủ nhôm, cũng ăn nên làm ra lúc đầu, nhưng giờ thị trường đã bão hòa, việc ít, nhân viên nghỉ dài dài".

Việt Thành tổng hợp

Theo Vnexpress

Bạn đang đọc bài viết "'Có trí tuệ như Bill Gates hãy bỏ học làm giàu'" tại chuyên mục Phong cách.