Nhiều nhà nghiên cứu dự báo Trung Quốc sẽ sánh vai cùng Mỹ tạo nên khối G2 kiểm soát cả tiêu dùng lẫn sản xuất của một thị trường có quy mô lớn hơn thị trường điện thoại di động, chẳng hạn như thị trường các sản phẩm văn hóa.
Trong cấu trúc ngành công nghiệp văn hóa trên phạm vi toàn thế giới, với thị trường nội địa của mình, Trung Quốc đã trở thành một "quốc gia lớn về văn hóa". Thị trường văn hóa đại chúng của Trung Quốc không chỉ đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt mà quy mô cũng rất đáng gờm. Theo số liệu năm 2015, thị trường điện ảnh của Trung Quốc đứng thứ 2 thế giới, và quy mô thị trường văn hóa đại chúng tăng lên gấp đôi sau 5 năm, so với con số 76,5 tỷ won (khoảng 58 triệu USD).
Hơn nữa, chính phủ Trung Quốc lại hỗ trợ để quy mô thị trường có thể tăng 20% mỗi năm, thể hiện tham vọng trở thành quốc gia có nền công nghiệp văn hóa lớn nhất thế giới. Nhiều nhà nghiên cứu dự báo Trung Quốc sẽ sánh vai cùng Mỹ tạo nên khối G2 kiểm soát cả tiêu dùng lẫn sản xuất của một thị trường có quy mô lớn hơn thị trường điện thoại di động, chẳng hạn như thị trường các sản phẩm văn hóa.
Tất nhiên, quốc gia lớn về văn hóa không có nghĩa là cường quốc văn hóa. Hơn nữa, việc xây dựng được một nền tảng công nghiệp văn hóa không phải việc đơn giản có thể thực hiện trong ngày một ngày hai (chưa kể sức mạnh cửa ngành công nghiệp văn hóa của Mỹ ngày càng tăng lên).
Sau khi tìm kiếm mọi phương pháp để nhanh chóng giành chiến thắng, Trung Quốc nhận ra sức mạnh về văn hóa không thể phát triển nhanh chóng chỉ trong một sáng một chiều. Vì vậy, Trung Quốc đã vận dụng đồng thời cả "khiên" và "giáo" để trang bị cho mình một sức mạnh khổng lồ.
Mài nhọn mũi giáo
Đầu tiên, Trung Quốc bỏ ra số tiền lớn để tham gia sản xuất các sản phẩm đa dạng, không phân biệt của quốc gia nào. Trong lĩnh vực điện ảnh, dù thế nào thì sự hâm mộ của khán giả đối với phim bom tấn Hollywood vẫn rất lớn, do đó thời gian gần đây, với tiềm lực kinh tế dồi dào, Trung Quốc bắt đầu đầu tư với quy mô lớn vào các bộ phim bom tấn và chia sẻ doanh thu với Hollywood. Nhờ đó, trong số những bộ phim có doanh thu phòng vé khổng lồ trên toàn thế giới, những bộ phim bom tấn của Hollywood nhận tiền đầu tư của Trung Quốc ngày càng tăng lên.
Các bộ phim có doanh thu phòng vé cao, lại thêm việc đầu tư số tiền lớn cho các bộ phim này nên đương nhiên "màu sắc quốc gia" vốn đã khác biệt của Trung Quốc ngày càng được nhấn mạnh. Thậm chí, ngay cả những bộ phim bom tấn Hollywood cũng làm và trình chiếu riêng một phiên bản có những "yếu tố Trung Quốc", như có sự xuất hiện của các diễn viên trong nước hoặc nội dung phim diễn ra tại Trung Quốc.
Phạm Băng Băng trong phim Iron man 3 phiên bản Trung Quốc.
Trong phim Iron Man 3, tuy thời lượng không nhiều nhưng nữ diễn viên Trung Quốc Phạm Băng Băng cũng đã góp mặt trong phim, phim Transformers: Age of Extinction công chiếu ở Trung Quốc là phiên bản quay tại các địa điểm như Bắc Kinh và Thiên Tân.
Cảnh chỉ có trong bộ phim Iron man 3 phiên bản Trung Quốc của Marvel.
Trong lĩnh vực phim truyền hình và chương trình giải trí, Trung Quốc cũng tích cực đầu tư vào Hàn Quốc. Kể từ sau thành công của Dae Jan Geum, phim truyền hình Hàn Quốc lại một lần nữa nhận được sự quan tâm và yêu thích nhờ bộ phim You Came From The Stars, chương trình giải trí Running Man cũng rất được yêu thích.
Năm 2015, quy mô vốn đầu tư của Trung Quốc vào các doanh nghiệp kinh doanh văn hóa Hàn Quốc đã tăng 2,7 lần so với năm trước đó. Năm 2014, trong một năm, tổng cộng đã có 12 chương trình của Hàn Quốc được Trung Quốc mua bản quyền phát sóng, chiếm 48% tổng số chương trình được bán bản quyền phát sóng ra nước ngoài của Hàn Quốc.
Tham vọng của Trung Quốc không dừng lại ở đó. Một xu hướng đang ngày càng tăng đó là Trung Quốc bỏ tiền mua lại bản quyền của các bộ phim truyền hình hay các chương trình giải trí để làm lại theo phiên bản và đặc trưng của Trung Quốc.
Dựng tấm khiên lớn
Không chỉ tích cực đầu tư, Trung Quốc đang trang bị cho mình một tư thế phòng thủ mạnh mẽ. Chính phủ Trung Quốc vừa đầu tư phát triển các sản phẩm văn hóa vừa công khai thực hiện bảo hộ lãnh thổ văn hóa của mình. Kể từ sau khi thiết lập hạn ngạch nhập khẩu phim nước ngoài năm 2012 (giảm từ 34 xuống 20 bộ phim trong một năm), Trung Quốc đang xây dựng một tấm khiên phòng thủ vững chắc cho ngành công nghiệp văn hóa trong nước.
Nửa cuối năm 2014, các trang mạng xem trực tuyến các chương trình văn hóa cũng bị kiểm soát thông qua cơ chế phòng vệ: ngăn chặn việc xem trực tuyến các chương trình nước ngoài như phim truyền hình Hàn Quốc, các chương trình giải trí.
Các trang mạng là công cụ chủ yếu giúp khán giả Trung Quốc có thể thưởng thức các chương trình giải trí, phim truyện của Hàn Quốc, nhưng hiện nay, để được phát trực tuyến các chương trình của nước ngoài, các trang mạng này bắt buộc phải xin giấy phép. Nếu không, theo quy định từ ngày 1/4/2014, các trang mạng này sẽ không được phép phát sóng các chương trình giải trí của nước ngoài. Lẽ dĩ nhiên, kể từ sau quy định này được ban hành, phim truyền hình Hàn Quốc phải hứng chịu những ảnh hưởng tiêu cực như thiệt hại lớn về giá trị xuất khẩu.
(*) Nội dung tham khảo cuốn Hành trình sáng tạo của CJ- tác giả Ko Seong Yeon.
Ko Seong Yeon
Theo Trí Thức Trẻ