Kinh tế Đức tăng trưởng âm, Argentina sụp đổ thị trường, “chim báo bão” Singapore bên bờ vực suy thoái. Tất cả khiến diễn biến bất thường trên thị trường trái phiếu Mỹ ngày 14/8 trở nên đáng sợ.
“Khi nước Mỹ hắt hơi, thế giới sẽ cảm lây”.
Đó là câu nói cửa miệng của giới đầu tư tài chính: Nếu nền kinh tế Mỹ gặp khủng hoảng, làn sóng ảnh hưởng sẽ lan toàn cầu.
Và đó chính là kịch bản được nhắc đến nhiều tuần qua khi dồn dập các tín hiệu “báo động” xuất hiện trên toàn thế giới. Gây lo ngại nhất là hiện tượng “đường cong lợi suất đảo ngược” trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ. Dấu hiệu bất thường này được cho là báo hiệu suy thoái, như từng xuất hiện trước mọi cuộc suy thoái ở Mỹ suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Cũng tuần rồi, những con số ảm đạm từ Đức, Trung Quốc và Singapore như những “triệu chứng” mới, cho thấy tình hình ngày càng xấu đi của kinh tế toàn cầu. Ở Argentina, giá đồng peso và giá cổ phiếu “sụp đổ”, khiến người dân không thể mua hàng hóa, từ sandwich đến nhà cửa, vì đồng tiền mất giá quá mạnh.
Một số cường quốc đã rơi vào “suy thoái”, theo định nghĩa phổ biến là khi sản lượng kinh tế giảm hai quý liên tiếp, còn số khác đang “xếp hàng” trước bờ vực suy thoái khi sản lượng đã giảm một quý. Nhưng sau các diễn biến tuần qua, dường như danh sách suy thoái sẽ chỉ dài ra theo từng quý. Cơn bão khủng hoảng đang “gõ cửa” mọi châu lục.
Những người môi giới chứng khoán tại sàn giao dịch ở Chicago. Ảnh: Getty Images. |
Lần đầu tiên kể từ tháng 6/2007, ngay trước đại suy thoái 2008-2009, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thời hạn 10 năm ngày 14/8 đã giảm xuống thấp hơn lợi suất trái phiếu thời hạn hai năm.
Bình thường, lợi suất cho trái phiếu dài hạn như 10 năm phải cao hơn trái phiếu ngắn hạn hai năm. Nói nôm na, nếu bạn mua trái phiếu và khoản tiền đầu tư bị “kẹt” 10 năm mới có thể lấy lại, bạn sẽ đòi hỏi khoản lãi cao hơn so với chỉ hai năm.
Như vậy, nếu vẽ trên biểu đồ, trục ngang là thời gian đáo hạn, trục dọc là lợi suất, đường thể hiện lợi suất và thời gian đáo hạn sẽ phải đi lên khi lợi suất 10 năm cao hơn lợi suất hai năm.
Nhưng tuần qua, giới đầu tư đã đổ xô đi mua trái phiếu 10 năm, được cho là “nơi ẩn náu an toàn” so với rủi ro của giá cổ phiếu. Giá trái phiếu tăng khiến lợi suất trái phiếu 10 năm giảm xuống thấp hơn lợi suất hai năm. Đường cong lợi suất bị đảo ngược, dấu hiệu thường xuất hiện trước các cuộc suy thoái.
Cần nói rõ đường lợi suất ngược không gây ra suy thoái kinh tế mà chỉ là tín hiệu về khả năng xảy ra suy thoái. Bản chất của hiện tượng này là giới đầu tư đang dự đoán kịch bản kinh tế suy giảm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải hạ lãi suất cơ bản để kích thích kinh tế và lợi suất của trái phiếu ngắn hạn như hai năm cũng sẽ giảm đi.
Anh là một trong những đầu tàu kinh tế châu Âu đang cận kề suy thoái kinh tế. Ảnh: AFP. |
Chứng khoán Mỹ có phiên rớt giá mạnh nhất trong năm vào ngày 14/8, khi chỉ số công nghiệp Dow Jones ở sàn New York giảm xấp xỉ 3%, chỉ số S&P 500 giảm 2,9%, còn chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 3%.
“Có nhiều lo ngại về tình trạng của nền kinh tế (ở Mỹ) và thị trường trái phiếu đang phản ánh điều đó”, Richard Bernstein, người sáng lập công ty đầu tư RBAdvisors, trả lời Politico. “Thị trường trái phiếu gửi tín hiệu cho thấy tăng trưởng chững lại và nền kinh tế đang ‘lâm bệnh’ nặng hơn người ta tưởng”.
Theo Politico gói cắt giảm thuế năm 2017 của Tổng thống Trump không còn tác dụng kích thích nền kinh tế. Tăng trưởng giảm xuống 2,1% trong quý II và hầu hết phân tích đều báo hiệu sự chững lại trong phần còn lại của năm.
Nhưng tổn hại nhất là sự bất trắc của cuộc chiến thương mại, thể hiện ở việc chi tiêu doanh nghiệp giảm. Việc mất thị trường Trung Quốc cũng đang gây thiệt hại cho nông dân Mỹ. Kỳ bầu cử 2020 ở Mỹ có thể sẽ như 2008 khi tâm điểm sẽ là làm sao kinh tế thoát khỏi suy thoái.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng “lần này sẽ khác”. Theo họ, lợi suất trái phiếu dài hạn giảm xuống thực ra đang là hiện tượng không chỉ ở Mỹ, mà trên toàn cầu, khi các ngân hàng trung ương trên thế giới cắt lãi suất cơ bản nhằm tạo đà cho kinh tế.
“(Lo ngại về thị trường trái phiếu) đang bị thổi phồng. Nếu bạn theo dõi doanh số bán lẻ, một tín hiệu của suy thoái là ba tháng liên tiếp doanh số phải giảm. Chúng ta lại đang thấy điều ngược lại”, Chris Rupkey, kinh tế gia trưởng của ngân hàng MUFG, nói với CNBC.
Người mua sắm ở quảng trường Herald Square ở New York. Ảnh: Getty Images. |
“Vấn đề với đường lợi suất ngược là nó phản ánh tình hình kinh tế toàn cầu, chứ không phải riêng nền kinh tế Mỹ”, Politico dẫn phân tích của công ty RBC Capital Markets gửi cho khách hàng. “Chính vì vậy, chúng tôi chưa đưa ra cảnh báo suy thoái (ở Mỹ)”.
Kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng và các con số mới nhất về bán lẻ và việc làm đều vững chắc, theo CNBC. Nhưng cơn bão suy thoái thực tế đã “hỏi thăm” các “trái tim kinh tế” hàng đầu ở các châu lục.
Đa số các nền kinh tế đang cận kề suy thoái dưới đây dựa nhiều vào xuất khẩu. Nhưng bây giờ là thời kỳ khó khăn cho xuất khẩu. Cuộc thương chiến Mỹ - Trung đã làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa toàn cầu, khiến xuất khẩu bị giảm đáng kể.
Có ý nghĩa nhất tới Việt Nam là diễn biến tại Singapore. Ngày 13/8, Singapore tuyên bố nền kinh tế đã giảm tới 3,3% trong quý II (so với tăng 3,8% của quý I). Nếu sản lượng kinh tế quý III giảm tiếp, Singapore sẽ chính thức bước vào “suy thoái”.
Singapore và Hàn Quốc thường được coi là “chim báo bão” cho suy thoái ở các nền kinh tế châu Á và thế giới khi đảo quốc này có tỷ lệ thương mại lớn trong GDP, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Luxembourg.
Báo động từ Singapore sẽ được các nước dựa vào xuất khẩu như Malaysia, Thái Lan và Việt Nam hết sức chú ý. Ảnh: Getty Images. |
“Singapore luôn là nơi báo hiệu thương mại toàn cầu đang chững lại”, Carlos Casanova, kinh tế gia châu Á - Thái Bình Dương, công ty bảo hiểm Coface, nói với South China Morning Post. “Với tình hình mà chúng ta đang thấy, kinh tế (Singapore) hoàn toàn có thể suy thoái trong quý III năm nay”.
“Các lệnh thuế mới của Mỹ có thể làm chậm đà tăng trưởng của Trung Quốc, khiến nước này nhập khẩu ít đi và ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn khu vực”, theo thông cáo của Bộ Công Thương Singapore.
Hàn Quốc suýt nữa cũng đã rơi vào suy thoái. Kinh tế xứ sở kim chi suy giảm 0,4% trong quý I, nhưng lại tăng trong quý II (1,1%). Đây là con số bất ngờ nhưng nhiều chuyên gia dự đoán sẽ không tồn tại lâu, theo Washington Post. Hàn Quốc đang trong cuộc chiến thương mại với Nhật Bản và dự báo sẽ gây thêm khó khăn cho xuất khẩu, vốn đã giảm 20% đối với hàng điện tử và 30% đối với vật liệu bán dẫn, theo ngân hàng ING.
Lún sâu nhất trong khủng hoảng là Argentina, vốn đang trong cơn suy thoái. Ngày 12/8, tình hình đột ngột xấu đi cho "xứ sở tango" sau cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ. Thị trường cổ phiếu “bốc hơi” một nửa, còn đồng peso có thời điểm rớt giá 30% so với USD.
“Đồng tiền của người Argentina mất 25% giá trị so với chỉ một tuần trước... nhiều cửa hàng lập tức thay đổi giá sản phẩm”, Jimena Blanco, Giám đốc nghiên cứu Nam Mỹ ở công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft, trả lời đài BBC. “Đi mua sandwich ăn trưa bỗng có giá mới. General Motors tuyên bố tăng giá xe 23%. Người mua nhà không mua được nhà vì đồng tiền mất giá mà nhà được định giá bằng USD”.
Một người bạn của bà Blanco muốn mua cái bàn để sửa sang bếp, nhưng chiếc bàn bỗng tăng giá hơn 43% chỉ sau cuối tuần. Nhiều doanh nghiệp nhỏ ngừng giao hàng dù đã hứa miệng vào tuần trước đó vì họ mua nguyên liệu bằng USD và nếu bán sẽ không đủ hòa vốn.
Nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ, Brazil, đã suy giảm 0,2% trong quý I và dự đoán sẽ giảm tiếp trong quý II khi dữ liệu công bố cuối tháng 8, đẩy nước này vào nhóm suy thoái. Ngân hàng trung ương phải cắt lãi suất, còn Tổng thống Jair Bolsonaro phải bơm tiền để kích cầu. Nhiều phỏng đoán tưởng rằng Brazil sẽ hưởng lợi khi Trung Quốc mua đậu nành và các sản phẩm khác từ nước này thay vì Mỹ, nhưng các hàng hóa này lại rớt giá.
Mexico suy giảm 0,2% trong quý I nhưng lại tăng trưởng 0,1% vào quý II, suýt rơi vào nhóm suy thoái.
Biểu tình phản đối khủng hoảng kinh tế ở Buenos Aires, Argentina, tuần trước. Ảnh: Anadolu. |
Các đầu tàu kinh tế châu Âu là Đức và Anh cùng trên bờ vực suy thoái. Sản lượng quý I của Đức tăng chỉ 0,4% nhưng quý II đã giảm 0,1%. Kinh tế Đức dựa nhiều vào xe hơi và hàng công nghiệp, nhưng hầu hết thế giới, bao gồm Mỹ, đang gặp khó khăn về sản xuất công nghiệp. Anh tăng trưởng yếu 0,5% trong quý I nhưng quý II lại giảm 0,2%. Đầu tư ở Anh giảm mạnh trước sự bất an về Brexit, được dự báo sẽ đẩy Anh vào nhóm suy thoái.
Italy, nền kinh tế lớn thứ ba trong khối dùng đồng euro, đã suy thoái vào năm ngoái. Sản lượng kinh tế chỉ tăng 0,2% trong quý II và được đoán là sẽ suy giảm do bạn hàng lớn là Đức đang chật vật.
Nga được dự báo sẽ suy thoái vào cuối năm nay sau nửa đầu 2019 tăng trưởng khiêm tốn 0,7%. Nga khó khăn từ năm 2014 do giá dầu giảm và lệnh trừng phạt quốc tế đáp trả hành động quân sự của Moscow tại Ukraine. Cố gắng làm giảm tác động của cấm vận, Nga tránh buôn bán với Mỹ và dựa nhiều vào Trung Quốc, nhưng giờ Bắc Kinh cũng đang chững lại.
Các nước kể trên đều là những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Suy thoái thường kéo lùi mọi nền kinh tế khác. Chẳng hạn, Nhật Bản sẽ không cách nào tránh khỏi suy thoái nếu các nước kia suy thoái, vì Tokyo xuất khẩu nhiều máy móc, thiết bị.
Điểm sáng đang đẩy kinh tế toàn cầu là nhu cầu chi tiêu của dân Mỹ. Nhưng giới đầu tư lo ngại ông Trump tiếp tục đánh thuế lên 300 tỷ USDhàng hóa của Trung Quốc như dệt may, điện thoại, TV và đồ chơi - động thái “tuyên chiến với Giáng sinh” khi đó là những món quà người Mỹ thường tặng nhau dịp lễ.
“Thương chiến đang là lo ngại lớn nhất... Bất định càng lâu, kinh tế toàn cầu càng bị ảnh hưởng”, Dan Ivascyn, Tổng giám đốc đầu tư công ty quản lý đầu tư PIMCO, nói với Washington Post.
Nếu làn sóng suy thoái lan rộng trên toàn cầu và xảy ra ở Mỹ, bản chất của cơn suy thoái sẽ là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, theo các chuyên gia.
Nhà kinh tế Paul Krugman cho rằng nguyên nhân sẽ bao gồm chiến tranh thương mại, điểm yếu trong thị trường địa ốc và nhu cầu chi tiêu đã tăng sau đợt cắt thuế của Tổng thống Trump nhưng sau đó chùng xuống.
Theo Vox, cuộc đại suy thoái năm 2008 là cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thế hệ, vậy nên cuộc suy thoái tới đây, nếu có, sẽ không quá tệ. Sẽ khó định nghĩa bằng một sự kiện đơn lẻ như Lehman Brothers sụp đổ, thay vào đó, mọi hoạt động kinh tế như tiêu dùng, đầu tư, xây nhà sẽ chững lại trên toàn cầu. Một số doanh nghiệp đóng cửa, số giờ làm bị cắt giảm, nhân công bị sa thải. Nhưng sẽ không có rủi ro về tín dụng, hay bong bóng nào về mặt tài chính, khác với suy thoái năm 2008.
Cây viết Noah Smith của Bloomberg nhận định cuộc suy thoái tới nếu xảy ra sẽ là do Trung Quốc phần nhiều khi Bắc Kinh góp phần lớn nhất vào tăng trưởng toàn cầu mấy năm gần đây.
Điều lạ trong khủng hoảng 2008 là Trung Quốc không bị suy thoái, trong khi Mỹ và châu Âu ảnh hưởng nặng nề. Nhưng lần này nếu Trung Quốc rơi vào suy thoái, sẽ là gánh nặng lớn đối với thế giới. Từ 2010-2017, Trung Quốc đóng góp vào 31% tăng trưởng tiêu dùng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, sản lượng hàng công nghiệp của Trung Quốc tăng chậm nhất trong 17 năm ở mức 4,8%. Ngoài chịu tác động của thương chiến, ông Smith còn chỉ ra các điểm yếu căn bản hơn của Trung Quốc.
Để đối phó với suy thoái toàn cầu năm 2008, Trung Quốc chuyển hướng từ sản xuất để xuất khẩu sang xây cơ sở hạ tầng và bất động sản trong nước, và từ doanh nghiệp tư nhân sang doanh nghiệp nhà nước, có thể đã khiến năng suất chững lại. Trong khi đó, dân số tuổi lao động và nguồn lao động nông thôn nhàn rỗi đều cạn dần.
Nếu có suy thoái, nguồn gốc của nó “sẽ mang tính sâu xa, vì tăng trưởng toàn cầu đã dựa vào sự hội nhập của một Trung Quốc phát triển chóng mặt, nhưng điều này đang dần chững lại”, ông Smith viết trên Bloomberg. “Kết hợp với thuế của Mỹ... ảnh hưởng lên toàn thế giới và ở Trung Quốc sẽ nghiêm trọng”.
“Ông Trump cần ngừng làm xáo trộn thương mại thế giới. Đó là điều quan trọng nhất đối với kinh tế thế giới lúc này”, Vincent Reinhart, kinh tế gia trưởng, công ty quản lý đầu tư BNY Mellon nói với Washington Post.
Đồ họa: Nhân Lê
Theo Zing