Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Côn Đảo "phát sốt"...

13/08/2018 22:21

Người dân ở Côn Đảo đang kháo nhau về những mảnh đất mới mua đã bán lời gấp đôi, gấp ba, thu về hàng tỉ đồng chỉ trong vài ngày.

Theo các cơ quan chức năng huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cơn sốt đất ở Côn Đảo chính thức bắt đầu khi Hãng tàu SuperDong đưa vào hoạt động tuyến cao tốc Sóc Trăng - Côn Đảo. Nhu cầu lưu trú tăng cao, nhiều người bắt đầu đập nhà trọ cho lao động thuê để xây khách sạn đón khách du lịch. Mọi thứ bắt đầu xáo trộn.

Nhà đầu cơ đổ xô "săn" đất

Một ngày đầu tháng 8, ra Côn Đảo sắm vai người mua đất xây khách sạn, chúng tôi hỏi mua mảnh đất nằm ở gần trung tâm huyện Côn Đảo. Đầu dây là giọng nam giới, người đàn ông này ra giá 6 tỉ đồng cho 100 m2. "Nếu chị muốn mua thì thu xếp đi xem đất ngay chứ chậm là không còn đâu" - người đàn ông bán đất khẳng định. Bởi theo ông, hiện rất nhiều khách hỏi mua lô đất trên để xây khách sạn, nhà nghỉ. Giá đất sẽ còn lên nữa, sở dĩ ông bán là vì kẹt tiền.

Giá đất ở Côn Đảo bắt đầu tăng vào cuối năm 2017 và cứ thế "lao vút" đến nay khi lượng khách du lịch mỗi ngày một tăng nhờ việc kết nối đường thủy từ Sóc Trăng ra Côn Đảo. Tại trung tâm huyện, giá đất có nơi đã được đẩy lên đến 100 triệu đồng/m2, kéo theo giá đất các vùng lân cận cũng cao chóng mặt.

Mọi chuyện bắt đầu "nóng" khi tuyến đường thủy kết nối Côn Đảo với Sóc Trăng đi vào hoạt động.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chị Ng.T.T.Th kể đầu năm 2017, gia đình chị bán một mảnh đất 290 m2 với giá 2,5 tỉ đồng nằm gần trung tâm Côn Đảo. Chỉ sau vài tháng, mảnh đất trên đã được sang tay, bán cho người khác với giá 4 tỉ đồng. Chưa dừng lại, giá mảnh đất trên được đẩy lên 8 tỉ đồng và đã có người mua. Chuyện của gia đình chị Th. không phải hiếm ở Côn Đảo thời gian gần đây. Đi đâu chúng tôi cũng nghe người dân kháo nhau về những mảnh đất của ông này, bà nọ bán chưa đầy năm đã "mất" cả 5-7 tỉ đồng do giá nay tăng gấp đôi, gấp ba.

Số liệu từ Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Côn Đảo cho thấy trong 3 tháng đầu năm 2018, có gần 100 hồ sơ giao dịch liên quan đến đất đai, tăng cao hơn so với cùng thời điểm của những năm trước. Qua tìm hiểu của chúng tôi, các giao dịch thành công này chủ yếu là do những nhà đầu tư ở đất liền như Hà Nội, TP HCM đổ xô ra đây "săn" đất với mục đích xây khách sạn hoặc mua để đó đợi lời thì bán.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, việc giá đất ăn theo sự phát triển của lượng khách là điều dễ hiểu nhưng với một nơi như Côn Đảo, du lịch phải phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết thì các nhà đầu tư mạnh vốn mới đủ sức "chơi"; người ít vốn thì nên cân nhắc bởi rất dễ rơi vào "bẫy" của du lịch thời vụ, có những tháng phòng không đủ cho khách thuê, nhiều tháng "ngồi đuổi ruồi".

Cư dân nháo nhào, lo lắng

"Hôm rồi tôi thấy chủ đất đang rao giá 10 tỉ đồng mà cả gia đình cứ tiếc ngẩn tiếc ngơ. Cứ mỗi lần nhắc đến là gia đình lại xào xáo, trách móc lẫn nhau" - chị Th. ngao ngán nói và mơ ước phải chi Côn Đảo yên bình như xưa. Bởi trước đây tuy nghèo nhưng gia đình chị vui vẻ, còn giờ thì nhiều khi đi làm xong chẳng muốn về nhà.

Còn theo ông Ng.Ch (một cư dân cố cựu ở Côn Đảo), hậu quả của cơn sốt đất thực sự không đem lại "hạnh phúc" cho cư dân nơi này bởi có rất nhiều gia đình đang xào xáo vì người này đổ lỗi người kia "gặt lúa non" khi bán đất. "Giá đất tăng cũng mừng nhưng xem ra nó sẽ gây ra không ít xáo trộn đối với người dân thâm niên ở Côn Đảo vốn thiệt thà, siêng năng. Người thì thành "cò" đất, kẻ thì tiếc ngẩn ngơ, không thiết làm ăn chi cả khi thấy mình bán đất hớ quá nhiều" - ông Ch. thở dài.

Trở lại câu chuyện ra Côn Đảo của chúng tôi, đoàn gồm 4 người, dù lên kế hoạch cả tuần nhưng việc đặt khách sạn ở Côn Đảo gần như là không thể khi điện thoại liên lạc thì gần như 100% nhà nghỉ, khách sạn nơi đây đều báo kín phòng. Chúng tôi đã phải vận dụng tất cả các mối quan hệ mới có thể tìm được 2 phòng khách sạn chật hẹp nằm gần trung tâm Côn Đảo với giá lên đến 750.000 đồng/đêm. Ấy vậy mà khi ra đến Côn Đảo, chúng tôi còn cảm thấy may mắn hơn rất nhiều người, bởi họ không thể tìm được một chỗ để qua đêm.

"Khách tăng như vậy, liệu đời sống của người dân nơi đây chắc được nâng lên nhiều?", trả lời câu hỏi này, chị Hạnh - nhân viên khách sạn nơi chúng tôi lưu trú - nói ngoài khách du lịch, hằng năm, Côn Đảo đón một lượng lớn công dân từ đất liền ra để công tác, hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Nhân viên bộ phận nào cũng chạy "bở hơi tai" nhưng lương vẫn vậy. "Khách đông, giá đất tăng khiến giá thuê nhà trọ cũng tăng, rồi giá cả sinh hoạt đã trở nên đắt đỏ. Tôi bắt đầu cảm thấy bất an khi áp lực từ chi phí phát sinh trong sinh hoạt quá lớn đổ xuống. Với tiền lương như hiện tại thì việc mua nhà nơi đây gần như là không thể" - chị Hạnh cho biết.

Nói về việc giá nhà trọ cho người lao động ở Côn Đảo thuê để ở tăng, người dân lý giải do nhu cầu về phòng nghỉ cho khách du lịch quá lớn trong khi các khách sạn, nhà nghỉ hạng trung đều không đủ đáp ứng nên họ đua nhau đập nhà trọ xây nhà nghỉ, khách sạn. Số liệu thống kê từ cơ quan chức năng huyện Côn Đảo cho thấy chỉ trong thời gian ngắn, gần đây đã có hơn 10 nhà nghỉ, khách sạn được cấp phép xây dựng. "Áp lực lại một lần nữa đè lên người lao động, khi việc tìm nhà trọ vô cùng khó khăn, có những thời điểm một căn trọ chật hẹp có giá 4 triệu đồng/tháng" - chị Hạnh kể.

Khách tăng phi mã

Theo quy hoạch của Chính phủ, dự kiến đến năm 2030, Côn Đảo đón được khoảng 300.000 lượt khách du lịch. Thế nhưng, theo số liệu thống kế 6 tháng đầu năm 2018, lượng khách đến Côn Đảo đã hơn 153.000 lượt và dự kiến sẽ cán đích 300.000 trong năm nay.

Kỳ tới: Khách nhiều chưa hẳn hay

Bài và ảnh: NGỌC GIANG

người lao động

Bạn đang đọc bài viết "Côn Đảo "phát sốt"..." tại chuyên mục Bất động sản.