Khi chúng ta già đi, tất cả tiền bạc, danh vọng đều tan biến như mây khói. Và nếu khi ấy nhìn thấy con trẻ của bạn vẫn chưa thành tài thì chỉ càng thêm u sầu cho cảnh già đã gần đất xa trời.
Trong giáo dục con cái có một điều tuyệt đối không bao giờ được thiếu đó chính là "để trẻ chịu khổ". Đặc biệt là đối với những gia đình có con trai thì điều này càng phải đưa lên tiên quyết bởi nếu một người đàn ông mà sợ khổ thì sẽ không làm được gì cho đời. Bạn đừng trách anh ta không có tính trách nhiệm vì thực tế anh ta đâu có nổi một bờ vai sắt đá để gánh khổ của đời.
Người không thể chịu khổ sau cùng sẽ chỉ làm cho những người thân quanh họ chịu khổ, đến lúc đó bản thân họ cũng phải gánh chịu đôi phần. Mà ảnh hưởng đó có thể sẽ dính dáng đến cả một đời. Hãy nhìn cha mẹ, ông bà, những người đi trước ta để cảm nhận những điều đó.
Khi bạn nhìn những đứa trẻ của mình theo thời gian lớn dần lên trước mắt, bạn sẽ cảm thấy sự vội vã của năm tháng. Cuộc đời mỗi người rồi cũng chỉ là mấy chục năm mà thôi! Tôi có hai người bạn, một người lấy phải một người chồng từ khi còn trẻ đã không chịu được khổ, tất cả lớn việc to nhỏ trong nhà đều đến tay vợ lo liệu. Đám bạn chúng tôi đều cho rằng cô ấy khổ nhưng cô ấy lại không nghĩ như vậy. Mà cô ấy lại nghĩ rằng "có lẽ đây là số mệnh" của cô ấy.
Còn người bạn kia lấy được người chồng xông xáo, dám "đứng mũi chịu sào". Mọi người trong ngoài nhà anh ta đều lo liệu một cách thỏa đáng. Vì thế gia đình họ sống rất ấm no, hạnh phúc. Ra khỏi nhà là có thể thẳng lưng ngẩng cao đầu với thiên hạ. Đi đến đâu cũng có người quý người mến và tôn trọng.
Thế mới biết "chịu khổ không có gì đáng sợ, lao động cho ta sự tôn nghiêm!"
Rất nhiều người lớn lên đều trở thành kiểu người mà trước đấy họ vô cùng ghét là bởi vì trong quá trình trưởng thành họ đã phá vỡ những nguyên tắc của bản thân từ lúc nào không hay. Trong khi đó sự giáo dục của gia đình, đặc biệt là quan điểm của bố mẹ là vô cùng quan trọng. Nếu để ý chúng ta sẽ phát hiện ra một hiện tượng vô cùng quan trọng đó là nếu một gia đình có đông anh chị em thì mọi phần khổ của cuộc sống đều dồn lên những người làm anh làm chị.
Người em út bao giờ cũng được cưng chiều và được chăm lo đầy đủ, ăn ngon ngủ kỹ bởi họ được bố mẹ yêu thương, anh chị che chở. Một vài gia đình sinh con muộn nên thường nâng niu và yêu thương con như một viên trân châu. Vô hình dung, sự yêu thương che chở đó của các bậc cha mẹ như một mũi tên sai trái dẫn dắt những đứa con của họ nhìn nhận sai lầm về cuộc sống để rồi sau khi trưởng thành, cuộc đời đã dạy cho chúng "khổ qua" có mùi vị như thế nào.
Tất nhiên, bất kể bố mẹ nào cũng đều không muốn con mình phải chịu khổ. Bản thân luôn tằn tiện, tiết kiệm, dè dặt để nuong chiều con cái. Như vậy chẳng khác nào đem thân thể và cuộc sống của bản thân mình cho con cái trói buộc lại. Một người bạn chia sẻ với tôi về em trai chồng của cô ấy. Năm nay đã 26 tuổi, vốn được yêu chiều từ nhỏ nên anh ta chẳng bao giờ biết nghĩ cho người khác.
Mà gia đình chẳng phải giàu có gì, bố mẹ anh ta cũng chỉ là những người làm nông. Tiền kiếm chẳng đủ ăn, tết đến còn không nỡ mua thức ăn ngon để ăn. Còn bản thân anh ta thì đua đòi, cũng mua Apple dùng cho kịp thời đại. Không những vậy, anh ta còn ra nước ngoài du lịch, vay tiền vợ chồng anh trai để phẫu thuật mũi….
Trước đây vợ chồng bạn tôi còn nghĩ có lẽ do anh ta còn chưa hiểu chuyện, sau này mới phát hiện thực tế là do bố mẹ chồng đã quá nuông chiều anh ta đến mức lười làm, sợ khổ. Mẹ chồng cô ấy còn nói từ nhỏ anh ta đã như vậy, không có thứ gì mà anh ta đòi là không có. Vì thế, cô ấy càng không dám để bố mẹ chồng dạy dỗ con của mình vì sợ một ngày nào đó con cô ấy trưởng thành cũng sẽ là một người "sợ khổ".
Mỗi lần nghe và nhìn thấy những câu chuyện như vậy tôi đều cảm thấy đau lòng thay cho những người làm cha làm mẹ và tự hỏi: "Điều gì lại có thể khiến họ sẵn sàng trở thành vật chủ để những ký sinh trùng khác sống bám vào họ như vậy?"
Tình yêu thương đúng là vĩ đại nhưng đừng để nó biến thành vũ khí hại đời con bạn!
Có phải đã có không ít cha mẹ từng nói với con mình thế này: "Con chỉ cần lo học hành thôi, những việc khác không cần quan tâm"? Vì thế việc vặt trong gia đình như cũng không cần chúng động tay động chân, mọi việc lớn nhỏ xảy ra cũng không cần chúng hỏi. Con bạn năm nay bao nhiêu tuổi? Chúng có biết bao nhiêu tiền một gói muối hay bao nhiều tiền một chai dầu hay không?
Làm ơn, xin hãy nói với con bạn rằng cuộc sống này có ngọt thì cũng phải có đắng, không có ai có thể dễ dàng thành công được đâu. Nếu bạn không cho chúng sớm "ăn khổ" rồi sẽ đến lượt cuộc đời cho chúng nếm mùi "đau khổ"!
Thi thoảng, hãy để cho con bạn tham gia làm những công việc nhà hay những hoạt động công ích. Thậm chí hãy để chúng tham gia làm tình nguyện viên, làm những việc phù hợp với khả năng của bản thân, rèn luyện chân tay.
Khởi động cuộc sống trưởng thành. Làm cha mẹ, hãy tiếp sức cho con bạn có một tinh thần "không sợ khổ". Hay cho chúng biết lao động là vinh quang. Và nếu muốn giành được sự tôn nghiêm và giá trị của bản thân thì cần phải không ngừng lao động. Có thể những lời này tôi nói ra giống như khẩu hiệu lãng xẹt nhưng chỉ những người đến 30 tuổi mà vẫn phải ngửa tay xin tiền ăn cơm trưa rồi sẽ hiểu tầm quan trọng của việc giáo dục "chịu khổ".
Dám yêu thì phải dám có dũng khí buông tay con, để biết rằng tình yêu cũng cần phải có khung trời tự do.
Theo Nhã Tịnh/Trí Thức Trẻ