Cơn sốt đất chính thức lắng xuống, nhà đầu tư bán cắt lỗ cả tỷ đồng

14/05/2021 09:00

Sau thời gian tăng nóng cơn sốt đất nền tại các địa phương trên cả nước đã chính thức lắng xuống. Theo Bộ Xây dựng, cơn “sốt ảo” đất nền đã được ngăn chặn sau khi chính quyền địa phương kịp thời vào cuộc.

Theo Bộ Xây dựng, cơn sốt đất nền tại các địa phương trên cả nước đã chính thức lắng xuống. Ảnh: V.D
Theo Bộ Xây dựng, cơn sốt đất nền tại các địa phương trên cả nước đã chính thức lắng xuống. Ảnh: V.D)

Giá đất hạ nhiệt sau cơn sốt

Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, sau khi chính quyền các địa phương trên cả nước vào cuộc kiểm soát, đến nay cơn sốt đất đã chính thức lắng xuống.

Theo Bộ Xây dựng, tại thời điểm cuối quý 1/2021, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đã xảy ra hiện tượng tăng nóng ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Ninh Bình, Bình Thuận, Bình Phước, Quảng Trị,…

Cụ thể, tại Hà Nội, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường thì một số khu vực đất đai người dân quản lý tại các vùng ven đô, quy hoạch nâng cấp lên Quận đều bị đẩy lên tương đương 30 – 50 tr/m 2; bình quân các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 – 30%.

Còn tại TP.HCM, giá nhà đất ở khu vực thành phố Thủ Đức liên tục tăng nhiều đợt từ trước thời điểm thành lập thành phố đến nay (ví dụ trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng…, vị trí đất mặt đường đã lên tới hơn 100 triệu đồng/m 2 thậm chí gần 200 triệu; tại phường Trường Thọ, giá đất trước đây chỉ khoảng 40 - 50 triệu đồng/m 2 đã tăng lên tới 70 - 90 triệu đồng/m 2 thậm chí 100 triệu đồng/m 2 ).

Theo Bộ Xây dựng, giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao như: vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%) và mới đây là Thanh Hóa; tại TP.Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP. HCM; TP.Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai,…

Tuy nhiên, giao dịch chính thức được ghi nhận trên thực tế hầu như rất ít. Hình thức giao dịch tại các khu vực này chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua.

Cơn sốt đất lắng xuống, nhà đầu tư ồ ạt rao bán cắt lỗ

Tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong một thời gian rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai cũng như cảnh báo tới các nhà đầu tư, người dân về quy hoạch, kế hoạch thực hiện, tình hình triển khai các dự án trên địa bàn (như thông tin quy hoạch sân bay Tec-ních tại huyện Hớn Quản của tỉnh Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại Đà Nẵng,…).

Ghi nhận thực tế cho thấy, tại một số khu vực của tỉnh Bình Dương và Bình Phước, đặc biệt là khu vực huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước), giá đất tại các khu vực này đã "lao dốc", nhiều thông tin rao bán cắt lỗ hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng được nhiều nhà đầu tư liên tục đưa ra.

Cụ thể, tại khu vực huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, nơi mà cách đây khoảng vài tháng, hàng trăm cò đất đã ồ ạt kéo đến nâng giá đất nông nghiệp của bà con nơi đây lên cao chót vót. Nay, nơi đây đã trở nên tĩnh lặng, người dân quay trở lại với cuộc sống nương rẫy.

Những lô đất trước đây được "cò" đẩy giá lên cao gấp hàng chục lần với giá trị lên đến hàng tỷ đồng, nay được rao bán với mức giá chỉ vài trăm triệu đồng.

"Thấy đất sốt, giá tăng từng ngày nên tôi cũng làm liều vay mượn tiền lên Hớn Quản "ôm" lô đất nông nghiệp có diện tích 1.000m2 với giá hơn 1 tỷ đồng. Chỉ mấy ngày sau, đất rớt giá dần, bán ra không ai mua, đến nỗi bây giờ rao bán chỉ vài trăm triệu cũng không có ai ngó ngàng tới", anh Hiếu (ngụ tỉnh Bình Dương) rầu rĩ nói.

Không chỉ riêng anh Hiếu, nhiều nhà đầu tư "tay ngang" khác cũng đang trong cảnh "nợ đầm đìa" khi không am hiểu thị trường, cố chạy theo cơn sốt đất để hy vọng kiếm lời nhanh. Nhưng cuối cùng, bây giờ phải ngậm ngùi bán cắt lỗ hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng để mong gỡ gạc lại chút vốn liếng.

"Đúng là không có cái dại nào bằng cái dại chạy theo cơn sốt đất, tiền đi vay mượn để đổ dồn vào mua đất hy vọng kiếm lời nhanh. Ai ngờ, đất không thể bán được, trong khi đó tiền lãi ngân hàng phải trả đều đặn mỗi tháng. Giờ chỉ trông cho mau bán được đất để lấy tiền làm việc khác, lỗ bao nhiêu cũng đành chấp nhận", chị Thuý (ngụ TP. Thủ Đức) cho biết.

Các khu vực được các nhà đầu tư rao bán đất nền cắt lỗ tập trung ở huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng, thị xã Bến Cát, Tân Uyên của tỉnh Bình Dương và huyện Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh, thị xã Phước Long và thành phố Đồng Xoài của tỉnh Bình Phước.

Ví dụ, một lô đất nền tại khu vực thị trấn Lai Uyên của huyện Bàu Bàng (Bình Dương) có diện tích khoảng 100m2 cách đây khoảng 1 tháng được rao bán từ 800 - 1,1 tỷ đồng, nhưng hiện tại được rao bán với giá từ 600 - 750 triệu đồng. Tức là nhà đầu tư chấp nhận lỗ trên 100 triệu đồng cho mỗi lô đất.

Còn tại TP.HCM, giá đất tại 5 huyện vùng ven Sài Gòn gồm: Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ đều có xu hướng đi ngang hoặc giảm trong 4 tuần qua sau khi tăng 3-20% trong quý 1.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, quý 2/2021, thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn vì siết cơ chế chính sách, tín dụng và ảnh hưởng một phần của dịch bệnh. Do vậy, một số nhà đầu tư không trường vốn hoặc dùng đòn bẩy tài chính sẽ buộc phải nhả hàng ra.

Bên cạnh đó, dịch Covid tái bùng phát lần 4, có nhiều diễn biến khó lường nên nhiều người mua nhà theo dạng đầu tư để bán hoặc cho thuê sẽ gặp khó khăn, buộc phải bán ra để cắt lỗ, bảo toàn vốn dẫn đến thị trường thứ cấp nhà chung cư thời gian qua có lượng hàng, lượng giao dịch tăng lên.

Nguồn: https://danviet.vn/con-sot-dat-chinh-thuc-lang-xuong-nha-dau-tu-ban-cat-lo-ca-ty-dong-20210510094034161.htm