Con trai cả sinh năm 1989 của Bầu Hiển nhận còn nhiều điểm yếu so với thế hệ đi trước song tự tin mang đến luồng gió mới cho "một SHB cần trẻ, hiện đại hơn".
Đỗ Quang Vinh trở về Việt Nam sau ba năm giữ chức CEO của T&T tại Mỹ. Lần này, con trai cả của ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) nhận nhiệm vụ đầu tiên với chức danh Phó giám đốc khối ngân hàng bán lẻ SHB.
Người kế tục tương lai của SHB được bàn giao một phòng làm việc tầm 15 m2 trên phố Trần Hưng Đạo. Đây là căn phòng duy nhất còn trống trong toà nhà nên bàn giao cho Vinh lúc anh trở về... Bàn làm việc của anh chỉ dùng gỗ công nghiệp, trên bàn không có đồ trang trí gì ngoài ảnh cá nhân và các chậu cây nhỏ người thân và bạn bè tặng. Vinh nói bản thân không cần quá cầu kỳ, không thích sự xa xỉ, miễn đạt hiệu quả của công việc.
- Trước đây, anh từng chia sẻ khi về Việt Nam sẽ làm tại T&T chứ không về SHB. Nhưng nay sao anh lại chọn ngân hàng và khởi đầu ở một vị trí như phó giám đốc khối dù là con trai chủ tịch?
- Tôi nghĩ mình ngày một trưởng thành nên việc thay đổi suy nghĩ so với nhiều năm trước là bình thường. Vốn ba luôn hướng tôi vào môi trường này. SHB cũng là ngân hàng do ông dành tất cả tâm huyết xây dựng, là nơi mà tôi đã có sự gắn kết như với tất cả thành viên trong gia đình. Khi trở về SHB, tôi giống như trở về gia đình.
Là thế hệ F1 trong một gia đình thành công, đương nhiên tôi cũng được nhắc về trách nhiệm kế nghiệp. Tôi tự tạo áp lực đó cho mình từ ngồi trên ghế nhà trường. Chưa kể, chuyên ngành tôi đã chọn và học là về tài chính và mảng bán lẻ của T&T hay khối bán lẻ của ngân hàng cũng có sự tương đồng.
Còn một lý do khác là SHB hiện nay cần sự thay đổi, đột phá để hiện đại hơn. Trước đây, ngân hàng chủ yếu dựa trên tập khách hàng truyền thống, khả năng tiếp cận về công nghệ, nhóm khách hàng trẻ và khối bán lẻ hạn chế. Tôi nghĩ ngân hàng cần luồng gió mới, cần tôi để thay đổi.
Tôi thích làm về bán lẻ, những thứ liên quan đến dịch vụ, công nghệ, chuyển đổi số, nói chung là sự hiện đại, trải nghiệm khách hàng. Điểm này tôi tự tin có ưu thế hơn ba. Với sức trẻ, tôi nghĩ mình có thể thay đổi được SHB.
Có thể mọi người thấy chức phó giám đốc một khối không phải là cao lắm với một "cậu ấm" con trai chủ tịch, từng làm giám đốc ở Mỹ... Nhưng với bản thân tôi, đây là một trong những vị trí chủ chốt, tương đối phù hợp cho sự khởi đầu tại SHB. Nhưng 3-5 năm tới, biết đâu mọi người sẽ thấy Đỗ Quang Vinh xuất hiện với những vị trí cao hơn. Khi tôi đã chọn ngân hàng để đi những bước đầu tiên, cũng như cống hiến, tôi muốn mình phải thành công với lựa chọn này.
- Anh ví mình như là "làn gió mới" với ngân hàng, vậy anh gặp mâu thuẫn gì với những "làn gió cũ"?
- Khi tôi trở về SHB nhận vị trí này, tôi đã tự ý thức được, khó khăn, thách thức lớn nhất là làm thế nào để dung hòa giữa tư duy mới của một người trẻ hiện đại thế hệ cuối 8x, với những người lãnh đạo thế hệ 6x, 7x. Với tư duy của một người đã được đào tạo tại nước ngoài, việc đầu tiên là tôi làm thế nào để "làn gió mới" không gây ra xáo trộn, phản ứng với mọi người.
Trong công việc và cuộc sống, tôi luôn có quan điểm riêng, đôi khi không trùng với quan điểm những lãnh đạo khác trong ngân hàng và thậm chí không ít lần mâu thuẫn với chính ba tôi. Khi đó, tôi luôn nói : "Con tôn trọng quyết định của ba vì ba là người có kinh nghiệm hơn và cũng là người ở vị trí cao nhất của ngân hàng". Tôi không ngần ngại chia sẻ, tiếp thu song vẫn bảo lưu quan điểm của mình.
Các lãnh đạo trong SHB, tôi luôn sẵn sàng trao đổi, khi cần là tranh luận dù họ là người đi trước vì chúng tôi luôn dành sự tôn trọng cho nhau và muốn điều tốt nhất cho ngân hàng. Việc chuyển đổi trong tư duy hay thuyết phục người khác là điều không dễ, nhưng tôi không bỏ cuộc. Với sự cố gắng của tôi, mọi người cũng tôn trọng và phối hợp.
Sự khác biệt về tư duy là điều đương nhiên nhưng điều quan trọng là chúng ta dung hòa nó như thế nào và làm sao để cân bằng giữa chúng.
- Chuyển đổi số là điều mà ngân hàng nào cũng đang nhắc tới và chạy đua rất mạnh mẽ. Thời gian qua, SHB có phần đi sau về lĩnh vực này. Vậy anh sẽ định làm gì để tạo ưu thế cho ngân hàng?
- SHB sắp tới sẽ có nhiều thay đổi. Từ trước đến nay, nhiều dự án về công nghệ hay chuyển đổi số trong ngân hàng mới dừng ở bước nghiên cứu, còn hiện tại chúng tôi đã thành lập nhiều phòng ban liên quan.
Ngoài vị trí trong khối bán lẻ, tôi còn giữ vai trò lãnh đạo tại nhiều dự án, như Giám đốc chuyển đổi số, Giám đốc Dự án triển khai giải pháp Quản lý quan hệ khách hàng (CRM) hay nằm trong Ủy ban hiện đại hóa SHB. Những bộ phận này sắp tới sẽ là luồng gió mới trong hoạt động của ngân hàng, đặc biệt là khối bán lẻ. Cách cán bộ ngân hàng SHB tiếp xúc rồi trải nghiệm khách hàng sẽ có sự thay đổi. Tôi muốn làm mới hình ảnh của SHB để hướng vào những tập khách hàng mới, đặc biệt là nhóm trẻ và thành đạt.
Như CRM, chúng tôi muốn mang đến một giải pháp tổng thể cho việc quản trị dữ liệu tại SHB, tối ưu cho quá trình vận hành từ kinh doanh, từ chăm sóc khách hàng đến hoạt động marketing. Chúng tôi cũng dự tính xây dựng một trung tâm cơ sở dữ liệu 360 độ của khách hàng và mọi thứ đều sẽ được tự động hóa từ phân tích hành vi khách hàng, phân khúc thị trường đến báo cáo, doanh thu và lợi nhuận. Chúng tôi sẽ định danh các khách hàng rất rõ ràng và sẽ có những cơ chế chăm sóc khác nhau để có những chính sách, sản phẩm phù hợp.
Như bạn thấy đó, đây là "làn gió mới". Điều này đồng nghĩa rằng SHB sẽ tối ưu được nguồn lực để tận tâm chăm sóc và mang đến nhiều sản phẩm dịch vụ vượt trội hơn.
Đúng là việc các ngân hàng đang chạy đua với công nghệ không phải xu hướng mới và SHB có thể nói là đi sau. Nhưng chúng tôi không có áp lực chạy đua với công nghệ, chúng tôi chọn cái gì phù hợp nhất và khi đã có phương án thì sẽ quyết làm bằng được. Chuyển đổi cũng không có nghĩa là ồ ạt chi tiền cho công nghệ bởi với sự trải nghiệm cũng như với kinh nghiệm của tôi ở châu Âu, châu Mỹ thì dù họ đã đi trước nhiều năm nhưng cách làm vẫn mang tính truyền thống rất nhiều.
Ngoài ra, người đi sau cũng có những lợi thế riêng, có thể biết được điểm mạnh, điểm yếu của những giải pháp từ quá trình áp dụng thực tế của những đơn vị đi trước. Chúng tôi tận dụng điều đó và chọn cho mình hướng đi phù hợp.
- Cách đây ba năm, anh nhắc tới một mục tiêu là cố gắng thành công để vượt qua cái bóng là "con trai Bầu Hiển". Vậy giờ mọi người gọi anh là "con trai Bầu Hiển" hay "Đỗ Quang Vinh" nhiều hơn?
- Mặc dù rất khó lấn át được định danh là "con trai của Bầu Hiển" trong tâm trí nhiều người, tôi nghĩ mình đang dần dần hiện thực hóa được mục tiêu này. Với riêng tôi, Đỗ Quang Vinh hay "con trai Bầu Hiển" sẽ luôn song hành với nhau chứ không mất đi, con của người quá nổi tiếng và thành công thì trên thế giới mọi người đều như vậy. Tuy nhiên, ai cũng có mục tiêu và tôi cũng vậy. Có thể sau này, mọi người sẽ không nói tôi là con trai của Bầu Hiển nữa mà họ sẽ nói ngược lại. Họ sẽ gọi Bầu Hiển là "cha của Đỗ Quang Vinh" thay vì gọi là Bầu Hiển thì sao? (cười).
Tất nhiên, nếu mọi người nghe về mục tiêu này chắc hẳn sẽ đặt câu hỏi ngược lại với tôi: "Ba tôi đã tự hào về tôi chưa?". Nếu trong vai trò một người cha bình thường, tôi nghĩ là ông đã tự hào rồi. Nhưng nếu trong vai trò Chủ tịch hay vị thế "Bầu Hiển" thì tôi phải cố gắng rất nhiều để xứng đáng kỳ vọng của ba. Không nhiều người có thể thực sự làm ba mẹ mình tự hào, nhưng đó là mục tiêu của tôi. Tôi sẽ nỗ lực và cố gắng để khẳng định bản thân và thành công. Nếu sau này người ta gọi ông là "cha của Đỗ Quang Vinh" thật, tôi nghĩ ba Hiển sẽ rất tự hào.
- Nếu tự đánh giá mình so với ba, anh thấy mình thế nào?
- Nếu so sánh tôi thấy mình còn quá nhỏ bé nhưng thật ra tôi nghĩ mình cũng có điểm hơn ba đấy. Ví dụ công nghệ, đó là một lợi thế lớn (cười). Ngoài ra, so về khả năng tiếp cận công nghệ mới, hiểu về giới trẻ, nắm bắt những xu hướng, nhu cầu khách hàng, tôi cũng tự tin mình sẽ làm tốt hơn.
Còn điểm yếu thì nhiều lắm, bản lĩnh thương trường, kinh nghiệm đưa ra những quyết định mang tính chiến lược đều là việc tôi phải học hỏi, những điều này là thứ tôi nể phục ba tôi nhất. Ba tôi như một robot vậy. Ông làm việc rất nhanh, các quyết định rất chính xác, đó là điều mà tôi phải học hỏi.
- Là doanh nhân nhưng cũng còn khá trẻ, ngoài kinh doanh chắc hẳn anh còn những đam mê khác trong cuộc sống. Vậy anh làm thế nào để cân bằng những yếu tố này?
- Hiện giờ tôi làm việc 10-12 tiếng mỗi ngày, con số này có thể cao nếu so với một nhân viên thông thường nhưng trong ngành ngân hàng thì không đáng là bao. Thực ra, quan niệm của tôi một người thành công là người làm được tất cả mọi việc trong giờ hành chính. Khi họ ra khỏi công ty là thành thơi đầu óc, toàn tâm toàn ý đến gia đình và sở thích bản thân.
Mục đích cuối cùng của việc làm ra tiền không phải để hưởng thụ cuộc sống hay sao. Điều quan trọng là chúng ta phải cân bằng được, làm việc nhiều quá đôi khi cũng không hiệu quả.