2 năm đầu hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận có tổng cộng 10 mã cổ phiếu niêm yết. Trải qua 19 năm, mỗi cổ phiếu lại có những ngã rẽ khác nhau, có những doanh nghiệp vẫn duy trì phong độ và thậm chí còn lọt top 30 mã vốn hóa lớn nhất thị trường là 2 mã REE và GMD , tuy vậy có mã lại “mang” phận bấp bênh khi kinh doanh liên tục thua lỗ và dĩ nhiên giá cổ phiếu liên tục suy giảm, bài viết dưới đây đề cập đến mã BT6 của Công ty CP Beton 6.
“Bấp bênh” trên sàn chứng khoán
Công ty CP Beton 6 lần đầu niêm yết trên HOSE vào tháng 4/2002 với mã giao dịch là BT6, tuy nhiên đến cuối năm 2015, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã ban hành Quyết định số 475 ngày 29/10/2015 hủy niêm yết gần 33 triệu cổ phiếu BT6, với lý do doanh nghiệp tập trung việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tập trung phát triển doanh nghiệp.
Vào thời điểm đó, thị giá BT6 giao dịch loanh quanh mức 5.500 đồng/cổ phiếu (cao hơn mức giá thời điểm niêm yết đầu tiên hơn 20%).
Mặc dù là tự nguyện hủy niêm yết, nhưng trước đó BT6 đã từng rơi vào diện cảnh báo có thể bị hủy niêm yết đầu năm 2015 vì chậm nộp BCTC kiểm toán 2012, 2013. Sau đó, BT6 cũng tiếp tục chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2014.
Tình hình kinh doanh của BT6 lúc đó cũng không mấy “khá khẩm”. Lãi sau thuế BT6 trong năm 2016 đạt hơn 8,6 tỷ đồng, giảm gần 2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước (tuy vậy cũng cần lưu ý là trước đó BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2015 xác định lãi sau thuế BT6 đạt hơn 25 tỷ đồng).
Đến tháng 2/2017, gần 33 triệu cổ phiếu BT6 chính thức được chấp thuận giao dịch trở lại trên UPCOM với giá tham chiếu là 9.000 đồng/cp, cao hơn 1,6 lần so với thời điểm hủy niêm yết.
Sau 2 năm kể từ khi niêm yết lại, tại ngày 27/3/2019 thị giá cổ phiếu BT6 đạt 1.600 đồng/cổ phiếu, giảm đến 73% so với giá đóng cửa phiên ngày 6/3/2017.
Từ khi quay trở lại thì BT6 liên tục bị rơi vào diện bị hạn chế giao dịch vì chậm công bố BCTC.
Mặc dù đã sắp kết thúc quý I/2019, tuy nhiên BT6 mới chỉ công bố kết quả kinh doanh giữa niên độ năm 2018.
6 tháng đầu năm 2018, doanh thu BT6 đạt 57,7 tỷ đồng giảm 81,5% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình hoạt động không khả quan, sau thuế Công ty lỗ đến 43 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 3 tỷ.
Ngoài ra, nợ Beton 6 phải trả đã lên tới 879 tỷ đồng, chiếm 72% tổng nguồn vốn của Công ty. Cùng với đó, lượng nhân viên đang làm việc trong 6 tháng đầu năm 2018 đã giảm từ 420 xuống còn 242 người.
BT6 gắn liền với tên tuổi của ông Trịnh Thanh Huy
Doanh nhân Trịnh Thanh Huy được biết đến là người đã cùng ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh gây dựng tập đoàn Masan tại Nga cũng như khi trở về Việt Nam.
Ông Trịnh Thanh Huy bắt đầu tham gia vào HĐQT Công ty cổ phần Beton 6 vào cuối tháng 9/2009 và là lãnh đạo cao cấp duy nhất của công ty vẫn còn tại nhiệm từ đó đến nay. Giai đoạn 2009-2010 cũng là thời kỳ rực rỡ nhất của Beton 6 với lợi nhuận đạt trên 100 tỷ đồng và sau đó bắt đầu giảm mạnh.
Mới đây thì ông Trịnh Thanh Huy cũng đã bán ra hơn 3,6 triệu cổ phiếu BT6, sau động thái này tỷ lệ nắm giữ của ông tại Beton 6 đã giảm từ 12,15% xuống còn 1,02%.
Theo Nhà Đầu tư