Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Công ty đặc biệt: 'Cửa sau' của các ngân hàng

08/04/2018 14:18

Các ngân hàng đều xác định AMC là công ty con, và là dạng công ty con đặc biệt nhất. Trong khi các ngân hàng bị điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thì AMC gần như rất ít văn bản điều chỉnh trực tiếp.

Những giới hạn pháp luật

Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng thương mại (AMC) là một loại “thực thể” rất đặc biệt trong hệ thống ngân hàng. Nếu chiểu theo các quy định pháp lý cũ, về việc thành lập “Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc ngân hàng thương mại” thì sẽ rất khó xếp AMC thuộc loại nào, vì bản thân ngân hàng cũng chỉ là một doanh nghiệp, và AMC của chính ngân hàng đó cũng là một doanh nghiệp.

Về mặt pháp luật, đây là hai pháp nhân độc lập, nhưng về mặt nghiệp vụ, đây thực chất là một bộ phận của ngân hàng. Hiện tại, các ngân hàng đều xác định AMC là công ty con, và là dạng công ty con đặc biệt nhất.

Trong khi các ngân hàng bị điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thì AMC gần như rất ít văn bản điều chỉnh trực tiếp. “Các công ty con trong các lĩnh vực khác của ngân hàng như bảo hiểm, chứng khoán,... đều có khá nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh, ngoài ra, hệ thống các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế khá nhiều để tham khảo, thì AMC gần như không có gì”, Giám đốc quản trị rủi ro, tuân thủ và pháp chế của một AMC, chia sẻ.

AMC có hành lang pháp lý hoạt động thuộc hàng “khó đoán” nhất trong lĩnh vực, nửa thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Ngân hàng Nhà nước, nửa lại như các doanh nghiệp bình thường khác.

Hiện tại, văn bản quy phạm cấp cao nhất điều chỉnh trực diện hoạt động của AMC là quyết định 150/2001/QĐ-TTg ngày 5/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Công ty quản lý nợ và Khai thác tài sản ngân hàng thương mại, sau đó, ngân hàng Nhà nước có quyết định 1390/2001/QĐ-NHNN về ban hành điều lệ mẫu công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng thương mại. Bộ Tài chính có thêm thông tư 27/2002/TT-BTC quy định chế độ tài chính cho các công ty AMC.

Như vậy, suốt 16 năm qua, AMC các ngân hàng dựa vào chủ yếu các văn bản này để hoạt động. Trong đó, việc tổ chức, hoạt động, mô hình quản trị của AMC theo điều lệ mẫu của ngân hàng đã không còn phù hợp. Bởi, trong 16 năm đấy, 2 luật doanh nghiệp đã được ban hành, và quy định cơ cấu tổ chức của một doanh nghiệp đã khác đi rất nhiều, nhưng vẫn điều lệ đó.

Giám đốc pháp chế một ngân hàng cho hay: “Thực ra, chúng tôi xác định rằng, văn bản có giá trị pháp lý cao hơn là Luật Doanh nghiệp, nên phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp, nếu có chỗ nào đó các văn bản quy định về AMC chưa lấp đầy được. Tuy nhiên, khi xây dựng cơ chế, cũng không dám thoát ly khỏi hẳn các quy định hiện tại, do đây vẫn là các văn bản pháp lý còn hiệu lực”.

Ngoài ra, chế độ tài chính với AMC do Bộ Tài chính hướng dẫn cũng đã rất cũ, một số giới hạn đã không còn phù hợp với tình hình mới, như giới hạn về hoa hồng môi giới bán tài sản,... Đây là những điều cần phải sửa đổi, và công ty cũng đang mong muốn có hướng dẫn của các Bộ.

Việc “thả” cho các AMC thời gian vừa rồi của các cơ quan quản lý nhà nước có thể một phần do các hoạt động của công ty này đã được điều chỉnh bởi một số luật chuyên ngành khác nhau.

“AMC thường là cơ quan triển khai các hoạt động thu hồi nợ, trong đó, ba biện pháp chính thường được áp dụng là đôn đốc khách hàng trả nợ, thu giữ tài sản đảm bảo, khởi kiện khách hàng.

Việc đôn đốc nợ thì muôn hình vạn trạng, như gọi điện, gặp gỡ, đốc thúc,... đương nhiên, các nghiệp vụ này chẳng có quy định nào điều chỉnh, còn việc thu giữ tài sản hay khởi kiện thì phải tuân theo các pháp luật chuyên ngành. Pháp luật chuyên ngành lại điều chỉnh cho “chủ nợ”, mà chủ nợ phải là ngân hàng, chứ không phải là AMC của ngân hàng đó, nên bản chất việc AMC đi thu hồi nợ vẫn là làm theo uỷ quyền, uỷ thác, theo hợp đồng với ngân hàng” - Giám đốc Xử lý nợ của một ngân hàng nhận xét.

Hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội đã cho phép các ngân hàng uỷ thác cho công ty AMC của chính ngân hàng đó thu giữ tài sản. Tuy nhiên, thực tế, việc thu giữ cũng không hề đơn giản. Rồi câu chuyện thu giữ tài sản của các AMC cũng đã gây không ít lùm xùm, như VP AMC đã từng khoá cửa, thu hồi nợ, nhốt luôn cả người giúp việc của khách hàng trong nhà do sơ xuất về điều tra nhân thân, hay chyện TCB AMC đưa cả biệt đội như S.W.A.T đi thu giữ tài sản.

Theo quy định của pháp luật, ngành nghề đòi nợ thuê là ngành kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, nhưng nếu chiếu theo cái này, thì AMC các ngân hàng có thuộc phải điều chỉnh của các quy định này không? Và nếu có, bao nhiêu AMC đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề này?

AMC của ngân hàng cũng là một doanh nghiệp (Ảnh minh họa - Ngọc Thắng)

Mỗi AMC lại có một hoạt động khác nhau nên chịu sự quản lý nhà nước của nhiều bộ ngành, nhưng lại thực sự rất ít sự kiểm tra, giám sát. Gần như chưa có cuộc thanh tra trực tiếp, toàn diện nào của Thanh tra, Giám sát Ngân hàng đối với hoạt động của công ty AMC, trong khi đó, ngân hàng thương mại đều bị thanh tra định kỳ, khoảng 3-4 năm một lần.

Vậy, liệu với loại hình 100% vốn, nắm giữ nhiều nợ xấu, những gì các ngân hàng thương mại đang muốn ẩn ở AMC của chính mình có không?

Định hình một "sân chơi"

Qua tìm hiểu hoạt động của một số AMC thấy có hoạt động thẩm định giá. Đây là hoạt động kinh doanh ngành nghề có điều kiện. Nhưng khi truy cập vào cơ sở dữ liệu của Bộ Tài chính, chưa có một công ty AMC của ngân hàng thương mại nào được cấp phép hoạt động thẩm định giá.

Theo một luật sư, pháp luật về giá hiện nay chưa cho phép thành lập công ty thẩm định giá do tổ chức nắm giữ 100% vốn, nên việc chưa có AMC nào có trong danh sách công ty thẩm định giá được cấp phép hoạt động cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, vị này cũng nhấn mạnh, quản lý nhà nước về giá là hoạt động chuyên ngành của Bộ Tài chính, và phải có hồ sơ mới kết luận được, nên việc xem xét tính hợp pháp, phải do Thanh tra Bộ Tài chính thanh tra toàn diện, xem xét.

Ngoài ra, các công ty này cũng đăng ký các hoạt động có luật chuyên ngành quản lý như đấu giá tài sản,... đều thuộc quản lý nhà nước của các bộ, ngành khác nhau, nên việc Ngân hàng nhà nước quản lý khó xuể.

Theo chính sách chung, việc kinh doanh của doanh nghiệp là quyền tự do, và chuyện các AMC mở rộng kinh doanh cũng cần khuyến khích phù hợp. Tuy nhiên, do đặc thù, các ngân hàng đều nắm giữ 100% vốn, nên Ngân hàng Nhà nước cũng cần chú ý để đảm bảo tính minh bạch, an toàn chung cho chính các ngân hàng mẹ.

Tóm lại, việc thành lập công ty AMC rõ ràng là một chủ trương đúng đắn, phù hợp, để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, sau 17 năm, đã đến lúc cần tổng rà soát AMC, xem xét các vướng mắc, khó khăn nếu có để kịp thời tháo gỡ, cũng như có các điều chỉnh cần thiết cho doanh nghiệp cực kỳ đặc thù này.

Nguyễn Thanh Ngọc

VietnamNet

Bạn đang đọc bài viết "Công ty đặc biệt: 'Cửa sau' của các ngân hàng" tại chuyên mục Tài chính.