Thái Trí Hùng, Giám đốc công nghệ (CTO) của MoMo, xuất hiện tại buổi phỏng vấn với trang phục quen thuộc của “dân” công nghệ: quần jeans, áo phông và giày thể thao. Anh cười xòa và nói “Tôi cũng không biết nữa” khi được nhận xét là “có vẻ bề ngoài không giống một vị sếp lớn”.
“Nếu Mark Zuckerberg (CEO Facebook) có một tủ áo phông xám thì tôi cũng có đến 5 chiếc áo cộc tay như thế này”, Thái Trí Hùng chỉ vào chiếc áo anh đang mặc và thừa nhận rất ghét đeo caravat.
Thái Trí Hùng tốt nghiệp Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) và có bằng thạc sĩ ngành công nghệ thông tin của một đại học Pháp (học tại Việt Nam).
Năm 2006, anh có cơ hội sang Pháp thực tập và làm việc tại IBM - một trong những hãng công nghệ nổi tiếng hàng đầu thế giới. Sau gần một năm làm việc tại đây, công ty hỏi Thái Trí Hùng có muốn ký hợp đồng lâu dài không nhưng anh quyết định từ chối và trở về nước.
Lý giải về việc từ bỏ công ty mà nhiều người mơ ước, Thái Trí Hùng cho biết, IBM là một công ty lớn và quy củ. Công ty đã trưởng thành và không còn nhiều cơ hội cho anh.
"Ở đó có những người đã làm việc 20 năm với chỉ một công việc duy nhất. Lương của họ rất cao nhưng công việc của họ chỉ có thế, lặp đi lặp lại. Tôi nghĩ nếu mình cứ tiếp tục như vậy, tôi sẽ có một công việc với mức lương đủ sống nhưng như thế rất buồn. Tôi không muốn chỉ là một mắt xích nhỏ trong một cỗ máy lớn mà muốn làm điều gì đó tạo ra thay đổi hơn”, anh chia sẻ.
Dù gắn bó không lâu, với Thái Trí Hùng, khoảng thời gian ở IBM vẫn là điều đáng tự hào trong sự nghiệp của anh bởi nó đã phần nào giúp tạo ra ấn tượng tốt về kỹ sư phần mềm Việt Nam với một tập đoàn công nghệ lớn của thế giới.
“Tôi nhớ hồi đó IBM làm về hệ thống ERP cho một nhà máy nước. Để làm được một task (nhiệm vụ) nhỏ trong hệ thống, mỗi người phải học 3 khóa, mỗi khóa giá 3.000-4.000 euro, sau đó sẽ được cấp chứng chỉ. Khi biết tôi tự học nhưng vẫn làm được, sếp gặp tôi và hỏi 'Anh tự học thật à? Sao anh giỏi thế?'. Tôi trả lời, 'Tôi chỉ bình thường thôi, ở Việt Nam rất nhiều người như thế'. Sau này IBM Pháp đã mở một trung tâm dịch vụ làm về phần mềm tại Việt Nam. Họ có niềm tin rằng kỹ sư phần mềm của Việt Nam rất giỏi”, Thái Trí Hùng kể lại.
Rời IBM về nước, Thái Trí Hùng đầu quân cho FPT, sau đó được một startup (nay là “ông lớn” trong ngành bán lẻ) mời về làm.
“Thỏa thuận giữa 2 bên gần xong thì tôi nhận được một ‘offer’ khác từ một công ty chứng khoán. Lúc đó tôi cũng không quan trọng là phải làm việc cho startup hay một công ty lớn. Tuy nhiên, khi đặt 2 công ty lên bàn cân, tôi quyết định chọn công ty chứng khoán vì startup kia phải đi làm thứ 7”, Thái Trí Hùng cười khi nhớ lại.
Trên thực tế, trước khi sang Pháp, Thái Trí Hùng từng tham gia vào giai đoạn đầu xây dựng trang thương mại điện tử của chính công ty này. “Đó là một trang bán hàng, trong đó có phần forum - mọi người lên đó chat và trao đổi về điện thoại”, anh cho hay.
Anh gắn bó với công ty chứng khoán trong khoảng 5 năm. Từ một vị trí liên quan đến công nghệ rồi giám đốc khối và sau đó là phó tổng giám đốc phụ trách khối hỗ trợ. Sau đó, anh chuyển sang làm quản lý chiến lược cho ngân hàng nhưng sau một thời gian anh nhận ra việc lên chiến lược và thực hiện rất khác biệt. “Tôi thích mình ở vai trò triển khai hơn!”, anh chia sẻ.
Năm 2013, những khái niệm như Mobile Payment (Thanh toán di động) hay QR code vẫn còn rất mới tại Việt Nam. Nhưng Thái Trí Hùng tin rằng đó sẽ là tương lai và tìm cách hiện thực hóa nó. Anh làm một bài trình bày đơn giản giới thiệu ý tưởng này cho lãnh đạo ngân hàng nhưng bị từ chối. Không nản chí, anh rủ vài người bạn thân cùng triển khai nhưng vẫn bị từ chối. Có người còn nghĩ rằng việc đó là ”điên”.
Bước ngoặt đến khi dự án tình cờ được giới thiệu với ông Trương Đình Anh (cựu CEO FPT) thông qua một người bạn. Khi đó, ông Trương Đình Anh vừa đầu tư vào MoMo và cảm thấy định hướng của dự án giống với những gì MoMo định làm.
“Anh Trương Đình Anh gửi cho tôi một email khiến tôi cảm động rơi nước mắt. Với những người làm công nghệ khi đó, Trương Đình Anh giống như một ‘idol’ (thần tượng). Tôi không bao giờ nghĩ sẽ nhận được email của anh ấy. Vì quá bất ngờ nên khi anh Trương Đình Anh bảo gửi CV tôi lại gửi nhầm file khác. Anh ấy trả lời lại là ‘chú gửi nhầm rồi’ khiến tôi rất xấu hổ”, Thái Trí Hùng hào hứng chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ.
Sau đó, anh có một cuộc hẹn với Trương Đình Anh và một lãnh đạo của MoMo. “Anh Trương Đình Anh quay sang nói với anh đi cùng: ‘Anh thấy hay đấy, anh em rủ nhau làm chung đi’. Lúc đó tôi thấy tự nhiên mình có thể ngang bằng với ‘đệ tử’ thân tín của anh Trương Đình Anh, cũng có chút tự hào”, Thái Trí Hùng bày tỏ.
“Cùng thời điểm, ngân hàng đề xuất tôi sang làm tổng giám đốc một công ty chuyển mạch và cũng muốn triển khai dự án này. Tôi cân nhắc rất nhiều. Dù không hoàn toàn tin tưởng nhưng tôi nghĩ khả năng thành công khi đi cùng MoMo sẽ cao hơn”, anh nói và thừa nhận cựu CEO FPT có vai trò rất lớn trong quyết định đầu quân cho MoMo của mình.
Khi chuyển từ vị trí lãnh đạo của doanh nghiệp lớn sang MoMo - một startup còn non trẻ lúc bấy giờ, Thái Trí Hùng được hỏi có yêu cầu đặc biệt gì không. Vì nhà xa công ty nên anh đề nghị được sắp xếp một chỗ đỗ xe ôtô gần nơi làm việc. Yêu cầu này nhanh chóng được chấp nhận. Tuy nhiên, ngay ngày làm việc đầu tiên, không chỉ không có chỗ để xe mà tất cả các điều kiện cơ bản (bàn ghế phòng ốc) đều “dã chiến” và thiếu thốn.
Từng làm việc tại ngân hàng - nơi mọi thứ đều chuyên nghiệp và đúng quy trình, Thái Trí Hùng “cảm thấy ở đây gần như không có một tiêu chuẩn nào, từ việc nhỏ như vậy không giải quyết được làm sao giải quyết được điều lớn”. Anh quyết định xin nghỉ việc.
“Sau đó, tôi được sếp dẫn đi nhậu một tuần liên tiếp, ngày nào cũng đến 2h sáng. Trong lúc nhậu, mọi người chia sẻ thật tình. Những câu chuyện trên bàn nhậu của các anh làm tôi nhận ra rằng, xét về CV tôi không thể 'oách' bằng anh Tường (Thạc sĩ của Đại học Chicago Booth), xét về kinh nghiệm tôi thua xa anh Đức (Tổng giám đốc MoMo, là cựu CEO FPT Retails)... tất cả đều về MoMo từ những chỗ xịn", anh bộc bạch.
Từ những buổi chia sẻ đó, Thái Trí Hùng nhận ra đây là những người "đồng đội" của mình, muốn gắn bó với họ và anh quyết định ở lại. Chức danh đầu tiên của Thái Trí Hùng tại MoMo là trưởng phòng công nghệ với khoảng 20 nhân viên.
“Nhưng gọi là trưởng phòng thì không ‘oai’ lắm, không cân xứng với những chức danh tôi từng đảm nhiệm nên các sếp mới nghĩ ra vị trí CTO và giữ vị trí này cho tới nay. Nhưng điều tôi không ngờ là CTO của MoMo tôi phải làm việc… 7 ngày một tuần và 12 tiếng một ngày!”, anh hài hước chia sẻ.
Khởi đầu của MoMo là một dịch vụ nạp tiền, chuyển - nhận tiền qua số điện thoại di động. Cuối năm 2013, thời điểm Thái Trí Hùng về làm việc cho công ty này cũng là lúc MoMo định hướng làm mobile app. Lúc đó, các ứng dụng trên điện thoại chưa phổ biến tại Việt Nam như hiện nay, mới chỉ có một vài công ty tiên phong.
“Để làm mobile app, chúng tôi phải đi học và gặp rất nhiều người. Hồi đầu chúng tôi thuê tư vấn nước ngoài nhưng họ cũng không thật sự hiểu được vấn đề của Việt Nam. Anh Tường (ông Nguyễn Mạnh Tường, Chủ tịch MoMo) quen rất nhiều người, đội nào làm được ứng dụng có khoảng một triệu người dùng là dẫn chúng tôi đi gặp”, Thái Trí Hùng kể về những ngày đầu gắn bó với công ty.
Theo CTO sinh năm 1980, mọi người thường nghe về các câu chuyện kỳ diệu từ 0 đến 1 (Zero to One) của các startup thành công, nhưng giai đoạn đầu tiên từ 0 đến 0.1 mới là khó khăn nhất. 0 nhân với bao nhiêu lần thì vẫn bằng 0, nhưng 0.1 nhân với 10 đã là 1.
Có những lúc anh chán nản và muốn bỏ cuộc nhưng chính những người “đồng đội” khiến Thái Trí Hùng phải suy nghĩ lại và đặt câu hỏi “Tại sao mọi người đã cùng nhau đi được đến giai đoạn này mà không cố thêm một bước nữa”.
Thái Trí Hùng cho rằng, cái hay của MoMo là luôn tạo ra thách thức mới. Anh từng nghĩ một triệu người dùng đã là thành công rất lớn, nhưng sau đó con số này tiếp tục tăng lên 5 triệu, 10 triệu… Từ 20 nhân viên ngày nào giờ đội công nghệ của Thái Trí Hùng đã tăng lên con số 200.
Dù đã là CTO của một Fintech lớn nhất Việt Nam, Thái Trí Hùng vẫn tham gia trực tiếp vào các dự án quan trọng của MoMo. Theo anh, lãnh đạo phải là người “thực chiến” thì mới có thể thu phục anh em.
“Ở mỗi cột mốc phát triển lại có rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Mỗi ngày tôi đều thấy mình có những thách thức cần vượt qua. Xắn tay vào làm cũng là cách để truyền cảm hứng”, CTO MoMo nói.
Thừa nhận sự cạnh tranh trên thị trường ví điện tử Việt Nam đang diễn ra vô cùng khốc liệt, Thái Trí Hùng tự tin công ty của anh vẫn đang duy trì được khoảng cách nhất định trước các đối thủ.
“Theo tôi, chất lượng dịch vụ và sự hiểu biết về người dùng mới giữ chân được họ. Nếu chỉ dựa vào việc ‘đốt tiền’ khuyến mãi, hôm nay người dùng có thể dùng ứng dụng này, ngày mai hết tiền họ sẽ chuyển sang sản phẩm khác”, anh nói.
Chia sẻ về mục tiêu trong tương lai, Thái Trí Hùng cho biết MoMo sẽ không chỉ dừng lại là một sản phẩm ví điện tử, mà đang trong quá phát triển thành một “siêu ứng dụng”.
“Giống như Microsoft Office được hầu hết dân văn phòng sử dụng, tôi mong muốn MoMo sẽ là một ứng dụng mà tất cả người Việt đều cài lên điện thoại của mình”, CTO 8X bày tỏ.
Về cá nhân, anh cho biết: “Dự định ban đầu của tôi là về hưu năm 40 tuổi. Tuy nhiên năm nay đã 40 tuổi mà vẫn chưa thể nghỉ hưu vì còn rất nhiều việc phải làm”. Thái Trí Hùng chia sẻ sau khi nghỉ việc sẽ không làm sản phẩm nữa. Thay vào đó, anh muốn trở thành nhà đầu tư thiên thần cho các startup, đi tư vấn hoặc dạy học.
Bài: Diệu Tuyết
Ảnh, Thiết kế: Bảo Linh
Theo Người Đồng Hành