Đến khi nhà đầu tư tường tận về nhóm cổ phiếu của Tập đoàn Sao Mai, thì cũng là lúc lãnh đạo doanh nghiệp này “gác kiếm trên sàn” và tạm chuyển sang... chơi trò khác.
Hiện nay, nhóm cổ phiếu Tập đoàn Sao Mai quản lý đang nằm cách xa mệnh giá khá nhiều. Chẳng hạn AMS và IDI quanh quẩn mức 6.000 đồng/cổ phiếu. Dù DAT ở mức 18.000 đồng/cổ phiếu nhưng rất lâu rồi không có thanh khoản.
Theo dân bám sàn, cổ phiếu của Tập đoàn Sao Mai đang khiến cho nhiều nhà đầu tư kẹp hàng dở khóc dở cười vì lãnh đạo công ty này hiện chưa có nhu cầu “đánh lên”.
Với giới phân tích, có lẽ không còn lạ gì về những ma trận tài chính và sự tích... ít đẹp của ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai - An Giang (mã ASM). Còn với nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, AMS và IDI chắc chắn phải nằm trong danh sách đen. Với dân đầu tư bất động sản khi tìm hiểu về Tập đoàn Sao Mai thì đó hẳn là một doanh nghiệp vô cùng khó hiểu!
Thêm "nghi án" thao túng giá cổ phiếu
Theo báo cáo tài chính mới công bố, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Sao Mai vẫn tương đối ổn định. Trong quý II/2019, lợi nhuận sau thuế của ASM đạt gần 120 tỷ đồng - thấp hơn nhiều so quý trước đó nhưng gấp 3 lần so với quý cuối năm 2018.
Mức lợi nhuận đạt hàng trăm tỷ đồng mỗi quý thường là những doanh nghiệp phải có quy mô vừa hoặc lớn. Thế nhưng không hiểu sao, giá cổ phiếu ASM chỉ ở mức doanh nghiệp siêu nhỏ có lợi nhuận vài tỷ đồng hoặc là mức giá cổ phiếu của một doanh nghiệp thua lỗ nhiều năm.
Ở diễn biến cổ phiếu cách xa mệnh giá và trượt sâu, người nhà lãnh đạo ASM cũng liên tục đăng ký mua vào, trong khi nhà đầu tư méo mặt không thoát nổi hàng vì lỗ nặng quá!
Phải chăng lãnh đạo Sao Mai đang hạ màn chơi trên sàn chứng khoán? Thực tế, năm 2018 được cho là năm tất toán nhiều chiến thuật trên sàn của Chủ tịch Lê Thanh Thuấn. Sau khi thực hiện một số phép toán tài chính tại công ty con hồi giữa và đầu năm 2018, người nhà của Chủ tịch ASM bắt đầu có động thái ôm hàng vào khi giá cổ phiếu về mức thấp.
Cuối năm 2018, ASM công bố nghị quyết ĐHĐCĐ thông qua việc ông Lê Tuấn Anh và những người có liên quan được nhận chuyển nhượng cổ phiếu ASM dẫn đến tăng tỷ lệ sở hữu trên 51% đến mức tối đa có thể trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của ASM, mà không phải thực hiện chào mua công khai.
Việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhóm này khả năng được mua trực tiếp theo phương thức khớp lệnh/thỏa thuận. Còn nhớ khi đó, nội dung này được hơn một nửa tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đồng ý thông qua.
Đáng chú ý, trong tổng số 6.198 thư được gửi cho cổ đông lấy ý kiến thì có tới 5.990 thư cổ đông không đáp trả, tương ứng tỷ lệ 41% số cổ phần biểu quyết của công ty.
Việc xin mua không qua công khai dễ dàng bởi ông Lê Tuấn Anh là con trai ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ASM. Ngoài ra, hiện ông Lê Tuấn Anh còn giữ vị trí Tổng Giám đốc tại Công ty TNHH Sao Mai Super Feed (công ty con 100% vốn của ASM).
Còn nhớ, lũy kế 9 tháng năm 2018, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của ASM lần lượt là 5.147 tỷ đồng và 1.048 tỷ đồng. Kết quả này lần lượt cao gấp 2,5 lần và 6,2 lần kết quả cả năm 2017. ASM đã vượt 17% kế hoạch lợi nhuận đề ra. Sự đột biến này đến chủ yếu từ những hoạt động liên quan tới doanh nghiệp chuyên về cá tra là IDI.
EPS 9 tháng đầu năm 2018 của ASM ở mức 3.956 đồng, gấp nhiều lần so với mức 569 đồng đạt được trong cùng kỳ năm trước. Theo lẽ thường, EPS tăng sẽ đẩy mạnh giá trị trên sàn của cổ phiếu nhưng thực tế thị giá của ASM vẫn không có sự đột biến.
Từ cuối quý I/2018, tín hiệu lợi nhuận tăng trưởng "thần kỳ" đã tạo động lực cho cổ phiếu ASM. Mã chứng khoán này bắt đầu giai đoạn tăng từ cuối tháng 3/2018 từ mức khoảng 11.000 đồng/cổ phiếu lên mức đỉnh hơn 10 tháng là 15.150 đồng/cổ phiếu. Sau khi rơi về vùng giá cũ theo đà giảm chung của thị trường vào giữa tháng 7, ASM có nhiều phiên tăng giá liên tiếp đi liền sau đó lại là giảm giá. Đến nay ASM đã về mức giá hơn 6.000 đồng/cổ phiếu.
Vậy, vì sao lợi nhuận công ty tăng cao đột biến trong năm 2018 nhưng giá cổ phiếu vẫn không có sự tăng trưởng tương ứng, thậm chí còn giảm về mốc mệnh giá? Thứ hai là mục đích của việc tăng sở hữu của nhóm người nhà ban lãnh đạo công ty đến mức tối đa có thể không qua chào mua công khai là gì? Nếu như không bị “đè giá” thì lý do gì để cổ phiếu này cứ mãi "xập xình" như hiện tại?
Câu trả lời có vẻ dễ dàng hơn khi thấy danh sách người có liên quan đến ông Thuấn đang sở hữu cổ phiếu ASM khá dài. Bên cạnh đó, các vị trí nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp cũng chủ yếu nằm trong tay của cá nhân ông Thuấn và người nhà.
Vậy thì, việc tăng tỷ lệ sở hữu trên 51% đến mức tối đa có thể sẽ khiến tỷ lệ free float của ASM ngày càng giảm. Tỷ lệ này ở một mã chứng khoán càng nhỏ, cùng với mã cổ phiếu "gia đình trị" thì khó có thể phủ nhận rằng nó nằm ngoài khả năng thao túng cao trong thanh khoản hoặc giá cổ phiếu.
Sau sàn chứng khoán, ai sẽ bị qua mặt?
Sự vô lý của cổ phiếu ASM và IDI và những diễn biến thiếu minh bạch của "trùm" cổ phiếu Sao Mai diễn ra trong những năm qua có lẽ khó có thể qua mặt được cấp quản lý: Liệu có hay không việc tăng vốn liên tiếp - liệu có phải tăng vốn ảo;Ảo thuật tài chính tại công ty con, nghi án giữ và thao túng giá cổ phiếu,… khiến nhà đầu tư lỡ tin tưởng ông Lê Thanh Thuấn dở khóc dở cười?
Nhưng càng khó hiểu hơn khi giới đầu tư đang bất lực, ôm hận vì cổ phiếu ASM và IDI thì doanh nghiệp cứ rầm rầm công bố chiến lược bá chủ thị trường bất động sản Thanh Hóa và năng lượng điện mặt trời phía Nam. Đó là lý do mà cuộc chơi trên sàn chứng khoán của Sao Mai dù tạm hạ màn nhưng thực tế lại đang bắt đầu với giới đầu tư bất động sản.
Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 8177/UBND-NN cho phép CTCP Tập đoàn Sao Mai lập hồ sơ xin thuê đất đợt 1 dự án Khu Resort Sao Mai Thanh Hóa tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
ASM lập hồ sơ xin thuê đất đợt 1 với diện tích khoảng 528.930m2 đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Khu Resort Sao Mai Thanh Hóa tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân. Báo cáo thường niên 2018 cho hay, dự án này có mặt bằng 53,8ha với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng.
Ngoài dự án Khu Resort Sao Mai Thanh Hóa kể trên, Sao Mai cũng thực hiện nhiều dự án khác tại tỉnh Thanh Hóa. Đơn cử, vào tháng 3/2019, Sao Mai ký kết hợp tác với xã Minh Sơn đầu tư Khu đô thị Minh Sơn, thị trấn Triệu Sơn (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) với tổng vốn đầu tư ban đầu là 500 tỷ đồng, tổng quy mô 45ha; Dự án Khu dân cư Xuân Thịnh & Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa (đưa vào khai thác từ năm 2017) đã đem về doanh thu thuần 71,6 tỷ đồng. Cũng tại Triệu Sơn, Sao Mai đang thực hiện dự án Bệnh viện Quốc tế Sao Mai với tổng diện tích 4ha, giai đoạn 1, vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.
Được biết, Triệu Sơn, Thanh Hóa là quê hương của lãnh đạo Tập đoàn Sao Mai.
Thừa nhận rằng, ông Lê Thanh Thuấn là người biết tận dụng ưu thế và mối quan hệ trong việc phát triển bất động sản ở quê hương khi đang được cấp hàng loạt dự án nghìn tỷ đồng.
Nhìn vào năng lực trên báo cáo tài chính công bố cho nhà đầu tư của Sao Mai thì khá khó trả lời về độ khả thi khi doanh nghiệp cùng lúc ôm hàng loạt dự án nghìn tỷ. Nhưng không loại trừ rằng đang có một cuộc hoán đổi vốn từ dự án năng lượng mặt trời phía Nam - ngành đang được nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm và sẵn sàng rót vốn.
Nhà đầu tư đặt dấu hỏi. Còn ai bị qua mặt: Người dân hay doanh nghiệp ngoại (đầu tư năng lượng)?
Cuối năm 2018, Sao Mai bị tố "lật kèo" trong việc mua đất của người dân tại dự án 5.600 tỷ đồng. ASM là chủ đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, với vốn đầu tư trên 5.600 tỷ đồng. Dự án được triển khai trên 275ha và có tổng công suất phát điện lên đến 210MW. Dự án không thuộc diện nhà nước đứng ra thu hồi đất, nên Tập đoàn Sao Mai phải tự thỏa thuận với người dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều hộ dân ở xã An Hảo cho biết, khoảng tháng 6/2018, cán bộ xã này cùng người của Sao Mai đến nhà người dân thông báo mua đất với giá 55 triệu đồng/công (1.000m2) để làm dự án điện năng lượng mặt trời.
Phía công ty có hứa miệng (hoặc viết cam kết) nếu sau này giá đất có thay đổi, tức giá có cao hơn sẽ điều chỉnh bằng với mức giá thay đổi nên nhiều hộ đồng ý bán.
Tuy nhiên, hiện giá đất đã lên cao, có nơi lên đến 300 triệu/công nhưng phía Tập đoàn Sao Mai không chịu điều chỉnh. Do đó, hàng chục hộ dân đã nộp đơn lên Toà án nhân dân (TAND) huyện Tịnh Biên khởi kiện Tập đoàn Sao Mai.
Ngay trong Báo cáo tài chính quý IV/2018 của Tập đoàn này cũng thể hiện rõ việc đầu tư hơn 67 tỷ đồng vào dự án điện năng lượng mặt trời. Số tiền này tương ứng việc mua khoảng 122ha đất với giá 55.000 đồng/m2 đất.
Lãnh đạo doanh nghiệp này từng trả lời báo chí, "giá đất bị đẩy lên cao sau này là do một số người đầu cơ tự đẩy giá lên, chứ không phải do người của Sao Mai mua cao hơn giá ban đầu. Việc người dân kiện, chúng tôi chấp nhận còn ai muốn lấy lại đất thì sẽ trả”.
Ngoài dự án điện năng lượng mặt trời, Tập đoàn Sao Mai còn được chỉ định làm chủ đầu tư nhiều dự án khác trên địa bàn tỉnh An Giang như: Dự án Khu đô thị mới Sao Mai tại thị xã Tân Châu; Dự án Khu đô thị mới Sao Mai Tây Khánh 4 + 5 tại thành phố Long Xuyên; Dự án Khu đô thị mới Sao Mai cầu Đinh 1 + 2…
Thiết nghĩ, dù ông Thuấn đã có cuộc "hạ màn" ngoạn mục, ban lãnh đạo sở ngành chứng khoán vẫn cần làm rõ về những mã cổ phiếu của Tập đoàn Sao Mai. Bởi việc này sẽ hỗ trợ cho thị trường chứng khoán thêm minh bạch và là cơ sở để nhà đầu tư trên thị trường bất động sản tìm hiểu về những dự án của ông Lê Thanh Thuấn.
Theo Reatimes