Manh nha hình thành những tổ hợp bất động sản du lịch lớn trên trục đường ven biển nối Vũng Tàu với Bình Thuận.
Nhiều dự án bất động sản du lịch đang hình thành trên cung đường từ Vũng Tàu đi Mũi Né.
Những năm gần đây, hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận đã đầu tư nâng cấp trục đường ven biển kéo dài từ thành phố Vũng Tàu đến Mũi Né, mở ra cơ hội cho đầu tư du lịch nghỉ dưỡng.
Tuyến đường dài khoảng 180km có thể chia làm ba đoạn: Đoạn từ thành phố Vũng Tàu đến Bình Châu dài 61km, đi qua ba huyện ven đã được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được đưa vào sử dụng; đoạn từ Bình Châu nối với Cam Bình, thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận dài khoảng 30km chưa được đầu tư nên giao thông còn khó khăn; đoạn từ Cam Bình đến Mũi Né dài khoảng 100km đã được Bình Thuận đầu tư tương đối hoàn thiện.
Ngoài ra, những công trình giao thông lớn liên vùng đang “tiếp sức” thêm cho tiềm năng của tuyến đường ven biển như tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành chuẩn bị đưa vào sử dụng sẽ kết nối toàn khu vực miền Tây với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuyến cao tốc xuyên Á, sân bay quốc tế Long Thành, sân bay Phan Thiết, cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Dây và Dầu Dây - Phan Thiết đang triển khai từng bước.
Theo đánh giá của các chuyên gia, khi hệ thống giao thông liên vùng hoàn thiện, việc di chuyển từ TP. HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu và Phan Thiết sẽ giảm đáng kể, không còn phải mất từ 3 - 5 tiếng như hiện nay. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch, giúp hai tỉnh phát huy được tiềm năng phát triển du lịch.
Như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch du lịch trên địa bàn phát triển theo cụm, từ thành phố Vũng Tàu hướng ra Bình Thuận, lấy tuyến đường ven biển làm trục.
Cụ thể, thành phố Vũng Tàu phát triển các sản phẩm du lịch thương mại, hội nghị - hội thảo, nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa.
Cụm du lịch TP. Bà Rịa - Núi Dinh và vùng phụ cận phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái và tâm linh gắn với núi Dinh, vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch kết hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cụm du lịch Long Hải - Phước Hải và vùng phụ cận thu hút các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch thể thao biển và núi, thể thao tổng hợp, làng nghề và du lịch sinh thái.
Cụm du lịch Hồ Tràm - Bình Châu chuyên dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng gắn với biển và sinh thái rừng, vui chơi giải trí cao cấp, du lịch chữa bệnh và dịch vụ sức khỏe.
Trong khi đó, Mũi Né được quy hoạch thành một trong những khu du lịch quốc gia tầm cỡ.
'Ông lớn' nhập cuộc
Tuyến đường ven biển đang dần hình thành đã tạo luồng gió mới thu hút những nhà đầu tư bất động sản, trong đó có nhiều “ông lớn” trong ngành. Trong số những doanh nghiệp lớn đang ráo riết tạo lập thị trường theo trục đường ven biển phải kể tới Novaland.
Cuối năm 2018, Novaland đã giới thiệu dự án bất động sản nghỉ dưỡng đầu tay là NovaHills Mũi Né với hơn 600 biệt thự cao cấp. Sau đó, tập đoàn tiếp tục ra mắt dự án đại đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí và thể dục thể thao NovaWorld Phan Thiết với quy mô lên đến gần 1.000ha.
Điểm nhấn của NovaWorld Phan Thiết là cụm sân golf 36 lỗ tiêu chuẩn quốc tế, công viên bãi biển 16ha, quảng trường sân khấu ngoài trời, khu đô thị theo chủ đề làng thế giới, con đường di sản hội tụ tinh hoa ẩm thực và cụm khách sạn 3 - 5 sao.
Gần đây nhất Novaland cho biết dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Safari Hồ Tràm thuộc địa phận huyện Xuyên Mộc đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ủng hộ phương án đầu tư.
Với quy mô hơn 600 ha, tổng thể quy hoạch dự án dự kiến sẽ gồm khu vườn thú mở, công viên hoang dã Safari đầu tiên của khu vực phía nam, khu công viên nước, công viên chủ đề độc đáo, khu biệt thự nghỉ dưỡng, khu khách sạn 5 sao ven biển, tổ hợp giải trí - thương mại - dịch vụ kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái
Một số dự án nghỉ dưỡng đã đi vào hoạt động trên tuyến đường này như khu phức hợp Hồ Tràm Strip với tổng vốn đăng ký 4,23 tỷ USD đã đưa vào hoạt động một khách sạn 541 phòng, khu sòng bạc, sân golf 18 hố và đang triển khai xây dựng thêm một khách sạn và khu căn hộ - biệt thự nghỉ dưỡng.
Nhiều dự án cũng đang manh nha hình thành phí Bình Thuận như Mũi Né Summerland Resort của Hưng Lộc Phát, dự án khu biệt thự biển của DRH Holdings, dự án của Tập đoàn Trung Thủy, dự án của Danh Khôi.
Các dự án đang xin chủ trương đầu tư như Tập đoàn Tuần Châu đề xuất siêu dự án nghỉ dưỡng rộng gần 400ha tại Vũng Tàu, Tập đoàn BRG cũng đã làm việc nhiều lần với Bà Rịa - Vũng Tàu để đầu tư một dự án ven biển quy mô khá lớn.
Theo ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cấp cao Tập đoàn Novaland, sự phát triển của hạ tầng giao thông à lý do khiến Novaland mạnh tay đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng tại Phan Thiết và Bà Rịa Vũng Tàu. Đây cũng là hai địa phương được Novaland đầu tư nhiều nhất về bất động sản du lịch, nghĩ dưỡng.
Ông Phiên cho rằng, Vũng Tàu và Bình Thuận sẽ là thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trọng điểm trong thời gian tới khi hai địa phương này tiếp cận được cả năm loại hình giao thông gồm sân bay, đường cao tốc, đường bộ, đường sắt và đường biển.
Ngoài những yếu tố về hạ tầng giao thông, khách du lịch tăng từng năm thì một nhân tố theo đánh giá của các chuyện gia cũng không kém phần quan trọng, quyết định đến việc nhiều ông lớn đổ tiền vào đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng trục đường ven biển từ Vùng Tàu ra Bình Thuận đó là việc các tỉnh này nằm trong tam giác phát triển du lịch TP. HCM - Bình Thuận - Lâm Đồng.
Mối liên kết giữa các điểm du lịch này đã hình thành, lượng khách du lịch tuần hoàn di chuyển giữa các địa phương rất lớn và được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Cung đường vàng
Nhìn nhận về tiềm năng bất động du lịch, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, nếu so sánh với Nha Trang và Phú Quốc là những thị trường du lịch nghỉ dưỡng đã rất sôi động thì Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu đang nổi lên là những địa phương đầy tiềm năng.
Đồng quan điểm, ông Ngô Đức Sơn, Phó Tổng giám đốc DRH Holdings nhận xét, cung đường ven biển này đang thu hút nhiều “ông lớn” trong ngành bất động sản đến đầu tư, ngoài yếu tố tiềm năng, hạ tầng thì còn do môi trường pháp lý TP. HCM trong vài năm trở lại đây khiến nhà đầu tư phải tìm đến thị trường khác.
Theo ông Sơn, tuyến đường ven biển hiện hình thành hai phần rất rõ. Đó là phần 'du lịch già', đã phát triển từ thời Pháp thuộc, tương đối đầy đủ về hạ tầng là thành phố Vũng Tàu và Mũi Né. Còn tiềm năng nhất là đoạn từ Long Hải của Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cam Bình của Bình Thuận, bởi quỹ đất còn lớn, mặt bằng giá đất thấp.
Ông Sơn nhận định xu hướng trong thời gian tới chủ yếu là du lịch trải nghiệm. Thay vì đến những địa điểm quen thuộc thì du khách sẽ chọn những địa điểm mới vừa tắm biển, vừa hòa mình vào văn hóa bản địa hay những địa danh mới nổi còn hoang sơ với những khu nghỉ dưỡng hạng sang. Trục đường ven biển biển từ Vũng Tàu đi Bình Thuận hội tụ đủ những yếu tố đó như có suối nước nóng Bình Châu ở địa phận Vũng Tàu, hay đồi cát và vườn thanh long ở Bình Thuận.
Những trải nghiệm mới mẻ này giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Đây là cơ hội đầu tư cho những doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt trong đó là bất động sản nghỉ dưỡng. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư đang "dồn lực" săn dự án, biệt thự ven biển, đất nền dọc tuyến đường ven biển nên thị trường khu vực này đang sôi động.
“Trong năm 2019 và những năm kế tiếp, thị trường ngách ở các địa phương nói trên sẽ trở thành tâm điểm của bất động sản phía Nam”, ông Sơn dự đoán.
“Nếu duy trì tốc độ phát triển như hiện nay, dự kiến trong vòng 5 năm tới, cung đường Vũng Tàu – Long Hải – Bình Châu - Hàm Tân – Mũi Né sẽ là cung đường “vàng” với nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng 5 sao của những tên tuổi lớn trong ngành”, ông Quang kỳ vọng.
Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó tổng Giám đốc CTCP bất động sản Netland dẫn một báo cáo nghiên cứu thị trường mới nhất cho thấy năm 2018, Bà Rịa - Vũng Tàu đón 13,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,2 triệu lượt khách lưu trú, khách quốc tế lưu trú là 330.000 người. Tổng doanh thu du lịch đạt 14.248 tỷ đồng. Bình Thuận năm 2018 đón gần 5,8 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó có 675.000 lượt khách quốc tế với doanh thu ước đạt 12.851 tỷ đồng.
Nếu so sánh tổng doanh thu từ du lịch của Nha Trang năm 2018 là 22.000 tỷ đồng, Đà Nẵng là 24.000 tỷ đồng thì Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận còn dư địa lớn. Đó là chưa nói đến những địa phương có cung đường ven biển đi qua hiện nay mới ở gia đoạn sơ khởi.
Ông Quang cho biết, không chỉ nhà đầu tư trong nước mà những nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận. Các đối tác nước ngoài đã đặt nhiều câu hỏi về tiềm năng của hai địa phương này trong những lần làm việc với Netland.
“Nếu duy trì tốc độ phát triển như hiện nay, dự kiến trong vòng 5 năm tới, cung đường Vũng Tàu - Long Hải - Bình Châu - Hàm Tân - Mũi Né sẽ là cung đường “vàng” với nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng 5 sao của những tên tuổi lớn trong ngành”, ông Quang kỳ vọng.
Hứa Phương/Nhà Quản trị