Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Cuộc 'bành trướng' trong 2 năm của T&T: Dự án từ Bắc vào Nam, đa dạng cả nghỉ dưỡng, năng lượng và sân bay

16/07/2021 16:08

Trong vòng 2 năm, T&T đã đề xuất đầu tư, khởi công trên 40 dự án từ Bắc vào Nam. Các dự án đề xuất của T&T trải dài nhiều lĩnh vực, từ nghỉ dưỡng, nặng lượng đến hạ tầng giao thông. Bên cạnh cơ hội, doanh nghiệp có thể sẽ gặp những khó khăn nhất định khi triển khai loạt dự án.

Liên tục đề xuất dự án mới

Mới đây, Tập đoàn T&T vừa khởi công dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân ở Thanh Hóa với quy mô 117 ha, vốn đầu tư hớn 3.600 tỷ đồng. Trước đó, tỉnh Đắk Nông cùng công ty này cũng đã công bố đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị du lịch sinh thái Hồ Đắk R’Tih, diện tích 1.725 ha.

Những đề xuất mới nối dài thêm danh sách dự án nghìn tỷ trong tay tập đoàn T&T. Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, doanh nghiệp của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) đã đề xuất đầu tư, khởi công trên 40 dự án ở các địa phương từ Bắc vào Nam, từ nhà ở, khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng đến năng lượng, hạ tầng giao thông.

tp-hoa-binh64-4222-1626250767-1626426294.jpg
Năm 2019, T&T đề xuất cùng lúc 7 dự án ở Hòa Bình. Ảnh: Báo Nhân Dân

Ở phía Bắc, T&T mạnh tay đề xuất cùng lúc 7 dự án ở Hòa Bình, đa số trong đó là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Tại Hải Dương, Thái Nguyên, công ty này cũng đang triển khai ít nhất 2 dự án với quy mô trên 5.600 ha.

Tại các tỉnh miền Trung, ngoài Khu du lịch sinh thái Tân Dân ở Thanh Hóa, công ty của bầu Hiển cùng lúc đề xuất 6 dự án ở Nghệ An, trong đó có 2 dự án hơn 400 ha là Khu đô thị phía Tây Nam TP Vinh và Khu đô thị sinh thái Đông Nam TP Vinh.

Tiến vào Quảng Trị, doanh nghiệp này một lần nữa gây chú ý với việc đề xuất 6 dự án, trong đó có Tổ hợp dịch vụ - du lịch đô thị và sân Golf hồ Nghĩa Hy Cam Lộ có quy mô 800 ha, một dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng diện tích 140 ha.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, T&T đề xuất đầu tư 4 dự án, gồm dự án T&T water Gateway, dự án Bến Đình-Núi Lớn và 2 cụm dự án khu đất trụ sở cơ quan. Tổng diện tích 4 dự án là hơn 400 ha.

Ở khu vực Tây Nguyên, cụ thể là Đăk Lăk, T&T cũng mang tham vọng lớn khi muốn triển khai thêm loạt dự án như Khu đô thị thương mại, dịch vụ Ea Tam - Khu phố châu Âu trên miền Cao Nguyên (50 ha), Dự án khu biệt thự Ea Kao (hơn 46 ha), Dự án sân golf hồ Ea Kao (hơn 76 ha). Ở Đăk Nông, "siêu" dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Hồ Đắk R’Tih với diện tích 1.725 ha được đề xuất năm 2020 có vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD.

Còn tại Đồng bằng Sông Cửu Long, T&T lựa chọn An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp để đề xuất đầu tư, nghiên cứu triển khai các dự án. Tính riêng Cần Thơ, công ty này đề xuất 3 dự án trong lĩnh vực phát triển đô thị, 2 dự án logistic, 3 dự án khu công nghiệp, một dự án du lịch thương mại và dịch vụ cùng một bảo tàng. Trong khi đó, ở Cà Mau, ông lớn này lại chọn đổ tiền vào sân bay, cảng nước sâu, cao tốc. Ở An Giang, doanh nghiệp đang xây dựng một dự án khu nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ.

Phần lớn các địa bàn mà T&T lựa chọn đầu tư là các thị trường mới, chưa có nhiều dự án. Tại mỗi địa phương, công ty đề xuất nhiều dự án cùng lúc ở đa dạng loại hình. Thông tin về vốn đầu tư một số dự án chưa được cập nhật, song nếu hiện thực hóa toàn bộ đề xuất, T&T sẽ phải bỏ ra hàng tỷ USD. Đồng thời, nếu đủ năng lực để thực hiện các kế hoạch này, công ty có thể gom được quỹ đất trên 10.000 ha, tạo ra các sản phẩm đa dạng về loại hình cho các địa phương vốn chưa có nhiều dấu ấn trên thị trường bất động sản. 

Tiềm lực của doanh nghiệp

T&T được thành lập từ năm 1993, là một doanh nghiệp đa ngành, hoạt động trải rộng trên cả lĩnh vực tài chính, bất động sản, hạ tầng giao thông, logistics, năng lượng, giáo dục và thể thao... Vốn điều lệ của công ty nằm trong tay ông Đỗ Quang Hiển hiện đạt 15.000 tỷ đồng.

Năm 2020, T&T ghi nhận doanh thu hơn 10.500 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận đạt khoảng 178,6 tỷ đồng. Tổng tài sản là 31.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu khoảng 15.600 tỷ đồng. Hiện ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, nắm giữ 98,5% cổ phần công ty.

kqkd-1210-1626252046-1626426293.png
Tình hình tài chính của T&T giai đoạn 2016-2020.

Với lĩnh vực bất động sản, T&T tiếp cận thị trường thông qua các thương vụ M&A và IPO. Các công ty có liên quan đến ông Đỗ Quang Hiển đã tích cực tham gia mua cổ phần nhiều doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá, thoái vốn theo chủ trương. Giai đoạn 2015 đến nay, T&T đã chi hàng nghìn tỷ đồng để nắm quyền chi phối nhiều doanh nghiệp nhà nước như Vinafor (tối thiểu 1.416 tỷ đồng), Vegetexco (430 tỷ đồng), bệnh viện Giao thông vận tải (119 tỷ đồng), Cảng Quảng Ninh (tối thiểu 490 tỷ đồng)… Điểm chung của các đơn vị này là đang quản lý và sở hữu quỹ đất vàng lớn.

Riêng về đầu tư xây dựng dự án bất động sản, T&T chủ yếu tập trung vào mảng nhà cao tầng và văn phòng cho thuê. Tại Hà Nội, doanh nghiệp là chủ đầu tư của các dự án như T&T Reverside, 440 Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai; Khu tổ hợp thương mại, văn phòng, nhà ở T&T DC Complex - T&T Tower tại 120 Định Công, Hoàng Mai và các dự án văn phòng ở các vị trí đất vàng như Hoàn Kiếm, Đống Đa. 

3-4-copy-1510802944457-2512-1626250767-1626426293.jpg
Dự án T&T Reverside, 440 Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai. Ảnh: Kim Oanh

Doanh nghiêp cũng có một dự án ở TP Vinh, Nghệ An là dự án căn hộ T&T Victoria, số 1 Quang Trung. Còn ở TP HCM, T&T là chủ đầu tư dự án Trung tâm thương mại, căn hộ tại 446 - 448 Hoàng Văn Thụ, Quận Tân Bình, Khu đô thị phức hợp Sóng Việt tại Khu đô thị Thủ Thiêm. Tại Long An, công ty có dự án T&T Long Hậu.

So sánh số dự án đã và đang triển khai cùng lượng dự án đề xuất, có thể thấy T&T mang tham vọng rất lớn ở mảng bất động sản, dù trên thực tế, không phải dự án nào của công ty này cũng thuận lợi. Hồi tháng 3 mới đây, tỉnh Quảng Nam liệt kê 2 dự án của T&T trong danh mục các dự án chậm tiến độ trên địa bàn, gồm dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình và Khu đô thị phức hợp Điện Dương, thị xã Điện Bàn. 2 dự án này có tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân ở Nghi Sơn, Thanh Hóa vừa khởi công hôm 23/6 cũng là dự án chậm tiến độ lâu năm. Dự án này này được chấp thuận chủ trương vào tháng 3/2008 và được UNBD tỉnh Thanh Hoá cấp phép đầu tư vào tháng 10/2013.  Theo cam kết trước đây, dự án phải được khởi công trong quý IV/2014 và hoàn thành trong quý IV/2018. Dự án sau đó không được triển khai theo kế hoạch và tỉnh Thanh Hóa đã phải gửi văn bản đốc thúc doanh nghiệp. 

Chưa kể, việc đầu tư dự án ở các địa bàn mới cũng là thách thức lớn cho T&T. Các chuyên gia về thị trường từng phân tích, một trong những điểm khó nhất của doanh nghiệp địa ốc khi mở rộng đầu tư là hiểu được thị trường mới, bao gồm cả yếu tố về văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán lẫn điều kiện kinh tế, nhu cầu của người dân địa phương. 

Theo Lâm Tùng/NDH