Những âm mưu chiếm quyền ở các chaebol thâm độc chẳng khác gì kịch bản trong những bộ phim truyền hình ăn khách hàng đầu của điện ảnh Hàn Quốc.
Huynh đệ tương tàn
Một giám đốc điều hành bị đá khỏi vị trí quản lý của đế chế kinh doanh trị giá 79 tỷ USD mà gia đình ông làm chủ. Người bị cáo buộc đứng sau âm mưu này không phải ai khác mà chính là em trai của vị lãnh đạo bị phế truất. Sau đó, người anh trai giúp đỡ Chủ tịch, chính là cha của họ, chiến đấu giành lại quyền lực. Tuy nhiên, người em lại phế truất luôn vị trí của người cha và củng cố quyền lực kiểm soát tập đoàn.
Câu chuyện nghe giống như tiểu thuyết hay kịch bản của những bộ phim truyền hình ăn khách. Tuy nhiên, đó là sự thật, xảy ra trong nội bộ Lotte, một trong những chaebol đình đám bậc nhất Hàn Quốc. Lotte sở hữu các chuỗi khách sạn, trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, quán cà phê và cả những cửa hàng bánh mì kẹp thịt trên khắp đất nước Hàn Quốc.
Tranh chấp không đội trời chung diễn ra giữa hai người con của ông Shin Kyuk-ho, nhà sáng lập tập đoàn Lotte. Cuộc chiến leo thang tới đỉnh điểm vào năm 2015, khi ông Shin Kyuk-ho và người con cả Shin Dong-joo cùng hợp sức để đẩy người con trai thứ, Shin Dong-bin khỏi vị trí lãnh đạo tập đoàn.
Ông Shin Dong-bin, người nắm quyền điều hành Lotte.
Năm 1941, ông Shin Kyuk-ho tới Nhật Bản khi Hàn Quốc đang bị chiếm đóng. Học đại học và bắt đầu mở một công ty kẹo cao su, ông Shin tự tay xây dựng đế chế trị giá nhiều tỷ USD. Người vợ đầu qua đời sớm, ông Shin kết hôn với một người phụ nữ Nhật Bản và sinh ra hai người con trai, những nhân vật chính trong cuộc chiến quyền lực khốc liệt.
Shin Dong-joo được phân nhiệm vụ chèo lái hoạt động kinh doanh của Lotte ở Nhật Bản trong khi người em kém 1 tuổi, Shin Dong-bin đảm trách hoạt động kinh doanh tại Hàn Quốc. Khi tăng trưởng của Lotte ở Nhật Bản bị đình trệ, người con thứ đã đưa tập đoàn lên vị trí số 1 trong ngành bán lẻ tại Hàn Quốc thông qua các hoạt động mua bán và sáp nhập trước khi bước ra toàn cầu hóa. Giữa tháng 7/2015, Shin Dong-bin trở thành CEO của Lotte Holdings của Nhật bản, công ty nắm giữ toàn bộ cổ phần thực tế của tập đoàn.
Người anh trai Shin Dong-joo đã vùng lên, kêu gọi sự giúp đỡ của cha để đòi lại quyền lãnh đạo. Được sự hậu thuẫn của cha, các chú và những người chị em khác mẹ, Shin Dong-joo có sự ủng hộ lớn. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, người em trai Dong-bin đã triệu tập cuộc họp của Hội đồng quản trị và yêu cầu tước quyền lãnh đạo của cha với tập đoàn mà ông xây dựng.
Shin Dong-joo, người thất bại trong cuộc chiến "nhất ăn tất" ở Lotte.
Giữa tháng 8/2015, cuộc chiến lên tới đỉnh điểm. Những người ủng hộ Shin Dong-bin đồng loạt đăng đàn chỉ trích người anh trai và cho rằng chủ tịch, người đã ngoài 90 tuổi, bị tẩy não. Giữa tháng 8, cuộc chiến lắng xuống và dường như Shin Dong-bin là người chiến thắng khi các cổ đông của Lotte Holdings phê duyệt vị trí lãnh đạo và kế hoạch quản lý của ông.
Cuộc chiến khốc liệt ở nội bộ Lotte không phải sự việc điển hình giữa những người thừa kế các tập đoàn danh tiếng bậc nhất Hàn Quốc hay các công ty gia đình ở quốc gia này. Những cuộc chiến, dù diễn ra trong quy mô gia đình, nhưng lại có thể ảnh hưởng tới cả nền kinh tế Hàn Quốc. Mọi ngành công nghiệp lớn ở quốc gia này đều bị chi phối bởi các chaebol trong đó nổi tiếng nhất là Samsung, Hyundai và LG.
Trở lại với câu chuyện của Lotte, những rắc rối xảy ra năm 2015 đã khiến các nhà lập pháp của Hàn Quốc phải tiến hành một phiên điều trần. Người em đang nắm quyền điều hành tập đoàn đưa ra lời xin lỗi vì những hỗn loạn mà cuộc chiến giữa các hoàng tử gây ra.
Điểm yếu chết người trong lòng chaebol Hàn Quốc
Lee Ji-soo, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Pháp luật và kinh toanh có trụ sở tại Seoul – người chuyên theo dõi các chaebol, nhận định: "Gần như không có một chaebol chủ chốt nào không bị rung chuyển bởi một cuộc chiến của các hoàng tử. Nó nghiêm trọng đến mức người ta cảm thấy phấn khởi khi chủ tịch của Samsung và Huyndai hiện tại chỉ có duy nhất một con trai. Khi các nhà đầu tư đòi hỏi sự quản trị tốt hơn ở các chaebol, họ cũng đòi hỏi sự minh bạch trong các kế hoạch kế nhiệm".
Cuộc chiến của các hoàng tử cho thấy vấn đề quản trị trong các chaebol Hàn Quốc là đáng báo động. Các nhà đầu tư sợ rằng sự kết hợp của các cấu trúc kinh doanh phức tạp và sự cảm tính trong việc chọn người kế nghiệp sẽ khiến những tập đoàn trị giá nhiều tỷ USD gặp khó khăn trong quá trình vận hành và chuyển giao.
Theo dữ liệu từ chính phủ, trên thực tế, các gia đình điều hành 10 chaebol lớn nhất của Hàn Quốc chỉ năm giữ 2,7% đế chế của họ. Tuy nhiên, các chủ tịch lại nắm giữ những gì mà các nhà phê bình gọi là sự kiểm soát giống như vua đối với đế chế của mình thông qua việc sở hữu cổ phần chéo. Các công ty của Chủ tịch thường nắm giữ cổ phần của nhau và chiếm đa số, mang lại quyền lực tuyệt đối cho họ.
Nhiều lãnh đạo các chaebol vướng vòng lao lý nhưng quyền lực của họ vẫn là tuyệt đối.
Lotte, một trong những chaebol lớn nhất Hàn Quốc, là một ví dụ điển hình. Các công ty con của nó sở hữu cổ phần lẫn nhau và tạo ra một mô hình giống bát mì spaghetti. Cấu trúc này ngăn chặn sự tiếp quản của thế lực thù địch bằng cách đảm bảo rằng không có cổ phần lớn nào có thể bị tổn thương dễ dàng. Tuy nhiên, nó cũng đồng nghĩa rằng rắc rối tài chính của một công ty con có thể lan sang phần còn lại của tập đoàn.
Thông thường, chủ tịch các chaebol thường trì hoãn việc lựa chọn người thừa kế cho tới cuối đời. Với khối tài sản trị giá nhiều tỷ USD, con cháu họ thường khởi kiện và cáo buộc lẫn nhau nhằm giành phần hơn trong cuộc chiến di chúc. Đây là cuộc chơi mà người chiến thắng sẽ có tất cả và kẻ thua cuộc sẽ thực sự bị hất ra ngoài.
Cuộc chiến huynh đệ tương tàn thường phá vỡ các chaebol. Năm 2000, Hyundai bị chia thành 4 bởi cuộc chiến như vậy. Trong các trường hợp khác, nó dẫn đến sự xáo trộn kéo dài trong bộ máy lãnh đạo như những gì đã xảy ra với Tập đoàn Doosan và Tập đoàn Kumho. Tuy nhiên, dường như sẽ khó có sự thay đổi trong bối cảnh các nhà lãnh đạo luôn muốn duy trì quyền lực tới cuối đời.
Samsung là một ví dụ. Trên danh nghĩa, chủ tịch của Tập đoàn Samsung hiện nay là ông Lee Kun-hee, người được cho là đang trong tình trạng tuổi cao sức yếu và không thể chèo lái hoạt động kinh doanh. Quyền lực hiện tại đang do Lee Jae-yong, con trai cả và duy nhất của ông Lee Kun-hee đảm trách. Nổi danh với cái biệt hiệu Thái tử Samsung, Lee Jae-yong đang củng cố quyền lực kiểm soát tập đoàn.
Tuy nhiên, Samsung có lẽ may mắn hơn so với các chaebol khác vì chỉ có duy nhất một người được coi là người thừa kế. Việc ông Lee Kun-hee không thể lãnh đạo tập đoàn cũng không gây ra nhiều vấn đề nhất là khi người kế nhiệm đã được lựa chọn từ nhiều năm trước. Với các tập đoàn khác, sự suy giảm ảnh hưởng của chủ tịch có thể là nguồn cơn cho những cuộc chiến quyền lực giữa anh em ruột thịt.