“Khả năng phục hồi” là một kỹ năng quan trọng giúp bạn thành công trong suốt những chặng đường dài. Dưới đây là tám chiến lược mà những người thành công luôn sử dụng để xây dựng “khả năng phục hồi”, giúp họ vượt qua khủng hoảng và tiếp tục phát triển.
Những người thành công xây dựng khả năng phục hồi của mình bằng việc học cách đối phó với các thách thức. Về cơ bản, bạn phải bị vấp ngã để học cách tự đón đầu. Theo thời gian, những người thành công không chỉ học cách vượt qua mà còn đón nhận những thách thức này. Họ hiểu rằng, mỗi cuộc khủng hoảng mà họ phải đối mặt là một cơ hội để học hỏi và phát triển.
Vì vậy khả năng phục hồi là một kỹ năng quan trọng. Bạn cần phải rèn luyện một cách thuần thục, để có thể thành công trong một chặng đường dài.
Dưới đây là 8 chiến lược mà những người thành công sử dụng để xây dựng khả năng phục hồi và tiếp tục phát triển vượt qua những khủng hoảng sẽ kìm hãm họ.
1. Xây dựng một vòng tròn tin cậy
Trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều cần những người mà chúng ta có thể dựa vào. Xây dựng một vòng tròn chặt chẽ giữa bạn và những người đáng tin cậy là một phần quan trọng trong việc tăng cường khả năng phục hồi và vượt qua những giai đoạn khó khăn.
Bạn bè thân thiết, gia đình và những người thân yêu là chỗ dựa vững chắc của chúng ta - họ khuyến khích, động viên và cho chúng ta biết rằng chúng ta không cô đơn. Khi xung quanh chúng ta luôn có những người sẵn sàng giúp đỡ mình, chúng ta có thể chia sẻ cảm xúc và mối quan tâm của mình mà không sợ bị đánh giá.
Các nghiên cứu cho thấy yếu tố chính trong khả năng phục hồi là có các mối quan hệ chăm sóc và hỗ trợ cả trong và ngoài gia đình. Những người có mức độ được xã hội hỗ trợ cao sẽ ít bị trầm cảm và có khả năng đối phó tốt hơn trong giai đoạn căng thẳng. Chỉ cần nhớ, chia sẻ và yêu cầu giúp đỡ khi bạn cần!
2. Thay đổi cách bạn nhìn vào một tình huống khó khăn
Việc rơi vào khủng hoảng hay giải quyết được vấn đề khi ta phải đối mặt với các tình huống khó khăn, tất cả đều phụ thuộc vào cách nhìn nhận của chúng ta. Điều này được gọi là tái cấu trúc nhận thức, và nó liên quan đến việc nhìn mọi thứ theo cách tạo ra ít căng thẳng, thúc đẩy cảm giác kiểm soát và xoa dịu tâm trí của chúng ta hơn.
Tái cấu trúc mọi thứ theo cách tích cực hơn có thể thay đổi nhận thức và làm giảm cảm giác căng thẳng của chúng ta.Thủ thuật tâm trí này thực sự có thể thay đổi phản ứng thể chất của bạn thành căng thẳng. Vì phản ứng căng thẳng của cơ thể bạn được kích hoạt bởi căng thẳng nhận thức. Nói cách khác, nếu bạn liên tục cảm thấy khủng hoảng xuất hiện, cơ thể bạn sẽ phản ứng như thể đó là sự thật, và phản ứng chiến-hay-chạy của bạn sẽ xảy ra.
Hãy nhận thức về cách bạn nghĩ về mọi thứ - bạn có xu hướng lạc quan hoặc bi quan khi xem xét các tình huống sắp xảy ra? Ngăn chặn bản thân khỏi trượt vào những suy nghĩ tiêu cực quá mức. Thay vì xem một tình huống khó khăn là một vấn đề không thể vượt qua, hãy coi nó như một thách thức mà bạn có thể giải quyết được nếu cố gắng.
3. Phải hành động
Đừng cho phép bản thân "bị tê liệt" trong một chấn thương hoặc khủng hoảng tâm lí. Nhắc nhở bản thân rằng bạn không phải chịu đựng những việc nằm ngoài tầm kiểm soát của mình - bạn luôn có thể làm điều gì đó. Bằng cách bắt đầu hành động và thực hiện từ những bước nhỏ nhất, rồi bạn có thể có được sự tự tin để thực hiện các bước lớn hơn.
Bạn có thể xây dựng khả năng phục hồi bằng cách học cách hành động quyết đoán trong các tình huống quan trọng. Đừng chờ đợi người khác đến và cứu rỗi cuộc đời bạn. Ngay lập tức, xem xét những bước bạn có thể thực hiện và nắm quyền kiểm soát một tình huống. Vậy làm thế nào bạn có thể kéo mình ra khỏi một thảm họa hoặc trong tình thế tiến thoái lưỡng nan? Bạn không thể bỏ qua vấn đề của mình và làm như vậy sẽ khiến bạn cảm thấy bất lực. Hãy bình tĩnh và suy nghĩ kĩ lại vấn đề, khai thác các tiềm năng trong bạn, để có thể kiểm soát được tình huống tiêu cực đó.
4. Có thái độ tích cực
Suy nghĩ và thái độ bạn tiếp cận một vấn đề có thể tạo ra một sự khác biệt lớn trong việc bạn kiên trì như thế nào khi đối phó với một tình huống bế tắc, rắc rối. Duy trì hy vọng và lạc quan sẽ giúp bạn nhìn xa hơn tình trạng khó khăn hiện tại mà bạn đang gặp phải.
Hãy chú ý đến những vòng suy nghĩ tiêu cực mà bạn có thể bị mắc kẹt. Hãy nắm bắt chính mình khi bạn rơi vào những suy nghĩ gây căng thẳng. Khi bạn nghĩ về tương lai, bạn có tập trung vào việc khiến mọi thứ tốt hơn và tìm kiếm những khả năng và cơ hội phía trước không? Hay bạn chỉ tập trung vào những vấn đề mà chỉ đem lại cảm giác vô vọng. Hãy thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng những suy nghĩ tích cực.
5. Chấp nhận thay đổi là một phần của cuộc sống
Nhiều người dành cả đời để cố gắng tránh thay đổi. Viễn cảnh đối mặt với sự thay đổi khiến họ lo sợ về những điều mà họ chưa biết. Nhưng thay đổi chắc chắn sẽ bắt kịp bạn. Một điều quan trọng để những người thành công xây dựng khả năng phục hồi là chấp nhận thay đổi. Họ tập trung vào việc chuẩn bị cho những thay đổi và họ học cách thích nghi và điều chỉnh khi sắp có thay đổi. Những người thành công coi sự thay đổi là một thành phần cần thiết để sửa đổi cách thức cũ và nắm lấy sự đổi mới.
Chúng ta sẽ liên tục trải qua sự thay đổi trong cuộc sống, thông qua các mối quan hệ và cả trong cơ thể của chúng ta. Môi trường làm việc và nơi ở của chúng ta sẽ thay đổi, thực sự toàn bộ thế giới xung quanh sẽ phải trải qua những biến động và biến đổi.
Tất cả chúng ta phải học cách đối phó với sự thay đổi, tiếp tục tiến lên và phát triển thông qua tất cả những thay đổi đó. Hãy chú ý đến cách bạn phản ứng với cảm giác căng thẳng do thay đổi mang lại. Làm việc để điều chỉnh lại cách bạn nghĩ về sự thay đổi - xem các khả năng và cơ hội đi kèm với bất kỳ sự đổi mới nào.
6. Giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát
Như đã nói, đừng chuyện bé xé ra to. Máy tính của bạn có thể bị hỏng, đại diện bên dịch vụ khách hàng có thể thô lỗ hoặc không giúp ích gì và bạn có thể bị mất các tài liệu quan trọng khiến bạn nộp chậm thời hạn. Trong thời điểm này, bạn có thể thấy mình sẵn sàng bùng nổ, muốn trút giận và gây hấn lên người khác. Trước khi bạn làm, hãy kiểm soát lại chính mình.
Phản ứng của bạn thực sự phù hợp với tình hình đó không? Vâng, nó khiến bạn căng thẳng, khó chịu và bực bội. Nhưng có ai bị tổn thương không? Có ai chết vì những gì đã xảy ra? Bạn có thể phục hồi từ tình huống này không? Nếu câu trả lời cho câu hỏi cuối cùng là có, thì hãy chắc chắn rằng bạn không thổi phồng mọi thứ.
Nhắc nhở bản thân về những gì đang diễn ra tốt đẹp trong cuộc sống của bạn. Hãy xem xét điều tốt nhất và tồi tệ nhất có thể xảy ra. Trường hợp xấu nhất ở đây là gì? Là tình huống này thực sự tồi tệ như cách bạn nghĩ? Chắc là không. Hãy hành động để khắc phục vấn đề và đi tiếp, chứ không phải dừng lại và đổ lỗi cho vấn đề đó.
7. Xây dựng sự tự tin
Đôi khi chúng ta phải đào sâu và tìm ra sức mạnh trong mình để đối phó với những khó khăn. Chúng ta phải tìm cách trau dồi sự tự tin và đảm bảo rằng chúng ta có thể xử lý tình huống một cách hiệu quả nhất.
Tìm cách thoát khỏi một vấn đề khó khăn không bao giờ là dễ dàng, nhưng bạn có thể làm được! Một số vật nhỏ nhặt đôi khi có thể truyền thêm sức mạnh cho bạn - một vật gia truyền từ cha mẹ hoặc ông bà, một đôi giày bạn cảm thấy rất thích - bất kể đó là gì, hãy sử dụng nó để củng cố sự tự tin của bạn. Nhìn vào gương và nói với bản thân rằng bạn tin vào chính mình, rằng bạn có thể làm điều này. Đứng cao, hít một hơi thật sâu và tiến về phía trước.
Khi phải bạn phải đối mặt với một tình huống nguy cấp hoặc một thảm họa sắp xảy ra, hãy nhớ những gì bạn đã trải qua trong cuộc sống. Bạn đã vượt qua khó khăn trước đây và bạn có thể khiến điều đó lặp lại. Tin tưởng vào bản thân và biết rằng bạn có thể vượt qua bất kỳ cơn bão nào, sẽ cho phép bạn làm chủ khả năng phục hồi và vượt qua mọi khủng hoảng.
8. Tìm kiếm niềm vui hàng ngày
Vào những ngày đen tối nhất, bạn có thể tìm thấy một vài điều nhỏ để khiến bạn hạnh phúc hơn. Ngay cả khi mọi thứ ở mức tồi tệ nhất và bạn đang cảm thấy mình đang đứng ở điểm thấp nhất, bạn vẫn có những điều phải biết ơn. Xây dựng khả năng phục hồi không chỉ là vượt qua cơn bão; đó cũng là tìm kiếm những niềm vui hàng ngày làm cho cuộc sống trở nên đáng sống hơn. Bạn có thể cảm hài hước khi cuộc sống đang đánh gục bạn. Có thể cười khi đối mặt với nghịch cảnh là một cách tuyệt vời để giảm bớt căng thẳng và xây dựng khả năng phục hồi.
Ngoài ra, hãy nhớ rằng cảm giác hạnh phúc của bạn được củng cố bằng cách dành thời gian mỗi ngày để chăm sóc cho bản thân và tâm trí của bạn. Ăn thực phẩm lành mạnh, tập thể dục và ngủ đủ giấc sẽ giúp bạn có thêm khả năng phục hồi để xử lý những áp lực hàng ngày cũng như những khủng hoảng bất ngờ ập đến.
theo Business Insider