Trước lời “tố” đa tình của vợ, ông Thanh cười đáp: “Số đào hoa chứ tôi không phải đa tình. Nhiều con gái nó bu vô nhưng mà tôi thẩy ra hết trơn à”.
Trải qua quá nửa đời người với biết bao thăng trầm, giờ đây, khi nhìn lại những gì đã qua, ông Thanh và bà Nụ thẳng thắn chỉ ra điểm yếu – mạnh của người bạn đời. Dẫu vậy, "cặp đôi già" không quên dành cho nhau những lời ngọt ngào.
Thỉnh thoảng, bà Nụ lại quay sang nhìn chồng trìu mến. Vẫn bằng cách xưng hô đầy tình cảm, gọi ba xưng má, người phụ nữ này là minh chứng rõ nét cho câu nói "Lạt mềm buộc chặt" trong hôn nhân.
Lần đầu gặp ông Thanh thời cả hai còn trẻ, ấn tượng của bà thế nào?
Bà Phạm Thị Nụ: Hồi xưa tôi buôn bán thì ổng là khách hàng. Cũng khá đặc biệt bởi lúc đó nói thật tôi bán đường nhưng mà tôi đẹp lắm. Tôi đẹp nhất chợ Bà Chiểu. Nhiều người đến mua không phải vì có nhu cầu. Cứ lấy lý do mà tới thôi.
Tôi bán rất đắt hàng, rồi buổi chiều có nhiều người đến dọn giùm, trong đó có ông này. Người ta gọi ổng là Thanh Râu. Rất là đẹp trai mà lịch sự, ga lăng.
Ngày ấy, thùng đường cỡ năm, sáu chục kí. Bự lắm. Ổng tới bưng vào, bưng ra giùm cho tôi, bưng nhiều lắm. Không thì tôi phải làm. Sáng bưng ra 10 cây rồi bán hết thì thôi. Chiều ế lại đem vô. Một ngày, tôi bán đến 5 tấn đường lận.
Chiều tôi dọn hàng là ông tới dọn phụ. Thu xếp xong cái là em tôi đẩy về, còn ông dắt tôi đi ăn kem. Rồi ông chở tôi đi lòng vòng chút mới về. Chính vì thế, tôi vừa là nhà cung cấp vừa là bạn gái của ông ấy.
Nhưng mà trong lúc quen, ổng có nhiều bồ nữa. Tôi nghĩ là cuộc tình này nó không đi đến đâu rồi. Nhưng mặt khác, tôi lại nghĩ mình có tài nên không lo gì hết. Mình không có lo là ông có chọn mình hay không. Phải là mình có chọn ông ấy hay không thôi chứ. (cười)
Xét trên phương diện ngoại hình, bà có tự tin trước chồng mình không?
Bà Phạm Thị Nụ: Nam có nét đẹp riêng của nam, nữ có nét đẹp riêng của nữ. Ở cái thời của tôi, ít có người đẹp lắm. Đẹp không phải là do sửa. Đẹp tự nhiên nha. Cho nên người ta nói người đẹp nhất chợ bà Chiểu, nhất tỉnh Gia Định là tôi đó.
Ông có công nhận điều này không, ông Thanh?
Ông Trần Quí Thanh: Bả nhiều lúc cũng tự tin lắm á (cười).
Ông còn nhớ cảm xúc khi lần đầu tiên nhìn thấy người đẹp nhất tỉnh Gia Định này không?
Ông Trần Quí Thanh: Gặp bả lúc đó tôi ấn tượng liền. Một người phụ nữ đẹp lại còn biết lo làm ăn, hiếu thảo với gia đình. Tôi đã nghĩ, đây có lẽ là người mình đang đi tìm.
Bà Nụ vừa trách ông khi quen nhau rồi vẫn có nhiều bồ. Ông là người đa tình vậy sao?
Ông Trần Quí Thanh: Đa tình là chuyện thượng đế sắp đặt, đâu phải mình muốn đâu. Thật ra là số đào hoa chứ tôi không phải đa tình. Nhiều con gái nó bu vô nhưng mà tôi thẩy ra hết trơn à.
Ông quan niệm thế nào về sự chung thuỷ?
Ông Trần Quí Thanh: Chung thủy là phải trước khác sau khác (cười). Bởi vì, trước khi yêu mình, người ta chưa yêu. Sau khi yêu rồi thì phải yêu luôn.
Nếu trước sau như một, trước yêu không biết, sau này cũng không biết luôn thì sao tạo sự bền vững được.
Có ông chồng thừa nhận số đào hoa. Vậy bà có thuộc tuýp phụ nữ hay ghen không?
Bà Phạm Thị Nụ: Theo tôi, phụ nữ nào cũng ghen nhưng phải biết cách ghen. Chứ không phải ghen rồi làm đủ thứ hết thì không được. Ghen nó có nhiều cách. Cái cách nào mình thấy khôn ngoan nhất, có lợi nhất, giữ cho con mình còn có cha thì mình làm. Giữ cho các con có mái ấm đủ cha đủ mẹ đó là nghệ thuật của người phụ nữ.
Có lẽ trong cuộc sống, ảnh hưởng từ gia đình và tôn giáo đối với tôi rất lớn. Mỗi khi có chuyện, tôi thường tới gặp các cha, các sơ và nhận được những lời khuyên rất nhẹ nhàng, êm ái. Cái tính của tôi cũng không sôi nổi, tôi cứ từ từ làm nên cũng thu được kết quả tốt.
Vốn là người nhanh nhạy trong kinh doanh, buôn bán sạp ngoài chợ, nay trở thành người phụ nữ đứng sau chồng con, bà có thấy đó là sự ràng buộc, mất tự do không?
Bà Phạm Thị Nụ: Với tôi mà nói, đó là niềm tự hào. Sống mà không vì ai hết thì mình sống mình vô dụng quá, mình thấy lợi dụng người khác quá. Cho nên mình có cuộc sống thì phải vun đắp. Như là mình trồng cái cây, không ra hoa không ra trái thì không thể khoe ai được hết.
Tôi sống cũng như mọi người, cũng có 24 tiếng nhưng mà tôi phải làm cái gì để khoe người khác. Tôi cho người khác nhìn thấy là tôi đã làm những việc như thế và tôi rất tự hào. Tôi tự hào không phải vì mình giỏi hay là tự hào về bản thân. Tôi tự hào về cuộc sống, về những người xung quanh. Đặc biệt nhất là chồng tôi và các con tôi, cũng như là những người trong công ty tôi.
Tôi rất là tự hào về họ.
Sau 40 năm chung sống, ông nhận xét về bà như thế nào?
Ông Trần Quí Thanh: Bà là người vợ tôi rất tự hào. Phải nói tôi đã khôn ngoan, chọn lựa người phù hợp. Tất nhiên, người phụ nữ có tình cảm của phụ nữ, có cái mềm yếu của phụ nữ. Mình phải tham gia vào việc kèm cặp.
Khi lập gia đình tôi không có ý tưởng sẽ cưới vợ đẹp đâu, không xấu là được rồi. Bởi người ta vẫn nói vợ đẹp là vợ người ta, nhiều cám dỗ, cạm bẫy. Cái đẹp cũng bền vững đâu có mấy chục năm thôi. Cho nên đẹp là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ.
Tôi vẫn thường nói với bà xã, tuổi trẻ ta phải sống cho tình yêu và phải vun đắp cái nghĩa. Để về già, cái nghĩa sẽ giữ chúng ta lại với nhau. Những kỷ niệm sẽ cột chặt để ta có bền vững dài lâu.
Bà thấy ông là người như thế nào, trước và sau khi cưới?
Bà Phạm Thị Nụ: Khi chúng tôi lấy nhau, tôi nghĩ rằng ông ham chơi. Ông bay bướm quá. Không biết ông có biết lo nghĩ không. Nên tôi bày ra đủ thứ cho ông làm để giữ chồng. Bởi ông khoái làm nhưng không biết làm gì, bắt đầu từ đâu. Ông hay nói là tôi bày ra rồi ông đi dọn dẹp. Mà tôi thấy cuộc đời tôi đến giờ này đúng là ông đi dọn dẹp, còn tôi không có làm.
Ông Trần Quí Thanh: Đấy làm bận rộn quá còn bay bướm gì được nữa (cười).
Trở ngại lớn nhất trong mối quan hệ của hai ông bà là gì?
Ông Trần Quí Thanh: Đàn ông và phụ nữ là hai thế giới rất khác biệt nhưng lại bổ sung cho nhau. Người phụ nữ lúc nào cũng dịu dàng, sống về tình cảm, tế nhị và sâu sắc. Đàn ông thì bản lĩnh, sống về lí trí nhiều hơn. Cho nên bao giờ cũng có những cái khác biệt.
Tuy nhiên, với sự lí trí không thì quá khô khan. Còn tình cảm không thì thiếu sáng suốt. Sự bổ sung giữa hai phái là âm dương thượng đế đã sắp đặt. Tôi cho rằng nó sẽ tạo được sự hoàn hảo.
Còn điều khiến bà cảm động nhất là gì, thưa bà Nụ?
Bà Phạm Thị Nụ: Có lẽ là chung sức, chứ làm đường cực lắm. Mua nguyên liệu mà không tốt thì không có lời. Thời điểm đó, tôi không làm đường không mà gia công cho nhà nước. Do cái tài hoạt bát của nhà tôi, tôi lãnh được rất nhiều hợp đồng gia công. Khi gia công phải đi xôm đường.
Một chàng trai không biết gì về nghề, lại rất tự hào về bản thân mà phải đi xôm đường. Quần áo toàn đường, người ngợm tóc tai đầy đường mà ông ấy không nề hà. Chính sự chịu khó đó làm tôi rất thương. Cũng từ đó, tôi với nhà tôi cố gắng làm để khắc phục, vượt qua khó khăn mà tồn tại như ngày hôm nay.
Có tật xấu nào ở ông mà bà cảm thấy không hài lòng?
Bà Phạm Thị Nụ: … (quay sang nhìn ông Thanh cười)
Ông Trần Quí Thanh: Má không nhớ thì nói là không bao giờ có tật xấu.
Bà Phạm Thị Nụ: Hổng dám đâu.
Vậy có điều gì ở đàn ông mà phụ nữ nên hiểu và thông cảm không?
Bà Phạm Thị Nụ: Đàn ông họ rất là dễ dụ. Bởi vì họ ham chơi. Ông nào cũng ham chơi hết. Ham chơi rồi lại ham tìm tòi rồi thích khám phá nữa. Cho nên khi đã cưới họ về rồi, người phụ nữ phải nhớ rằng muốn làm gì cũng phải từ từ. Để cho họ chơi đi đã, khi nào thấy rằng chơi nhiều rồi đó thì mình cho họ dừng. Chứ còn không cho họ chơi, họ ấm ức.
Đối với đàn ông, người phụ nữ phải lựa thời điểm, phải khôn ngoan cẩn thận để cho họ dừng đúng lúc. Chứ không phải lấy cái quyền làm vợ rồi dắt con ra đi hay bù lu bù loa là người ta dừng. Đâu có chuyện đó đâu. Mà chắc chắn cái kiểu đó dễ mất chồng lắm vì xúi cho họ đi luôn. Họ đi rồi khó tìm lắm. Cho nên là giữ chân họ bằng cách lạt mềm buộc chặt.
Bà nói vậy ông thấy có hợp lý không?
Ông Trần Quí Thanh: Tôi thấy đàn ông mà không thích gì hết thì rõ ràng họ sẽ không ham làm. Cho nên kiếm rể cũng phải kiếm cái thằng ham chơi. Ham chơi xong sẽ phải biết làm ra tiền để chơi. Bởi vì không biết làm ra tiền thì chỉ có chết thôi. Còn đứa không muốn gì hết trơn thì nó đâu có làm.
Thêm vào đó, khi người đàn ông có một số tình cảm bên ngoài; bấy giờ, người phụ nữ có sự cạnh tranh rồi đó. Khi có sự cạnh tranh, lẽ ra phải nâng cao lợi ích để giành người chồng lại thì họ phồng má trợn mắt, làm người chồng của mình sợ. Còn đối thủ lại càng ngày càng trải thảm.
Chính người vợ đang làm tăng nguy cơ đẩy người chồng qua bên đối thủ. Bấy giờ, người phụ nữ phải về trang điểm lại, nhẹ nhàng rồi tế nhị nhưng sâu sắc để mà cạnh tranh. Thì trong đây Nụ là số 1 rồi. Bởi vậy tôi bị mê mệt. Lạt mềm mà buộc chặt là vì vậy.
Theo Trí Thức Trẻ