Tròn một năm THACO và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược. Nói chính xác là doanh nghiệp của Chủ tịch Trần Bá Dương rót vốn hỗ trợ bầu Đức giải quyết khó khăn về dòng tiền, để tiếp tục kế hoạch đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp, chủ yếu là cây ăn trái.

Nông trường trồng cây ăn trái của Công ty nông nghiệp HAGL

Nông trường trồng cây ăn trái của Công ty nông nghiệp HAGL.

Thaco đã giữ đúng "nguyện ước"

Theo ông Đoàn Nguyên Đức, đến nay, Thaco đã đầu tư tổng số tiền 22.194 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD) như kế hoạch hợp tác đã công bố.

Cụ thể, Thaco mua 35% cổ phần của Công ty Cổ phần Quốc tế Nông nghiệp Hoàng Anh Gia lai (HAGL Agrico) với số tiền 3.949 tỷ, đồng thời cho công ty nông nghiệp của bầu Đức vay 2.464 tỷ đồng.

Kế tiếp, Công ty Nông nghiệp Đông dương Thadi do Thaco thành lập mua cổ phần 3 công ty con đang sở hữu 23.100 ha đất của HAGL Agrico với số tiền 7.626 tỷ, đồng thời đã nhận nợ vay 2.500 tỷ và sẽ nhận nợ 3.500 tỷ.

Công ty con của Thaco trong lĩnh vực địa ốc là Đại Quang Minh chi 8.155 tỷ đồng để góp vốn 65% theo thỏa thuận và sẽ ứng mua tiếp 35%, đồng thời sẽ ứng vốn trả nợ đến hạn và chi phí đầu tư cho giai đoạn 2 khu phức hợp của HAGL tại Myanmar.

Với sự giúp đỡ trên nhiều phương diện gồm tài chính, sản xuất, trồng trọt, logistics, phân phối và quản trị từ Thaco, bầu Đức đặt ra nhiều kỳ vọng mới với tầm nhìn đưa HAGL Agrico thành công ty đại chúng có quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

"Năm 2019, chúng tôi sẽ xuất khẩu khoảng 300.000 tấn trái cây, đạt doanh thu khoảng 200 triệu USD. Năm 2020 dự kiến sản lượng xuất khẩu trái cây trên 400.000 tấn, đạt doanh thu khoảng 500 triệu USD và hướng đến 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2021", bầu Đức nói.

Về sản xuất, HAGL Agrico sẽ dồn lực để tập trung mở rộng diện tích trồng cây ăn trái tăng từ 18.675 ha lên 30.000 ha. Doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn và chuyên biệt theo nhóm cây trồng tại Đông Dương, đặt trọng tâm vào việc ứng dụng công nghệ mới để hoàn thiện kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản trái cây, cải thiện năng suất và tăng tỷ lệ trái cây loại 1 lên mức cao nhất.

Ngoài mảng nông nghiệp, doanh nghiệp đang tập trung thi công, hoàn thiện dự án và sẽ khánh thành sân bay Nọng Khang nhân ngày quốc khánh Lào (2/12). Bầu Đức tiết lộ cùng các dự án đầu tư trước đó, Chính phủ Lào nợ HAGL Agrico khoảng 2.000 tỷ đồng.

Về tài chính, HAGL Agrico đến giữa năm 2020 sẽ cân đối được thu chi. Trong đó có các khoản trả nợ tới hạn của ngân hàng và từng bước trả nợ dần các khoản Thaco đang cho vay và nhận nợ thay.

Về quản trị, HAGL sẽ tiếp tục áp dụng các phần mềm quản lý để tiến đến nền tảng công nghệ quản trị cho toàn chuổi giá trị sản xuất để đảm bảo các nguồn lực được sử dụng hiệu quả cao và khoa học giúp giảm đáng kể hao hụt, lãng phí tài nguyên doanh nghiệp.

Cần thêm nhiều tiền để cho ra quả ngọt

Về "cuộc hôn nhân" giữa Thaco và HAGL, đến người trong cuộc tái khẳng định rằng cú bắt tay này là một thương vụ hợp tác lớn nhất và nhận nhiều hoài nghi nhất từ trước đến nay trên sàn chứng khoán Việt Nam đối với 2 doanh nghiệp trong nước.

Thậm chí, tới thời điểm hiên tại số tiền đầu tư vào HAGL cũng như công ty nông nghiệp không còn là 1 tỷ USD nữa, vì không đủ để tiếp tục, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch THACO khẳng định.

Chủ tịch Thaco kể lại từng có người nói với ông "không cứu nổi HAGL" và coi chừng khi tham gia cùng HAGL, khó khăn của công ty bầu Đức sẽ khiến Thaco cũng gặp khó.

Nhớ lại, thời điểm quyết định đầu tư vào HAGL, doanh nghiệp theo ông Dương thực sự vướng phải một "cục u" quá lớn, giả sử một ông không biết gì chỉ rành về tài chính cũng không sao làm được hoặc ai đó đưa tiền nhưng không làm cùng thì một mình bầu Đức cũng không làm xuể.

Dự án Myanmar thì vấn đề là tiền đâu là xây dựng giai đoạn 2, trong bối cảnh chịu sức ép bị thu hồi nếu không đúng tiến độ; với ngân hàng bầu Đức được ví von "mất quyền công dân" vì lúc này nhà băng chỉ canh công ty có tiền là thu; thực tế hàng ngàn tỷ dự kiến làm nông nghiệp cũng bị phong tỏa ngay bởi các khoản nợ đến hạn.

"Cái nghiệt ngã của nông nghiệp là cần bỏ phân ngay bởi nếu không làm cái cây sẽ chết ngay vào hôm sau. Chưa kể, lực lượng lao động nếu không trả lương đúng hạn cũng sẽ nghỉ ngay, vì bản chất họ đi làm thuê chứ không phải công nhân đi làm nhà máy".

Kết quả, dư luận dấy lên nghi vấn liệu THACO lỡ cứu HAGL thì có chết chìm theo luôn không?. Sau 1 năm, người đứng đầu THACO không phủ nhận thời điểm mới rót vốn chịu rất nhiều rủi ro, tuy nhiện hiện rủi ro chết người đã qua; và trả lời THACO có chết chìm hay không thì phải cân đối nhiều yếu tố.

Trong đó, những rủi ro nguy hiểm phải kể đến như (i) khả năng cứu nửa vời, (ii) suốt 1 năm không có sự chuyển biến, không có hướng ra sẽ bị ngân hàng "chặt luôn 2 thằng", vì THAO cũng phải vay, (iii) cuối cùng là khả năng trồng mới, khả năng tổ chức sản xuất… đã qua rồi.

Và rủi ro thời gian tới, theo ông Dương không còn là rủi ro chết người, mà là thách thức bản thân lãnh đạo phải làm đàng hoàng, lo cho nhân viên chỗ ăn chỗ ở, đào tạo thành công nhân trong nông nghiệp thực thụ.

“Bức tranh tài chính” các DN của bầu Đức ra sao?

Theo BCTC hợp nhất quý 2/2019 của HAGL, tổng vay nợ (ngắn và dài hạn) của DN này là 17.628 tỷ đồng, giảm 4.126 tỷ so với đầu kỳ, riêng nợ vay dài hạn giảm đáng kể từ 14.804 tỷ về 11.240 tỷ đồng.

Tương tự, HAGL Agrico cũng ghi nhận tổng nợ vay 12.218 tỷ đồng, giảm 3.212 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay dài hạn giảm từ 9.551 tỷ xuống còn 5.124 tỷ đồng, ngược lại áp lực nợ đến hạn lại tăng khi vay ngắn tăng 1.216 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, áp lực mất cân đối tài chính vẫn còn đè nặng lên các DN của bầu Đức khi hệ số nợ trên vốn vẫn còn tương đối cao, gấp gần 2 lần vốn chủ sở hữu.

Đặc biệt, tính đến ngày 30/6, HAGL có tổng cộng các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn đọng là 8.527 tỷ đồng. Trong đó, kiểm toán viên không thể thu thập đầy đủ bằng chứng để xác định khả năng thu hồi của HAGL với số dư nợ tồn đọng 2.549 tỷ đồng. Nhóm nợ tồn đọng có số dư lớn nói trên hiện được bảo lãnh bởi tài sản riêng của Bầu Đức và tài sản của một số công ty cùng cá nhân liên quan khác.

Doanh thu thuần của HAGL sau 6 tháng đầu năm là 923 tỷ đồng, song mức lỗ sau thuế bị điều chỉnh tăng từ 691 tỷ lên 706 tỷ. Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán lại đưa ra nhiều ý kiến ngoại trừ với hoạt động của HAGL. Cụ thể, kiểm toán cho biết, nếu trích lập dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định 20, HAGL của bầu Đức sẽ phải hạch toán khoản lỗ ròng 6 tháng đầu năm tăng thêm 491 tỷ đồng.

“Nếu HAGL ước tính và ghi nhận chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn của Nghị định 20 cho kỳ kế toán bán niên 2019, chỉ tiêu thu nhập khác sẽ giảm 335 tỷ trong khi chỉ tiêu chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tăng 155 tỷ. Khi đó, lỗ trước thuế của HAGL sẽ tăng thêm 335 tỷ, còn lỗ sau thuế tăng thêm 491 tỷ”, đơn vị kiểm toán đánh giá.

Cũng rơi vào trường hợp tương tự bởi Nghị định 20, sau soát xét, doanh thu HNG đạt 781 tỷ đồng, tăng 2 tỷ so với báo cáo tự lập nhưng giá vốn tăng 16 tỷ lên 549,6 tỷ. Do đó, công ty tăng lỗ thêm 14 tỷ đồng lên 751,6 tỷ. Đồng thời, kiểm toán cũng đưa kết luận ngoại trừ rằng nếu công ty thực hiện việc ước tính và ghi nhận chi phí thuế TNDN thì chỉ tiêu thu nhập khác sẽ giảm 192,4 tỷ và chi phí thuế TNDN hiện hành sẽ tăng 59,8 tỷ đồng. Theo đó, lỗ trước thuế và sau thuế sẽ tăng tương ứng 192,4 tỷ và 252,2 tỷ đồng.

Hiện, HAGL đang trao đổi và kiến nghị với Kiểm toán Nhà nước, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ xem xét điều chỉnh hay thay đổi Nghị định này cho phù hợp nhưng vẫn chưa có kết quả.