Ông Vũ Hữu Lợi-đại gia bí ẩn người Tuyên Quang, được biết đến là một trong những doanh nhân chơi xe "khét" tiếng ở Việt Nam với dàn siêu xe và xe sang lên đến 80 tỷ đồng và nhiều món đồ hàng hiệu độc.
Đại gia Vũ Hữu Lợi quê ở xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Thông tin về ông rất ít được tiết lộ, chỉ được dư luận nhắc đến là một đại gia sở hữu nhiều siêu xe hàng hiệu đắt tiền. Tuy nhiên, thực hư về độ giàu có của đại gia phố núi này vẫn rất bí ẩn, vì theo dư luận tất cả tài sản như nhà cửa, xe cộ của ông đều là trên ảnh.
Đại gia Vũ Hữu Lợi đang lái Bentley Flying Spur Speed. Chiếc xe có giá đăng kí sau thuế ở Việt Nam lên đến 12 tỷ đồng.
Giữa năm 2011, vị đại gia Tuyên Quang này mua chiếc Lamborghini Mucielago LP640, loại mui trần đời 2010. Siêu xe Lamborghini mui trần đình đám có giá mua khoảng 1 triệu đô la mang biển NG.
Năm 2007, đại gia Vũ Hữu Lợi trở về quê hương Tuyên Quang với chiếc Mercedes đầu tiên với giá 5 tỷ đồng, khiến người dân phố núi nơi anh sinh sống không khỏi “sửng sốt”, thích thú.
Siêu xe Bentley thuộc dòng bentley Flying spur speed có giá đăng kí sau thuế ở Việt Nam lên đến 12 tỷ đồng.
Đại gia Tuyên Quang tiếp tục bổ sung thêm bộ sưu tập siêu xe của mình bằng chiếc Audi Q7 hạng sang.
Không chỉ được nhắc đến là đại gia sở hữu bộ sưu tập siêu xe, xe hạng sang, Vũ Hữu Lợi còn được nhắc đến là đại gia sở hữu nhiều món đồ hàng hiệu độc, đắt như dàn loa đài có giá 21 tỷ đồng, chiếc kính mang nhãn hiệu Bentley có giá 4 tỷ đồng và mua được nhà, biệt thự khắp cả nước với số tiền hàng trăm tỷ.
Mới đây, đại gia Vũ Hữu Lợi còn được nhắc đến khi là một trong những người sáng lập Công ty cổ phần Modern Tech-công ty bị tố cáo chiếm đoạt lừa đảo "hơn 15 nghìn tỷ đồng" từ tiền ảo.
Cụ thể: Theo lời tố cáo từ người dân, Công ty Modern Tech được sáng lập bởi 7 người mang quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, đi bất cứ đâu họ đều giới thiệu tập đoàn Ifan đến từ Singapore, Pincoin đến từ Ấn Độ với 2 mục đích là tạo uy tín với các nhà đầu tư và qua mặt cơ quan chức năng.
Mấy tháng qua, Công ty Modern Tech đã tổ chức nhiều sự kiện tại Hà Nội và TP. HCM để huy động vốn, kêu gọi nhà đầu tư mua tiền ảo Ifan kèm theo lời cam kết sẽ chia sẻ lợi nhuận 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Nếu lôi kéo thêm nhà đầu tư mới, sẽ được hưởng thêm 8% số tiền từ người mới tham gia.
Mặc dù, hứa hẹn chi trả phần trăm nhưng sau khi thu được số tiền lớn Ifan tuyên bố quy đổi hình thức trả thưởng bằng cách quy đổi qua các đồng tiền số. Ifan quy định giá công bố 5USD trên một đồng tiền số. Tuy nhiên giá thực tế của đồng tiền số này trên thị trường chỉ là 0,01 USD/một đồng.
Bằng kịch bản trên, Ifan dỗ hơn 32 nghìn nạn nhân khác cùng tham gia và huy động được hơn 15 nghìn tỷ đồng tiền vốn. Điều đáng nói, tất cả các chủ đầu tư sau đó không hề được nhận bất cứ lợi nhuận thực tế nào. Hàng ngàn người vì đó lâm vào cảnh tán gia bại sản khi đầu tư hàng tỷ đồng vào Ifan.
Ngày 8/4 vừa qua, hàng trăm người đã kéo trụ sở Công ty cổ phần Modern Tech mang theo băng rôn, khẩu ngữ và hình ảnh nhằm tố cáo bị công ty chiếm đoạt lừa đảo "hơn 15 nghìn tỷ đồng" từ tiền ảo.
Theo nguồn tin từ Zing.vn, Công ty cổ phần Modern Tech, được cấp giấy phép kinh doanh từ ngày 30/10/2017. Công ty có trụ sở chính tại tòa nhà Vietcomreal, số 68 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM.
Đăng ký kinh doanh chính của công ty là thiết kế chuyên dụng, cụ thể là website. Bên cạnh đó, Modern Tech còn đăng ký 10 ngành nghề khác bao gồm lập trình máy tính, xuất bản phần mềm, sửa chữa máy tính và thiết bị ngoại vi, đại lý, môi giới đấu giá và các dịch vụ khác.
Modern Tech có vốn điều lệ là 100 tỷ đồng. Các cổ đông của công ty đều là người Việt Nam bao gồm ông Vũ Hữu Lợi (15%), ông Hồ Xuân Văn (13%) và một nhóm cổ đông gồm 6 người, mỗi người nắm giữ 12%.
Đặc biệt, một trong những cổ đông lớn của Modern Tech là ông Lương Huỳnh Quốc Huy (nắm 12% cổ phần) vốn là thành viên của Công ty đa cấp Unicity và có giấy chứng nhận bán hàng đa cấp.
Nếu xét theo cơ cấu cổ đông, Modern Tech là một công ty hoàn toàn thuần Việt, không hề ghi nhận bất kỳ sự sở hữu nước ngoài nào. Điều này khá mâu thuẫn với những lời quảng cáo “có cánh” của công ty với nhà đầu tư, rằng họ là đại diện hợp pháp của hai đồng iFan và Pincoin tại Việt Nam, được ủy quyền bởi công ty nước ngoài tại Singapore và Ấn Độ.
Hải Đăng/NĐT (Tổng hợp)