Giàu có, sống trong căn biệt thự đồ sộ ở Hải Phòng những năm 1930 của thế kỷ trước nhưng doanh nhân Nguyễn Sơn Hà và gia đình có lối sống giản dị, tiết kiệm đến mức khó tin.
Gặp chúng tôi vào giữa tháng 10, họa sĩ Nguyễn Thị Sơn Trúc (SN 1944) không khỏi xúc động khi nhắc đến cha mình - cụ Nguyễn Sơn Hà (1894 - 1980), vị doanh nhân tiếng tăm đầu thế kỷ 20.
Họa sĩ Sơn Trúc tiết lộ, một trong những yếu tố làm nên thành công của doanh nhân Nguyễn Sơn Hà chính là chữ tín.
Doanh nhân lừng lẫy từ chối chức Bộ trưởng
Lần giở từng trang ký ức, họa sĩ Sơn Trúc chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ như in những câu chuyện cha kể về thời gian ông làm thuê cho hãng sơn của người Pháp.
Thấy họ đối xử bất công với người Việt, cha tự nhủ: “Tôi phải quyết tâm làm chủ, để có đủ quyền lực làm mọi việc nhưng tôi sẽ chia sẻ với mọi người”.
Khi người Pháp muốn tăng lương cho cha tôi từ 30 đồng lên 100 đồng Đông Dương, cụ vẫn dứt áo ra đi với mong muốn xây nghiệp lớn của mình".
Việc đầu tiên cụ Sơn Hà nghĩ đến khi khởi nghiệp là học ngoại ngữ. Cụ cho rằng muốn nghiên cứu, chế tạo thứ sơn tốt hơn sơn của chủ cũ phải đọc sách tiếng Pháp.
Ban ngày ông cùng những người bạn nhận quét vôi, sơn nhà. Buổi tối ông nhờ người Pháp dạy tiếng. Do chăm chỉ, một thời gian sau, vốn tiếng Pháp của ông khá thành thạo.
Những quyển sách khoa học, vật lý và hóa chất của nước ngoài cũng đều được ông nghiền ngẫm, tìm tòi. Cuối cùng, loại sơn do chính người Việt ra đời đã gây ra tiếng vang thời bấy giờ.
Bên cạnh đó, cụ Sơn Hà luôn đề cao triết lý kinh doanh: “Làm ăn phải có lãi nhưng không phải bằng cách đánh lừa, treo đầu dê, bán thịt chó”.
Nhờ đó triết lý đó, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà thành công. Mỗi khi có người phàn nàn về chất lượng sơn, vị doanh nhân này thường tự đến tìm hiểu nguyên nhân rồi về khắc phục.
Một lần, đại lý sơn ở miền Nam phản ánh về lô hàng sơn lâu khô, kém chất lượng. Cụ lập tức vào, lấy mẫu hàng kiểm nghiệm và phát hiện do người thợ làm sai kỹ thuật, nấu mẻ dầu còn non, chưa đạt chuẩn đã mang pha chế.
Thấy vậy, cụ Sơn Hà cho người đi đến các đại lý xin lỗi và thương lượng thu hồi lô hàng trên. Sau lần đó, các đơn đặt hàng đến với xưởng sơn của cụ ngày một nhiều.
Lần khác, 1 viên công sứ ở Quảng Ninh phàn nàn rằng ông ta dùng sơn của Sơn Hà nhưng cửa gỗ sơn 7 ngày chưa khô. Cụ Sơn Hà đích thân lái xe sang tìm hiểu.
Tại đây, cụ phát hiện, viên công sứ làm cửa bằng gỗ dầu, loại này khi sơn lâu khô hơn gỗ thường.
Để chứng minh nhận định của mình đúng, cụ đã lấy hai loại gỗ đó sơn ngay trước mặt viên công sứ. Sau một ngày, sơn trên loại gỗ thường đã khô còn sơn trên gỗ dầu vẫn còn ướt. Từ lần đó, viên quan người Pháp này tỏ ra rất khâm phục trí tuệ và tính cách của doanh nhân người Việt.
Cùng với việc xây dựng thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng, doanh nhân Sơn Hà rất chú trọng đến đời sống người lao động. Cụ từng nói với các con: "Người ta có cuộc sống tử tế, đầy đủ mới tận tâm làm cho mình".
“Cụ hứa với nhân viên làm tốt sẽ có thưởng. Nói là làm, ngay sau đó, cha tôi trích quỹ ra mua 41 căn hộ, rộng 120m2/căn đặt tên là ngõ Sơn Lâm.
Trước cách mạng đã có 4 gia đình ở ngoài đó. Ngoài ra, ông còn dựng 4 căn nhà ở gần nhà máy để thợ đỡ mất thời gian đi về, tăng điều kiện nghỉ ngơi. Vì vậy cha tôi luôn được người lao động rất kính trọng”, nữ họa sĩ kể tiếp.
Khi Pháp tấn công Hải Phòng, cả gia đình cụ sơ tán lên chiến khu Đông Triều (Quảng Ninh) rồi lại di chuyển lên chiến khu Việt Bắc. Ở Việt Bắc, cụ tổ chức sản xuất giấy than, mực in, vải che mưa, lương khô và thuốc ho - những sản phẩm rất hữu ích đối với Việt Minh trong hoàn cảnh lúc đó.
Sau kháng chiến chống Pháp, cụ Sơn Hà trở về Hà Nội và tiếp tục trúng cử vào Quốc hội khóa II, III, IV, V.
“Mãi sau này cha tôi mới cho các con biết, ông từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị giữ chức Bộ trưởng Bộ kinh tế sau Cách mạng tháng Tám nhưng ông đã khiêm nhường từ chối.
Ông cho rằng mình học ít, tài sơ, nên không dám nhận chức vụ quá to lớn ngoài sức mình... ", bà Sơn Trúc kể lại.
Cuộc sống khó tin trong căn biệt thự lớn
Kinh doanh phát đạt, sở hữu hàng loạt bất động sản, xe hơi nhưng ít ai biết doanh nhân Nguyễn Sơn có lối sống vô cùng giản dị.
Xuất phát điểm từ hai bàn tay trắng, vất vả mới làm nên cơ nghiệp vì vậy dù bận rộn với công việc sản xuất, kinh doanh song cụ Sơn Hà vẫn không quên dành thời gian chăm lo, giáo dục các con.
Doanh nhân này rèn cho các con lối sống tự lập, lao động từ bé. Với con gái, cụ mua bông và khung cửi yêu cầu con học quay xa, kéo sợi, dệt vải và trồng dâu nuôi tằm.
Khi đi học, các con của doanh nhân này chỉ mặc 2 màu đen và trắng, con gái không được đeo nữ trang. Cụ nói: “Con nhà càng giàu càng phải giản dị”.
Nghỉ hè, vợ chồng doanh nhân Nguyễn Sơn Hà thường đưa con về quê sống với họ hàng, học cấy lúa, làm ruộng… Trong mắt các con, cụ Sơn Hà là người tình cảm, hết mực thương yêu con nhưng nóng nảy và nghiêm khắc.
“Cha tôi tiết kiệm, không thích xa hoa, hưởng thụ, cụ luôn dạy con phải biết quý trọng đồng tiền. Mỗi khi họp gia đình, chị em vẫn hay nhắc chuyện chị tôi bị cha trách phạt vì phung phí.
Chị tôi vốn không thích ăn cơm nếp. Một lần cả nhà ăn sáng bằng cơm nếp, chị lén bỏ đồ ăn vào thùng nước gạo. Cha biết được, đã nổi giận.
Cụ nói: “Hạt gạo là hạt ngọc, người nông dân phải một nắng hai sương mới làm ra. Mình không biết quý trọng, bỏ đi như vậy là lãng phí”.
Cụ Sơn Hà còn chăm lo đến sự phát triển toàn diện và sức khỏe của các con. Hàng ngày vào sáng sớm, cụ gọi các con dậy tập thể dục.
“Do đó anh chị em tôi sau này ai cũng khỏe mạnh, chịu đựng được nhiều gian khó của cuộc sống, nhất là khi theo cha từ bỏ hết vinh hoa phú quý lên khu kháng chiến sống cuộc đời kham khổ.
Cha tôi rất lạc quan, không bao giờ kêu ca, phàn nàn về những khó khăn vật chất.
Cụ vẫn giữ vững tinh thần đó cho đến tận những ngày cuối đời...”, bà Sơn Trúc nhớ lại.
(Còn nữa)
Theo Vietnamnet