Macnguyen, một con người thích thử thách, ham mê trò chơi đánh cược liên quan đến rủi ro từ khi còn nhỏ, tuy nhiên nhìn ở một góc độ khác, ông lại là một nhà quản lý quỹ theo kiểu chắc chắn và mang phong cách cổ điển. Với ông, việc tối ưu hóa lợi nhuận cùng rủi ro thấp nhất giống như mang đá lặn dưới đáy biển, Macnguyen sẽ đi khoảng 27.5 m trước khi phải ngoi lên và sau đó quay lại để tiếp tục một vòng lặn mới.
Macnguyen bày tỏ: “Những người thành công thực sự ở bất kỳ lĩnh vực nào sẽ thức dậy mỗi sáng và đều tự hỏi “làm sao để làm việc này tốt hơn?”.
Curtis Macnguyen – Chân dung một nhà quản lý quỹ theo phong cách truyền thống.
|
“Bạn phải giỏi hơn các đối thủ của mình”
Macnguyen (46 tuổi), là nhà quản lý quỹ đầu tư theo phong cách truyền thống, cổ điển đúng như những gì bạn hình dung: vô cùng chăm chỉ, không đi đường tắt, tiến từng bước vững chắc dưới áp lực nặng nề và luôn đặt tiêu chí là người đứng đầu mọi việc trong cuộc sống.
Sinh ra tại vịnh Cam Ranh – Khánh Hòa vào năm 1968, gia đình ông chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống sau đó. Đến năm 1975, gia đình Macnguyen chuyển đến Philippine, rồi một trại quân sự ở Arkansas, cuối cùng đặt chân đến Hyde Park - New York.
Macnguyen rất thích những trò đặt cược. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã bắt đầu chơi các trò cá cược trong game Trivial Pursuit và Pictionary với anh trai mình.
Macnguyen sở hữu một sân tennis tại sân sau nhà ở khu Brentwood, ngoại thành Los Angeles, tại đây cũng đã diễn ra các trận đấu giữa ông và các đấu thủ chuyên nghiệp bản xứ. Chỉ số điểm chấp của Macnguyen trong golf là 6 và ông chưa bao giờ chơi mà không có chút tiền cược, dù nhỏ cũng có thể tăng sức chiến đấu của ông trong cuộc chơi.
Một năm sau khi ra trường, Macnguyen làm việc tại Ngân hàng Morgan Stanley ở New York rồi ổn định công việc tại Ngân hàng đầu tư Gleacher & Co do Eric Gleacher sáng lập.
Nhờ sự kiện huyền thoại đầu tư Julian Robertson thuê Eric Gleacher bán cổ phần của ông trong Tiger Management, công ty do chính ông sáng lập mà Macnguyen biết đến hoạt động của các quỹ đầu tư. Cũng từ đó, Macnguyen nhận thấy sự sinh lợi của quỹ đầu tư “hedge fund”. Khi đó, ông và những đồng nghiệp đã kêu gọi Eric Gleacher tạo một quỹ đầu tư như thế trong ngân hàng nhưng không được đồng ý. Vì vậy, Macnguyen chuyển sang “đầu quân” cho Siegler Collery vào năm 1993.
Đến tháng 11/1998, Macnguyen quyết định thành lập quỹ đầu tư Ivory Investment Management với giá trị 3.5 triệu USD. Tính đến cuối năm 2014, quỹ đầu tư này đã mang lại lợi nhuận 346% tương đương 9.7%/năm, gấp đôi lợi nhuận 139% của chỉ số S&P 500.
Với chiến lược cân bằng lệnh mua bán trên thị trường, chỉ có bình quân 1/5 số tiền của nhà đầu tư trong quỹ đầu tư này có khả năng bị lỗ. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức 100% có khả năng lỗ theo lý thuyết trong chỉ số S&P 500. Khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong những năm trước, quỹ đầu tư của Macnguyen có lãi không nhiều hoặc thua lỗ cũng rất ít. Nhưng khi thị trường tăng điểm thì giá trị danh mục đầu tư thường tăng mạnh hơn.
Trong năm 1999 - năm đầu tiên vận hành, Ivory Investment Management mang về lợi nhuận 28%, trong khi S&P 500 đạt 21%. Quỹ đầu tư Macnguyen trở nên nổi trội kể từ năm 2000 khi mang về 17% lợi nhuận trong khi S&P 500 giảm 9%.
Đặc biệt vào năm 2008, trong khi thị trường suy giảm 37% thì giá trị của quỹ này chỉ giảm có 7.6%. Khi thị trường tăng trở lại vào năm 2009 thì Macnguyen đã có sự chuẩn bị đầy đủ.
Các nhà đầu tư liên tục yêu cầu ông tạo ra một quỹ đầu tư mới mạo hiểm hơn. Từ đó quỹ đầu tư Ivory Optimal Fund ra đời và đến nay đã trở thành quỹ đầu tư mạnh nhất của Macnguyen. Năm đầu tiên, quỹ đầu tư này đã tăng 28%, hơn 2% so với S&P 500.
Tuy nhiên, đến năm 2010 và 2011, chỉ có một vài quyết định của Macnguyen mang lại hiệu quả. Ông đầu tư một cách chắc chắn vào cổ phiếu của Amazon, cược rằng khoản thu nhập này sẽ mang lại một sự trở mình và hy vọng sự đầu tư mạnh của Amazon sẽ mang lại tăng trưởng cho tổng thu nhập. Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) “bơm” tiền tràn ngập thị trường thông qua các gói nới lỏng định lượng (QE), khiến giá của hầu hết các cổ phiếu đều tăng mạnh, tuy nhiên một số cổ phiếu trong danh mục của Macnguyen đã đi ngược lại thị trường. Ví dụ như ngoài cổ phiếu Amazon tăng mạnh, thì cổ phiếu của Hospira lại giảm, đây như một đòn giáng mạnh vào Macnguyen.
Macnguyen bày tỏ: “Tôi chưa bao giờ đá một con chó hay đóng sập một cái máy tính, cũng chưa từng hét vào mặt ai vì thất bại. Tôi chỉ cảm thấy nản lòng và bực bội vì luôn phải giải thích với các nhà đầu tư rằng hoàn cảnh hiện tại không lý tưởng cho chiến lược của chúng tôi. Tôi luôn có cảm giác như chúng ta đang ở trong một thế giới kinh doanh không lý do. Giống như những môn thể thao cạnh tranh chuyên nghiệp, dù điều kiện có khó khăn đến thế nào thì cũng không thể để nó tác động đến bạn bởi vì bạn phải giỏi hơn các đối thủ của mình.”
Bên cạnh đó, một điểm khiến Macnguyen chưa thể hài lòng là việc ông không tạo được nhiều tỷ lệ sinh lời Alpha (Alpha là mức lợi nhuận không phụ thuộc vào sự lên xuống của thị trường) trong suốt 2 năm qua. Song, Macnguyen không có bất kỳ “ảo tưởng về kỹ năng” nào. Ông đồng ý rằng hầu hết các giám đốc quản lý quỹ sẽ gặp thất bại, nhưng ông không có ý định nằm trong số đó.
Cách chọn cổ phiếu của Macnguyen
Những khó khăn đã không làm Macnguyen gục ngã. Và những phương pháp đầu tư thông minh của ông trên thị trường chứng khoán cuối cùng đã đem lại hiệu quả.
Trong tình hình có nhiều quỹ đầu tư như hiện nay thì một trong những sai lầm các nhà đầu tư dễ mắc phải là mua cổ phiếu mà hầu hết thuộc sở hữu của một tổ chức đầu tư tài chính. Những cổ phiếu loại này thường đắt đỏ và có nhiều người mua, nhưng cũng sẽ dễ bị các quỹ đầu tư từ bỏ một cách bất ngờ. Ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra năm 2008, các quỹ đầu tư đã đổ tiền vào cổ phiếu ngành năng lượng và hàng hóa chính. Khi những tổ chức tài chính này buộc phải bán tài sản nhằm hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư đang hoảng sợ bởi tình hình thị trường, giá cổ phiếu những ngành trên đã giảm mạnh.
Từ đó, Macnguyen đã sàng lọc một hệ thống để hạn chế những nhà đầu tư không có chiến lược dài hạn rót tiền vào quỹ của ông. Ông tìm kiếm các loại cổ phiếu đang trượt giá khoảng dưới 50% của hai năm kể từ mức đỉnh và không thấp hơn 20% so với những đáy gần thời điểm hiện tại nhất. Tập hợp những cổ phiếu này sẽ tiếp tục được sàng lọc. Sau khi tìm được một cổ phiếu phù hợp, Macnguyen và nhóm phân tích của ông nghiên cứu sâu vào công ty đó, tìm hiểu, đến thăm và rà soát thu nhập của doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư.
Công ty Boston Scientific là một ví dụ. Cổ phiếu của công ty này nằm trong danh sách đầu tư của Macnguyen năm 2012 sau khi giảm giá từ 14 USD xuống 6 USD vào năm 2008. Khi cổ phiếu này giảm giá, Ivory Investment Management đã phân tích và nhận ra doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn từ năm 2006, nguyên nhân là Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấm doanh nghiệp bán những sản phẩm mới của mình trừ khi giải quyết xong những rắc rối trong sản xuất. FDA dỡ bỏ lệnh cấm này năm 2010 nhưng công ty vẫn thua lỗ. Họ đã phải thay giám đốc điều hành năm 2011. Vào năm 2012, Ivory bắt đầu mua cổ phiếu của Boston. Đến năm 2013, doanh thu của công ty này dần được ổn định lại và cổ phiếu tăng giá từ 6 USD lên 12 USD. Đóng cửa phiên 9/4/2014, giá cổ phiếu đã ở mức 18.10 USD.
Một trường hợp nữa vào năm 2012, Macnguyen đã mua cổ phiếu của công ty sản xuất chip nhớ, Micron Technology với giá 6 USD. Và đến 09/04/2012, kết thúc phiên giao dịch, giá cố phiếu này đạt 27.82 USD và Ivory sở hữu 2 triệu cổ phiếu. Ông chỉ ra rằng doanh nhân Einhorn đi sau ông khi mua 23 triệu cổ phần của Micron vào năm 2013 với giá gần 14.5 USD.
Macnguyen bày tỏ, ông cảm thấy tốt hơn với những việc đã làm trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Không phải cảm giác thỏa mãn, chỉ là tốt hơn.
Lợi nhuận cổ phiếu của Ivory Optimal năm 2013 là 28.3%, gần với mức lợi nhuận bình quân 32.4% trên sàn S&P 500. Tuy nhiên, mức lợi nhuận thuần trên thị trường (tổng giá trị lệnh mua trừ tổng giá trị lệnh bán) của cổ phiếu Ivory Optimal chỉ là 24.3%. Năm 2014, lợi nhuận của Optinal tăng 11.4%, chỉ thấp hơn 2 điểm phần trăm so với mức bình quân của thị trường. Lợi nhuận ròng của Quỹ đạt 33%.
Tối ưu hóa lợi nhuận cùng với rủi ro thấp nhất là một việc không hề dễ dàng. Điều này giống như việc mang đá lặn dưới đáy biển. Macnguyen chỉ có thể đi khoảng 27.5 m trước khi phải ngoi lên. Sau đó, ông sẽ quay lại và tiếp tục một vòng lặn mới. Điều này có thể minh họa phần nào cho công việc đầu tư tài chính hiện nay của ông./