"Tôi khuyên tất cả các bạn đầu tiên phải giải bài toán đói nghèo cho chính mình đã, phải mua được cái ô tô cho mình. Bài toán của mình mình còn không giải được nữa, lại đi lo bài toán thế giới", cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam khuyên các bạn trẻ.
Trong khuôn khổ tọa đàm "Nguồn nhân lực công nghệ và thương mại hóa sản phẩm công nghệ", ông Nguyễn Thành Nam - Chủ tịch HĐQT FUNiX, cựu CEO FPT - cho rằng startup là phải giải quyết được một bài toán, một vấn đề của xã hội. Nhưng vấn đề của các startup hiện nay thường là không đặt ra được một bài toán đúng.
"Các vấn đề các bạn gặp phải, thật ra là tự các bạn nghĩ ra là chính. Chứ các bạn bỏ rất ít thời gian để quan sát xem thực tế liệu có vấn đề hay không. Những vấn đề các bạn biết là do các bạn đọc báo chứ không quan sát. Chúng ta không biết làm toán, không đặt ra được bài toán đúng thì không thể giải toán, hoặc lời giải rất rối rắm", ông Nam nói.
Bản thân ông và FPT cũng bỏ nhiều công sức đi tư vấn cho các bạn trẻ - những công việc vì hệ sinh thái startup nước nhà mà chẳng ai đo đếm, nhưng lại gặp vấn đề là các bạn startup không biết vấn đề của các bạn là gì.
Làm thế nào đặt bài toán đúng?
Cựu CEO FPT cho rằng, một bài toán bao giờ cũng bắt đầu bằng chính vấn đề của bản thân mình, bắt đầu bằng "ta", tức là "ta muốn", "ta" phải có khao khát, mong muốn được đi giải một bài toán, bài toán gì cũng được, thậm chí là bài toán đói nghèo của bản thân.
Chúng ta không biết làm toán, không đặt ra được bài toán đúng thì không thể giải toán, hoặc lời giải rất rối rắm
"Bài toán đói nghèo của bản thân là một bài toán rất dễ giải. Tôi khuyên tất cả các bạn đầu tiên phải giải bài toán đói nghèo cho chính mình đã, phải mua được cái ô tô cho mình. Bài toán của mình mình còn không giải được nữa, lại đi lo bài toán thế giới".
"Rất nhiều bạn không dám nói ra bài toán nhỏ bé, nghĩ nó tầm thường. Tôi thì thấy nó vĩ đại, chẳng tầm thường. Sinh viên đặt mục tiêu như thế quá vĩ đại. Chúng tôi ngày xưa làm gì có mục tiêu như thế. Hèn lắm!", Chủ tịch HĐQT FUNiX hài hước.
Ông Nam cho rằng các bạn trẻ nên đặt mục tiêu rõ ràng, mạch lạc, và ít nhất là phải giải được bài toán của chính mình đã. Ông Nam cũng cho rằng trong hội đồng đánh giá startup, khi đánh giá, rất mong muốn hỏi các bạn trẻ 1 câu: "Cụ thể là em trình bày xong thì em muốn gì cho em, trước khi em muốn thay đổi thế giới".
"Nếu các bạn không trả lời được thì tôi nghĩ nên đánh rớt. Mất thời gian lắm! Bởi các bạn vẫn chưa tìm ra được mình", ông Nam thẳng thắn.
2 năm ngồi ghế giám khảo chương trình Nhà sáng chế, ông Nam cho biết ông rất ngạc nhiên khi thấy những người không được học hành nhiều đã tìm ra lời giải rất sáng tạo cho vấn đề của chính họ.
Trái ngược với lời khuyên nên giải bài toán của bản thân, ông Trương Quốc Hùng - TGĐ VinBrain - 25 năm là kỹ sư và lãnh đạo chiến lược sáng tạo sản phẩm của Microsoft cho rằng: "Tương lai thì mình không thể biết được, vì thế hôm nay phải có những giấc mơ to lớn". VinBrain chính là một ví dụ, khi hôm nay có thể giải một bài toán tại Việt Nam với tinh thần y đức là hàng đầu, nhưng ngày mai lời giải ấy có thể áp dụng để giải bài toán thế giới.
Trước câu hỏi của điều phối viên tọa đàm Trương Lý Hoàng Phi - TGĐ VinTech City - về vấn đề startup nên giải bài toán nhỏ trước mắt như ông Nam khuyên nhủ, hay giải bài toán lớn như TGĐ VinBrain để có thể đi xa, ông Hùng cho rằng "Không có bài toán nào là hay hay dở, mà vấn đề là chúng ta đặt quyết tâm giải quyết thế nào".
"Ngày hôm nay, đặt bài toán làm cho thế giới tốt hơn chút xíu thôi cũng là hay rồi. Nếu đặt bài toán nhỏ, cũng phải đảm bảo 3 tiêu chí rất quan trọng: đặt bài toán với Mục đích rõ ràng, Thực hiện có được không, và Làm sao đo lường được sự thành công đó".
"Bài toán lớn hay nhỏ, lúc nào cũng phải có cách đo lường, quyết tâm, nghị lực và tầm nhìn trong thực hiện", TGĐ VinBrain nhắn nhủ.
Trí Thức Trẻ
Trí Thức Trẻ