Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Đã làm sếp thì nên... tử tế: Sếp cầm tua vít đi sửa máy hỏng, mang rác đi đổ, thậm chí xin lỗi nhân viên khi bị trễ deadline

06/06/2019 18:11

Làm sếp, tức là phải làm tất cả mọi việc và trách nhiệm với tất cả những gì họ đang phải quản lý và vận hành.


Làm sếp, tức là phải làm tất cả mọi việc và trách nhiệm với tất cả những gì họ đang phải quản lý và vận hành.

Nhiều người vẫn tưởng làm sếp là dễ, chỉ đơn thuần là "chỉ tay 5 ngón", giao toàn bộ công việc cho nhân viên là xong. Nhưng không, làm nhân viên phải cố gắng 5 thì làm sếp phải cố gắng những 10, những 15 lần nhân viên.

Muốn vận hành cả một team hiệu quả, trước hết, sếp phải là người có trách nhiệm và không ngại bất cứ việc gì. Sếp nên là một tấm gương mẫu mực để cả team nhìn vào đó, làm theo và ra sức nỗ lực. Tác giả Linh Phan có những chia sẻ về việc làm sếp. Theo chị, đã làm sếp thì hãy nên làm sếp tử tế!

"Mình đã trải qua nhiều đời sếp khác nhau, và cũng đã là sếp. Số mình may nên toàn gặp được sếp tốt, không chỉ giỏi chuyên môn mà còn không bao giờ tạo ra khoảng cách về cấp bậc, ở Việt Nam và cả ở đây đều như thế.

Về cơ bản, mình nghĩ sếp hay nhân viên thực chất cũng chỉ là đồng nghiệp. Cùng nhau làm việc, rồi hưởng lương hay quyền lợi dựa trên khả năng và trách nhiệm của mỗi người. Sếp của mình ở đây phải làm đủ việc, vừa như một nhân viên vừa là người ra quyết định và điều hành mọi thứ. Sếp cũng là người cầm tua vít đi sửa khi máy móc hỏng, cũng là người mang rác đi đổ vào cuối ngày, là người có thể làm thay được tất cả các vị trí khi có người trong team nghỉ, là người dọn dẹp kho, là người thỉnh thoảng nấu đồ ăn mang tới, ngồi cùng bàn, là người làm giấy tờ tính bảng lương, soạn hợp đồng, training nội bộ. Tức là: làm tất. Làm sếp, tức là phải làm tất cả mọi việc và trách nhiệm với tất cả những gì họ đang phải quản lý và vận hành. Sếp cũng là người từng xin lỗi nhân viên khi nhân viên bị trễ deadline, bảo rằng Tao xin lỗi vì tao planning không tốt nên đã làm mày bị "over due date". 

Đã làm sếp thì nên... tử tế: Sếp cầm tua vít đi sửa máy hỏng, mang rác đi đổ, thậm chí xin lỗi nhân viên khi bị trễ deadline - Ảnh 1.

Khi còn ở Việt Nam, sếp cũ của mình cách đây 5-6 năm cũng là một người như vậy, một người dù không phải làm việc cho công ty nước ngoài hay ở nước ngoài nhưng lúc nào cũng công tâm và bình đẳng với nhân viên. Sếp và mình vẫn còn chơi được với nhau kể cả khi mình đã nghỉ, và mình cũng chưa từng có cảm giác sợ hãi hay phải khép nép khúm núm khi đang làm việc cùng chị. 

Nhắc tới sếp, mình nhớ tới một người sếp khác của mình, đồng thời cũng đang là một nhà thiết kế. Có lẽ vì có hơn 20 năm sống ở Thụy Sĩ nên chị có nhiều quan điểm đồng điệu với mình. Trong công việc, nếu có thể làm gì, chị đều làm hết không phân định đây là việc của sếp hay đây là việc nhân viên phải làm. Chị động viên mỗi khi mình hoàn thành công việc. Chị tán thưởng nếu thành quả công việc mang lại kết quả tốt. Chị kết nối để mình có thêm nhiều cơ hội làm việc và mối quan hệ khác. Chị cởi mở chia sẻ về công việc, dự định và cả những mệt mỏi trong cuộc sống hàng ngày. Chị thường nói: "Em giúp chị làm cái này... cái kia... được không?" chứ không bao giờ nói "Em phải làm việc này... việc khác" hoặc chị sẽ hỏi mình "Em có thể hoàn thành được chứ?". 

Dự án với công ty Canada mà mình hỗ trợ họp team vào đầu tháng. Mọi người nói chuyện với nhau không có khoảng cách về tuổi tác hay cấp bậc, cuộc họp ngắn thường chỉ kéo dài 1 tiếng và 1 tháng 1 lần, không nhiều hơn. Sếp của mình cũng là người sẵn sàng làm mọi việc từ việc nhỏ nhất và chi li tới những quyết định lớn lao quan trọng để điều hành cả bộ máy con người lẫn công việc kinh doanh. 

Đã làm sếp thì nên... tử tế: Sếp cầm tua vít đi sửa máy hỏng, mang rác đi đổ, thậm chí xin lỗi nhân viên khi bị trễ deadline - Ảnh 2.

Mình cũng là người bao lần làm việc thay cho nhân viên của mình, phụ cả những việc lặt vặt chả có tên dù đó có thể là trách nhiệm của các bạn ấy. Đơn giản vì mình nghĩ là làm được cái gì thì làm, hỗ trợ gì thì hỗ trợ, nhân viên hay sếp hay quản lý cũng đều chỉ là những con người đang làm việc cùng với nhau, miễn sao công việc chạy được là được vì đó là trách nhiệm chung. 

Hôm nay, bạn nhân viên nhắn cho mình: "Em kể về các anh chị sếp cho bạn em mà chúng nó không tin". Các bạn có thể đang nghĩ là sếp tây với sếp ta thì khác nhau. Thực ra, sếp tây hay sếp ta không quan trọng, quan trọng là ở bản chất con người và ở môi trường mà chúng ta đang làm việc. Ngày xưa làm truyền thông và văn hóa nội bộ mãi, lý thuyết nói rằng văn hóa một công ty hay một nhóm làm việc là do người lãnh đạo mà ra. Điều này đúng. Cũng giống như mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, sếp cũng giống như "cha mẹ" ở khía cạnh họ sẽ trở thành hình mẫu cho "con cái" là nhân viên học tập. 

Thế nên, muốn có một team tử tế, có lẽ sếp phải là người tử tế trước đã.

Cái tử tế ở đây bao gồm cả về mindset lẫn chuyên môn nghề nghiệp."


Linh Phan

Theo Trí Thức Trẻ