Đà Nẵng đô thị hóa nhanh chưa từng có: Tràn ngập những khu đô thị không bản sắc!

03/11/2018 15:16

Đà Nẵng đang chứng kiến một quá trình đô thị hóa chưa từng có về quy mô và tốc độ khiến cấu trúc đô thị có khả năng bị biến dạng; Những khu đô thị mới không bản sắc tương tự giống nhau tràn ngập khắp vùng…

Đà Nẵng đang chứng kiến một quá trình đô thị hóa chưa từng có về quy mô và tốc độ khiến cấu trúc đô thị có khả năng bị biến dạng; Những khu đô thị mới không bản sắc tương tự giống nhau tràn ngập khắp vùng…

Đây là lo ngại được đại biểu Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng) chia sẻ khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Đà Nẵng cũng như nhiều đô thị ở Việt Nam đang chứng kiến một quá trình đô thị hóa chưa từng có về quy mô và tốc độ. Sự thay đổi nhanh chóng dẫn tới cấu trúc đô thị có khả năng bị biến dạng và vượt quá sức chịu tải. Những khu đô thị mới không bản sắc tương tự giống nhau tràn ngập khắp vùng. Đất nông nghiệp, ao, hồ, sông, suối, các vùng phụ cận bị chiếm dụng một cách thiếu kiểm soát. Đường xá tắc nghẽn vì lượng xe tư nhân tăng nhanh, cung cấp điện nước sạch không theo kịp nhu cầu. Những vấn đề về cấp thoát nước đô thị, xử lý nước thải, chất thải rắn về môi trường ngày càng gia tăng.

Đà Nẵng tràn ngập các đô thị không bản sắc - ảnh minh họa

Để giải bài toán tổng thể này, theo ông Nguyễn Bá Sơn, quy hoạch đô thị cần được tổ chức nhằm hoạch định các khu vực để đảm bảo phát triển cân bằng và bền vững. Do vậy, nhu cầu cấp thiết là pháp lý quy hoạch đô thị cần phải xác lập ổn định, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho các phương pháp quy hoạch đô thị đương đại tiên tiến trên thế giới, tiếp cận một cách khoa học để định hướng phát triển đô thị.

“Tôi kiến nghị Quốc hội và Chính phủ giữ nguyên quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh đối với thành phố Đà Nẵng là quy hoạch đô thị trong Luật Xây dựng hiện hành để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống”, đại biểu thành phố Đà Nẵng nói.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, đoàn Đà Nẵng

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) băn khoăn đặt câu hỏi: “Đối với quy hoạch đô thị là thành phố trực thuộc Trung ương khi lập quy hoạch thành phố hay quy hoạch đô thị thì được lập theo loại quy hoạch nào hay lập cả 3 loại quy hoạch: quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng tỉnh và quy hoạch thành phố đô thị. Nếu lập cả 3 quy hoạch thì sẽ bị trùng lặp”.

Do vậy, đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và tách việc lập quy hoạch đô thị là thành phố trực thuộc Trung ương với đô thị là thành phố, thị xã, thị trấn thuộc tỉnh, huyện.

Về vấn đề điểu chỉnh quy hoạch, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, nếu điều chỉnh cục bộ chỉ quy định chung chung sẽ dẫn tới việc tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, phá vỡ sự đồng bộ và tính ổn định của các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp quốc gia, gây áp lực lớn đến cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Tuy nhiên, đại biểu tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, thực tế hiện nay còn có nhiều dự án dù đã được đưa vào quy hoạch nhưng chủ đầu tư không đáp ứng được năng lực chuyên môn, cũng như khả năng hỗ trợ tài chính dẫn đến việc dự án bị chậm tiến độ. Vì thế, nếu chỉ căn cứ trên các tiêu chí để điều chỉnh quy hoạch như Điều 53 Luật Quy hoạch, Điều 47 Luật Quy hoạch đô thị hay Điều 35 Luật Xây dựng thì có thể sẽ mất thời gian nhiều năm để một dự án chậm tiến độ bị xem xét rút khỏi quy hoạch.

“Vì vậy, tôi kiến nghị trong dự án luật nên có cơ chế rút gọn nhưng không tùy tiện, để đảm bảo điều chỉnh quy hoạch kịp thời nếu nhà đầu tư không đáp ứng được nhu cầu” - đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nêu ý kiến.

Về không gian và các loại hình, các cấp quy hoạch, đại biểu Thịnh đề nghị cần có sự điều chỉnh về các tiêu chí thời gian, thẩm quyền cũng như không gian áp dụng đối với những quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất để đảm bảo một quy hoạch được xem xét tổng thể, tránh chồng chéo và tránh bị vênh nhau do thời gian và không gian lập khác nhau.

Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) thì cho biết, hiện nay năng lực đội ngũ cán bộ công chức công tác thẩm định quản lý cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh còn yếu và thiếu, trong khi đó nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc lập và quản lý quy hoạch, xây dựng quy hoạch đô thị chưa đúng mức, thiếu tầm nhìn.

“Vấn đề này dẫn đến chất lượng quy hoạch thấp, không sát với thực tế. Vì vậy, đề nghị phân cấp cho ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện thẩm định và phê duyệt cho phù hợp” - đại biểu tỉnh Khánh Hòa góp ý.

Xuân Hưng

Theo VnMedia