Đại gia ‘điếu cày’ Lê Thanh Thản: Để phát triển doanh nghiệp phải dựa vào năng lực ý chí

31/12/2018 12:30

Đó là khẳng định của ông Lê Thanh Thản trong cuộc trao đổi với PV Nhadautu.vn về sự nghiệp kinh doanh của mình trong lĩnh vực bất động sản và đặc biệt là nhà ở giá rẻ mà doanh nghiệp của đại gia này đang theo đuổi.

Đại gia điếu cày Lê Thanh Thản
Đại gia điếu cày Lê Thanh Thản)

Ông rẽ sang làm kinh doanh khi đang là cán bộ Nhà nước. Đây là một cơ duyên và ông nắm bắt cơ duyên, cơ hội đó hay đây là ước mơ, dự định được nuôi dưỡng từ thuở nhỏ?

Ông Lê Thanh Thản: Những ngày đầu làm kinh tế, với vai trò Phó chánh văn phòng Huyện ủy, tôi lập ra đội sản xuất, quy tụ những người lao động khỏe mạnh để đảm nhận việc xây dựng các công trình cho địa phương. Bất kỳ cơ hội nào, công việc gì có thể kiếm ra tiền tôi đều làm. Từ việc đúc gạch ngói, buôn bán nông lâm sản cho đến việc nhận thầu xây dựng, làm đường...

Những năm đó, nhờ có sẵn mối quan hệ với tỉnh bạn của Lào, tôi đã sang bên đó làm mấy năm, đến 1998 mới về nước. Những dự án làm ở Lào chủ yếu là làm con đường từ cửa khẩu biên giới Lào-Việt đến tỉnh lỵ Phongsaly và xây dựng Trụ sở Chính quyền tỉnh Phongsaly. Các bạn Lào rất chân tình và ưu ái với Việt Nam, nên khi có dự án họ tạo điều kiện để doanh nghiệp của tôi làm.

Năm 1998, tôi quay về Điện Biên làm túc tắc và đến năm 1999 thì bắt đầu xuống Hà Nội và nghiên cứu thị trường bất động sản. Tôi gặp anh Nguyễn Hiệp – Tổng Giám đốc Tổng công ty HUD, ông ấy bảo có 1 dự án ở Định Công, tôi có muốn tham gia thì làm. Thế là tôi bắt tay vào làm và đã thành công. Sau đó, dự án hoàn chỉnh đầu tiên mà tôi thực hiện ở Hà Nội phải kể đến là Khu đô thị Xa La.

Xa La lúc đó thuộc Hà Tây, các anh lãnh đạo Hà Tây lúc đó “trải thảm” mời gọi đầu tư, kêu gọi các công ty tư nhân vào thực hiện dự án. Nhưng không phải ai cũng thành công. Làm Khu đô thị Xa La xong, tôi còn làm con đường vào khu đô thị với trị giá 30 tỷ đồng và đến nay, gần 20 năm rồi tôi vẫn chưa được thanh toán tiền đầu tư vào con đường này.

Nếu nói về cơ duyên trong kinh doanh thì cũng không hoàn toàn đúng, vì để xây dựng được một doanh nghiệp vững mạnh và bền vừng phải cần có rất nhiều yếu tố khác, trong đó niềm đam mê cộng thêm chút may mắn và sự quyết tâm cao độ mới mang lại thành công cho doanh nghiệp của mình.

Tại sao ông lại lựa chọn bất động sản làm lĩnh vực để phát triển sự nghiệp? Ông thấy bất động sản có tiềm năng ra sao, trước đây, hiện tại và sau này?

Ông Lê Thanh Thản: Tôi khởi nghiệp từ công việc xây dựng các công trình, đây là nền tảng để giúp doanh nghiệp phát triển theo hướng đi như bây giờ, khi đầu tư kinh doanh bất động sản tôi không nghĩ là vì tiềm năng hay lợi nhuận cao, đơn giản là công việc phù hợp với tình hình thực tế lúc đó của doanh nghiệp.

Làm kinh doanh nếu cứ nghĩ đó là lĩnh vực tiềm năng rồi mới buộc mình phải theo đuổi thì chưa chắc đã thành công. Kinh doanh cũng có nguyên tắc, ngành nào cũng có thời kỳ của nó, bất động sản nhiều thời điểm cũng rất khó khăn, ngành khác lại trỗi dậy, hoặc ngược lại thời điểm này có thể thế này còn thời điểm khác lại như thế khác, nói chung không thể nói trước.

Tôi quan niệm cái nhất quán trong kinh doanh phát triển doanh nghiệp là ý chí và tự tin vào năng lực của bản thân để giúp doanh nghiệp vượt qua những thời điểm khó khăn và thách thức.

Ông Lê Thanh Thản chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh
Ông Lê Thanh Thản chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh)

Con đường nào để Mường Thanh đi đến thành công như ngày hôm nay thưa ông? Chắc chắn sẽ có rất nhiều chông gai, ông đã chèo lái để đưa tập đoàn vượt qua những khó khăn đó như thế nào?

Ông Lê Thanh Thản: Không có cái gì là dễ dàng và bằng phẳng nên mọi con đường đều chông gai và khó khăn, điều quan trọng là sự quyết tâm, ý chí cũng như làm thế nào để các cán bộ nhân viên đồng lòng giúp sức cùng chèo lái con thuyền về đích mà không bị lệch hướng.

Đây cũng là chiến lược của người đứng đầu một tổ chức trong hoạt động và định hướng doanh nghiệp, Mường Thanh cũng không ngoại lệ để xây dựng được một hệ thống như hiện nay, không phải là điều dễ dàng. Cái quan trọng nhất là ý lực của con người, tôi đã có những năm tháng khó khăn để có được một hệ thống mà doanh nghiệp đang vận hành như hiện tại.

Trải qua bấy nhiêu năm gây dựng, phát triển tập đoàn từ 2 bàn tay trắng, đến bây giờ chắc là ông rất tự hào? Có điều gì ông áy náy hay day dứt mà chưa làm được hay làm chưa đúng không? Cho đến bây giờ, điều mà ông cho là quý giá nhất sau bao nhiêu năm lăn lộn thương trường là gì?

Ông Lê Thanh Thản: Mỗi ngày đều trải qua cuộc sống giống nhau, niềm vui duy nhất đến từ việc lập nghiệp và phát triển kinh tế gia đình và bản thân, trong quá khứ tôi đã lao động một cách nghiêm túc, bằng chính sức lực, trí tuệ và không ngừng học hỏi tìm tòi để gây dựng sự nghiệp.

Nếu nói có tự hào về những gì mình đã làm được hay không, thì tôi nghĩ rằng hiện nay phần nào đó đã làm được nhiều việc có ý nghĩa đối với xã hội, với cuộc sống của cá nhân và gia đình.

Trong quá trình xây dựng tập đoàn Mường Thanh tôi luôn giành một phần công sức để đầu tư phát triển kinh tế cho quê hương nơi tôi sinh ra (huyện Diễn Châu – Nghệ An - PV?). Đây có thể nói là một trong những việc làm giá trị nhất, việc góp phần xây dựng quê hương, giúp người dân ở vùng quê tiếp cận với kinh tế, xã hội và sự tiến bộ, phát triển của nền kinh tế đất nước cũng như trên thế giới, tôi cho đó là việc làm ý nghĩa.

Khu đô thị Thanh Hà đang trở thành tâm điểm của thị trường nhà ở giá rẻ sau khi gói vay 30.000 tỷ kết thúc
Khu đô thị Thanh Hà đang trở thành tâm điểm của thị trường nhà ở giá rẻ sau khi gói vay 30.000 tỷ kết thúc)

Có bao nhiêu phân khúc, nhưng ông lại lựa chọn nhà giá rẻ, một phân khúc mà đa số doanh nghiệp không mặn mà vì lợi nhuận không đáng kể? Ông có thể chia sẻ về lựa chọn này? Làm sao để vừa phục vụ được xã hội, vừa đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp?

Ông Lê Thanh Thản: Là doanh nghiệp tôi chọn hướng đi riêng của mình. Năm 1999 tôi xuống Hà Nội nghiên cứu thị trường để mở rộng hoạt động kinh doanh, tôi thấy những cán bộ, công chức và người dân nếu muốn sở hữu được một căn hộ so với mức thu nhập của mình thì rất khó khăn.

Từ đó tôi muốn làm nhà ở giá rẻ để phần nào đó giúp người dân có được nơi ở với giá hợp lý, việc lựa chọn phân khúc nhà ở giá rẻ cũng là điều dễ hiểu. Chúng tôi chọn những việc “không ai muốn làm để làm”, điều quan trọng là doanh nghiệp được hoạt động vì cộng đồng, kinh doanh thế nào thì vẫn phải gắn với vai trò của xã hội, một doanh nghiệp muốn phát triển được thì giá trị của nó trong xã hội phải được gắn chặt với người dân.

Việc chọn phân khúc nhà ở giá rẻ cũng đã giúp chúng tôi thâm nhập thị trường bất động sản một cách hài hòa và được khách hàng đón nhận. Điều này thể hiện ở các dự án mà Tập đoàn đã triển khai như khu đô thị, Định Công,  Xa La, Đại Thanh, Kim Văn Kim Lũ, HH Linh Đàm và bây giờ là Thanh Hà.

Nguyên tắc của ông khi làm phân khúc này nói riêng và nguyên tắc trong kinh doanh bất động sản của ông là gì?

Ông Lê Thanh Thản: Như đã nói ở trên, chúng tôi chọn việc kinh doanh phải gắn được với cộng đồng và được xã hội đón nhân một cách thân tình. Có nghĩa là mỗi sản phẩm mà chúng tôi đưa ra thị trường đều được đón nhận tích cực.

Chính vì thế kể cả thời điểm thị trường bất động sản không sôi động thì các dự án nhà ở do chúng tôi tạo ra cũng được quan tâm đặc biệt, và như đã thấy độ lấp đầy ở các dự án nhà ở của Mường Thanh trong thời gian qua luôn được đảm bảo.

Với tôi dù thị trường có thế nào đi nữa thì vẫn kiên định với định hướng ban đầu. Vì thế, Mường Thanh không đầu tư vào các dự án có phân khúc khác để cân bằng lợi nhuận.

Xin cảm ơn ông!

Phan Chính
Theo Nhà đầu tư