Hơn 30 năm trước, từ một anh cán bộ nhà nước, ông Lê Thanh Thản rẽ ngang sang làm kinh doanh với hai bàn tay trắng, cái gì cũng thiếu tiền thiếu, cơ chế thiếu, kinh nghiệm thiếu. Ngày nay ông nổi tiếng với biệt danh “đại gia điếu cày”. Nhưng những ngày này, ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh lại thấy nản lòng, mất niềm tin.
ại gia điếu cày” Lê Thanh Thản hẹn gặp chúng tôi tại văn phòng của ông tại Khu đô thị Thanh Hà vừa mới được Tập đoàn Mường Thanh nhận “chuyển nhượng lại” từ Cienco 5 hơn một năm về trước với giá 1.500 tỷ đồng. Thời điểm đó, nơi đây gần như vẫn là bãi đất trống. Vậy nhưng hôm nay, khi đến đây, chúng tôi đã nhìn thấy hàng chục tòa nhà cao 18 tầng. Dưới tầng 1 của những toà cao ốc này đã xuất hiện những quán ăn, của hàng dịch vụ thiết yếu bán quần áo, giày dép, đồ dùng học tập... Người ra vào dập dìu. Trẻ con đạp xe tung tăng dưới sân. Cây cối đã bắt đầu ươm tán. Đã có sân tập golf. Xa xa, một ngôi trường liên cấp rộng 3 héc ta đã thi công xong phần thô và đang khẩn trương ngày đêm hoàn thiện. Phía bên kia đường, một ngôi chùa cũng đã xây xong… Cuộc sống đang dần thành hình trên một khu đất mới năm ngoái còn là cỏ mọc um tùm ở phía Tây thành phố.
“Đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản cho biết hiện đã có 20 toà nhà được xây xong, và nhiều hạng mục khác như hồ điều hoà, đường xá, trường học, khu vui chơi, khu thể thao... đang trong giai đoạn hoàn tất. Hiện khu đô thị này đã có gần 4.000 hộ đến ở và tất cả các căn hộ của 20 toà nhà được bán gần hết trong vòng 3 tháng. Đối tượng mua nhà toàn là những cặp vợ chồng trẻ mới cưới, công nhân, người thu nhập thấp...
Vậy nhưng trong mắt ông Thản phảng phất nét suy tư. Thời gian qua, câu chuyện nóng nhất của Tập đoàn Mường Thanh có lẽ chính là những phát ngôn của một số lãnh đạo về việc sẽ khởi tố, điều tra sai phạm về sử dụng đất, thuế, xây dựng... của tập đoàn này. Khi chúng tôi hỏi thực chất câu chuyện này là gì, “Đại gia điếu cày” trả lời “Tôi cũng nghe như vậy, cụ thể cơ quan chức năng đang làm, kết quả thế nào thì tôi không rõ”.
Ông Thản bộc bạch: Quá trình hoạt động, doanh nghiệp cũng có một số thiếu sót vi phạm, vừa qua chúng tôi đã và đang khắc phục những vấn đề tồn tại sau thanh tra, kiểm tra. Riêng về kinh tế, cho đến sát ngày 27 Tết năm ngoái, thực hiện các kết luận thanh tra, Tập đoàn Mường Thanh đã nộp hơn 1.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, tiền phạt vi phạm (kể cả tiền sử dụng đất đối với các diện tích xây vượt tầng).
“Đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản cho biết thêm, các vấn đề liên quan đến phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở các toà nhà của Mường Thanh cũng là điều làm chúng tôi trăn trở. Luật PCCC mới có hiệu lực từ năm 2013, với rất nhiều điểm mới so với các quy định trước kia: từ cầu thang bộ, buồng thang máy biệt lập, các thiết bị tự động…
Hiện Tập đoàn Mường Thanh có 50 toà nhà thì 20 toà nhà xây dựng trước khi Luật PCCC mới có hiệu lưc. Giờ dân đến ở rồi, nên sửa rất khó nhưng chúng tôi quyết tâm khắc phục. Hiện đang khẩn trương khắc phục và 8 Toà nhà đã được nghiệm thu đảm bảo các điều kiện về PCCC. Tôi cũng yêu cầu các toà nhà xây dựng sau này dứt khoát không được có thiếu sót, sai phạm về PCCC.
Nếu cơ quan chức năng quyết định khởi tố thì ông nghĩ thế nào?
Vấn đề của Tập đoàn Mường Thanh và cá nhân tôi chỉ có vậy thôi. Tôi chỉ làm kinh doanh thuần túy, không cố ý vi phạm, quá trình sản xuất kinh doanh chưa được “ưu ái” gì.
Thực tế, làm doanh nghiệp nói chung và kinh doanh bất động sản nói riêng có nhiều nỗi khổ. Không biết doanh nghiệp khác thế nào, riêng Tập đoàn Mường Thanh có thời kỳ mỗi tháng tiếp khoảng 40 đoàn thanh tra, kiểm tra. Mỗi đoàn có những yêu cầu khác nhau và đều căn cứ trên cơ sơ luật pháp quy định, chúng tôi đã chấp hành, thực hiện đầy đủ. Quyết định thế nào là quyền của các cơ quan chức năng. Tôi chỉ biết lấy số phận an ủi thôi. Tôi là người sống thật, không thể giả dối được. Tính cách người Nghệ thế. Nhưng có lẽ điều này cũng gây nhiều phiền toái, thiệt thòi cho tôi.
Trở lại câu chuyện 30 năm trước. Vì sao ông lại rẽ ngang sang làm kinh doanh?
Kinh doanh như là cái nghiệp bất đắc dĩ của tôi vậy. Khi đang là cán bộ đoàn xã và tổng đội trưởng thanh niên xung phong ở Diễn Châu (Nghệ An), tôi được tổ chức cử đi học trường Đảng Trần Phú và nằm trong phương án chuẩn bị nhân sự của địa phương. Tuy nhiên, năm 1978 tôi được điều lên Lai Châu nhằm tăng cường cán bộ cho địa phương miền núi khó khăn, địa bàn phức tạp.
Đến năm 1984, khi Đảng có chủ trương cho đảng viên làm kinh tế, tôi đã rẽ ngang sang con đường kinh doanh và bắt đầu khởi nghiệp tại miền đất mà nhiều doanh nhân nghĩ là "không có nhiều triển vọng" này. Đây cũng là lý do tôi đặt tên là Tập đoàn Mường Thanh.
Ông đã bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình như thế nào?
Những ngày đầu làm kinh tế, với vai trò Phó chánh văn phòng Huyện ủy, tôi lập ra đội sản xuất, quy tụ những người lao động khỏe mạnh để đảm nhận việc xây dựng các công trình cho địa phương. Bất kỳ cơ hội nào, công việc gì có thể kiếm ra tiền tôi đều làm. Từ việc đúc gạch ngói, buôn bán nông lâm sản cho đến việc nhận thầu xây dựng, làm đường...
Những năm đó, nhờ có sẵn mối quan hệ với tỉnh bạn của Lào, tôi đã sang bên đó làm mấy năm, đến 1998 mới về nước. Những dự án làm ở Lào chủ yếu là làm con đường từ cửa khẩu biên giới Lào-Việt đến tỉnh lỵ Phongsaly và xây dựng Trụ sở Chính quyền tỉnh Phongsaly. Các bạn Lào rất chân tình và ưu ái với Việt Nam, nên khi có dự án họ tạo điều kiện để doanh nghiệp của tôi làm.
Năm 1998, tôi quay về Điện Biên làm túc tắc và đến năm 1999 thì bắt đầu xuống Hà Nội và nghiên cứu thị trường bất động sản. Tôi gặp anh Nguyễn Hiệp – Tổng Giám đốcTổng công ty HUD, ông ấy bảo có 1 dự án ở Định Công, tôi có muốn tham gia thì làm. Thế là tôi bắt tay vào làm và đã thành công. Sau đó, dự án hoàn chỉnh đầu tiên mà tôi thực hiện ở Hà Nội phải kể đến là Khu đô thị Xa La.
Xa La lúc đó thuộc Hà Tây, các anh lãnh đạo Hà Tây lúc đó “trải thảm” mời gọi đầu tư, kêu gọi các công ty tư nhân vào thực hiện dự án. Nhưng không phải ai cũng thành công. Làm Khu đô thị Xa La xong, tôi còn làm con đường vào khu đô thị với trị giá 30 tỷ đồng và đến nay, gần 20 năm rồi tôi vẫn chưa được thanh toán tiền đầu tư vào con đường này.
Khi ông rẽ ngang sang làm kinh doanh bà xã có ủng hộ không?
Cũng không thích tôi làm kinh doanh, chỉ muốn làm cán bộ cho oai. Giờ bà xã về hưu nhưng cũng không quan tâm và không tham gia vào hoạt động của Tập đoàn.
Thời điểm bắt đầu kinh doanh, khó khăn lớn nhất của ông là gì?
Thiếu tiền và thiếu cả cơ chế. Khi đó còn khó khăn hơn bây giờ. Làm một công trình muốn có được xi măng thì khó vô cùng, muốn có sắt thép thì qua Sở kế hoạch và phải có “lệnh”. Không như bây giờ, không phải lo thiếu nguồn cung vật tư thiết bị.
Với quy mô tập đoàn ngày càng lớn,mô hình quản lý của Tập đoàn Mường Thanh từ ngày thành lập đến giờ có thay đổi gì không?
Thay đổi nhiều chứ. Quy mô càng lớn quản lý lại càng nhàn. Nhưng có một điều chắc chắn, đó là tôi quyết tâm không đưa Tập đoàn Mường Thanh lên sàn chứng khoán. Cái nào thực thì làm, cái lên sàn tôi cho dễ là ảo, mà ảo thì tôi không làm. Tôi rất muốn mọi thứ ở Mường Thanh đều minh bạch, mô hình quản trị phải hiện đại.
Nếu chọn lại, ông có làm kinh doanh nữa không?
Khó trả lời quá. Làm xong khu đô thị Thanh Hà tôi chỉ muốn nghỉ thôi, không làm nữa. Khu đô thị này có nhiều phân khu, trong đó có 100 tòa nhà cao tầng, giờ đã làm được 20 toà rồi.
Ngày xưa khó khăn là thế ông còn phát triển được Mường Thanh lên quy mô như hiện nay. Nay mọi thứ thuận lợi, Chính phủ kiến tạo đang điều chỉnh chính sách theo hướng phục vụ doanh nghiệp tối đa thì ông lại muốn nghỉ. Tại sao vậy?
Vì tuổi già rồi, phải để lớp trẻ làm chứ. Nói trên thoáng nhưng dưới “thủ tục” phức tạp lắm, với tôi lại càng phức tạp. Chủ trương của Chính phủ rất tốt, nhưng cái vướng lại nằm ở luật “bất thành văn”, ở một số cán bộ trực tiếp khi làm việc với doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ sốt sắng hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng những cán bộ mà tôi đang tiếp xúc hàng ngày lại không cho tôi thấy được điều đó. Mỗi lần có việc là “nản” bởi thủ tục, thôi thì đủ thứ “nhiêu khê” phức tạp!
Dường như ông đang thiếu niềm tin?
Đúng thế. Giờ không thiếu những thứ trước kia thiếu, nhưng lại thiếu niềm tin.
Có rất nhiều cách để tham gia thị trường bất động sản, tại sao ông lại chọn phân khúc nhà giá rẻ?
Làm kinh tế không ai muốn bán rẻ sản phẩm của mình cả. Nhưng tôi chỉ muốn làm những căn nhà giá rẻ thôi. Vì tôi nghĩ, nếu muốn thành công thì phải làm ra sản phẩm được nhiều người sử dụng, những người có nhu cầu ở thực sự. Nước mình người nghèo là phần đông, lấy đâu ra lắm người giàu. Vậy tôi xây nhà phục vụ đối tượng có thu nhập trung bình và người nghèo, bán với giá phải chăng là việc rất nên làm phải không. Tuy nhiên, nhà giá rẻ cũng có nhiều loại lắm. Ai ở thực mới thấy được chất lượng của nhà tôi xây dựng (tất nhiên phải so với căn hộ khác có giá tương ứng).
Ai cũng biết làm nhà bán giá rẻ thì sẽ có nhiều khách mua. Nhưng không phải ai cũng có thể kéo giá thành xuống được. Tôi có một số người bạn cũng làm bất động sản, họ nói ông Thản mà bán nhà với giá 9,5 triệu đồng/m2 thì chắc chắn lỗ. Vậy, bí quyết của ông là gì?
Để có nhà giá rẻ thì khâu tổ chức thực hiện và cán bộ điều hành là yếu tố quyết định; bộ máy phải gọn không cồng kềnh; vừa tiết kiệm được cả vật liệu vật tư vừa tiết kiệm được chi phí nhân công.
Ngoài ra, cần rút ngắn quá trình thi công bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại. Trước đây làm một tòa nhà 18 tầng phải mất 3 năm nhưng bây giờ chỉ mất 9 tháng, như tòa nhà mà bạn đang ngồi đây.
Một yếu tố nữa để có thể xây được nhà giá rẻ là cố gắng huy động mọi nguồn vốn, trừ vốn vay ngân hàng để tiết giảm được chi phí, vì chi phí lãi suất ngân hàng chiếm gần 20% giá thành sản phẩm.
Điều sau cùng là tính toán giá bán vừa phải thôi, đừng ăn lãi nhiều quá. Làm kinh tế phải biết chia sẻ, bởi khi bán một sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng không tồi thì tính thanh khoản rất cao. Thực tế cho thấy, gần 4.000 căn hộ với giá 9,5 triệu đồng/m2 của khu đô thị Thanh Hà đã được bán hết chỉ trong vòng 3 tháng.
Hiện đa số chủ đầu tư tham gia thị trường bất động sản đều chọn phân khúc trung và cao cấp, rất ít chủ đầu tư chọn phân khúc giá rẻ. Theo ông, từ góc độ nhà đầu tư, làm nhà giá rẻ hay giá cao thì chủ đầu tư có lợi hơn?
Cái này còn tuỳ thuộc nhiều cái, kể cả bản thân chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư là công ty đại chúng thì cần phải làm dự án có giá trị cao để có kênh huy động vốn từ ngân hàng, thị trường chứng khoán. Điều đó với họ mới là quan trọng, còn tính thanh khoản thế nào thì lại là “một câu chuyện khác”.
Thực tế, có những dự án căn hộ giá cao đã hoàn thành hơn 10 năm rồi nhưng còn rất nhiều căn hộ chưa bán được. Nếu bán chậm, dòng vốn bị ứ đọng không lưu thông thì không chỉ mình chủ đầu tư thiệt hại, mà đối tác liên quan cũng chịu chung số phận.
Còn chọn phương án nhà giá rẻ như tôi vừa đáp ứng nhu cầu thực, người mua nhà có nhà để ở còn tôi vừa có vốn để quay vòng đầu tư những hạng mục, dự án khác.
Tiếp chúng tôi nhưng cánh cửa phòng ông Thản mở toang, không đóng. Ông Thản cho rằng bán nhà “bình dân” người nghèo thì không nên quan cách, mà phải thật gần gũi, nếu người mua nhà cần mình giải đáp thắc mắc liên quan đến căn hộ hoặc dự án thì ông sẽ trực tiếp giải đáp cặn kẽ. “Người mua nhà cần nhất là niềm tin, nếu mình không tin mình thì ai tin?” Đây chính là lý do mà căn phòng của ông không bao giờ đóng cửa và ông cũng không từ chối bất kỳ ai muốn gặp hoặc muốn giải đáp thắc mắc về căn hộ, dự án của ông.
Khi bước chân vào lĩnh vực bất động sản và chọn phân khúc nhà giá rẻ, ông có làm điều tra nhu cầu xã hội không?
Có chứ. Tôi làm điều tra từ năm 1999, khi đó đang xây dựng khu CT9 ở Linh Đàm. Nhu cầu về về nhà giá rẻ trong xã hội nói chung và ở Hà nội nói riêng là vô cùng lớn.
Với tư cách một người làm bất động sản, ông có khuyến nghị gì về chính sách để giá nhà rẻ hơn, phù hợp với thu nhập của người dân?
Tôi đang xin thành phố Hà Nội làm nhà ở xã hội với giá 6 triệu đồng/m2. Nếu được thì tôi cam kết sẽ làm 10.000 căn hộ và bán với giá 6 triệu đồng/m2 nhưng đề xuất kiến nghị một năm rồi mà vẫn chưa được duyệt.
Tôi nghĩ quan trọng là người làm chính sách có muốn làm không thôi, chứ doanh nghiệp kiến nghị đề xuất thì rất khó. Bản thân tôi chỉ biết cố gắng làm được đến đâu thì làm.
Tôi nghĩ nhà giá rẻ thì phù hợp với đa số người dân. Ví như khu đô thị Thanh Hà, như tôi đã nói ở trên, chỉ sau 3 tháng đã bán hết 4.000 căn hộ. Nhiều gia đình thu nhập vừa phải đã bán nhà trên phố về đây mua 2 căn hộ, một cho vợ chồng con cái, một cho bố mẹ và còn đủ tiền mua thêm một cái ô tô để đi vào trung tâm làm việc. Đường xá giờ cũng thuận lợi rồi, ở xa chút cũng không có vấn đề gì.
Vừa rồi ông có nói một nguyên tắc để xây được nhà giá rẻ là không vay ngân hàng. Trong khi đó làm dự án bất động sản cần rất nhiều vốn, và vốn vay chính là điều quan trọng nhất đối với nhiều nhà đầu tư bất động sản. Có phải ông có nhiều tiền tới mức triển khai dự án mà không phải vay ngân hàng?
Không phải không vay ngân hàng là có nhiều tiền đâu. Quan điểm của tôi là hết sức cân nhắc khi vay. Thực tế có nhiều chủ đầu tư chết vì vay vốn ngân hàng quá nhiều, dự án thì bán chậm, thậm chí không bán được nên không có tiền trả nợ.
Có nhiều nguồn vốn để huy động, như các nhà cung cấp nguyên vật liệu chẳng hạn. Nhưng mình phải làm ăn có uy tín, trả tiền đúng hẹn lần đầu thì lần sau họ có thể cho mình nợ đến 5 -6 tháng. Còn nếu làm ăn không có uy tín, không đúng hẹn, đòi vài lần mà không trả thì ai dám cho mình nợ lần sau.
Chính vì Mường Thanh làm ăn rất uy tín nên nhiều nhà cung cấp nguyên vật liệu muốn bán hàng cho tôi. Và khi bán được nhà, có tiền tôi thanh toán cho họ ngay. Nhiều chủ đầu tư không làm được như vậy, vì nhà bán chậm. Còn tôi, vì phân khúc nhà giá rẻ nên thanh khoản tốt, bán hết nhanh và có tiền trả cho nhà cung cấp.
Thứ nữa, đó là khâu tổ chức bộ máy điều hành dự án cần phải gọn nhẹ. Thay vì phải lập ra cả 1 phòng vật tư, tôi chỉ cần 1 người kiêm nhiệm hết. Không giống như ở nhiều nơi khác có rất nhiều phòng ban như Phòng vật tư, Phòng kế hoạch, Phòng tổng hợp, Phòng pháp lý... Chính những chi phí cho bộ máy hành chính cũng gián tiếp làm tăng giá thành căn hộ. Còn tôi thì bớt được chi phí đó nên cũng góp phần giảm giá thành.
Ông còn có một nguyên tắc làm ăn nữa là “không làm chung”?
Đúng là tôi có nguyên tắc đó: không làm ăn chung với ai, kể cả với anh em ruột thịt. Khi làm chung hay xảy ra mâu thuẫn, hay xuất hiện tư tưởng làm ít nhưng muốn hưởng nhiều, thậm chí chưa làm được đã muốn “ăn”, cuối cùng chỉ lo nhòm ngó nhau, không chịu nghĩ việc làm ăn. Do vậy, nếu chủ đầu tư nào không làm được, chuyển nhượng lại dự án, tôi sẽ “nhận” và làm riêng, chứ không tham gia cổ phần, không chung đụng.
Bôn ba khắp nơi đã mấy chục năm, nhưng chất giọng Nghệ của ông Thản vẫn đặc sệt. Ông ăn mặc xuềnh xoàng, đi dép lê lẹt quẹt, như một lão nông hiền lành. Lối nói chuyện cũng dân dã, hay ví von, đưa đẩy, lẩy thơ ca hò vè như những ông Đồ xứ Nghệ. Bữa ăn của ông bao giờ cũng có món cá kho theo kiểu xứ Nghệ và một bát cà pháo giòn tan. Đặc biệt, trong câu chuyện, lúc lúc ông lại với tay vớ cái điều cày “danh bất hư truyền” bắn một phát ràn rạt ràn rạt, khói um cả phòng…
Dù có đi làm ăn xa nơi đâu, nhưng dường như ông Thản vẫn luôn hướng về quê hương. Thường thì ở mỗi tỉnh ông chỉ xây 1 khách sạn Mường Thanh. Riêng ở Nghệ An, có tới gần chục cái, trong đó huyện Diễn Châu của ông cũng đã có vài cái. Đặc biệt, xã Phủ Diễn quê ông có lẽ là xã đầu tiên và duy nhất cả nước có một khách sạn 5 sao.
Tôi thấy chung quanh ông có vẻ như rất nhiều người xứ Nghệ. Nhân sự của tập đoàn có ưu tiên cho người xứ Nghệ không?
Không. Người các nơi khác cũng rất nhiều đấy chứ. Chẳng qua tiếng Nghệ trọ trẹ thế nên các anh dễ chú ý mà thôi. Đến vùng nào thì chúng tôi ưu tiên dùng người vùng đấy. Con cháu tôi mà không làm được thì cũng cho nghỉ chứ không ưu ái gì. Ai đủ năng lực thì tôi tuyển.
Xuất phát từ lý do gì mà ông lại xây dựng một bệnh viện ở huyện?
Lúc đầu tôi chỉ tính xây dựng một bệnh viện để tặng cho huyện Diễn Châu nhưng họ không dám nhận vì sợ không quản lý được, nên tôi phải tự làm. Nguồn thu được từ bệnh viện này, tôi đem đi làm từ thiện hết chứ không tính vào doanh thu của tập đoàn.
Do phải tự làm nên tôi đã cử người đi học, nghiên cứu mô hình bệnh viện quốc tế ở nhiều nước. Sau 12 năm làm bệnh viện có thể nói là đã thành công. Hiện có nhiều tỉnh lân cận cũng đến bệnh viện này để chữa bệnh.
Năm 2017, Tập đoàn Mường Thanh quyết định xây dựng thêm khu tòa nhà mới, đưa bệnh viện Đa khoa Phủ Diễn chuyển đổi sang mô hình bệnh viện khách sạn chất lượng cao.
Tôi trả lương cho nhân viên ở đây tương đối tốt so với mặt bằng thu nhập trong tỉnh và yêu cầu họ không được đòi hỏi, vòi vĩnh bệnh nhân.
Nếu có bằng tiến sỹ sẽ được trả 40 triệu đồng/tháng, bác sỹ bình thường lương 20 triệu đồng/tháng, bác sỹ lâu năm có kinh nghiệm lương 25 triệu đồng/tháng, còn y tá, điều dưỡng khoảng 5 - 10 triệu/tháng. Bình quân mỗi tháng khoảng hơn 2 tỷ đồng tiền lương. Ngoài ra, còn chi phí về dụng cụ, thuốc men nữa. Sau khi trang trải hết chi phí, số tiền còn lại sẽ được sử dụng làm từ thiện, nuôi những đứa trẻ cơ nhỡ, đói nghèo.
Ông cũng lập ra Công viên Safari Trại bò ở quê hương Diễn Châu. Đây là một hoạt động kinh doanh, một thú chơi xa xỉ của đại gia, hay một hành động để trả nghĩa quê hương, thưa ông?
Có thu được gì đâu mà kinh doanh. Trại Bò là nơi ngày xưa khi còn bé lũ nhỏ chúng tôi vẫn thường đi chăn bò. Quê tôi nghèo lắm, “chó ăn đá gà ăn sỏi”. Ai ly hương làm ăn tốt thì giàu có, còn người ở lại thì nghèo. Vì tôi có sẵn miếng đất rộng khoảng 100ha ở Diễn Lâm, Diễn Châu (Nghệ An) và cũng nuôi một số con vật, nên thấy ai bán con gì tôi cũng mua rồi đem về đây nuôi.
Giờ thì có nhiều loại động vật quý hiếm như tê giác, sư tử, hổ, bò tót, voi, hươu, nai... Voi giờ cũng có 8 con. Con đầu tiên là mua lại từ rạp xiếc Trung ương. Khi đó, con voi này gầy lắm, chân đau nhưng giờ thì nó béo kinh khủng. Hổ cũng có đến vài trăm con, nai rừng cũng có đến cả nghìn con. Do quy mô ngày càng lớn nên vừa rồi tôi cũng phải cho thiết kế lại.
Ông có thể kể đôi chút về gia đình của mình không?
Ông nội là lão thành cách mạng. Tôi nghe kể lại, thời còn trẻ ông là một trong 2 người được cử sang Trung Quốc học, đi cùng nhà lão thành cách mạng Phùng Chí Kiên. Một lần trên đường trở về thăm nhà, ông đã bị thực dân Pháp bắt và tử hình. Bố tôi là con một, làm chủ nhiệm hợp tác xã và bị ung thư mất. Bố mẹ tôi có 5 anh em.
Năng khiếu kinh doanh của ông là theo gen của ai?
Tôi tự mày mò thôi. Nhà tôi không có ai làm kinh doanh cả.
Theo ông, người làm kinh doanh thì tính cách nào quan trọng nhất?
Thật thà là quan trọng nhất. Chụp giựt thì chỉ được nhất thời thôi. Mình sống thật một chút sẽ tốt hơn. Quan điểm làm việc của tôi là để chia sẻ, tạo cơn mưa mọi người cùng hưởng.
Nhiều người tò mò về khối tài sản khổng lồ của ông. Nếu tính toán, giá trị tài sản của ông được khoảng bao nhiêu so với những tỷ phú trên sàn chứng khoán?
Tôi chưa bao giờ ngồi cộng trừ cụ thể để xem mình có bao nhiêu tiền. Với tôi, tiền không phải là tất cả. Việc làm và đời sống của hơn 25 ngàn người lao động là phần thưởng và tài sản vô giá đối với tôi.
Tôi thường nghĩ, có những căn hộ cao cấp có giá “chào bán” rất đắt nhưng chưa chắc đã thật, nhiều lúc hạ giá vẫn chưa bán được. Còn phân khúc căn hộ của tôi thì khác.
Ông có nghĩ một ngày sẽ thay đổi hình ảnh “đại gia điếu cày” không?
Bạn muốn nói đến việc cai thuốc lào? Tôi đã có lần cai rồi, nhưng thấy không tốt lắm nên không cai nữa. Có những thứ cai chưa chắc đã tốt với tôi, ví như thuốc lào. Nếu tôi mà cai là viêm họng.
Tôi hơi tò mò về người bạn đời của ông. Hình ảnh về bà ấy gần như không bao giờ có trên phương tiện truyền thông?
Bà xã tôi là người Vĩnh Bảo (Hải Phòng), cái đất nổi tiếng với nghề làm thuốc lào ấy. Ngày xưa bà ấy cũng được tăng cường lên Lai Châu làm giáo viên. Thời trẻ bà ấy rất đẹp. Duyên số thế nào mà chúng tôi cùng gặp nhau trên Lai Châu. Năm 37 tuổi tôi mới lập gia đình, cưới bà ấy và có với nhau được 3 người con.
Cô con gái đầu chắc mọi người đều đã nghe tên, đó là Lê Thị Hoàng Yến, đi du học 7 năm chuyên ngành tài chính ở Anh về và hiện đang làm tổng giám đốc Tập đoàn, quản lý hệ thống khách sạn Mường Thanh.
Con thứ 2 học chuyên ngành về du lịch, hiện cũng đang làm việc tại Tập đoàn. Còn cậu út giờ mới đang học lớn 10.
Ông có hài lòng với cách quản trị hệ thống khách sạn mà cô con gái cả của ông đang quản lý không?
Con gái tôi quản trị theo kiểu mới hơn, có những thứ tôi chưa hiểu nhưng nhìn chung là thấy tốt hơn trước, nhàn hơn trước. Quan điểm của tôi là đã giao cho con thì để nó tự làm theo cách của mình, không áp đặt.
Tôi hướng cho cả 3 đứa con kế nghiệp của tôi, nhưng nếu có đứa nào không thích thì tôi không ép.
Ông Thản vốn là người rất kín tiếng với báo chí. Hiếm khi ông trả lời phỏng vấn. Dù thực tế rất giàu có và nổi tiếng, nhưng hình ảnh ông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhìn chung có cái gì đó rất xa xôi, bí ẩn. Tiếp xúc, khá bất ngờ khi thấy ông thật xuề xòa, cởi mở.
Ông lại bắn tiếp một hơi thuốc lào xòng xọc nữa. Khói tỏa nghi ngút cả một góc phòng, che khuất cả những những bức tranh vẽ cảnh quê hương, cả mấy con đại bàng to nhỏ được đặt trên sopha, trên góc bàn làm việc, che lấp cả khuôn mặt “lão nông” và mái đầu bạc trắng. Rồi ông cười khà khà, ánh mắt lấp lánh thật hóm.
Những tranh cãi khác nhau về “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản chắc chắn sẽ chưa chấm dứt. Nhưng chúng tôi tin việc không xây chung cư mà ông nói lúc nãy có lẽ chỉ là lời nói lẫy, nói dỗi mà thôi. Ông Thản sẽ còn làm nhà, xây khách sạn dài dài…
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!