Với diễn biến tích cực trong vòng 1 tuần qua của cổ phiếu HSG, ông Vũ đã gỡ gạc được 223,6 tỷ đồng thông qua sở hữu trực tiếp lẫn gián tiếp 139,8 triệu cổ phiếu của tập đoàn này. Tuy nhiên, nếu so với gần 1 năm trước thì ông chủ Tập đoàn Hoa Sen đã “đánh rơi” tới 1.199 tỷ đồng trong tài khoản cổ phiếu.
Trong tuần qua, cổ phiếu HSG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen đã diễn biến thuận lợi với đà tăng xác lập khá rõ ràng.
Mã này chỉ có duy nhất 1 phiên giảm nhẹ vào đầu tuần, sau đó bật tăng mạnh trở lại với 4 phiên tăng liên tục, trong đó có 2 phiên tăng trần. Đóng cửa phiên cuối tuần, HSG tăng 0,9% lên 11.650 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh rất mạnh, đạt 5,6 triệu cổ phiếu giao dịch trong phiên.
Tại mức giá này, HSG đã đạt mức tăng tới 16% trong vòng 1 tuần qua (tăng 1.600 đồng/cổ phiếu) và biên độ giảm giá trong vòng 1 tháng cũng thu hẹp đáng kể còn gần 8%.
Tuy nhiên, so với 3 tháng trước, HSG vẫn mất giá hơn 23% và giảm tới 55% so với mức đỉnh thiết lập ngày 26/7/2017 (tức gần tròn một năm trước). Giá HSG hiện tại đang thấp hơn khoảng 14.241 đồng/cổ phiếu so với mức đỉnh 1 năm trước đây.
Cho đến cuối tháng 6 vừa qua, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Hoa Sen đang sở hữu 41.186.200 cổ phiếu HSG, chiếm tỷ lệ 10,7% vốn điều lệ tập đoàn. Hai công ty riêng của ông Vũ là Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen và Công ty TNHH MTV Tam Hỷ đang sở hữu lần lượt 96.628.123 cổ phiếu tương ứng 25,1% và 962.500 cổ phiếu tương ứng 0,25%.
Đến ngày 14/7 thì Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đã mua vào thành công 1 triệu cổ phiếu HSG và qua đó tăng tỷ lệ nắm giữ lên 97.628.123 cổ phiếu tương ứng 25,38% vốn của Tập đoàn Hoa Sen.
Với diễn biến tích cực trong vòng 1 tuần qua của cổ phiếu HSG, ông Vũ đã gỡ gạc được 223,6 tỷ đồng thông qua sở hữu trực tiếp lẫn gián tiếp 139,8 triệu cổ phiếu của tập đoàn này. Tuy nhiên, nếu so với gần 1 năm trước thì ông chủ Tập đoàn Hoa Sen đã “đánh rơi” tới 1.199 tỷ đồng trong tài khoản cổ phiếu.
Cổ phiếu HSG bị giảm mạnh trong thời gian qua một phần đến từ diễn biến bất lợi của thị trường chung, phần khác là do kết quả kinh doanh kém tích cực của tập đoàn này trong nửa đầu niên độ 2017-2018.
Theo đó, lũy kế nửa đầu niên độ vừa rồi, Hoa Sen mặc dù tăng 30% doanh thu (đạt 15.549 tỷ đồng) song lại giảm hơn một nửa lợi nhuận ròng so với cùng kỳ (chỉ đạt 420,6 tỷ đồng). Nguyên nhân xuất phát từ giá vốn, chi phí lãi vay và chi phí quản trị đồng loạt tăng cao.
Trong khi giá cổ phiếu “trượt dài” thì việc cổ đông liên quan thoái vốn trở thành “gáo nước lạnh” dội thêm vào diễn biến tiêu cực của HSG.
Trong nửa cuối tháng 4 và đầu tháng 5 vừa qua, Công ty TNHH MTV Tâm Thiện Tâm của bà Hoàng Thị Xuân Hương (vợ ông Lê Phước Vũ) đã thực hiện thoái ra toàn bộ 19,2 triệu cổ phiếu HSG, tương đương 5,46% vốn Hoa Sen. Trước đó, công ty vợ ông Vũ cũng đã bán ra 5 triệu cổ phiếu HSG.
Ngoài ra, theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), cùng với Thép Nam Kim (NKG) thì Hoa Sen là một trong những doanh nghiệp sản xuất tôn mạ chịu ảnh hưởng mạnh nhất nếu hàng rào bảo hộ của Mỹ được nâng cao trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang đến hồi căng thẳng.
Dù vậy, với 4 phiên phục hồi trong tổng số 5 phiên giao dịch của tuần vừa qua cùng với thanh khoản cải thiện, cổ đông HSG vẫn có quyền hy vọng về bước ngoặt mới của mã này.
Theo Mai Chi/Dân Trí