Kể từ sau ngày được đặc xá, đại gia Liên Khui Thìn - người từng bị kết án tử hình cùng Tăng Minh Phụng kể lại câu chuyện làm lại cuộc đời kinh doanh của mình.
Kín kẽ? Thận trọng? Những gì tôi hình dung về Liên Khui Thìn ngày nay đều không đúng. Ông vẫn nhanh nhẹn, bận rộn với dự án đang làm cùng bao hoài bão tương lai, thậm chí, cũng không ngại trải bày những mốc thăng trầm của cuộc đời. Thời điểm thương trường đầy bão tố, nhiều doanh nhân lớn nhỏ “ngã ngựa” hiện nay, trải nghiệm từ hơn 1.000 ngày đợi án tử hình của cựu doanh nhân tăm tiếng lẫn tai tiếng một thời này đã gợi ra bao điều phải nhìn lại...
Chọn lựa đổi mới
“Suốt ba năm bị biệt giam ở khu tử tù Chí Hòa, tôi hầu như không thể ngủ được. Đêm cứ chong chong mắt đợi sáng, chờ quản giáo mở phòng, làm thủ tục cuối cùng. Có đêm mệt quá, tôi thiếp đi, lúc giật mình dậy không biết còn sống hay bị thi hành án rồi. Phản xạ của tôi là cứ nhìn trần bê tông buồng giam để biết còn sống hay chết...”. Liên Khui Thìn không ngần ngại khi trả lời bất cứ câu hỏi nào.
Ông kể hơn 1.000 ngày chờ bị xử bắn, tuổi thơ cứ tràn ngập về. Ông sinh năm Nhâm Thìn, 1952, ở Hòn Hèo, Khánh Hòa. Nhà ông xưa ở đất giải phóng, cài răng lược vùng quốc gia. Về nhà ông chơi với bộ đội, đi học ngồi bên con quận trưởng. Ông nhớ mãi người bạn tiểu học Hồ Bá Tiên, con quận trưởng đầy quyền uy thời đó, cứ khoái vào đất giải phóng câu cá, bẫy chim. Chính ông dẫn bạn vào. Người “ở trong” còn thân thiện cho cậu bánh kẹo. Thi thoảng, cậu để lại bọc thuốc Tây, nói “mẹ gửi tặng mấy anh ở trong”. Bài học tình người đầu tiên của Liên Khui Thìn chính là hình ảnh thiếu thời này.
Về Sài Gòn học, tham gia phong trào sinh viên, Liên Khui Thìn vẫn học rất khá. Lấy bằng cử nhân hóa Đại học Khoa học ngay gần thời điểm 1975, ông về làm việc ở Thành đoàn TPHCM, nhiệm vụ Trưởng phòng Khoa học, Nhà văn hóa Thanh niên. Ông kể mình là chứng nhân thời kỳ đổi mới và cũng là lớp người được kêu gọi dấn thân đổi mới. Không suy tư, ông nhận ngay nhiệm vụ mới ở tổ hợp chế biến mực xuất khẩu quận 3. Ông tâm sự đã chọn bước ngoặt cuộc đời, chứ nếu yên vị có lẽ giờ đã khác lắm rồi...
“Ông có nghĩ rằng đó là số phận?”. Nghe tôi hỏi, Liên Khui Thìn cười thanh thản: “Giờ nếu lặp lại, tôi vẫn chọn lựa thế”. Hơn 61 năm đời người từng thành công rồi rớt xuống tận cùng vực thẳm, có lẽ đủ để ông tự nhận là người hành động, dù rằng đến lúc chính tay ông lại đóng cửa đời mình. Giữa thập niên 1980, tổ hợp chế biến mực xuất khẩu ì ạch như tình hình kinh tế cả nước. Nghe ông về đây, có bạn khuyên coi chừng sai lầm; lý lịch tranh đấu rồi bằng cấp, chức vị hiện tại dự phóng rất tốt cho tương lai ông. Đặc biệt, bài học cải tạo tư sản vẫn còn nóng hổi của đêm trước đổi mới. Ông cám ơn bạn, và vẫn đi bước đường đã chọn.
Hiếm khi Liên Khui Thìn có mặt ở văn phòng tổ hợp chế biến mực. Hết xuôi tận mũi Cà Mau, ông lại ngược ra Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi... gầy dựng nguồn hàng xuất khẩu. Chẳng bao lâu tổ hợp này đã đem ngoại tệ về cho thành phố thời kỳ khó khăn. Tổ hợp được nâng cấp lên xí nghiệp, rồi năm 1992 trở thành Epco, tức Công ty TNHH sản xuất, Thương mại, Dịch vụ xuất nhập khẩu quận 3. Liên Khui Thìn vẫn là tổng giám đốc, là hồn lẫn bóng công ty một thời điển hình của doanh nghiệp thành phố.
Những đêm đợi thi hành án
Thế rồi, “ngày định mệnh” 24/3/1997 ập đến. Vị tổng giám đốc này suy sụp hoàn toàn khi tra tay vào còng. Đối mặt với vành móng ngựa suốt ba tháng, Liên Khui Thìn bị kết án tử hình với tội danh chính là lừa đảo, lạm dụng chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Tăng Minh Phụng, bạn liên doanh, cũng chịu mức án này. Hồi tưởng giờ phút khủng khiếp đó, Liên Khui Thìn trầm tư: “Tôi sốc lắm, vì nghĩ tài sản thực tế Epco đủ bồi thường thiệt hại”. Ba năm ở khu giam AB, đợi thi hành án tử hình, những bạn tù cạnh ông lần lượt bị đánh thức lúc rạng sáng để không bao giờ còn trở về nữa. Người mới vào thay, rồi lại ra đi. Nhưng Liên Khui Thìn vẫn chong chong thức chờ đợi hết đêm này đến đêm khác, đến lượt mình.
Sáng Tăng Minh Phụng bị thi hành án, khi bạn bị dẫn qua, ông còn nghe vọng câu hỏi quản giáo của Tăng Minh Phụng: “Không dẫn Thìn đi chung à?”. Để qua được những ngày khủng khiếp này, Liên Khui Thìn tập thiền, rồi tự tìm giải thoát cho mình. Ông tự trấn an cái chết chắc nhanh lắm, người ta không kịp biết mình đau đớn, vậy ngày nào chưa đến lượt mình thì hãy ráng sống ngày đó. Nhiều lần ông đã chia sẻ suy nghĩ này với bạn cùng phòng, an ủi họ hãy cố sống đến ngày cuối.
Liên Khui Thìn kể, ông còn có thế giới khác trong những ngày đợi chết. Nằm buồng đợi thi hành án tử hình, nhưng ông lại cố gắng để đầu mình đang sống bên ngoài. Ông tự vẽ ra những ý tưởng kinh doanh và tìm giải pháp thực hiện. Ý tưởng đầu tiên là sửa sai và tiếp nối Epco thế nào nếu ông không phải vào đây. Những thế bí của Epco và cách gỡ nếu ông còn ở ngoài. Thời gian cuối ba năm đợi thi hành án, ông dần hy vọng còn đường sống và những ý tưởng mới lại xuất hiện. Cụ thể hơn, ông vẽ kế hoạch nếu được ra khỏi buồng đợi chết, mình sẽ làm gì ở trại giam tiếp theo. Nhưng chắc chắn dù là việc gì thì nó cũng phải có ý nghĩa vì người khác. Đó là suy nghĩ chuộc tội của ông!
“Chính thế giới ảo này đã giúp tôi trụ qua những ngày đợi chết. Ở trong đó mà đầu óc trống rỗng thì kinh khủng lắm!”- Liên Khui Thìn tâm sự. Sáng ngày 8/9/2003, bất ngờ khóa cửa buồng giam lách cách mở. Ông căng mình nghĩ sẽ làm gì trong phút cuối cùng trước khi ra pháp trường. Đến khi được nghe câu đầu tiên trong quyết định ân xá, Liên Khui Thìn mới thở hắt ra. Hơi thở bình thường như bao hơi thở khác, nhưng ông lại thấy chưa bao giờ được thở như vậy trong đời mình! Chỉ có người trong cuộc mới thấu cảm được tận cùng. Ngôn ngữ không diễn giải nổi khoảnh khắc sinh, tử này...
Về trại giam Xuân Lộc, Liên Khui Thìn hiện thực hóa ý tưởng hồi còn là tử tù. Thấy nhiều người trong trại mắc bệnh vì nguồn nước, ông trình dự án bể nước sạch. Sau đó là kế hoạch xây trạm xá trại giam Xuân Lộc sát Bệnh viện Đa khoa Biên Hòa để có bác sĩ hỗ trợ khi cần. Rồi ao nuôi cá cải thiện bữa ăn... Các dự án của ông đều mang lại hiệu quả. Cựu tử tù được các phạm nhân khác tôn trọng rõ rệt. Còn ông chỉ tâm niệm: “Chuộc tội! Chuộc tội!”.
Đi tiếp kiếp người
Một buổi sáng mùa hè 2013, bốn năm sau ngày ông được đặc xá, tôi lại gặp Liên Khui Thìn trong văn phòng làm việc của ông trên tầng 18 tòa cao ốc nhìn ra sông Sài Gòn. Vẫn kính cận nặng độ, áo trắng tinh tươm bỏ trong quần, ông say sưa chuyện thời sự, chuyện thương trường. “Nhìn anh thật thanh thản?”. Nghe tôi hỏi, Liên Khui Thìn nhẹ nhàng trả lời: “Vâng, tôi thanh thản, vì tôi nghĩ mình có tội và đã đền tội xong. Giờ đây tôi sẽ đi tiếp cuộc đời mình”.
Ông tâm sự trong rủi, đời mình cũng có cái may. Nếu hồi đó ông cứ liều mạng “đi đêm” làm doanh nghiệp như diều gặp gió mà không bị pháp luật “bóp thắng” kịp thời, chẳng biết sa đà vài năm nữa còn cơ hội được ân xá hay không. Chưa kể, ông thấy sức khỏe mình giờ lại tốt hơn nhiều hồi còn căng đầu với thương trường như chiến trường, với những cuộc đãi đằng triền miên ngập ngụa trong bia rượu. “Nếu không vào tù, chắc tôi cũng gục vì đột quỵ tim mạch, huyết áp như nhiều bạn làm ăn khác rồi” - ông mỉm cười nhìn lại.
Tâm sự về quỹ hoàn lương do chính mình là tác giả, Liên Khui Thìn trải bày nó cũng là dự án ảo ông vẽ trong đầu nếu có ngày ra tù. Từng thấy nhiều phạm nhân sau niềm vui ra cổng trại giam, lại lơ ngơ không biết về đâu, sẽ làm gì, nên ông quyết định được ân xá sẽ thực hiện quỹ này. “Đỉnh cao dễ làm thiên hạ mờ mắt, lạc đường. Chính vực thẳm là nơi người ta có điều kiện nhìn sâu vào đáy lòng mình nhất. Khi đã sờ chạm cái chết thì chẳng ai còn trí trá với chính mình được nữa” - Liên Khui Thìn trầm ngâm kể những ngày đen tối đã giúp mình ngộ ra ý nghĩa giản đơn mà sâu sắc nhất của kiếp nhân sinh.
Từng ngán ngẩm tổ yến, vi cá, ở tù ông lại cảm nhận tận cùng sự ngon ngọt của tô canh rau muống nấu suông. Từng có hàng trăm triệu đô la trong tay mà ông đã hưởng thụ nó được bao nhiêu? Biệt thự thì người giúp việc ở nhiều hơn ông giám đốc đi sớm về trễ. Mercedes sang trọng cũng cho anh lái xe ngồi nhiều. Ngay những mâm sơn hào hải vị cũng dành phần lớn cho người dọn bàn...
Ở đời, người đỉnh cao thành công hô hào mình vì người khác, thiên hạ còn suy nghĩ. Nhưng tâm sự của một tử tù từng 1.000 ngày đợi chết thì có thể tin rằng đó là trải nghiệm chân tình của tận cùng kiếp người. Liên Khui Thìn trải bày khi còn làm Epco ông đã nghĩ đến thương hiệu doanh nghiệp, đến hàng ngàn nhân viên, gia đình họ trông đợi vào “nồi cơm” công ty. Nhưng phải đến những đêm mất ngủ đợi ra pháp trường, ông mới “ngộ” đến tận xương tủy điều quý giá nhất của kiếp người là vì người khác. Thương trường như chiến trường, nhất là thời điểm bản lề tranh tối, tranh sáng, pháp luật còn quá nhiều kẽ hở. Lẽ đời chẳng mấy ai khởi nghiệp lại nghĩ mình sẽ lừa đảo, nhưng cạm bẫy luôn ở phía trước. Nếu chỉ nghĩ mục tiêu tiền-danh, sẽ rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy khắc nghiệt này!
Sau quỹ hoàn lương, Liên Khui Thìn đang thực hiện dự án kinh tế biển. Là dân Khánh Hòa, gầy dựng Epco từ sản phẩm biển, kinh tế biển luôn là “bài tủ” mà ông tự tin. Ông tiết lộ đang xúc tiến lễ hội du thuyền định kỳ hai năm ở Nha Trang, sau có thể mở rộng ra các bãi biển đẹp khác. Có lãnh đạo đã hỏi ý nghĩa kinh tế - xã hội dự án? Ông trả lời nó không chỉ là “sân chơi hẹp” của nhà giàu. Việt Nam đang rất cần đầu tư nước ngoài, mà đa số người chơi du thuyền lại là ông chủ thật sự. Họ có tiền và có điều kiện tác động rất rộng. Hãy mời họ đến Việt Nam, để họ biết đất nước này, sau đó tự họ hiểu sẽ làm gì. Ngoài ra, nhiều bạn bè quốc tế biết biển đảo hòa bình và thân thiện thuộc chủ quyền Việt Nam cũng có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay.
...Gần 14 giờ. Tâm sự say sưa của cựu tử tù vẫn chưa dừng hứng khởi. Ông nói vẫn còn nhiều hoài bão lắm, nhưng hãy để thời gian trả lời... Tôi hỏi, đã từng vấp ngã, ông nghĩ sao về hiện trạng nhiều doanh nghiệp đang gục ngã? Ông nói: “Tôi nghĩ đầu tiên là yếu tố con người, những người không có hoài bão, lý tưởng, chỉ làm vì mục đích kiếm tiền. Nó là tiền đề của các sai phạm tham nhũng, lừa đảo... Nguyên nhân thứ hai là sự lãng phí quá lớn và hàng loạt từ vĩ mô đến vi mô, từ tài nguyên, tài sản vật chất đến con người, thời gian đã khiến tiêu hao năng lực phát triển bền vững. Thứ ba là thuộc tính nền kinh tế non trẻ. Dù gì kinh tế Việt Nam vẫn thiếu năng lực và kinh nghiệm cạnh tranh với các nước lớn. Nhiều “cái chết” doanh nghiệp là vì thuộc tính ấy. Tuy nhiên, không nhất thiết cứ cá lớn thì nuốt được cá bé. Lịch sử tổ tiên cho thấy chính sức mạnh quật cường đã bật lên từ thế yếu, thế cùng”.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn