Mặc dù chính sách ESOP gây ra tranh cãi và bị cho là gây thiệt hại cho cổ đông nhỏ, song ông Nguyễn Đức Tài quan niệm, đây là chính sách tạo ra động cơ về tiền và niềm vui cho nhân viên.
Cổ phiếu MWG tăng giá mạnh sau ĐHĐCĐ
Có không ít tò mò với diễn biến cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động sau phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của doanh nghiệp này diễn ra cuối tuần trước.
Bất chấp các lo ngại cũng như sự bất mãn của cổ đông nhỏ lẻ, MWG vẫn tăng mạnh 4.000 đồng lên 90.100 đồng.
Tại đại hội diễn ra chiều ngày 6/6 vừa qua, Hội đồng quản trị MWG đã trình thông qua việc phát hành cổ phiếu ưu đãi cho Ban điều hành và cán bộ quản lý chủ chốt (ESOP) với tỷ lệ 3% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Giá bán là giá thấp nhất giữa 10.000 đồng/cổ phiếu hoặc 50% giá thị trường. Thời gian thực hiện trước 31/3/2021. Tờ trình này sau đó vẫn được thông qua với tỷ lệ cao 90,74% trong khi tỷ lệ không tán thành là 6,3%.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Đức Tài về ESOP, đây là chính sách mang lại động cơ và niềm vui cho người lao động ở MWG. Ông cho rằng, một công ty còn “ngon” thì thưởng cũng phải “thú vị”, sự thú vị ở đây chính là chính sách ESOP.
Việc thưởng ESOP cũng có hiệu quả hơn thưởng tiền. ESOP bị “khoá” trong 4 năm và gây khó khăn cho doanh nghiệp đối thủ nếu muốn lôi kéo nhân sự của MWG.
Từ quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng, nếu cổ đông cảm thấy bực bội với chính sách ESOP thì cân nhắc việc tiếp tục đầu tư vào MWG hay đầu tư vào một cổ phiếu khác mang lại cả tiền và niềm vui cho cổ đông.
Cũng tại đại hội, ông Nguyễn Đức Tài khẳng định cột mốc 10 tỷ USD doanh số sẽ đến trong 5 năm, mỗi năm công thêm khoảng 1 tỷ USD. Nếu Bách Hoá Xanh đi nhanh hơn thì cột mốc 10 tỷ USD có thể rút xuống trong 3-4 năm tới. Sau khi Bách Hoá Xanh có lời sẽ tăng tốc mở rộng trở lại.
Trước câu hỏi của một cổ đông: “Giả sử có bên muốn mua MWG với giá 10 tỷ USD hoặc 15 tỷ USD thì công ty có bán không”, ông Nguyễn Đức Tài trả lời: “Công ty này được xây dựng để phát triển lớn mạnh không phải xây để bán”.
Thị trường lập kỷ lục về khớp lệnh
Tiếp tục là một phiên giao dịch tràn ngập hi vọng cho những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu. Thị trường trong phiên hôm qua (8/6) tăng tích cực không chỉ về giá mà còn về lượng.
VN-Index tăng mạnh 13,7 tương ứng 1,55% lên 899,92 điểm; HNX-Index tăng 2,02 điểm tương ứng 1,71% lên 120,1 điểm và UPCoM-Index tăng 0,87 điểm tương ứng 1,54% lên 57,3 điểm.
Thanh khoản lập kỷ lục trên HSX với khối lượng giao dịch đạt 572,01 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch lên tới 8.432,38 tỷ đồng. HNX cũng thu hút tới 1.005,63 tỷ đồng với 102,2 triệu cổ phiếu giao dịch. Con số này trên UPCoM là 42,65 triệu cổ phiếu tương ứng 417,17 tỷ đồng.
Bức tranh thị trường được bao trùm bởi sắc xanh. Thống kê có đến 603 mã tăng giá, 119 mã tăng trần trên cả 3 sàn giao dịch so với 214 mã giảm và 29 mã giảm sàn.
Một số cổ phiếu tăng giá và có thanh khoản cực “khủng”. Có thể kể đến ROS với khối lượng khớp lên tới 44,37 triệu cổ phiếu, không hề có dư bán và dư mua giá trần còn tới 11,55 triệu đơn vị.
“Họ FLC” nổi sóng và hôm qua FLC cũng tăng trần và được khớp rất mạnh, có 22,27 triệu cổ phiếu được sang tay, không còn dư bán, có dư mua giá trần. AMD tăng trần và cũng khớp 9,42 triệu đơn vị, không có dư bán, có dư mua giá trần.
Bên cạnh đó, ITA vẫn giữ độ “nóng”, tăng trần lên 4.960 đồng, khớp lệnh 15,46 triệu đơn vị, các lệnh bán được quét sạch sẽ, dư mua giá trần còn tới 10,49 triệu đơn vị. Tương tự, HSG cũng tăng trần lên 11.300 đồng, khớp 15,06 triệu đơn vị, không có dư bán và còn dư mua giá trần.
Cổ phiếu vốn hoá lớn cũng đang thể hiện tốt vai trò và hỗ trợ đáng kể cho VN-Index. BID tăng 1.900 đồng lên 44.000 đồng đóng góp 2,18 điểm, VNM tăng 3.600 đồng lên 122.800 đồng đóng góp 1,79 điểm, GAS tăng 2.000 đồng lên 79.000 đồng đóng góp 1,09 điểm, VIC, SAB, MWG cũng có ảnh hưởng tích cực tới diễn biến chung.
Chiều ngược lại, một số cổ phiếu nằm ngoài dòng chảy chung, giảm giá lạc lõng như TPB, VPB, CTD, HDB nhưng ảnh hưởng của những mã này không đáng kể.
Theo nhận xét của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường tiếp tục đi lên bất chấp áp lực chốt lời đang hiện hữu. Dòng tiền tỏ ra hưng phấn khi nhiều thông tin tích cực cả trên thế giới và trong nước liên tục được đăng tải.
Thanh khoản ở mức cao kỷ lục cũng cho thấy nhiều nhà đầu tư đã sẵn lòng bán ra cổ phiếu. Do đó, nhà đầu tư được khuyến nghị cân nhắc giảm dần tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, nhất là với những cổ phiếu có dấu hiệu suy yếu.