Tôn giáo Apple
Theo Sundeep Teki – giáo sư khoa học thần kinh của Đại học Oxford, bộ não con người từ khi sinh ra đã liên tục tìm kiếm sự an toàn và địa vị xã hội.
Trong quá trình tìm kiếm và nhận ra những giá trị tồn tại trong cuộc sống, não bộ của con người tự tạo ra một hệ thống "thưởng – phạt" để gia tăng động lực cho mỗi cá nhân. Nằm sâu trong não là vùng vân (striatum), khu vực này liên tục tiết ra chất hữu cơ Dopamine nhằm kích thích những hành động mang tính bộc phát.
Cơ chế này liên tục thúc đẩy con người hành động theo mong muốn và đam mê của riêng mình, trong những trường hợp cá biệt, khi mức Dopamine tăng không kiểm soát, con người có thể sa đà vào các tệ nạn như rượu chè hay cờ bạc.
Quay lại với xã hội hiện đại ngày nay, "mong muốn và đam mê" của con người dễ dàng bị chi phối thông qua hàng loạt thông tin hấp dẫn dưới muôn hình vạn trạng: Mạng xã hội, hình ảnh, âm thanh, video … Hành động sở hữu một chiếc iPhone mới từ đó cũng khiến não bộ tiết ra Dopamine, hình thành một "cơn nghiện" khó thể nào kiểm soát được.
Không những thế, giáo sư Teki còn có một phát hiện rất thú vị: "Qua nhiều trường hợp xét nghiệm chẩn đoán cộng hưởng từ, chúng tôi dễ dàng nhận ra sự ảnh hưởng của sản phẩm Apple lên các vùng não đặc thù, tương tự như cách hình ảnh tâm linh tác động lên những tín đồ trung thành."
Chính vì vậy, sau sự kiện ra mắt iPhone 11, hàng triệu người dùng trên thế giới đã lên kế hoạch trở thành người đầu tiên sở hữu sản phẩm này.
Và trong lúc chờ đợi ngày có trên tay sản phẩm mới, họ sẽ liên tục lên mạng tìm kiếm những bài viết củng cố quyết tâm mua sắm hiện tại, nhanh chóng đáp trả hoặc làm ngơ trước những ý kiến và bình luận trái chiều.
Có thể thấy, Apple từ lâu đã không còn là một thương hiệu công nghệ cao cấp nữa, Apple đã tự biến mình thành một "tín ngưỡng" đầy mê hoặc với số lượng "tín đồ" đông đảo.
Những chú cừu iSheep
Theo một cuộc khảo sát nổi tiếng, hơn 78% người dùng iPhone "không tưởng tượng được việc sẽ xài một thương hiệu điện thoại nào khác."
"Đối thủ truyền kiếp" Samsung nhanh chóng chớp lấy cơ hội và gọi những iFan với tên mới là "iSheep", ý chỉ những bầy cừu chỉ biết nghe lời người chăn dắt.
Hàng loạt chương trình marketing đả kích trực tiếp iSheep được tung ra, với bối cảnh từ văn phòng cho đến cửa tiệm điện thoại và thậm chí là dòng người đang đứng chờ để sở hữu chiếc iPhone mới ra mắt.
Nhưng bất chấp những đòn tấn công này, Apple vẫn "sống khỏe", liên tục xô đổ các kỷ lục kinh doanh và đạt danh hiệu "Công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới" và "Tập đoàn nghìn tỷ USD" trong một khoản thời gian ngắn.
Cụ thể hơn, trong khi 76% người dùng Apple khẳng định sẽ thay chiếc iPhone hiện tại bằng một mẫu iPhone mới hơn, chỉ có 58% người dùng Samsung cam kết tương tự.
Sau khi tạo được xu hướng này, Apple nhanh chóng tung ra chương trình "iPhone Upgrade Program", sau khi hoàn thành 12 trong 24 tháng trả góp, người dùng có thể nhanh chóng đổi lấy đời điện thoại mới nhất và chu kỳ trả góp 24 tháng lại bắt đầu, đảm bảo khả năng sở hữu iPhone mới mỗi năm.
Thủ thuật tạo ra "bầy cừu"
Nhưng tại sao có iSheep nhưng không có iSamsung?
1. Vì Apple nói thế
Nghe có vẻ ngu ngốc nhưng lại là sự thật, Apple là một trong những "bậc thầy" trong việc thuyết phục người dùng "trải nghiệm" sản phẩm mới.
Chẳng hạn như khi Tim Cook giới thiệu về mẫu Apple Watch giá hơn 17.000 USD, ông liên tục sử dụng những câu nói như: "độc đáo đến mức không thể tin được", hay việc sở hữu chiếc đồ hồ này sẽ là "trải nghiệm đỉnh cao nhất mà bạn có thể đạt được."
Chiến thuật này đã giúp doanh thu của Apple Watch vượt ngoài mong đợi của giới chuyên gia, những người vẫn còn hoài nghi về các tính năng có phần "chưa đủ" của mẫu đồng hồ đắt tiền.
2. Bản sắc cá nhân
Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu đằng sau mỗi quyết định mua sắm: Củng cố bản sắc cá nhân.
Tương tự như việc người dùng đổ tiền vào các sản phẩm mang tính nghệ thuật để nâng cao hình ảnh bản thân, Apple cũng đã tạo ra một thương hiệu khuyến khích người dùng quyết định xuống tiền để gia nhập nhóm "Nghĩ khác biệt" - "Think Different".
Các đối tượng thường mặc cảm hay tự ti với người khác cũng là một phân khúc khách hàng tiềm năng của Apple, vì những chiếc iPhone mới chắc chắn sẽ giúp họ gia tăng sự tự tin, cảm thấy mình "hơn" người khác dù chỉ là một phần rất nhỏ.
Không những thế, việc iPhone ra mắt đều đặn sản phẩm mỗi năm với mức giá ngày một cao sẽ tạo nên cảm giác "đời sau luôn tốt hơn đời trước". Ảo giác này sẽ tiếp tục củng cố hình ảnh mà người dùng nghĩ rằng mình có được khi sở hữu một chiếc iPhone đời mới nhất.
3. Bản sắc xã hội
Theo các chuyên gia tâm lý xã hội, con người không ngừng đánh giá chính mình thông qua các nhóm xã hội mà họ thuộc về, một khi đã xác nhận được "đội nhóm", còn người sẽ nảy sinh thiện cảm với các thành viên cùng nhóm, và ngược lại, bắt đầu phát sinh ác cảm với "người ngoài".
Một khi người dùng đã gia nhập một nhóm, họ cũng sẽ "làm ngơ" với những khuyết điểm trong nhóm và xem những chỉ trích đối với cả nhóm không khác gì công kích cá nhân.
Đó chính là lý do các iFan luôn có lý do để giải thích về những "điểm kém" của sản phẩm Apple, đồng thời sẵn sàng đem những đặc điểm cá nhân ra để cãi nhau đối với người dùng Android.
Nói tóm lại, người cười vẫn cứ cười, người mua vẫn cứ mua, nhưng sau cùng kẻ chiến thắng chỉ có một, đó chính là "bậc thầy" Apple.
Theo Tri thức trẻ