Trong đó, vành đai 2 sẽ được ưu tiên tháo gỡ vướng mắc để sớm khép kín, hoàn thiện giao thông nội đô.
Vành đai 2 chỉ còn 14km nữa
Đối với nhiều người dân, tuyến đường vành đai 2 dài hơn 64km được kỳ vọng giải quyết ùn tắc, thúc đẩy liên kết vùng để phát triển kinh tế - xã hội.
Không chỉ vậy, đây cũng là tiền đề hoàn thiện hạ tầng cho TP Thủ Đức tạo đô thị thông minh, thu hút đầu tư. Tuy nhiên, hiện toàn tuyến vẫn còn 14km chưa hoàn thiện.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia giao thông nhận định các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4... đều đóng vai trò to lớn trong kết nối giao thông hoàn thiện mạng lưới giao thông liên vùng.
Do đó, việc chậm khép kín vành đai 2 sẽ gây ra nhiều hệ lụy to lớn. Trước hết, việc hoàn thiện đường sá nội đô TP.HCM chậm nên người dân đi lại vất vả. Nhiều đoạn và hạng mục thi công dang dở không đưa vào sử dụng được rất lãng phí.
Trước thực tế đó, chuyên gia cho rằng các đơn vị cần lên phương án sớm khép kín tuyến đường này, phát huy hiệu quả mạng lưới giao thông nội ngoại thành.
Chị Trương Thị Thanh Thủy - một người dân sống ở TP Thủ Đức - cho biết việc đi lại sẽ thuận tiện hơn, đời sống người dân ở dọc tuyến cũng có sự đổi thay. Vì vậy, chị rất mong chờ ngày tuyến đường vành đai 2 khép kín.
Ưu tiên khép kín vành đai 2
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đường vành đai 2 là một trong những dự án giao thông trọng điểm được TP.HCM rất quan tâm và sẽ ưu tiên tháo gỡ vướng mắc, sớm khép kín.
Vị này cho biết hiện các đoạn tuyến chưa được kết nối có chiều dài khoảng 14km (chia làm bốn đoạn). Cụ thể, đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội dài 3,5km, rộng 67m cho 6 làn xe.
Đoạn 2 từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,5km, rộng 67m cho 6 làn xe. Đối với 2 đoạn này, TP.HCM dự kiến trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp trong năm nay để khởi công dự án năm 2024.
Đoạn 3 dự án từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa đã triển khai thi công vào cuối tháng 12-2017, dài 2,7km, rộng 67m cho 6 làn xe. Dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng, chuyển giao) đang gặp vướng mắc.
Dự án đoạn 4 từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh) dài 5,3km, rộng 60m cho 6 làn xe vẫn chưa cân đối được vốn.
Do đó, để sớm đầu tư khép kín đường vành đai 2, Sở Giao thông vận tải cũng đã kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở và TP Thủ Đức khẩn trương làm các thủ tục pháp lý về đầu tư dự án và TP Thủ Đức cần sớm hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đoạn 3.
Đồng thời, kiến nghị UBND chỉ đạo các sở, ngành cùng giải quyết các vướng mắc, khó khăn để sớm hoàn thiện đối với dự án kết nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, quốc lộ 1.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã giao Sở Tài chính TP.HCM rà soát, tháo gỡ vướng mắc nguồn kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng của nhà đầu tư Văn Phú - Bắc Ái trong dự án xây dựng đường vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa).
UBND TP.HCM giao Sở Tài chính TP.HCM trong quý 2-2023 đề xuất hướng bố trí vốn dứt điểm bồi thường, hỗ trợ tái định cư một số trường hợp tồn đọng.
Còn đoạn vành đai 2 từ cầu Phú Hữu trên đường vành đai 2 phía Đông đến xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái) và đoạn kết nối từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng (bao gồm nút giao thông Phạm Văn Đồng - vành đai 2) chưa hoàn thiện kết nối.
Tại đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM phải chủ trì, phối hợp Sở Tài chính TP.HCM và Sở Giao thông vận tải rà soát nguồn vốn đầu tư, tham mưu UBND TP.HCM xem xét, quyết định.
Thu Dung – Châu Tuấn
https://tuoitre.vn/dan-mong-cho-som-khep-kin-vanh-dai-2-20230426094545536.htm?