"Nhà hùng biện lớn nhất của thế giới là sự thành công". Khi bạn thành công, tất cả những gì bạn nói đều là "khuôn vàng thước ngọc", và ngược lại.
Napoleon Bonaparte là một trong những vị tướng lĩnh vĩ đại nhất mọi thời đại với những chiến lược độc đáo trong nghệ thuật quân sự. Chính ông, sau cuộc Cách mạng Tư sản Pháp 1789 đã làm rung chuyển Châu Âu, chinh phục phần lớn lãnh thổ của lục địa này và mở ra một thời kỳ mới cho lịch sử nước Pháp. Nếu soi chiếu, sẽ thấy mỗi chiêu thức quân sự của ông ẩn chứa những bài học cuộc sống sâu sắc, hàm ẩn nguyên tắc cốt lõi trên đường thành công dành cho mỗi người, đặc biệt là những người đàn ông mang chí kinh bang tế thế. 6 đặc điểm dưới đây sẽ định vị chính xác, bạn là người có tài, hay chỉ là kẻ bất tài.
1. Phá vỡ những nguyên tắc và mở lối đi riêng
"Người đàn ông giống như những con số. Họ chỉ đạt được giá trị bằng vị trí của họ" (Napoleon)
Nếu mãi quẩn quanh, thỏa mãn trong vùng an toàn của chính bạn, thì mãi mãi bạn chẳng bao giờ tạo nên sự đột phá, khác biệt, hay gặt trái ngọt gọi là thành công vang dội.
Hãy nhìn vào cuộc đời nhà thiên tài quân sự Napoleon, để đạt tới vị trí số một nước Pháp, ông đã phá hủy những nguyên tắc cơ bản của nền Cộng hòa, tự phong mình là hoàng đế và thâu tóm quyền hành đối với quân đội. Vứt bỏ chế định tách biệt nhà nước khỏi quân đội, Napoleon đã hợp nhất hai quyền lực lãnh đạo đó, biến các tổ chức thành một cỗ máy hoạt động duy nhất, nhất quán dưới sự chỉ đạo và định hướng của ông. Bằng cách đó, ông đã đưa nước Pháp trở thành một cường quốc quân sự tại Châu Âu, khiến bất cứ đội quân nào cũng phải kiêng nể, sợ hãi.
Rõ ràng, người muốn thành công phải tạo ra sự khác biệt. Bạn chỉ có thể phát triển nếu bạn sẵn sàng chấp nhận thử thách, dám dấn thân và dám thay đổi. Thực chất, thành công và việc bước ra khỏi vùng an toàn, dũng cảm làm những điều khác biệt, rất giống nhau. Chắc chắn, thành công sẽ đến với những ai có động lực làm những điều mới lạ, không đi theo lối mòn, tư duy cũ kỹ.
Napoleon - Hoàng đế vĩ đại làm thay đổi lịch sử nước Pháp và thế giới
2. Đừng hài lòng với chính mình
Đừng bao giờ an phận với những thứ "vừa đủ" mà bạn cho là tốt nhất. Bởi hôm nay, bạn có thể đang là số 1, nhưng ngày mai, vị trí ấy sẽ phải nhường lại cho người khác. Trong khi bạn đang ngật ngừ với say men chiến thắng, thì người ta đã vận động, biến đổi, đuổi kịp và vượt mặt bạn lúc nào chẳng hay. Điều này có nghĩa, nỗ lực, sự quyết tâm, ý chí kiên cường của bạn không được phép dừng lại, từ thành công phải tạo ra thành công hơn nữa.
Nhìn vào sự nghiệp lẫy lừng của Napoleon, có thể thấy, từ một sĩ quan cấp thấp trong quân đội Pháp, ông bước lên ngai vàng bằng sự quyết đoán, mưu lược, không e dè trước các thế lực chống đối trong và ngoài nước Pháp. Ông đã dấn thân vào một lý tưởng đưa nước Pháp trở thành một cường quốc thịnh vượng, một mình đối nghịch với châu Âu.
Tính cách quyết liệt, không bao giờ lùi bước của ông được thể hiện qua câu nói kinh điển: "Phải muốn sống và biết cách chết", nghĩa là làm bất cứ thứ gì cũng phải với tinh thần "tận hiến", quyết liệt hết mình. Ông gieo cho binh sĩ niềm kiêu hãnh của một đội quân bất khả chiến bại: "Binh sĩ của ta phải mang trong mình lòng kiêu hãnh Pháp, biểu tượng của tôn nhiêm, quân kỷ. Đó là sức mạnh khiến mọi đối thủ phải tôn trọng, thuần phục". Ông không chỉ khích lệ chính mình mà còn có khả năng truyền cảm hứng, truyền tinh thần chiến đấu, khích lệ những người cấp dưới tiến lên phía trước dù bản thân họ đã là đội quân mạnh nhất thời điểm đó.
3. Cẩn trọng với lời nói
Napoleon luôn cẩn trọng với những phát ngôn của mình và luôn suy xét những điều mình nghe thấy "Bạn cần phải thấy hết, nghe hết và quên hết. Ông khuyến cáo: "Hãy tuyệt đối cẩn trọng với lời hứa. Cách tốt nhất để giữ lời hứa là đừng bao giờ hứa". Đó là nguyên tắc cốt lõi mà Napoleon đã thu phục được lòng tin tưởng từ quân đội. Vì vậy, họ sẵn sằng chiến đấu trung thành đến chết cùng ông.
Hơn nữa, đối với hạ cấp, ông cũng khuyên tránh nghe những lời xu nịnh, kẻo rước họa vào thân. "Người nào biết xu nịnh thì cũng biết vu khống", lời nịnh hót còn nguy hại hơn kẻ thù trên mặt trận. Theo ông, lời nói luôn phải cất lên đúng chỗ và thời điểm, không những vậy đó phải là những lời công chính. Ông cắt nghĩa: "thế giới đã chịu nhiều tổn thất rất lớn. Không phải từ sự tàn ác của những người xấu mà là vì sự im lặng của những người tốt"
Dĩ nhiên, sự nịnh hót cũng là bạn đồng hành của lời dối trá: "Lời nói dối chẳng làm được trò trống gì vì nó chỉ đánh lừa được một lần".
Thân là đàn ông, không thể tùy tiện hứa hẹn, thề thốt. Bởi những lời nói trong cơn bốc đồng sẽ qua rất nhanh, thứ cuối cùng còn lại là nỗi ê chề khi bạn không có khả năng thực hiện. Chẳng hay ho gì nếu trong mắt người khác, bạn chỉ là kẻ hứa lèo chỉ biết nói những lời dối trá.
Napoleon trực tiếp chỉ huy trận đánh trên cầu Lodi
4. Ý chí không lùi bước, chiến thắng thuộc về người bền chí nhất
Ông nói:" Tôi có thể thất bại một trận đánh, nhưng tôi sẽ chiến thắng cả một cuộc chiến tranh"
Trong hành trình sống, không phải lúc nào bạn cũng đúng, cũng mạnh, cũng thuận buồm xuôi gió. Chắc chắn, càng trải nghiệm, càng đi về phía trước, khó khăn, vấp ngã, sai lầm sẽ càng nhiều. Nhưng, quan trọng nhất là sau những cú sẩy chân ấy, bạn không dừng lại, không quay đầu. Hãy chấp nhận những sai lầm ấy một cách nhanh chóng và rút kinh nghiệm cho những cuộc viễn chinh, đổi mới khác. Chính những thất bại của bản thân là bài học giá trị bạn cần học hỏi.
Trước thất bại, đừng sợ hãi. Hãy giữ cho mình tinh thần học hỏi không ngừng vì thế giới này là vô cùng rộng lớn, lúc nào cũng có những kiến thức mới để chúng ta học hỏi. Hãy trao đổi ý kiến với mọi người trong công ty, thậm chí là những người ngoài công ty. Học hỏi từ khách hàng, đối thủ cạnh tranh và các đối tác. Nếu bạn hợp tác với một người nào đó mà bạn không thích, hãy học cách làm thế nào để thích họ - ca ngợi họ và hưởng lợi từ họ. Học cách phê phán kẻ thù của bạn một cách cởi mở, nhưng trung thực.
Nhìn vào Napoleon Bonaparte, nhận thấy ông đã có sự phấn đấu miệt mài từ tuổi ấu thơ đầy gian truân cho đến khi đăng quang hoàng đế. Ông đã chiến đấu hết mình cho lý tưởng và nước Pháp. Ông có một câu nói bất hủ: "Chiến thắng thuộc về người bền chí nhất".
5. Làm chủ cảm xúc
Napoleon từng viết: "Một nhà lãnh đạo luôn sai lầm nếu nói chuyện trong giận dữ". Cơn giận dữ đôi khi sẽ bóp méo đi lý trí của bạn, làm bạn đưa đến những quyết định sai lầm. Đây là điều vô cùng nguy hại đối với một người lãnh đạo nói riêng và chúng ta nói chung. Để cảm xúc chi phối công việc sẽ khiến bạn phân tán sự tập trung trong việc phân tích cặn kẽ vấn đề mà mình đối diện.
Lý trí là cái mà bạn có thể nhận thức được nhưng bên cạnh đó, một phần rất quan trọng quyết định đến cuộc sống của bạn đó chính là cảm xúc.
Đôi khi bạn không hành động theo lý trí mà lại theo cảm xúc. Những cảm xúc tích cực có thể giúp bạn lạc quan và hạnh phúc trong cuộc sống nhưng có những cảm xúc tiêu cực có thể dễ dàng phá hủy đi những mối quan hệ xung quanh, và đôi khi tổn thương chính bản thân bạn.
Đối nghịch với cơn giận dữ là niềm vui quá trớn. Những quyết định đưa ra trong cơn hưng cảm thường sẽ khiến bạn ân hận sau này, bởi nó thường gắn với sự viển vông, xa rời thực tế. Do đó, hãy làm chủ cảm xúc của mình. Hãy cảm nhận mọi vấn đề bằng trái tim nóng, nhưng quyết định chúng bằng cái đầu lạnh.
6. Coi trọng kết quả của quá trình hơn là lời nói
"Nhà hùng biện lớn nhất của thế giới là sự thành công"(Napoleon)
Napoleon đạt được những thành quả to lớn, được quân đội và nhân dân tin tưởng là do sự quả cảm, can trường của mình trong chiến trận chứ không phải ông là một chính khách hùng biện. Ông vừa là một quân nhân, vừa là một vị vua trực tiếp tham chiến trên trận địa, đánh bại những thế lực lớn mạnh.
Ông sinh ra để lãnh đạo và chiến đấu. Nên ông không chỉ lãnh đạo quân đội mình chỉ bằng lời nói mà ông là một người của hành động. Ông tích cực "thực chiến", bắt tay gây dựng, kiến tạo nền tảng làm cơ sở phát triển hệ thống lâu dài, chứ không phải hô hào khẩu hiệu qua những lời nói suông, những quyết tâm mang nặng tính lý thuyết. Như việc ông sẵn sàng xuống ngựa để hành quân cùng binh sĩ nhằm cổ động sĩ khí cho toàn quân. Cái khí phách không chùn bước của Napoleon luôn theo ông từ chiến dịch vây hãm Toulon đến trận thất thủ Waterloo.
Cuộc sống hôm nay càng ngày càng khắc nghiệt, căng thẳng như trong một vòng đua nước rút vậy. Điều quan trọng là phải tự mình học được cách đối mặt với những thử thách trong cuộc sống, lấy đó làm động lực rèn luyện bản thân ngày càng vững vàng, trưởng thành trước sóng gió để về đích nhanh nhất có thể. Với một tâm thế sẵn sàng, luôn tự tin vào khả năng vượt qua của mình, ắt hẳn bạn sẽ thấy nhẹ nhàng hơn nhiều và dễ dàng tìm ra cách để giải quyết những vấn đề khó khăn đó.
Kết quả cuối cùng chính là câu trả lời hoàn hảo nhất cho những hành động trước đó. Nên nhớ, những lời tuyên thệ không thể mang lại kết quả tốt nếu bạn chẳng chịu lăn xả, làm bất cứ việc gì. Kết quả cuối cùng mơi đích thực có giá trị hơn vạn ngàn lời nói.
Ngọc Tú
Theo Trí Thức Trẻ