Dân tộc cần lắm doanh nhân, dĩ nhiên là: Doanh nhân sinh lợi, chứ không phải doanh nhân cụt vốn. Doanh nhân phụng sự xã hội, chứ không phải doanh nhân chỉ thu vén vào túi mình.
Doanh nhân có tâm, tầm, tài, chứ không phải doanh nhân vô đạo, lọ mọ, “gà què ăn quẩn cối xay". Doanh nhân buôn bán, dịch vụ cần nhiều, nhưng doanh nhân tổ chức sản xuất cũng cần lắm. Chỉ như thế quốc gia mới hùng cường, thịnh vượng.
Ngày xưa, cụ Thân Nhân Trung viết rằng: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. Người hiền tài là người vừa tài giỏi, vừa có đạo đức. Người hiền tài không chỉ là sĩ phu, là nhà hoạt động cách mạng xã hội, là anh hùng chống giặc ngoại xâm, là nhà khoa học, là nhà nghiên cứu xã hội và nhân văn... mà còn là nhà doanh nghiệp, là doanh nhân phụng sự xã hội.
Từ điển Tiếng Việt – Viện Ngôn Ngữ - Nhà XB Đà Nẵng năm 2001 giải nghĩa từ Doanh gia là: “Nhà doanh nghiệp, người kinh doanh lớn”. Còn Doanh nhân là: Người làm nghề kinh doanh”. Và “Kinh doanh” là: “Tổ chức việc sản xuất, buôn bán, dịch vụ nhằm mục đích sinh lợi”. Như vậy, doanh gia, hay nhà doanh nghiệp, hoặc doanh nhân thì cũng đều “nhằm mục đích sinh lợi”. Nếu triết tự theo ý nghĩa sinh khởi: Cá nhân có sinh lợi, thì gia đình sinh lợi, quốc gia cũng sinh lợi. Bởi cá nhân là thành viên trong tổ hợp gia đình, mà gia đình là tế bào xã hội. Mỗi cá nhân tốt, gia đình tốt thì xã hội cũng tốt. Tuy nhiên, thời đại mới tư duy mới, nhận thức mới thì doanh nhân không chỉ kinh doanh để thu lợi nhuận mà còn phải... phụng sự xã hội.
Doanh nhân không phụng sự xã hội trước hết là bởi doanh nhân tồi, ích kỉ, chỉ biết bo bo sống đời sống cá nhân; nhưng sau đó còn là do xã hội tước đoạt nghĩa vụ phụng sự của doanh nhân. Bằng chứng là thời phong kiến “trọng nông khinh thương”, thì nhà buôn lấy đất đâu mà dụng võ? Xã hội có 4 tầng lớp dân cơ bản: Sĩ - Nông - Công - Thương”, thì công nghiệp xếp thứ ba, thương nghiệp xếp cuối cùng bậc thang giá trị. Xã hội tự sướng với triết lý: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Nhất và nhì... hết sĩ lại đến nông soán ngôi nhau, nên công - thương chẳng bao giờ được nhắc đến.
Không biết từ bao giờ, người đời gắn từ “nhà” với một lĩnh vực hoạt động nghiên cứu sáng tạo, gắn với nghề nghiệp đạt đến một trình độ nhất định, để tôn vinh, để ngưỡng mộ: Nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà khoa học, nhà quân sự, nhà toán học, nhà triết học, nhà sư, nhưng ít khi gọi... nhà buôn hay thương gia, mà lại gọi là... con buôn. Cả xã hội phong kiến kì thị, coi thường thương gia. Nói đến người hoạt động thương mại là người đời nghĩ đầy định kiến là gian lận, giả dối, lừa đảo, chứ không hiểu được ít nhất họ là cũng mang hàng hóa từ chỗ thừa đến chỗ thiếu, cân bằng tương đối nhu cầu tiêu dùng.
Chỉ đến nhà cách mạng, nhà kinh doanh Lương Văn Can viết trong cuốn “Thương học phương châm” mới có cái nhìn rất mới về thương mại và khoa học thương mại là: “Cổ nhân thường khinh sự buôn bán là mạt nghệ, bởi vì người đời xưa trọng đạo đức mà khinh công lợi… Bấy giờ các đại quốc do thông thương mà làm được phú cường, các nhà đại tư bản do kinh thương mà phú gia địch quốc”.
Sau này, lại có một thời “thương” gần như biến mất, mà “công – nông – binh” mới là lực lượng nòng cốt, là thành phần chủ yếu của xã hội. Mỹ học thời kỳ ấy không đề cập đến cái đẹp của doanh nhân. Hình ảnh doanh nhân không được văn học, nghệ thuật để mắt đến, và tôn vinh. Nếu có, hình ảnh doanh nhân không phải là những người thiện lành, tử tế, có nhiều cống hiến, đóng góp cho xã hội, mà lại là hình ảnh tiêu cực... con buôn.
Ngoài xã hội và cả văn chương nghệ thuật đánh đồng doanh nhân và con buôn vào cùng khái niệm để phê phán, đả kích. Càng tìm, càng hư cấu thói hư tật xấu của doanh nhân – con buôn bao nhiêu càng được hoan nghênh, khuyến khích bấy nhiêu. Cho nên có những nhà buôn tán gia bại sản bởi sự kì thị của xã hội, lại cộng với cái nhìn cay nghiệt của văn học, nghệ thuật tuyên truyền.
Xã hội có nhiều thành phần kinh tế, nhưng không khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển. Một bầu khí quyển nghẹt thở như thế, thì doanh nhân làm sao mà hít thở, làm sao mà sản xuất, kinh doanh thu lợi nhuận? Không thu được lợi nhuận thì lấy gì... phụng sự xã hội? Dân không giàu thì nước không mạnh. Không lợi nhuận, không giàu có, không phục sự xã hội, thì quốc gia Việt Nam làm sao thịnh vượng? Mà thịnh vượng là “trạng thái đang phát đạt, giàu có lên”.
Lịch sử thế giới là lịch sử của nhân dân. Nhân dân lại không thể thiếu “những người khổng lồ” là các nhà cách mạng xã hội, các nhà phát minh, sáng chế, nhà sáng tạo, và nhà kinh tế. Thế giới có những: Lev Tolstoy, Pablo Picasso, Ludwig Beethoven, Michelangelo, Leonardo de Vinci, hay Bach... làm rạng rỡ đời sống tinh thần nhân loại, hay những nhà khoa học Albert Einstein, Isaac Newton, Mikhail Lomonosov, Stephen Hawking...vv làm giàu có trí tuệ, tri thức, sáng tạo thay đổi thế giới khoa học kỹ thuật của nhân loại.
Nhưng, thế giới cũng sẽ chậm chân, nghèo đói biết bao nếu không có những nhà doanh nghiệp ứng dụng các tiến bộ khoa học thành sản phẩm hàng hóa như John D. Rockefeller - vua dầu hỏa, Henry Ford là người sáng lập Công ty Ford Motor, Bill Gates chủ tịch tập đoàn Microsoft, Steve Jobs - Chủ tịch hãng Apple; Jeff Bezos - CEO Amazon, hay Warren Buffett - chủ tịch kiêm CEO của công ty đầu tư Berkshire Hathaway...và nhiều doanh nhân khác?
Ở Việt Nam, đầu thế kỷ 20, nếu không có Vua đường thủy Bạch Thái Bưởi, ông tổ nghề sơn Nguyễn Sơn Hà, anh hùng vô đối xà bông Cô Ba của Trương Văn Bền; rồi doanh nhân bất động sản Hứa Bổn Hòa, các nhà tư sản dân tộc như: Ngô Tử Hạ, Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện... trên lĩnh lực sản xuất kinh doanh, người Việt dùng hàng Việt, thì còn mặc cảm nhược tiểu, tự ti dân tộc biết nhường nào.
Sự thật lịch sử thì Công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 của thực dân Pháp đã bòn rút bao nhiêu tài nguyên khoáng sản, sức người sức của người Việt Nam, nhưng cũng tạo ra một tầng lớp doanh nhân Việt phát triển khá đông đảo và tích tụ vốn, tri thức, kinh nghiệm kinh doanh. Dần dần từng bước cạnh tranh quyết liệt với tư bản nước ngoài. Không chỉ sinh lợi, doanh nhân Việt còn hành động yêu nước như Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Quyền, Nguyễn Sơn Hà...
Có thể nói rằng: Trừ các nhà doanh nghiệp mang phẩm chất tư sản mại bản ra, thì doanh nhân Việt thời thuộc Pháp không hổ danh con Lạc cháu Hồng, đầy lòng tự hào dân tộc. Doanh nhân Bạch Thái Bưởi mua lại các con tàu từ đối thủ nước ngoài rồi “thay tên đổi họ” đặt những cái tên thuần Việt đầy lòng tự hào như: Hồng Bàng, Lạc Long, Trưng Trắc, Lê Lợi, Đinh Tiên Hoàng, Hàm Nghi.
Doanh nhân Bạch Thái Bưởi chủ trương hợp tác kinh tế với người Pháp, cạnh tranh với người Hoa bằng tinh thần dân tộc và nhân văn. Ông phát động phong trào thực nghiệp cổ suý chỉ cốt người dân cùng làm giàu "vì dân giàu thì nước mới giàu”. Đất nước độc lập, người dân tự do là có những nhà cách mạng xã hội. Dân giàu quốc gia thịnh vượng thì phải có những người như doanh nhân Bạch Thái Bưởi... chứ còn ai nữa?
Những giá trị mà đội ngũ doanh nhân đầu thế kỷ 20 tạo dựng còn được nuôi dưỡng và phát huy tác dụng ở Tuần lễ Vàng trong những ngày tháng đầu của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ.
Vợ chồng doanh nhân Nguyễn Sơn Hà ủng hộ 105 lạng vàng. Trước đó, ông bà dùng toàn bộ thóc lúa thu được từ 200 mẫu ruộng ở Kim Môn, Hải Dương chở về Hải Phòng xay sát; tổ chức nấu cháo mang đến 7 điểm trong thành phố phát chẩn cứu người sắp chết đói; ủng hộ quỹ Ủy ban tổng khởi nghĩa 2 vạn đồng Đông dương, góp quỹ cho Chính phủ đón kiều bào Pháp 2,5 vạn đồng, quy đổi thành vàng khoảng 2000 lạng.
Doanh nhân Trịnh Văn Bô ủng hộ 5.147 lạng vàng. Doanh nhân Đỗ Đình Thiện ủng hộ “Quỹ Độc lập” 10 vạn đồng và 100 lạng trong "Tuần lễ vàng". Doanh nhân Nguyễn Thị Lãm (bà Tam Kỳ) chủ hiệu vải ở Hàng Đào xếp 300 lạng vàng vào hộp bánh ủng hộ ngân quỹ quốc gia. Doanh nhân Vương Thị Lai - chủ hiệu buôn Lợi Quyền ở phố Hàng Ngang ủng hộ 109 lạng vàng.
Còn nhiều doanh nhân khác như Ngô Tử Hạ, Tống Minh Phương... cũng không tiếc của nả, tiền bạc ủng hộ ngân quỹ quốc gia. Các đóng góp ấy rất có giá trị trong lúc đất nước vừa độc lập, chính quyền non trẻ đứng trước những thử thách: Ngân khố quốc gia chỉ còn hơn 1 triệu đồng bạc Đông Dương, trong đó gần một nửa là tiền rách; và phải đối phó với: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Không phải “của một đồng, công một nén” nữa, mà của hàng trăm hàng ngàn lạng vàng và công cũng tương xứng, thực sự hữu ích giúp chính phủ, nhân dân bước qua những khó khăn thử thách ban đầu.
Lịch sử xã hội loài người dù có quanh co thì cũng theo chiều hướng phát triển. Kinh tế lúc trầy lúc trật thì cũng theo hướng đi lên. Đi lên bởi xã hội đổi mới, nên kinh tế cũng thay đổi. Từ ngày 13 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Công thương Việt Nam: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Cụ Hồ cũng xác định những người làm công thương là một giới, là một tầng lớp và bày tỏ sự quan tâm: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này”.
Nhưng phải đến năm 1986, công cuộc đổi mới trên mọi mặt xã hội Việt Nam như một luồng gió mới mang không khí trong lành ào ạt thổi đến thì lần đầu tiên tầng lớp doanh nhân được trả lại đúng vị trí xứng đáng đáng lẽ ra phải được hưởng, được đứng vững chắc ở đó cả ngàn năm. Sự có mặt của tầng lớp doanh nhân như một lực lượng không thể thiếu, hình thành cơ cấu xã hội, với những mối quan hệ, tầm nhìn, tác phong, lối sống, hệ giá trị mới.
Viết đến đây, tôi lại nhớ đến Nhà phát minh sáng chế - Thương nhân người Mỹ Thomas Edison - người đầu tiên đưa nguyên tắc sản xuất hàng hóa hàng loạt và quy mô lao động tập thể lớn vào quá trình sáng tạo. Ông nói rằng: “Cái gì không bán được thì tôi không muốn sáng chế. Doanh số là bằng chứng về tính hữu dụng, và tính hữu dụng là thành công”. Tôi cũng nhớ đến câu nói nổi tiếng của Nhà kinh tế học Milton Friedman viết từ nửa thế kỉ trước: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là tăng lợi nhuận”.
Song, thời đại cách mạng khoa học công nghệ, văn minh nhân loại thì tăng lợi nhuận chưa đủ, mà còn phải có trách nhiệm với con người, với hành tinh. Giàu cho mình và giàu cho xã hội, cho nhân loại mới là cái đích đáng nhất. Có đáng tôn vinh không, khi doanh nghiệp mà doanh nhân làm chủ hàng ngày hàng giờ xả làm ô nhiễm môi trường sống của nhân dân. Không gian xanh sạch đẹp, không khí trong lành của doanh nghiệp vừa là chất lượng sản xuất, chất lượng cuộc sống, góp phần làm cho đất nước tươi đẹp, dân tộc hùng cường. Có bao nhiêu doanh nhân nhận ra được điều này?
Đã qua rồi, thời tư bản hoang dã đẫm máu, các nhà tư sản không từ thủ đoạn gì, miễn là kiếm được nhiều tiền. Đã qua rồi, thời người tiêu dùng không còn sự lựa chọn, có gì dùng nấy, có gì mua nấy. Đã qua rồi thời doanh nhân chỉ làm hai việc: Một là, xã hội thiếu hàng hóa nào thì sản xuất hàng hóa đó; hai là, nhận dạng hàng hóa để đem từ nơi thừa đến nơi thiếu bán. Bây giờ, doanh nhân còn phải đạt ở trình độ cao hơn là... hướng dẫn xã hội tiêu dùng hàng hóa ở công năng và vẻ đẹp của sản phẩm. Hàng hóa thời trang và đồ dùng cao cấp là một ví dụ sinh động.
Đất nước đang trên đường đi tới văn minh giàu đẹp, hùng cường, thịnh vượng. Chúng ta có nhiều tướng lĩnh dầy dạn trận mạc và anh hùng trong chiến tranh, có những nghệ sĩ như Đặng Thái Sơn đoạt Giải thưởng âm nhạc Sopanh danh giá, nhiều nhà khoa học như Ngô Bảo Châu đoạt Giải thưởng Toán học Fields...
Nhưng cũng có nhiều doanh nhân tỷ phú đô la đang lặng thầm làm giàu cho mình và mang công ăn việc làm cho người lao động. Giả sử cất béng ông Phạm Nhật Vượng giàu nhất Việt Nam đi, cứ như Tập đoàn Vingroup chưa tồn tại trên đời; tương tự với bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet Air, ông Hồ Hùng Anh (Techcombank), ông Trần Bá Dương (Thaco), Vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ, Vua cao su Đào Nguyên Đức, Vua thép Trần Đình Long (Hòa Phát),... và nhiều doanh nhân giàu có khác, thì bức tranh kinh tế nước Việt Nam sẽ ra sao? Doanh nhân có tâm có tầm có tài, giàu có, thành đạt trở thành mục tiêu, khát vọng của xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
Các cụ ngày xưa nói: “Gà que ăn quẩn cối xay”. Còn Khổng Tử bảo: “Không lo xa ất có nỗi ưu phiền gần”. Không thế cứ loanh quanh với cái ao tù làng xã. Doanh nhân lớn không chỉ là nhà sinh lợi “mẹ con nhà lưả, đóng cửa bảo nhau”, mà phải khai phóng, có tư duy và tầm nhìn quốc gia và nhân loại. Thế giới có những doanh nghiệp như: Hyundai, Samsung của Hàn Quốc; Toyota, Hitachi, Misubitshi của Nhật Bản… làm rạng rỡ quốc gia. Hay các thương hiệu Mercedes của Liên bang Đức, Ford, Apples với quả táo khuyết và Microsoft của Mỹ, Alibaba của Jack Ma ở Trung Quốc... như là niềm tự hào của đất nước.
Chỉ khi nào các doanh nhân Việt tầm nhìn và hoạt động sản xuất kinh doanh vượt biên giới hình chữ S, chinh phục nhân loại bằng các thương hiệu thuần Việt, thì quốc gia khi đó mới thực sự hùng cường, thịnh vượng.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh
Theo TheLeader