Có mặt trên thị trường BĐS Hà Nội từ năm 2003, song tới nay, tên tuổi ông Tô Như Toàn mới thực sự được nhiều người biết đến. Vừa đưa doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, đại gia BĐS này đã vượt qua nhiều bậc 'đàn anh', như 'sếp lớn' Kido Trần Lệ Nguyên, nữ chủ tịch Vàng bạc đá quý PNJ Cao Thị Ngọc Dung hay sếp Kinh Bắc (KBC) Đặng Thành Tâm.
Ông Tô Như Toàn sinh năm 1971, là một kiến trúc sư và Tiến sĩ Quản trị kinh doanh. Là một đại gia BĐS kín tiếng tại Thủ đô, vị chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Văn Phú – Invest (VPI) đang sở hữu 25% cổ phần VPI và nắm hơn 40% tại THG Holdings. Công ty THG Holdings hiện là cổ đông lớn sở hữu 23,44% vốn điều lệ của VPI.
Ngay trước thềm niêm yết, VPI đã gây xôn xao thị trường về quy mô vốn của doanh nghiệp có sự tăng trưởng đột biến nhờ các đợt tăng vốn dồn dập thời gian gần đây. Trong vòng 3 tháng trước ngày lên sàn, Văn Phú – Invest đã tăng vốn nhanh chóng từ 262 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng, gấp 6 lần.
Tổng giá tài sản ước tính của ông Tô Như Toàn đạt 1.969 tỷ đồng, và có thể tăng lên vị trí thứ 22 trong bảng xếp hạng người giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Việc đưa Văn Phú – Invest lên sàn niêm yết không những đưa ông Toàn lọt danh sách tỷ phú “nghìn tỷ”, mà với giá trị tài sản trên sàn chứng khoán, ông Toàn còn vượt qua nhiều tên tuổi lừng danh thị trường chứng khoán như “sếp lớn” Kido Trần Lệ Nguyên, chủ tịch doanh nghiệp vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Cao Thị Ngọc Dung hay sếp Kinh Bắc (KBC) Đặng Thành Tâm.
Từ khu đô thị “nổ bom” tới dự án đất vàng
Trước đó, ông Toàn làm tại chi nhánh của một công ty nhà nước là Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Quảng Ninh tại Hà Nội. Sau khi công ty này tiến hành cổ phần hóa, Văn Phú – Invest ra đời với dự án đầu tiên là KĐT mới Văn Phú tại Hà Đông – một trong những dự án BĐS “nóng” nhất thời kỳ 2007-2010. Khi đó (khoảng năm 2010), giá đất nền khu đô thị này lên tới 50-55 triệu đồng/m2 và giá căn hộ từ 19-25 triệu đồng/m2.
Nhưng, sau cơn sốt, KĐT Văn Phú vắng lặng. Hàng nghìn căn liền kề, biệt thự đã hoàn thiện mặt ngoài bị bỏ hoang, không bóng người ở. Thời điểm đó, không ít người đi ngang qua bắt gặp cảnh biệt thự để nuôi gà hay cho thuê làm đồng nát. Chính vì thế, cách đây không lâu, một vụ nổ bom hy hữu gây thiệt mạng nhiều người xảy ra tại khu đô thị này. Dự án cũng gặp không ít tai tiếng liên quan đến việc kinh doanh, liên quan đến khiếu nại của khách hàng,…
KĐT Văn Phú nổi tiếng vì vụ nổ bom hy hữu cách đây không lâu
Năm 2015, Văn Phú – Invest thâu tóm khu “đất vàng” tại Giảng Võ. Bỏ ra gần 644 tỷ đồng để xây dựng Đại học Y tế cộng đồng mới ) tại phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đổi lại, Văn Phú – Invest sẽ là chủ đầu tư triển khai dự án trên khu đất được đánh giá là “kim cương” tại mặt tiền số 138B đường Giảng Võ.
Dự án Giảng Võ cũng không phải là dự án đầu tiên mà Văn Phú – Invest đầu tư theo hình thức BT, mà trước đó, hàng loạt dự án BĐS khác cũng được đại gia địa ốc này triển khai, đặc biệt trong năm 2011.
Nổi tiếng nhưng cũng không ít tai tiếng, vụ việc lùm xùm tại dự án chung cư Home City do Văn Phú – Invest làm chủ đầu tư diễn ra suốt thời gian dài, khi dự án này đi vào bàn giao cho dân vào ở, trong đó nóng nhất là về đường đi của cư dân ở tòa nhà. Rất nhiều cuộc tụ tập đông người của hàng trăm cư dân Home City đã diễn ra bày tỏ thái độ bức xúc, thậm chí xuống đường căng băng rôn để phản đối chủ đầu tư “đóng” lối đi từ chung cư ra phố Trung Kính.
Bức xúc của cư dân Home City
Âm thầm thâu tóm dự án
Báo cáo bạch của Văn Phú – Invest cho thấy công ty đã sử dụng nhiều phương thức khác nhau để tích lũy quỹ đất, như tự lập dự án, thâu tóm dự án hoặc liên danh và hợp tác đầu tư.
Dự án Grandeur Palace – Mỹ Đình với 970 căn hộ được xây dựng tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội là do Văn Phú – Invest hợp tác với nhà đầu tư khác thực hiện với tổng vốn đầu tư 3.760 tỷ đồng. Một dự án hợp tác đầu tư khác là khu căn hộ dịch vụ và khách sạn với 200 căn được xây dựng trên bán đảo Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Công ty đã lặng lẽ mở rộng quỹ đất thông qua thâu tóm dự án từ năm 2010. Cụ thể, Văn Phú – Invest đã trả 162 tỷ đồng để mua khu đất 4.967m2 tại Thảo Điền, Quận 2, TP.HCM từ Công ty TNHH Xây dựng Thế Minh và nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cuối năm 2010.
Tuy nhiên, lãnh đạo Văn Phú – Invest tiết lộ sẽ không tiếp tục theo đuổi dự án này mà đã ký hợp đồng nguyên tắc bán cho Công ty CP bất động sản SIC với giá trị chuyển nhượng 191 tỷ đồng, trong đó bên mua đã đặt cọc 35 tỷ đồng.
Ngoài ra, Văn Phú – Invest đã mua dự án tổ hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp An Hưng với diện tích đất 35.574m2 từ Công ty CP Đầu tư Đô thị An Hưng với tổng giá trị chuyển nhượng 747 tỷ đồng.
- Thanh tra xây dựng phát hiện loạt vấn đề tại công trình của Văn Phú Invest
- Thấy gì trong thương vụ Văn Phú Invest thâu tóm “đất vàng” Hào Nam với giá bèo
- Chủ tịch Văn Phú Invest lọt danh sách tỷ phú ‘nghìn tỷ’
Theo Nam Hải/Vietnamnet