WeWork được định giá 20 tỷ USD, hiện đã có mặt tại 23 quốc gia, 77 thành phố trên thế giới. Hiện WeWork đã có 287 địa điểm trên toàn cầu.
Tại Đông Nam Á, WeWork có 9 địa điểm. Tại Indonesia, startup này cũng có 3 địa điểm. Và Việt Nam là thị trường kế tiếp của WeWork tại thị trường Đông Nam Á, sau Indonesia. Trong thời gian tới, startup này sẽ hiện diện tại Bangkok, Manila...
Dưới đây là chia sẻ của ông Turochas Fuad, Giám đốc Điều hành WeWork, tại Đông Nam Á, tại sự kiện WeWork ra mắt ở TPHCM.
- Chào ông, ông có thể chia sẻ lý do Việt Nam sau khi đã tiến vào thị trường Singapore và Indonesia?
- Thứ nhất, chúng tôi tin rằng Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. 35% dân số Việt Nam là thế hệ thiên niên kỷ. Việt Nam đang thực sự hướng đến kỷ nguyên có sự thay đổi trong lực lượng lao động.
Thứ hai, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm về công nghệ thông tin. Theo con số mà chúng tôi có, năm 2016-2017, Việt Nam xuất khẩu công nghệ thông tin cao hơn cả Thái Lan và Ấn độ, với tổng giá trị xuất khẩu hơn 30 tỷ đô la Mỹ.
Chúng tôi muốn tham gia vào hệ sinh thái đang phát triển ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam ủng hộ rất nhiều, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam.
- Ông có thể cho biết mức giá thuê địa điểm để làm coworking space ở thị trường Việt Nam?
- Khi vào Việt Nam, chúng tôi tìm hiểu thị trường, và các địa điểm mà chúng tôi muốn thuê. Chúng tôi thích tòa nhà E-town vì dễ dàng tiếp cận với quận 1 và quận 2. Tòa nhà này là một trong số 4-5 tòa được chứng nhận về môi trường. Chúng tôi không chỉ tạo không gian làm việc, tạo chỗ ngồi mà là sự kết nối giữa thành viên WeWork ở Việt Nam với toàn thế giới và thế giới với Việt Nam.
Giá thuê địa điểm để tạo ra Wework tại Việt Nam sẽ rẻ hơn ở Singapore nhưng đắt hơn ở một số nước khác ở Đông Nam Á.
Tôi nghĩ rằng thể hiện cái cầu của thị trường. Với chúng tôi, không chỉ là giá là thách thức mà chúng tôi quan trọng là làm việc với các chủ bất động sản để cung cấp giá phù hợp cho khách hàng. Cuối cùng là chúng tôi muốn trao quyền cho các thành viên của chúng tôi, thay đổi cách thức họ làm việc, làm thế nào để họ có thể kết nối được với người khác.
- Theo tôi được biết, giá thuê 1 chỗ ngồi ở khu không gian chung ở một số coworking ở Việt Nam cho freelancer vào khoảng 2 triệu đồng/tháng. Vậy ở phía WeWork thì sao?
- Giá thuê cũng chúng tôi cũng rất cạnh tranh. Giá 1 chỗ ngồi cho freelancer ở không gian chung, linh hoạt của chúng tôi đâu đó cũng khoảng tầm đó.
- Đâu là khách hàng mục tiêu của WeWork, thưa ông?
Trên thế giới 25% trong số các doanh nghiệp Fortune 500 là khách hàng của chúng tôi. Họ có thuê với những mục tiêu khác nhau.
Ở châu Á, 45% khách hàng của chúng tôi là các doanh nghiệp lớn. Chúng tôi cũng có các hot desk cho các freelacer. Họ cần không gian làm việc, kết nối và sự kiện khác nhau. Chúng tôi có cả phòng cho 1 người, thậm chí cả trăm người, thậm chí cả tòa nhà, chúng tôi cũng có thể tinh chỉnh.
- So với văn phòng truyền thống, WeWork mang lại những lợi ích gì cho người dùng?
- Đó là sự linh hoạt. Khi ký hợp đồng 3-5 năm nhưng chúng ta gần như bị giới hạn không gian đó. Nếu nhân sự tăng, có thể sẽ phải thuê văn phòng khác. WeWork có thể tinh chỉnh để chỗ ngồi linh hoạt.
Bất động sản, không gian, thiết kế chỉ là phụ thôi, quan trọng là kết nối các công ty với nhau, tìm đối tác marketing cho các thành viên, hoặc tìm ra sản phẩm mong muốn. WeWork không chỉ giúp thành viên sống mà là kiến tạo cuộc sống.
- Cụ thể để kiến tạo cuộc sống cho các thành viên WeWork, đâu là những điểm khác biệt nổi trội của WeWork so với các “tay chơi” khác đã có mặt ở thị trường Việt Nam như Toong, Dreamplex, CirCo?
- Nhớ những ngày đầu chúng tôi mở địa điểm đầu tiên ở London, ở đó cũng đã có những tay chơi rồi. Và chúng tôi chỉ tập trung làm những điều tốt nhất có thể, đưa đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Có thể nói, điểm khác biệt rất lớn của chúng tôi đó là có thể kết nối cộng đồng WeWork trên toàn thế giới qua app. Mọi người có thể làm quen với nhau từ 77 thành phố khác nhau, 23 quốc gia trên app. Ví dụ, mọi người có thể tìm đối tác, tìm nhân sự…. Thành viên ở Việt Nam có thể chat, kết nối với thành viên ở Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào trong số 23 quốc gia mà WeWork đã có mặt.
- Kế hoạch tiến xa ở WeWork tại Việt Nam như thế nào?
- Khi nhìn vào lịch sử, chúng tôi luôn bắt đầu từ những thành phố quan trọng nhất, lớn nhất. Chúng tôi đang tìm kiếm ở Hà Nội, Đà Nẵng để kết nối Việt Nam với hệ sinh thái toàn cầu.
- WeWork có kế hoạch mở rộng cụ thể ra sao không, chẳng hạn như sang năm thì như thế nào?
- Chúng tôi đang có đội ngũ đi nói chuyện với những người chủ ở các thành phố khác nhau. Chúng tôi chưa có gì cụ thể liên quan đến khung thời gian. Nhưng chúng tôi tin rằng mất khoảng từ 12 đến 18 tháng để tới các thành phố khác.
WeWork đặt tại 4 tầng lầu của tòa nhà hạng A E-Town, đặt tại Quận 4, TPHCM. E-Town được đầu tư bởi CTCP Cơ Điện lạnh REE, có 25 tầng với 5 tầng hầm, tổng diện tích mặt sàn 34.000 m2.
Trước đó, WeWork cũng giới thiệu văn phòng của họ sẽ là không gian làm việc chung lớn nhất tại Việt Nam với diện tích lên đến 5.000 m2, tính đến cuối năm 2018. Đối tượng khách hàng là văn phòng đại diện của tập đoàn đa quốc gia.Hiện diện tích trung bình của mỗi coworking space ở Việt Nam chỉ khoảng 1.000 m2, không đủ không gian, diện tích đạt chuẩn một co-working space đúng nghĩa. Trong khi trên thế giới, quy mô diện tích phải từ 2.000 - 5.000 m2.
Theo Thế Trần/Trí Thức Trẻ