WinEco

Đằng sau câu chuyện nhân viên 42 tuổi tự sát: “Cái bẫy của sự hào nhoáng” mà bất kì ai cũng nên lưu tâm để tuổi trung niên không phải hối hận

19/07/2018 14:05

Nếu chỉ nỗ lực một chiều, có duy nhất một kỹ năng, chỉ dựa vào một nguồn thu nhập và hoàn toàn không biết những gì đang diễn ra ở bên ngoài thì ngay cả nhân viên giỏi cũng sẽ trở thành những người khốn khó ẩn hình.

Đằng sau câu chuyện nhân viên 42 tuổi tự sát: “Cái bẫy của sự hào nhoáng” mà bất kì ai cũng nên lưu tâm để tuổi trung niên không phải hối hận

Từng có một thời gian mọi người đều vô cùng bàng hoàng trước một tin tức.

Nhân vật chính của tin tức này là anh G. Anh xuất thân trong gia đình bình thường, thành tích học tập xuất sắc nhất trường, tốt nghiệp thạc sĩ đại học trọng điểm, 8 năm làm ở Huawei, 6 năm làm ở ZTE, sự nghiệp phát triển vẫn được tính là thuận buồm xuôi gió.

Từ năm tốt nghiệp cho đến nay đã hai mươi năm, trổ hết tài năng từ trong cạnh tranh khốc liệt, anh G bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của cổ tức, mua nhà lập nghiệp, vợ đảm con ngoan, sống cuộc sống thoải mái đủ đầy. Anh đã thành công trong việc nâng bản thân lên một tầng lớp cao hơn.

Tuy nhiên, còn chưa kịp thưởng thức cảnh đẹp từ trên đỉnh cao, bởi vì anh bị công ty sa thải nên dẫn đến tranh chấp, vào ngày 10 tháng 12 đã nhảy lầu tự tử tại lầu thông tin của ZTE. Nguyên nhân là do bị cuốn vào tranh cãi nội bộ cùng với bất đồng công ty về việc bán lại cổ phần, anh đã nhảy lầu, kết thúc cuộc đời của mình ở tuổi 42.

Trong mắt rất nhiều người, anh G là đại diện cho đối tượng ưu tú chốn công sở được nhiều người trẻ học hỏi và ngưỡng mộ, nhưng một điều ít người biết là, nhóm người ưu tú chốn công sở đang từng bước rơi vào "cái bẫy của sự hào nhoáng": Không gian của bản thân ngày càng trở nên chật hẹp, thiếu nhận thức về thế giới thực bên ngoài ngoại trừ công việc, thậm chí không có kế hoạch tổng thể để ứng phó với rủi ro.

Đằng sau câu chuyện nhân viên 42 tuổi tự sát: “Cái bẫy của sự hào nhoáng” mà bất kì ai cũng nên lưu tâm để tuổi trung niên không phải hối hận - Ảnh 1.

Hình ảnh nơi anh G đã từng làm việc.

1. Vì sao tài giỏi lại trở thành một lời nguyền?

Nửa cuối năm nay, tôi lần lượt nhận được những trường hợp nhờ tư vấn của rất nhiều quản lý doanh nghiệp khoảng 40 tuổi, thông thường họ có xuất phát điểm rất cao, sự nghiệp cũng phát triển vô cùng suôn sẻ, họ là những cư dân sống ở tầng lớp trên của thành phố, thuộc vào nhóm người có trình độ cao nhất của thành phố: sở hữu hơn hai căn nhà, là trụ cột của doanh nghiệp, hoặc có tiếng tăm trong nghề, hoặc được hưởng khoản lãi từ tài sản mình có, cuộc đời nở mày nở mặt, bình yên hạnh phúc.

Nếu như không phải công việc mình đang làm buộc phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan, họ sẽ không bao giờ ngờ rằng cuộc đời sự nghiệp của họ lại gặp khủng hoảng.

Như những người nhờ tư vấn này cảm khái vậy, họ ngày càng nhận ra một điều, vũ khí mà năm đó họ sử dụng để vượt qua khoảng cách tầng lớp, đến nay đã trở thành thủ phạm chính ngăn cản quá trình thay đổi của họ: con đường dẫn đến thành công của họ không phức tạp, đó chính là dựa vào một kỹ năng duy nhất để có được tất cả mọi thứ như ngày hôm nay.

Bây giờ phải đối mặt với tình trạng sa sút của sự nghiệp, họ không biết bản thân còn có loại năng lực nào khác hay không, cũng không biết ngoại trừ kỹ năng và chức vụ hiện tại, bản thân họ còn có thể làm những việc gì? Mục tiêu cạnh tranh đơn giản và duy nhất đã tạo nên bức tường vô hình ngăn cách họ với thế giới bên ngoài. 

Đa phần nhóm người ưu tú này đều trẻ trung khỏe mạnh, trên dưới 40 tuổi, sau nhiều năm dốc sức làm việc và tích lũy, cuối cùng đã được nếm trải quả ngọt của sự thành đạt, của cải và địa vị đã đạt đến đỉnh cao cuộc đời.

Hầu hết trong số họ thuộc đời cuối 7x và đời đầu 8x, từ nhỏ đến lớn bất kể ngồi học tại mái trường hay giai đoạn trưởng thành đều có một đặc điểm chung, đó là chỉ có một mục tiêu duy nhất. Khi còn đi học, ai thi được điểm cao, người đó sẽ trở nên nổi bật, được nhận tất cả những thứ tốt nhất, được học vượt cấp, thưởng học bổng, cuộc sống tràn ngập trong hoa tươi và tiếng vỗ tay, sự quan tâm của giáo viên, sự ngưỡng mộ của bè bạn... tất cả đều thuộc về họ.

Cả giáo viên và phụ huynh đều sẽ bảo bạn rằng, chỉ cần có thành tích học tập tốt, bạn có thể học nghiên cứu sinh cũng có thể làm việc tại một công ty tốt, nhiều công ty đều đang đổ xô tranh giành sinh viên ưu tú.

Ở trường đại học, mặc dù cũng có các tổ chức như hiệp hội sinh viên cùng với các loại hoạt động khác nhau, nhưng nhìn chung chỉ có duy nhất một mục tiêu, đó chính là học tập thật tốt nâng cao thành tích, không hề đề cập đến phần tự nhận thức về bản thân, đồng thời thiếu sự đào tạo và trải nghiệm các kỹ năng đánh giá đa chiều con người và sự việc.

Đến khi tốt nghiệp, những người ưu tú trong số họ lao đầu vào nơi gọi là “công ty lớn” hoặc thể chế, trong mắt họ, cái gọi là phát triển sự nghiệp chính là làm việc chăm chỉ trong một công ty, theo sự phát triển và mở rộng của công ty, chức vụ của chính mình sẽ ngày càng cao hơn, tiền lương đương nhiên cũng ngày càng nhiều.

Đằng sau câu chuyện nhân viên 42 tuổi tự sát: “Cái bẫy của sự hào nhoáng” mà bất kì ai cũng nên lưu tâm để tuổi trung niên không phải hối hận - Ảnh 2.

Nói đến chức vụ công việc, mục tiêu của những nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp mà anh G là đại diện cũng đơn giản và duy nhất. Công ty chia cho họ nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển cụ thể, những người này có thể hoàn thành một cách suôn sẻ nhờ chuyên môn kỹ thuật, còn những năng lực khác ngoài chuyên môn kỹ thuật ra hầu như đều không được dùng đến, bao gồm tố chất, nguồn lực, các mối quan hệ xã hội, kỹ năng giao tiếp và điều phối...

Theo thời gian, họ sử dụng kỹ năng duy nhất của mình cộng với những năm tháng vùi đầu miệt mài, trùng hợp bắt kịp xu thế phát triển nào đó của thành phố, thành công trong việc bước lên tầng lớp khác, trở thành một trong số ít nhân tài ưu tú đứng đầu một lĩnh vực nào đó.

Tuy nhiên, họ vẫn có một sai lầm, đó chính là kỹ năng quá ít, họ sinh hoạt và làm việc cả ngày trong một vòng tròn tương đối khép kín, điểm tích lũy nguồn lực và các mối quan hệ nằm ngoài kỹ năng gần như bằng không. Có lẽ bạn sẽ hỏi: tại sao họ không xây dựng thêm cho mình một “khả năng ít người có”, cũng chính là “năng lực cạnh tranh quan trọng nhất” mà người ta thường hay nói đến?

Trên thực tế công ty không hy vọng bất kì ai trở nên không thể thay thế. 

Đối với cá nhân, nếu như có thể trở thành một người không ai thay thế đương nhiên là một kết quả lí tưởng nhất, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, đứng trên quan điểm lợi ích của công ty hoặc tổ chức, họ không hy vọng bất kì nhân viên nào trở nên không thể thay thế.

Đặc biệt đối với những công ty lớn, cái gọi là chuẩn mực, chính là vận dụng những quy định và hệ thống để đảm bảo các công việc được thực hiện bình thường, mà nguyên nhân công ty lập ra hằng hà sa số các quy định từ lớn đến nhỏ nhặt, chính là vì để đạt được một mục đích, đó chính là ngăn chặn bất kỳ nhân viên nào nắm vững nguồn lực quan trọng và khách hàng chủ chốt, ngăn cản họ trở nên “khan hiếm” để giảm thiểu rủi ro của công ty, phòng trường hợp quá phụ thuộc vào một nhân viên nào đó dẫn đến đến lượt nhân viên muốn thương lượng chuyện tăng lương khiến công ty rơi vào tình cảnh bị động.

Từ góc độ này mà nói, giữa việc phát triển của cá nhân và lợi ích của công ty mãi mãi tồn tại một mâu thuẫn không cách nào thỏa hiệp. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh cãi nội bộ trong công ty, và cũng là thuật cân bằng quyền lực của người xưa được thể hiện cụ thể tại nơi làm việc: vừa dụng người, vừa ngăn chặn sự bành trướng quyền lực của họ.

Do đó nếu một người muốn thực hiện lí tưởng cá nhân bằng cách phấn đấu tại nơi làm việc, có thể nói là khó khăn trùng trùng, đúng hơn thì thành công này là kết quả của nhiều yếu tố kết hợp lại với nhau, bao gồm các mối quan hệ, tác phong, bố cục làm việc, cách tư duy, thậm chí là vận may... đều nằm trong số đó.

2. Vô cùng lạc quan về tương lai, không có kế hoạch tổng thể để ứng phó rủi ro

Đằng sau câu chuyện nhân viên 42 tuổi tự sát: “Cái bẫy của sự hào nhoáng” mà bất kì ai cũng nên lưu tâm để tuổi trung niên không phải hối hận - Ảnh 3.

Anh G là trụ cột kinh tế duy nhất của gia đình, chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất, vợ của anh làm nội trợ, hơn nữa họ còn có hai đứa con. Bố cục gia đình như vậy chắc chắn sẽ tồn tại rủi ro rất cao, một khi công việc này của anh G xảy ra sơ xuất, nền kinh tế của cả gia đình sẽ sụp đổ ngay lập tức.

Ngày 1 tháng 12, bên nhân sự tìm anh G để nói chuyện, đưa ra phương án đền bù và thảo luận về việc mua lại cổ phần; ngày 10 tháng 12, hai bên xảy ra tranh chấp, anh G nhảy lầu tự tử. Từ đây không khó để chúng ta nhận ra hai mẩu thông tin, đó chính là:

1. Anh G rất nhạy cảm với tiền bạc;

2. Ngoại trừ công việc của mình, anh G biết rất ít về thế giới ngoài kia.

Nguyên nhân của thông tin đầu tiên, có thể là do sự sắp xếp tài chính trong gia đình, chẳng hạn như chi tiêu nhiều, dành dụm ít, vì vậy về phương án mua lại cổ phần với giá thấp, chúng ta có thể tưởng tượng cảm xúc kịch liệt của anh khi đó, dẫn đến tình huống không kịp bình tĩnh suy nghĩ.

Với thông tin thứ hai, trên thực tế, việc công ty mua lại cổ phần với giá cực thấp là hoàn toàn không có tác dụng nếu anh G biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tại sao anh G lại gặp “lỗi thông tin” ở đây? Điều này không phải là không liên quan đến môi trường làm việc của anh.

Từ những trường hợp tư vấn do tôi phụ trách, dân văn phòng làm việc trên 10 năm tại doanh nghiệp lớn thường có một điểm chung, đó chính là tư duy ngày càng nông cạn, nhận thức ngày càng hạn hẹp: họ hoàn toàn không biết những gì đang xảy ra bên ngoài, sau khi đã làm lâu, làm đến quen thuộc với chức vụ này, họ chưa bao giờ nghĩ tới một ngày nào đó xảy ra biến cố, mình còn có thể làm gì?

Làm thế nào để xây dựng mạng lưới an toàn tài chính của riêng mình, cũng như làm thế nào mới không dẫn đến hậu quả tai hại trong trường hợp công việc toàn thời gian có thể biến mất bất cứ lúc nào, có lẽ đây là hai vấn đề lớn mà câu chuyện trên mang đến cho chúng ta.

3. Lên kế hoạch tổng thể cho tương lai của mình

Đằng sau câu chuyện nhân viên 42 tuổi tự sát: “Cái bẫy của sự hào nhoáng” mà bất kì ai cũng nên lưu tâm để tuổi trung niên không phải hối hận - Ảnh 4.

Với những thay đổi và phát triển của thời đại, rõ ràng tập trung hết sức lực và thời gian vào một kỹ năng duy nhất là một việc vô cùng nguy hiểm. Chỉ dựa vào một nguồn thu nhập thôi thì rất có thể bạn sẽ phải đối mặt với một tương lai đáng lo ngại, đó chính là một ngày nào đó, nguồn thu nhập này của bạn bỗng nhiên sa sút thậm chí dừng lại, do đó, cách ứng phó tốt nhất chính là lập kế hoạch vào thời kì công việc toàn thời gian đang phát triển mạnh mẽ, mà không phải đợi đến khi điều bất trắc xảy ra mới đắn đo suy nghĩ.

Thứ nhất: Lợi nhuận lớn nhất là mục tiêu hàng đầu mà mọi công ty đều theo đuổi. Dù là những người hiện tại trẻ trung khỏe mạnh không phải lo lắng về thất nghiệp hay nuôi sống gia đình cũng sẽ phải đối mặt với các mức độ khác nhau của sự không chắc chắn về mặt tài chính, đây không chỉ là mối lo âu của một vài người. 

Như Kimberly Palmer đã từng nói: sự không chắc chắn về tài chính không là điều gì khác, mà chính là bản chất của cuộc sống trong môi trường kinh tế hiện nay.

Thứ hai: Tôi đã từng tiến hành thống kê và phân tích các trường hợp tư vấn trong vài năm qua và nhận ra rằng hầu hết mọi người bắt đầu từ tuổi trung niên thì thu nhập không còn tăng trưởng nữa (trung bình trên dưới 35 tuổi ở nữ và trung bình trên dưới 40 tuổi ở nam). 

Từ góc độ của tâm lý học phát triển, giai đoạn ngoài 20 tuổi của một người là thời kì học tập có hiệu quả, vào khoảng tuổi 40 họ sẽ dần trưởng thành về mọi mặt, cũng là lúc dễ dàng tạo ra thành quả nhất, nhưng đến thời điểm đó các doanh nghiệp lại có xu hướng “thu hoạch” những nhân viên trung niên này, đặc biệt là những nhân viên chỉ giỏi duy nhất một kỹ năng, bởi vì nhân viên ở độ tuổi này đã phát huy giá trị của kỹ năng đó đến mức tối đa, càng về sau chi phí cho họ càng cao, trong khi sức sáng tạo và niềm hăng say của người trung niên không còn nữa, khiến lợi ích của doanh nghiệp giảm dần.

Thứ ba: Toàn xã hội đang gửi những tín hiệu không thân thiện cho những người trung niên.

“Ngán ngẩm dân trung niên”, “cốc giữ nhiệt” và còn những văn hóa thịnh hành khác, thực chất là cả xã hội đang giúp đỡ chủ nghĩa thanh niên đánh đổ tập thể người trung niên, họ chĩa thẳng mũi dao vào những người trung niên đã từng cống hiến cho công ty. Ngày càng có nhiều sự thật đã gióng lên từng hồi chuông cảnh báo cho chúng ta, đó chính là: Một người làm việc cả đời cho một công ty, ngày càng không còn ý nghĩa thực tiễn.

Nếu như thật sự muốn trách móc, thì chỉ có thể trách sự hiền lành trung hậu và ngu ngốc của thế hệ này. Tại thời kì đỉnh cao sự nghiệp, họ chưa bao giờ nghĩ đến việc tích lũy một nguồn lực cho chính mình. Chi phí nhà đất cao, đồ vật tăng giá, kinh tế bất ổn, công thương nghiệp suy yếu, những tháng ngày như vậy không phải dễ dàng mà trải qua, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Cho dù là những nhân viên ưu tú như anh G, họ chẳng qua chỉ khoác lên một bộ cánh đẹp đẽ khiến mọi người ngưỡng mộ, khi bạn vén nó ra thì sẽ nhận thấy, tuy rằng thông qua nỗ lực họ đã thoát khỏi việc phải lao động vất vả của tầng lớp cấp thấp, nhưng họ vẫn có nguy cơ bị đánh đổ, vừa không để ý thì sẽ bị thời đại bỏ rơi một cách không thương tiếc.

Đằng sau câu chuyện nhân viên 42 tuổi tự sát: “Cái bẫy của sự hào nhoáng” mà bất kì ai cũng nên lưu tâm để tuổi trung niên không phải hối hận - Ảnh 5.

Thứ tư: Nhanh chóng tạo ra một hình thức làm việc mới.

Theo hình thức truyền thống, việc phát triển tại nơi làm việc của chúng ta gắn liền với việc tiếp xúc doanh nghiệp nhiều hơn là gặp mặt trực tiếp khách hàng. Chúng ta dựa vào kỹ năng của mình để tạo ra giá trị cho công ty.

Với hình thức này, thu nhập và sự thăng tiến của cá nhân chịu ảnh hưởng bởi những quy định và các yếu tố khác nhau, khiến bạn khó có thể tích luỹ nguồn lực cá nhân thông qua công ty, điều này cũng có nghĩa là, chúng ta không cách nào kiểm soát được số phận của chính mình, từ đó dễ rơi vào tình cảnh bị động.

Muốn giải quyết hoàn toàn vấn đề này, đòi hỏi chúng ta phải can đảm để phá vỡ hình thức làm việc, hoặc từ nền tảng của hình thức đó, tạo ra phương thức “tự thuê”: trực tiếp bán cho khách hàng những kỹ năng sở trường của mình.

Ví dụ như việc bạn tạo một trang web đọc truyện online thu hút mọi người trả phí để đọc, dựng quầy bán hàng, về bản chất hai việc này không có sự khác biệt, chỉ có điều hoàn cảnh, công cụ, cách làm... sẽ khác nhau. Trên thực tế, cách thức làm việc với khách hàng này sẽ dễ dàng kiểm soát hơn, nếu dịch vụ hoặc sản phẩm mà bạn cung cấp có chất lượng tốt, bạn sẽ tích lũy được một số lượng khách hàng trung thành, họ sẽ trở thành một trong những nguồn lực của bạn, thu nhập cao hơn thù lao khi tăng ca là chuyện đương nhiên.

Đối với nhiều nhân viên ưu tú mà nói, ban đầu họ vốn dĩ chỉ một lòng muốn leo đến vị trí cao nhất, nhưng đứng trước một cuộc sống và nơi làm việc có nhiều biến đổi, mọi thứ đều khiến cách nhìn nhận giá trị, phương thức sinh tồn và phát triển của họ trở nên khác đi.

Vả lại, một số môi trường làm việc lại khiến chúng ta thất vọng lần này đến lần khác, trong mắt của nhiều công ty, con người như một cỗ máy, sử dụng xong rồi thì sẽ vứt đi. Khác với máy móc khô khan, con người có những xúc cảm của riêng mình, “cá thể” không chỉ là một cách gọi, đằng sau họ là những chuyện buồn vui ly hợp của một gia đình.

Đừng nói rằng bạn sẽ không đến tuổi trung niên. Các câu chuyện về cắt giảm, sa thải vẫn thường xuất hiện trên mặt báo, không bao giờ có cái kết đẹp nếu bạn muốn làm việc suốt đời cho một công ty. 

Dưới nền kinh tế mới, chúng ta cần phải tích cực sáng tạo một cuộc đời sự nghiệp đa dạng hơn, sáng tạo ra nhiều phương thức kiếm tiền, nếu không thì một ngày nào đó bạn hay tôi sẽ rơi vào tình cảnh bị động và bất lực, như câu miêu tả sau: Khi đá vụn thi nhau không ngừng rơi thẳng xuống, sống tạm bợ còn khó, nên trốn vào đâu, bản thân hoàn toàn không biết.

Theo Tu An/Trí Thức Trẻ