Đằng sau cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và công ty tài chính của Jack Ma

22/11/2020 12:45

Các công ty như Ant Group của Jack Ma phát triển thần tốc, hứa hẹn tạo bước ngoặt mới trong ngành fintech. Song, nước cờ mới của chính quyền Trung Quốc đang làm thay đổi mọi thứ.

Các công ty như Ant Group của Jack Ma phát triển thần tốc, hứa hẹn tạo bước ngoặt mới trong ngành fintech. Song, nước cờ mới của chính quyền Trung Quốc đang làm thay đổi mọi thứ.

Theo The Economist, vào khoảng năm 1300, Marco Polo - một thương nhân người Venice (Italy) - đã kể lại cho người châu Âu một kỳ tích mà ông chứng kiến ở Trung Quốc. Tại đó, Marco Polo kể, hoàng đế Trung Quốc "dùng vỏ cây để tạo thành một thứ giống như giấy và lưu hành trên khắp đất nước".

Khoảng 6 thế kỷ sau khi Trung Quốc phát minh ra tiền giấy, người phương Tây cũng bắt đầu sử dụng chúng. Nhưng giờ đây, những du khách nước ngoài đến Trung Quốc lại một lần nữa ngạc nhiên. Tiền giấy đã bị thay thế bằng các pixel trên màn hình điện thoại, tức thanh toán qua điện thoại di động.

"Từ thanh toán, chuyển tiền đến gửi tiền, tôi đều có thể thực hiện dễ dàng và nhanh chóng trên điện thoại", một người dùng ở Thâm Quyến nói với Quartz, đề cập đến các ứng dụng của công ty tài chính Ant Group.

Trong nhiều năm, những quy định quản lý lỏng lẻo ở Trung Quốc đã giúp các startup công nghệ tài chính nước này phát triển thần tốc. Ant Group của tỷ phú Jack Ma trở thành tập đoàn tài chính khổng lồ với hàng loạt mảng kinh doanh màu mỡ như thanh toán, tín dụng, quản lý tài sản và bảo hiểm.

Tuy nhiên, những quy định mới của chính quyền Bắc Kinh cho thấy rằng đã đến lúc ngành công nghệ tài chính của thị trường 1,4 tỷ dân phải thay đổi.

Năm 2008, khi còn là giám đốc điều hành Alibaba, tỷ phú Jack Ma than thở rằng các ngân hàng truyền thống của Trung Quốc đang phớt lờ những doanh nghiệp rất cần vốn. "Nếu các ngân hàng không thay đổi, chúng ta sẽ thay đổi họ", ông khẳng định. Thời điểm đó, nhà sáng lập Alibaba tiết lộ đã hình dung ra "một hệ thống cho vay toàn diện đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ".

Năm 2013, chủ tịch Alibaba một lần nữa nhấn mạnh rằng Trung Quốc không thiếu ngân hàng hoặc tổ chức đổi mới, mà cần một tổ chức tài chính có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ tới. "Ngành công nghiệp tài chính cần một kẻ ngoại đạo mang đến những thay đổi", ông nói.

Theo Financial Times, giám đốc một ngân hàng quốc tế lớn ở Trung Quốc đã mô tả Ant là "quái vật cần thuần hóa". Ant là minh chứng rõ nét cho thấy sự phát triển thần tốc của ngành fintech tại Trung Quốc trong những năm qua. Fintech là sự kết hợp giữa finance (tiền tệ, tài chính) và technology (công nghệ), hiểu nôm na là công nghệ tài chính.

Tận dụng sự sáng tạo công nghệ, những công ty fintech tham vọng khai thác mảng dịch vụ tài chính màu mỡ. Chẳng hạn, trong bài phát biểu tại một hội nghị ở Thượng Hải hồi cuối tháng 10, ông Ma chỉ trích hệ thống ngân hàng Trung Quốc chẳng khác gì "tiệm cầm đồ".

Bởi các nhà băng đòi tài sản thế chấp thay vì sử dụng dữ liệu và công cụ công nghệ cao nhằm đánh giá rủi ro tín dụng.

Ông còn gọi Hiệp ước Basel của hệ thống ngân hàng toàn cầu là "câu lạc bộ của những người già". Theo nhà sáng lập Alibaba, không phải "rủi ro hệ thống", việc "thiếu một hệ sinh thái tài chính" mới là vấn đề của đất nước tỷ dân.

Theo Bloomberg, Ant và những gã khổng lồ fintech như Tencent có lợi thế lớn nhờ sử dụng dữ liệu lớn (big data) và điện toán đám mây. Riêng đối với lĩnh vực cho vay tiêu dùng, các công ty này đã giành giật khách hàng từ những ngân hàng thương mại truyền thống nhờ mang đến khả năng tiếp cận vốn dễ dàng hơn, nhất là nhóm người dùng trẻ có thu nhập thấp.

Thông qua hai nền tảng tín dụng vi mô Huabei (Just Spend) và Jiebei (Just Lend), công ty fintech của tỷ phú Jack Ma cung cấp các khoản vay nhỏ, không yêu cầu thế chấp cho khoảng 500 triệu người mỗi năm ở Trung Quốc.

Ant bảo lãnh khoảng 1.700 NDT (259 tỷ USD) tín dụng tiêu dùng, 422 tỷ NDT (64,24 tỷ USD) đối với các khoản vay doanh nghiệp nhỏ cho khoảng 100 ngân hàng và những tổ chức tài chính khác, hầu hết trong số đó có mạng lưới phân phối hạn chế.

Từ khởi điểm là một công ty thanh toán online, Ant Group "đánh chiếm" dữ dội các mảng kinh doanh màu mỡ của nhóm ngân hàng truyền thống. Hiện, nguồn thu lớn nhất của Ant Group là hoạt động tín dụng, tập trung vào đối tượng khách hàng nhỏ từ lâu đã bị ngân hàng truyền thống bỏ qua.

Đơn vị CreditTech của Ant Group, bao gồm Huabei và Jiebei, là cỗ máy in tiền của công ty. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu mảng này tăng 59% lên 29 tỷ NDT (4,38 tỷ USD), đóng góp 40% vào tổng doanh thu tập đoàn.

Trên "mặt trận" huy động tiền gửi, Yue Bao - quỹ tiền tệ của Ant từng có thời điểm đứng đầu thế giới với giá trị tài sản quản lý lên tới 251 tỷ USD. Chỉ với 1 NDT (0,15 USD), người dùng đã có thể mở tài khoản và đầu tư. Truyền thông nhà nước từng gọi các quỹ tiền tệ như của Ant là "ma cà rồng hút máu", ám chỉ việc bòn rút tiền gửi từ ngân hàng.

Đối với mảng thanh toán màu mỡ, ứng dụng WeChat của Tencent cũng sở hữu hơn 1 tỷ người dùng mỗi tháng. Với WeChat Pay, người sử dụng có thể thanh toán, đặt vé máy bay, tàu hỏa, mua sắm trực tuyến mà không cần rời khỏi ứng dụng. Trong khi đó, ứng dụng Alipay của Ant Group có khoảng 700 triệu người dùng mỗi tháng.

"Sự đổi mới không sợ quy định, mà sợ quy định lỗi thời", tỷ phú Jack Ma nhấn mạnh trong bài phát biểu tại hội nghị ở Thượng Hải. Ông cho rằng Trung Quốc không nên "quản lý tương lai bằng phương pháp của ngày hôm qua".

Tuy nhiên, hôm 14/11, ông Xiao Yuanqi, Giám đốc rủi ro của Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc, nhấn mạnh: "Quá trình đổi mới tài chính không nên hình thành cấu trúc độc quyền nhóm, thu lợi quá mức và gây tổn hại đến lợi ích cộng đồng". Theo ông, các công ty công nghệ không được "núp bóng" đổi mới để phá vỡ những quy tắc cạnh tranh bình đẳng nhằm thu lợi.

"Các hình thức tài chính mới như thanh toán qua trung gian, tín dụng trực tuyến giúp thúc đẩy dòng chảy tài chính bên ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, chúng vẫn phải nằm trong ranh giới trung gian tài chính", quan chức tại cơ quan quản lý ngân hàng hàng đầu Trung Quốc khẳng định.

Sự phát triển thần tốc của ngành công nghiệp fintech đặt ra thách thức chưa từng có đối với Bắc Kinh. Nguyên nhân là vai trò ngày càng gia tăng của các đại gia fintech trong hệ thống tài chính Trung Quốc. Những dịch vụ tài chính thuận tiện và dễ tiếp cận tạo ra cơ sở khách hàng khổng lồ.

Trước hết, theo The Economist, các công ty fintech tập trung vào phần lợi nhuận cao nhất của ngành, để lại hoạt động kinh doanh lợi nhuận thấp, rủi ro cao cho những tổ chức cho vay truyền thống.

Theo dự báo của Accenture, riêng với mảng thanh toán, nếu các ngân hàng truyền thống của Trung Quốc không đổi mới công nghệ, họ có thể đánh mất 13% doanh thu vào tay những nền tảng như Alipay và Wechat Pay.

Thêm vào đó, 98% khoản vay được phát hành thông qua Ant đều lưu trong sổ sách của ngân hàng. Công ty này giữ ít nhất 10% lợi nhuận chung của ngành ngân hàng Trung Quốc. Trong khi đó, những nền tảng như Ant không phải đáp ứng yêu cầu về vốn và đẩy rủi ro về phía nhà băng.

Nhà phân tích Jason Bedford của ngân hàng UBS (Hong Kong) thậm chí mô tả Ant là “ký sinh trùng” bám vào hệ thống ngân hàng Trung Quốc. “Các ngân hàng than phiền rằng họ bị quản lý rất chặt, phải tuân thủ nhiều quy định, trong khi Ant Group muốn làm gì thì làm”, Financial Times dẫn lời giáo sư Chen Zhiwu thuộc Đại học Hong Kong nhận xét.

Theo Bloomberg, trong nhiều năm qua, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã nhiều lần thúc giục Bắc Kinh kiềm chế những gã khổng lồ fintech như Ant. Tuy nhiên, thành công rất hạn chế.

Thứ hai, các công ty như Ant có xu hướng độc quyền. Một khi số lượng người sử dụng nền tảng ngày càng nhiều, nó càng trở nên hữu ích và dễ dàng thu hút người dùng mới. Điều đó đồng nghĩa với việc khả năng giám sát, thao túng và tấn công mạng sẽ tăng lên.

Cuối cùng, với việc tiếp cận khoản vay dễ dàng, những khoản vay từ sinh viên đại học và người có thu nhập thấp gia tăng, khiến nợ hộ gia đình Trung Quốc tăng kỷ lục. Theo chuyên gia Guo Wuping tại CBIRC, dịch vụ Huabei của Ant không khác gì thẻ tín dụng nhưng tính phí cao hơn.

Các quy định mới của chính quyền Bắc Kinh cho thấy rõ ưu tiên ổn định tài chính của nước này. Theo đó, những công ty cho vay online phải đóng góp ít nhất 30% số tiền mỗi khoản cho vay, thay vì dồn hết gánh nặng vào ngân hàng.

Theo nguồn tin của Wall Street Journal, đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra lệnh cho các cơ quan quản lý của Trung Quốc điều tra Ant Group. Sau đó, chính quyền Bắc Kinh đề xuất những quy định quản lý tài chính mới và triệu tập Jack Ma.

Cuối cùng, Ant Group thông báo ngừng đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tại Thượng Hải và Hong Kong hôm 3/11. Trước đó, Ant Group kỳ vọng huy động 39,6 tỷ USD và đạt định giá 310 tỷ USD, qua đó trở thành công ty tài chính giá trị nhất thế giới.

Hôm 4/11, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cho biết việc ngăn chặn đợt IPO "vội vàng" của Ant trong môi trường quy định đang thay đổi là động thái có trách nhiệm đối với thị trường và các nhà đầu tư.

Tiếp đó, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường Trung Quốc cũng công bố dự thảo các quy tắc nhằm xác định những điểm cấu thành hành vi độc quyền. Dự thảo này bao gồm các quy định về giá cả, phương thức thanh toán và sử dụng dữ liệu nhắm vào người dùng.

Bloomberg nhận định ngoài Ant, các công ty fintech khác tại Trung Quốc cũng đứng trước rủi ro lớn. Có 249 công ty tín dụng vi mô trực tuyến tại Trung Quốc, và đa phần tiến hành những hoạt động kinh doanh cho vay tiêu dùng tương tự Ant Group. Các gã khổng lồ fintech khác như JD.com và Tencent Holdings cũng nằm trong nhóm này.

Giới phân tích nhận định khi chính quyền Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát, những rủi ro pháp lý cho thấy phần "fin" (tài chính) lấn át hoàn toàn phần "tech" (công nghệ) của các công ty fintech. Trả lời Zing, ông Jeffrey Halley, chuyên gia cao cấp tại hãng tài chính Oanda, nhận định chính phủ Trung Quốc dường như không đồng ý với việc ông Ma tự coi Ant là công ty công nghệ thay vì công ty tài chính.

Dĩ nhiên, các công ty fintech vẫn có cách để xoay xở. Chẳng hạn, công ty fintech Lufax từng là gã khổng lồ cho vay ngang hàng tại đất nước tỷ dân. Những quy định khắt khe của Trung Quốc đối với lĩnh vực này đã buộc công ty phải thu hẹp quy mô. Năm 2019, Lufax rời khỏi mảng cho vay ngang hàng và chuyển hướng sang hoạt động kinh doanh khác.

Tuy nhiên, hàng loạt động thái từ phía Bắc Kinh là lời cảnh báo đáng chú ý đối với các công ty như Ant. Chúng cũng phơi bày mối quan hệ rắc rối giữa chính quyền Trung Quốc và những gã khổng lồ công nghệ.

Chẳng hạn, năm nay đáng lẽ đã là cơ hội để tỷ phú Jack Ma ghi điểm với chính phủ. Khi Washington đe dọa xóa tên các công ty Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán Mỹ, Bắc Kinh nỗ lực xây dựng sàn giao dịch của riêng mình. Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc cho rằng việc một công ty như Ant được niêm yết ở cả Thượng Hải và Hong Kong là sự chứng thực lớn của thị trường Trung Quốc.

Sau khi Ant nộp hồ sơ tại Hong Kong và Thượng Hải, các sàn giao dịch chứng khoán và cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc nhanh chóng bật đèn xanh. Tuy nhiên, cuối cùng, đợt IPO vẫn bị hủy vì một loạt quy định nhằm ngăn chặn rủi ro tiềm ẩn từ sự phát triển của tài chính kỹ thuật số và tín dụng vi mô trực tuyến.

"Một mặt, các công ty công nghệ đại diện cho quá trình hiện đại hóa thành công của Trung Quốc và năng lực cạnh tranh toàn cầu ngày càng gia tăng. Một mặt khác, Bắc Kinh từ lâu đã chật vật với việc kiểm soát những công ty lớn này trong nền kinh tế", chuyên gia Kendra Schaefer tại hãng tư vấn Trivium China nhận xét.

Theo nhà phân tích Paul Triolo tại Eurasia Group, các quy định mới của Trung Quốc nhằm xóa bỏ tận gốc hành vi độc quyền. Tuy nhiên, với lợi thế về quy mô, những công ty lớn có thể thu thập dữ liệu và gia tăng sức mạnh cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu.

Hơn 700 năm từ chuyến đi của thương nhân Italy Marco Polo đến Trung Quốc với kỳ tích tiền giấy, đất nước tỷ dân lại có một câu chuyện khác để kể với thế giới. Thậm chí, các công ty công nghệ nước này có thể một lần nữa tạo ra cuộc cách mạng mới về tài chính. Nhưng lần này, Bắc Kinh có một nhiệm vụ phức tạp hơn.

"Bắc Kinh cần thật cẩn thận trong việc cân bằng giữa tham vọng dẫn đầu công nghệ toàn cầu và mục tiêu điều tiết lĩnh vực công nghệ trong nước", ông Triolo cảnh báo.

Thảo Cao
Đồ họa: Như Ý

Theo Zing

https://zingnews.vn/dang-sau-cuoc-doi-dau-giua-bac-kinh-va-cong-ty-tai-chinh-cua-jack-ma-post1153722.html