Đằng sau sự nổi lên của một nữ đại gia điện gió

22/10/2021 07:51

Cựu Phó TGĐ Aqua City Dương Quỳnh Hoa nổi lên nhanh chóng vài năm trở lại trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với sự thu xếp vốn của Ngân hàng OCB.

Screen Shot 2021-10-19 at 6.46.01 PM

Ảnh: Internet

CTCP Phong điện Ia Pết Đak Đoa số Hai vừa công bố phát hành thành công lô trái phiếu mã IP2CH2126001 kỳ hạn 5 năm có giá trị 448 tỷ đồng. Lãi suất 2 kỳ đầu là 9,25%/năm, các kỳ tiếp theo bằng mức tham chiếu cộng biên độ 3%/ năm.

Mục đích phát hành để thực hiện dự án điện gió Ia Pết - Đăk Đoa 2 có công suất 99MW tại Gia Lai. Dự án cũng là tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu.

Dự án có tổng mức đầu tư 3.610 tỷ đồng, trong đó ngoài 448 tỷ đồng trái phiếu, vay tín dụng ngân hàng 2.706 tỷ đồng, vốn tự có 788,5 tỷ đồng.

Theo phương án phát hành trái phiếu, trong 5 năm 2022-2026, dự án có doanh thu dự kiến 2.869 tỷ đồng, gồm 2.605 tỷ đồng bán điện và 264 tỷ đồng cho thuê trạm truyền tải. Chi phí thuế là 340 tỷ đồng, lãi vay phải trả là 1.092 tỷ đồng. Dòng tiền thuần dự kiến ở mức 1.316 tỷ đồng vào cuối năm 2026.

Bên thu xếp cho đợt phát hành là CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) - Chi nhánh Hà Nội.

Dự án đang đề cập nằm trong cụm điện gió Ia Pết – Đak Đoa 1 và Ia Pết – Đak Đoa 2, được UBND tỉnh Gia Lai chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 8/2020, các doanh nghiệp dự án là CTCP Phong điện Ia Pết Đak Đoa số một và CTCP Phong điện Ia Pết Đak Đoa số hai. Tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu của cả 2 dự án là 7.700 tỷ đồng, khởi công trước tháng 5/2021 và vận hành trước tháng 10/2021.

Vào tháng 3/2021, bộ đôi dự án này được điều chỉnh, giảm vốn đầu tư về còn 3.695 tỷ đồng với Ia Pết – Đak Đoa 1 và 3.636 tỷ đồng với Ia Pết – Đak Đoa 2.

CTCP Phong điện Ia Pết Đak Đoa số một được thành lập ngày 10/7/2020, có vốn điều lệ 789 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập gồm: CTCP Công nghệ Tài nguyên Năng lượng IA Pết Đak Đoa (IA Pết Đak Đoa) góp 631,2 tỷ đồng (80%), CTCP Công nghệ Tài nguyên Năng lượng 118,35 tỷ đồng (15%), bà Dương Quỳnh Hoa 39,45 tỷ đồng (5%).

Còn CTCP Phong điện Ia Pết Đak Đoa số hai được thành lập ngày 8/7/2020 với vốn điều lệ 738 tỷ đồng, do 3 cổ đông sáng lập là CTCP Phong điện IA Pết Đak Đoa Gia Lai góp 590,4 tỷ đồng (80%), CTCP Công nghệ Tài nguyên Năng lượng 110,7 tỷ đồng (15%), bà Dương Quỳnh Hoa 36,9 tỷ đồng (5%).

Cả IA Pết Đak Đoa và IA Pết Đak Đoa Gia Lai đều là công ty con của CTCP Công nghệ Tài nguyên Năng lượng (viết tắt TRE). 

Theo tìm hiểu, TRE được thành lập vào cuối năm 2015, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực xuất bản phần mềm.

Ở thời điểm ban đầu, công ty này có số vốn điều lệ đạt mức 56 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm 3 cá nhân là Đỗ Cao Huy (80%), Đỗ Quang Hưng (10%) và Mai Hoàng Vũ (10%). 

Đến tháng 9/2017, cả 3 cổ đông này đồng loạt thoái vốn, cùng với sự xuất hiện của bà Dương Quỳnh Hoa với vị trí Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật, đánh dấu sự đổi chủ ở TRE. Từ đây, TRE tăng vốn nhanh chóng, lên 300 tỷ đồng và lên tới 1.625 tỷ đồng vào cuối năm 2019.

Trong năm 2020, TRE thành lập một loạt pháp nhân trong lĩnh vực điện tái tạo với quy mô vốn rất lớn, như CTCP Công nghệ Tài nguyên Năng lượng Tây Nguyên (vốn 980 tỷ đồng), CTCP Công nghệ Tài nguyên Năng lượng Hà Tĩnh (vốn 450 tỷ đồng), CTCP Phong điện Tân Yang Đak Pơ (vốn 636 tỷ đồng)...

Không chỉ năng lượng tái tạo, TRE cũng bày tỏ sự quan tâm lớn tới lĩnh vực bất động sản. Đầu tháng 3/2021, doanh nghiệp này đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, đề xuất đầu tư dự án Bắc Giang River Park có diện tích lên tới 285ha tại xã Tân Mỹ, TP. Bắc Giang.

Định danh nhóm chủ TRE

Sự nổi lên của TRE chỉ trong thời gian ngắn vừa qua thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư. Thân thế của bà Dương Quỳnh Hoa cùng nhóm chủ mới TRE, bởi vậy, cũng là thông tin được quan tâm.

Theo tìm hiểu, bà Dương Quỳnh Hoa sinh năm 1978, vào cuối thập niên 2000 từng công tác tại CTCP Thành phố Aqua (chủ đầu tư dự án Aqua City hiện nay được Novaland mua lại) với vai trò Phó TGĐ.

Hiện nay, thân mẫu của bà Hoa - bà Dương Phi Nga, chồng bà - ông Lâm Ngọc Quang hay anh trai của bà - ông Dương Quang Trực hiện đều đang công tác tại TRE và thay nhau đứng tên cổ đông tại các doanh nghiệp thành viên.

Chẳng hạn, tại CTCP Công nghệ Tài nguyên Năng lượng Gia Lai có vốn 980 tỷ đồng, bà Dương Quỳnh Hoa góp tới 90%, ông Lâm Ngọc Quang và bà Dương Phi Nga chia đều 10% còn lại; hay tại CTCP Phong điện Tân Yang Đak Pơ có vốn 636 tỷ đồng, TRE đóng vai trò công ty mẹ, sở hữu 80%, bà Dương Quỳnh Hoa có 15%, còn ông Lâm Ngọc Quang có 5%...

Tại CTCP Phong điện Ia Pết Đak Đoa số Hai - chủ đầu tư dự án điện gió cùng tên của TRE đang triển khai xây dựng, bà Dương Quỳnh Hoa vào tháng 6/2021 đã nhường lại vị trí TGĐ cho một doanh nhân họ Dương khác, là ông Dương Quang Can (SN 1964). Cùng thời điểm, doanh nhân gốc Ninh Bình này đã nhận chuyển nhượng 7,38 triệu cổ phần tại doanh nghiệp dự án này, với giá trị theo mệnh giá lên đến 73,8 tỷ đồng.

Trước khi gia nhập TRE, ông Dương Quang Can có gần 10 năm công tác, với chức vụ gần nhất là Phó Phòng bảo vệ tại Nhà máy Đạm Ninh Bình.

Tại CTCP Công nghệ Tài nguyên Năng lượng Tây Nguyên có vốn 980 tỷ đồng, thành lập tháng 3/2020, ngoài bà Dương Quỳnh Hoa góp 80%, thì có nhà đầu tư cá nhân Đinh Quang Tri sở hữu 10%, tương đương 98 tỷ đồng theo mệnh giá. Ông Tri có 24 năm gắn bó, trong đó 21 năm làm Phó TGĐ EVN, cho tới thời điểm nghỉ hưu vào giữa năm 2019.

Quá trình đi lên của TRE cũng mang đậm dấu ấn của Ngân hàng OCB, với vai trò là nhà tài trợ tín dụng cho cả 2 dự án điện gió Ia Pết – Đak Đoa 1 và Ia Pết – Đak Đoa 2.

OCB cũng là nhà băng "hứng thú" trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. OCB đã thu xếp lô trái phiếu 500 tỷ đồng để CTCP Bất động sản Hướng Việt mua lại Nhà máy Điện mặt trời Hàm Kiệm 1 có công suất 46MWp tại huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.

Bất động sản Hướng Việt, nên biết, là công ty gia đình của Chủ tịch OCB ông Trịnh Văn Tuấn.

Theo Hữu Bật - Văn Dũng/Nhà đầu tư
Bạn đang đọc bài viết "Đằng sau sự nổi lên của một nữ đại gia điện gió" tại chuyên mục Tài chính.